CHƯƠNG 20: SỐNG VUI TUỔI GIÀ (tiếp theo và hết)

Giao lưu cộng đồng
               Tôi nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể, tổ chức ở địa phương: đảng viên chi bộ Đảng cơ sở, hội viên hội khuyến học, hội chữ thập đỏ, chi hội phụ nữ. Tôi sang tuổi 64 nhưng vẫn tham gia đội văn nghệ của thôn, còn dẫn chương trình nữa. Chưa hết, ba năm trời ròng rã, tôi đi nằm giường mát sa nhiệt Migun để được hỗ trợ chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Thi thoảng dự thi về máy, thi hát, tôi được thưởng các vòng đá đeo cổ đeo tay cho ion âm hội nhập cơ thể. Tôi tập Tĩnh khí công ý thức của thầy Nhật Quang Tử Hoàng Vũ Thăng khiến cho có thời bệnh chóng mặt và say xe phải cúi đầu, lâu lâu được thầy đưa lên Côn Sơn tha hồ lĩnh khí tiên thiên giữa một vùng núi địa linh và thầm mơ xuất vía đi tìm MQ thân yêu ở nơi nào xa lắc. Tôi tham gia đoàn Nghệ thuật Cựu Pháo binh Hà Nội được thầy giáo nhạc sĩ Nguyễn Trọng dạy và sinh hoạt với anh chị em trong đoàn, vừa cất cao lời ca tiếng hát vừa được ăn quà chiêu đãi nhau, lại nhảy nhót chachacha, tango, boston, valse theo tiếng đàn lúc rộn rã, khi tha thiết trầm hùng bay bổng của thầy với nhiệt tình xưa nay hiếm; thi thoảng được đi biểu diễn ở Bộ Tư lệnh pháo binh xúng xính trong quân nhân trang phục. Mới đây, thầy còn cho tập điệu múa “Cô gái Pa Kô” khiến đêm ngủ lơ mơ tôi luôn thấy mình đeo gùi chạy xuống núi. Tôi sinh hoạt câu lạc bộ thơ Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, câu lạc bộ thơ “Thông reo” và được đọc thơ mỗi kì. Có khi hứng chí thì tôi ngâm ư ử bài thơ của mình mà không biết đang buồn hay đang vui nữa.
               Tôi gắn bó chặt chẽ với hội cựu học sinh trường Cộng hòa Kiến Thiết (lớp 7A, 7B), năm nào cũng gặp nhau ít nhất một lần, hát hò, chè chén tưng bừng. Tôi thường “rặn” ra ít câu thơ như vè, dăm ba câu hát tự biên tự diễn cũng trầm cũng bổng lay động tình người ra trò, và hí hí cười với các bạn (đáng là anh chị mình) rằng, tôi mới qua “tuổi dậy thì” được ba, bốn năm chứ mấy!:
”Sáu mươi là tuổi dậy thì
Bảy mươi mới tuổi bước đi vào đời
Tám mươi sang tuổi ăn chơi
Chín mươi hi vọng nghỉ ngơi an nhàn!!!”
                Tôi chẳng bao giờ lãng quên các bạn học chung thời cấp ba, nên cứ hội trường là tót xe máy đỏ sang Từ Sơn hội ngộ, và cái thành phần đã từng nhập ngũ cực kì đông đảo khiến tôi lại bồi hồi liên tưởng đến chồng mình năm nào.
                Bạn đại học thì ở quanh Hà Nội là chính. Chúng tôi thi thoảng gặp nhau hoặc chuyện qua điện thoại. Trong số các bạn nữ, chị Ái Thơ ở Sài Gòn, lần nào vô Nam, nếu rảnh là tôi có ghé thăm, hoặc chị ra Hà Nội thì tôi và các bạn có thể hẹn hò. Hải Vân từ ngày ra trường, đi dạy ít năm rồi sang Liên Xô, mấy chục năm mất liên lạc, đến khi tìm lại được nhau thì bạn đã lâm bệnh nặng. Suốt bốn tháng trước khi bạn mất, tôi thường xuyên thăm bạn, đến tất cả các bệnh viện bạn điều trị để an ủi, động viên, nhưng bạn không qua được và tôi chỉ còn biết ngậm ngùi chia tay bạn tại nơi hỏa táng cuối cùng. Bây giờ, gần gũi nhất còn lại: Kim Chi, Hoàng Hiền và tôi. Cái bộ ba hay hát năm nào nơi sơ tán nay tóc đã đổi màu. Hoàng Hiền vẫn ở một gian phòng trong ngôi nhà cổ của làng Yên Hòa cũ. Giống tôi, bạn đã về hưu; nhưng khác tôi, bạn không phi xe máy để vi vu được. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, Hoàng Hiền và tôi là đôi bạn duy nhất trong đời tôi, sinh nhật năm nào cũng đến với nhau khi thì trao cho nhau bó hoa hồng đẹp mà giản dị, không cần gói bọc giấy mầu, khi thì tặng nhau một món quà nhỏ làm kỉ niệm, để nhớ rằng chúng mình không bao giờ quên nhau. Còn Kim Chi, nàng vẫn dịu dàng duyên dáng không chấp tuổi già nhìn ngó, sống đẹp với đời và trong mơ mãi hạnh phúc bên người chồng yêu quí - anh Nguyễn Văn Đạo, Giáo sư Viện sĩ, đã đi xa. Chúng tôi thường gọi điện cho nhau, khi thì rủ nhau lên thăm khu sơ tán cũ, lúc lại ngồi bên nhau thưởng thức những bài ca Nga đầy mê hoặc và nhâm nhi nhiều loại bánh Kim Chi tự làm.
               Vụ Kĩ thuật nơi tôi về công tác từ những năm đầu, nay không còn nữa, nhưng chúng tôi khi đến chia buồn trong một đám tang nào đấy, vòng hoa bao giờ cũng vẫn đề “Vụ Kĩ thuật….(cũ) kính viếng”, để nói lên rằng chúng tôi còn muốn níu kéo một thời sát cánh bên nhau đầy kỉ niệm. Anh Quy, Sếp cũ của tôi không ở lại cơ quan đến cùng, anh chuyển sang Văn phòng Chính phủ, và cuối đời lâm trọng bệnh kéo dài trong nhiều năm. Suốt bao nhiêu năm, tôi luôn ghé thăm anh, mừng tuổi anh cứ mỗi lần Tết đến, và để động viên an ủi anh. Lần nào anh cũng khóc như một đứa trẻ, anh bị biến chứng đáy mắt, nhìn lờ mờ và chỉ nhận ra tôi qua giọng nói. Còn tôi, lúc nào cũng nhớ như in, khi anh còn sống, cả khi anh đi xa tới nay cũng 4, 5 năm rồi, một dòng chữ viết nghiêng cẩn thận trên phong bì phúng viếng MQ thuở nào “Hãy nghĩ đó là số phận! Mình mong Thư vượt lên và làm nốt những gì MQ làm dang dở…”. Anh Nguyễn, người tìm ra sự vô lí để đưa tôi đi nước ngoài lần đầu tiên, cũng là vị lãnh đạo đưa tôi trở lại đúng nghề, cũng không còn nữa. Tôi đã làm một bài thơ giản dị trong ngày đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, và ân hận vì đã không biết anh ốm nặng để tới thăm trước lúc anh đi xa.
                 Với cơ quan cũ, tôi đang tham gia ban liên lạc những người hưu trí. Cứ mỗi lần họp mặt trước tết chuẩn bị đón Xuân, tôi lại lạm dụng ngay cái Micro để kịp hát một bài ca vui vui gì đấy, có khi là nghiêm chỉnh, có khi là nhạc chế, có khi là tự biên tự diễn đủ để gây xúc cảm cho những đồng nghiệp có bản lĩnh nhưng lại yếu mềm. Năm nào vào dịp này, tôi và mấy đồng nghiệp cũng được Vụ nghiệp vụ nơi tôi công tác ba năm trước khi chuyển về Trung tâm Máy tính, mời dự liên hoan tất niên, chụp hình kỉ niệm và tặng quà thật tình cảm.Trung tâm chúng tôi, hội về hưu cũng hay gặp nhau ngoài đời lắm, khi thì hiếu, hỉ, thăm nhau ốm đau nằm bệnh viện, khi thì vì một nỗi nhớ nhau bất chợt vu vơ. Còn họp mặt trước tết thì khỏi phải nói, các “cụ hưu” hể hả say sưa, chuyện trò như chưa bao giờ được kể lể trong đời.
               Mấy năm trở lại đây, tôi và Mùi, cô bạn nhỏ thân thiết hè nào cũng ké theo hội hưu của Công đoàn Viên chức Việt Nam đi nghỉ mát ở Sầm Sơn. Hai chị em ở gần nhau gắn bó với nhau trong nhiều sinh hoạt vui khỏe có ích, hàng năm còn “đàn đúm” với các “bạn gái thuở cơ quan thời” nữa chứ: chị Loan, Lượt, Sức, Châu, Chiến,...để ngồi bên nhau mà “ăn to, nói lớn” và cười ha hả.
             Tôi vẫn đang sống thanh thản, không đến mức chỉ là tồn tại. Để giữ sức khỏe cho mình, tôi đang đi bộ đây, lúc nào bệnh có vẻ dâng lên cao trào thì đi 12 km một ngày, khi nào bệnh lui thì nhẩn nha một vài cây số. Trên đường đi bộ, tôi tranh thủ hái những nhánh hoa dại mang về cắm vào chiếc bình dung dị cho MQ ngắm nữa. Trong giường tôi, có đủ các loại dùi, như dùi đánh trống nhiều cỡ, tôi dùng chúng để day vào ít huyệt hoặc dùi vào khắp thân thể cho máu huyết lưu thông, do con rể sáng ý tìm ra và hướng dẫn. Hàng ngày tôi uống bốn lần, mỗi lần một cốc 400 ml, nước nguội pha một thìa dấm táo một thìa mật ong, uống một viên đa sinh tố chất khoáng tổng hợp, một viên Canxi D nhỏ. Sáng dậy, tôi uống một ly nước tiểu rồi xúc miệng bằng một thìa canh dầu dừa trong 20 phút, do Dì của bạn Cành Lan trắng mách bảo. Chỉ như vậy, tôi cố tình tránh né dùng thuốc tây, và cảm thấy ổn. Tôi đã chụp mạch vành cắt 64 lớp và chẳng có mạch nào bị hẹp cả, trước sự ngạc nhiên của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Tôi sống vui bên con cháu và không ngại giao lưu bạn bè. Khi nào có gì bất ổn thì lại thắp nén hương gọi MQ, thế là nỗi buồn tan biến.
              Lâu lâu tôi phi xe máy về quê tới nghĩa trang của làng, thăm mộ những người thân, làm cỏ cao lút đầu người, nhiều lần đang làm thì mưa lớn ập xuống, hình như ông Trời muốn thử thách tôi. Tôi vô tư vừa làm vừa khấn gia tiên phù hộ và cảm thấy có sức khỏe lạ kì. Tuy nhiên, về lại Hà Nội một vài hôm là bị cảm ngay. Hàng năm có ngày giỗ tổ họ Bùi, anh chị em chúng tôi cùng con cháu lại về quê khấn khứa mời các cụ về nhà cháu ngoại họ Bùi (nơi thay phiên nhau đăng cai). Chị em chúng tôi đã góp tiền vào quĩ do me tôi sáng lập, để hằng năm, có tiền lãi tiết kiệm mà làm giỗ. Giỗ bố, mẹ đẻ, rồi giỗ me từ lâu nay đều làm tại nhà tôi, cũng do mấy chị em đóng góp chung. Từ năm nay, giỗ bố tôi sẽ làm tại nhà cháu đích tôn, tức là Miên, con trai em Vinh để cháu quen dần việc hiếu nghĩa sau này. Rất mừng là cháu dâu tôi cực kì đảm đang, nhanh nhẹn, có khả năng chủ trì làm cỗ ngon hơn nhiều so với mấy bác mấy cô cổ lai hi chúng tôi, đúng là “con hơn cha là nhà có phúc”, chắc bố tôi ở nơi xa cũng yên lòng.

Tình anh chị em. Yêu thương con cháu
              Gia đình bé nhỏ của tôi năm xưa nay thành đại gia đình rồi. Ngân Hương, con gái rượu của bố MQ vừa kịp sinh con thứ hai để tôi trở thành nhân vật số 13 trong gia đình. Thời gian trôi nhanh quá thôi. Mới ngày nào bốn năm về trước, Hương sinh con trai đầu lòng. Khi bé mới năm tháng tuổi, mẹ con tôi đã cho cả bé vô Sài Gòn để đưa tang bác Thơ, anh cả của chồng tôi. Anh chồng tôi mất đột ngột vì một tai nạn giao thông, khiến cả nhà đau sót thương tiếc. Ngày ấy, mấy anh em chỉ còn lại anh Hồng, đang rất yếu run rẩy đứng lên đọc lời điếu và cảm ơn. Để rồi hai năm sau, anh Hồng cũng về nơi vĩnh hằng, đoàn tụ với cả gia đình chồng tôi, chỉ trừ lại ba chị em dâu: chị Nhã (vợ anh Hồng), chị Lý (vợ anh Quảng), và tôi là chưa đến cõi. Chúng tôi đang chứng kiến các con cháu họ Hồ lớn lên, ngậm ngùi vì bốn anh em chồng tôi không một ai thật thọ. Tôi không thể quên buổi tâm sự cuối cùng giữa anh Hồng và tôi qua điện thoại khi anh yếu lắm. Tôi đã “nói trước”, động viên anh, hẹn sẽ vào thăm anh, nhưng “bước không qua”, tôi bệnh nên chỉ Tuấn vào đưa tiễn Bác, và mới đây vô Sài Gòn dự lễ thành hôn con gái của anh Thơ, tôi mới lại thắp được nén nhang cho hai anh, ngậm ngùi.Tôi cũng lặng nhìn tấm di ảnh của chị dâu tôi, chị ra đi còn sớm hơn cả anh Thơ nữa.
             Nghĩ đến nhà mình, bây giờ còn có ba chị em tôi, chị Hiền Trang, chị Thùy Trinh và tôi. Chỉ có chị cả là còn đầy đủ vợ chồng và hạnh phúc. Tôi ước mong anh chị giữ được sức khỏe, sống vui cùng đàn con cháu trưởng thành, là nơi chúng tôi trông cậy mỗi khi cần làm việc lớn ở quê, cần chăm lo mồ mả gia tiên họ Bùi, mỗi khi tiếp đón những người thân từ phương xa trở về hội ngộ. Tôi ước mong chị Thùy Trinh luôn khỏe mạnh và an lành, sống vui cùng con cháu, tốt cả việc đạo đẹp cả việc đời, là chỗ dựa cho mọi người khi tìm đến chốn tâm linh tỏ bày hiếu nghĩa. Tôi cầu mong và tin rằng chị em mình sẽ thương yêu nhau mãi mãi.
             Trở về gia đình riêng của tôi, may rủi sao không biết, tôi vui vẻ nhận lấy con số đặc biệt, con số 13 sau mười hai con số dành cho ba cặp vợ chồng con cùng hai cháu nội, bốn cháu ngoại của mình, để MQ chồng tôi là con số 14 bình dị mãi còn đi theo tôi, che chở. Tôi hoàn thành cuốn hồi ký của đời mình trong lúc chạy qua chạy lại, cả cháu nội và cháu ngoại đây.
                Tôi vẫn đang ngây người nhìn Phúc Hoàng (Chip), Diệp Cầm (Bip) (con của vợ chồng Thanh Hoa) lớn nhanh như thổi, với dáng vẻ ngây thơ nhưng vô cùng “cụ non”, không bao giờ thích bà ngoại kể chuyện học Toán nhất lại là kể thành tích của mình, vẫn nhìn trộm Diệp Cầm viết vẽ truyện tranh tự cười như nắc nẻ, nhớ những ngày hè năm xưa chuẩn bị vào lớp 1, cháu về ở với bà ngoại một tháng, bà giúp cháu ghép vần, tập đánh tiếng Việt và chat trên máy tính, cháu nhanh nhẹn một cách chắc chắn và hay xấu hổ trông mới ngồ ngộ làm sao. Tôi vẫn thích trò chuyện với con gái Thanh Hoa của tôi, một đứa con lúc nào cũng sẵn sàng có “giải pháp” để khắc phục khó khăn - cho mình, và cho những người thân, lúc nào nét mặt cũng tươi rói mặc dầu bị vỡ cả xương mâm chày trong một tai nạn giao thông bất chợt; thích nghe Quang Anh nhiệt tình hướng dẫn mẹ vợ chữa bệnh bằng những chiếc dùi gỗ đơn giản mà thần kì, và cảm phục những suy nghĩ sâu xa đầy tình nghĩa của con rể.
                Tôi đang tranh thủ bồi dưỡng thêm cho bé Diệu Ngân (Tít) mấy bài toán, lụi hụi tra tìm thông tin nhờ Google để trả lời những câu hỏi ngây thơ của cháu nội mà tôi bị tịt mít. Nghĩa là, tôi giúp cháu còn vì chính bản thân để khỏi lãng quên, và lấp chỗ trống rất thiếu hiểu biết của mình từ một thời xa xưa bận rộn. Tôi đang lắng nghe lời thủ thỉ của Thúy Hậu (Mít) về đủ thứ chuyện cháu kể và hỏi trên đường mỗi khi bà nội đón về từ lớp mẫu giáo; và mỗi lần cháu khóc lóc chuyện gì, chỉ cần bà nội xoa xoa vào lưng bảo:”Con ngoan, con nín ngay nào, bà yêu con nhé” là bé lại gật gật đầu, cười tủm tỉm mà nước mắt còn lưng tròng. Tôi đang bật cười vì lối nói chuyện khôi hài (ảnh hưởng từ bố MQ) của Anh Tuấn, vừa khen vừa chê sự hào sảng xen đôi chút vô tâm, nhưng cũng phải thừa nhận những gì sâu sắc ẩn trong cái vẻ bên ngoài vô tư của nó. Tôi đang gần gũi yêu thương hơn với Song Hương rất mực chịu khó, nàng dâu duy nhất của tôi và vì là mệnh “Tích lịch hỏa”, nên tôi thông cảm với sự nóng nẩy hi hữu của cặp vợ chồng tuổi “Hổ” này. Tôi hạnh phúc an lòng khi các con chăm chỉ chân tình chăm sóc người bệnh.
                 Tôi vẫn đang mê mải ôm chặt trong tay Anh Quân là bé Sâu dễ thương (con của vợ chồng Ngân Hương), vừa trải qua một cuộc phẫu thuật đầy nguy hiểm, mà khi mới trở dậy đã nhảy nhót hiếu động liên hồi, để khi tôi bực quá quát cháu ngồi yên nằm yên, thì cháu đã nhìn thẳng vào mắt bà ngoại và hát một mạch “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm….” tới hết bài, khiến tôi phì cười mà phải nín nhịn khỏi mất thiêng; rồi mỗi lần cháu nhắc điện thoại gọi tôi, câu mở đầu bao giờ cũng là: ”Bà ngoại ơi, con yêu bà!”. Và đây, tôi đang ngắm Thùy Anh (Dế), cháu ngoại bé nhất hôm nay vừa tròn một tháng tuổi, đang vừa ngủ vừa rướn cho mau lớn, nhíu mắt nhíu mày mơ màng trong những thổn thức dễ thương và nụ cười thật tươi bà mụ dạy… Tôi thương và sẽ còn thương đến cháy lòng Ngân Hương, “con gái rượu bia” của bố MQ mà tính cách và lối suy nghĩ của con khiến tôi luôn nể trọng. Tôi cảm động vì những lời hỏi thăm và cử chỉ chăm sóc đầy tình cảm của Việt Phương và thương con rể ngày đêm tận tụy trong lao động phát triển phần mềm của một ngành công nghệ non trẻ đầy sáng tạo.
               Chiếc đồng hồ lồng bức tranh lớn tự tay Ngân Hương thêu tặng tôi mừng sinh nhật đang thong thả rõi theo dòng thời gian, mà ở đó tôi mãi yêu thương tất cả…

LỜI KẾT
Mỗi người đều trải qua cuộc đời với những thăng trầm của mình. Tôi cũng vậy. Thường thăng khiến ta vui, trầm khiến ta buồn, nhưng với tôi thăng trầm gì tôi đều rơi nước mắt bởi tính đa sầu đa cảm dị kì. Nhưng tôi trân trọng và gìn giữ những nụ cười bình dị từ chính sự thăng trầm ấy, và với tôi, lòng tin ở cuộc đời, ở con người sẽ còn mãi mãi…Tôi viết truyện đời mình, theo cách nhìn, nhận thức, trải nghiệm của cá nhân, viết vì người chồng và các con thân yêu đã cùng tôi đi trên những nẻo đường phải rơi nước mắt để mãi còn lại nụ cười, và dự định sẽ hoàn thành trước ngày giỗ MQ lần thứ hai mươi. Tôi hi vọng, khi lật từng trang hồi kí, bạn có thể bắt gặp ở đâu đó một vài cảnh tượng, nhân vật, cách hành xử, từa tựa như chuyện xảy ra trong đời bạn, thì chính là lúc tôi may mắn được sẻ chia những đồng cảm và tâm tư sâu kín với bạn. Còn nếu bạn lại bắt gặp những gì trái với nghĩ suy của bạn, những tình tiết chưa đúng chưa chính xác theo nhãn quan của bạn, thì xin hãy thông cảm vì cứ như thiển ý của tôi, sự khác nhau trên đời này phần lớn phụ thuộc vào thông tin, vào những góc nhìn không giống nhau của con người. Tôi vô cùng hạnh phúc nếu nhận được những góp ý bình luận của bạn đọc. Khen hay chê đều là rất quí bởi điều quan trọng là bạn đã dành một phần thời gian quí báu của mình đọc hồi ký này.
Xin được gửi cuốn Hồi ký “Nước mắt và nụ cười” tới cả linh hồn các đấng sinh thành dưỡng dục tôi, tới ba má chồng tôi, tới Minh Quang chồng tôi và những người thân trong họ tộc nội ngoại, bạn bè của tôi nơi thế giới bên kia xa xôi nhưng thật gần gũi.


Hà Nội, những ngày cuối năm 2011
Bùi Thị Kim Thư
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét