CHO NHAU NỤ CƯỜI



 VAI DIỄN CUỐI CÙNG


Có một diễn viên già đã về hưu, sống độc thân. Mùa hè năm ấy, ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em ông là giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng.
Ở đó, chiều nào ông cũng thấy một cậu bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Cậu bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ ầm ầm lướt qua thung lũng. Cậu bé vụt đứng dậy và háo hức đưa tay vẫy với hy vọng mong manh rằng có một hành khách nào đó vẫy lại chú.
Nhưng hành khách – mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường – chẳng ai để ý vẫy lại cậu bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy cậu bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của cậu bé, tim người diễn viên già như thắt lại.
Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.”
Và một ngày kia, người em thấy ông anh diễn viên giở chiếc vali hoá trang của ông ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm lên tàu đi ngược lên ga trên.

Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…”
Tàu đi ngang qua thung lũng có cậu bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại cậu bé. Ông thấy cậu bé mừng cuống quýt, nhảy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa, người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai diễn cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không lời thoại, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho cậu bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và cậu bé sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
Và, khi bạn nhận chân ra được khái niệm “sân khấu cuộc đời”, niềm vui của bạn sẽ tăng lên gấp bội, và dĩ nhiên nỗi buồn của bạn sẽ vơi đi rất nhiều.
 

GIÁO SƯ VÀ MẸ GIÀ

Khi còn học ĐH, một lần đi thực tập trở về, chúng tôi dẫn cả nhóm về nhà giáo sư liên hoan …
Sau khi buổi tối vui vẻ kết thúc, trên bàn mâm chén bày la liệt. Mấy bạn học muốn mang đi rửa, giáo sư vẻ mặt tươi cười ngăn lại nói: “Đừng vội, có người rửa đây này!”.
Giáo sư đem chén đũa bỏ vào bồn nước, trước tiên dội hết dầu mỡ, sau đó nhẹ nhàng đến bên người mẹ già 70 tuổi nói: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”
Học sinh chúng tôi bỗng dưng thấy quá đỗi bất ngờ…
Bình thường ông là một giáo sư thanh tao, nho nhã, sao lại có thể đối đãi với người mẹ đã cao tuổi như vậy?
Chỉ thấy bà cụ thay đổi hẳn nét ủ rũ nãy giờ trên bàn ăn…
Khuôn mặt rạng rỡ, bà đi đến bên cạnh bồn rửa chén, chậm rãi rửa chén, mất khoảng nửa giờ mới rửa xong.
Giáo sư vui vẻ nói với bà cụ: “Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!”
Ông cầm khăn mặt, lau tay cho mẹ.
Sau khi giáo sư đưa mẹ về phòng, lại quay vào bếp, đem chén ra rửa một lần nữa.
Giáo sư nhìn lũ học trò chúng tôi, khi ấy còn đang kinh ngạc không hiểu gì, nói: “Làm mẹ thì lúc nào cũng muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù già rồi, nhưng trong mắt mẹ, con mãi mãi cần sự nâng đỡ của mẹ. Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ, một ngày trôi qua sẽ thấy rất phong phú và ý nghĩa. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta”.
Khiến cho người nào đó có cảm giác là người khác còn cần mình, thì họ sống mới có một mục tiêu, có mục tiêu rồi thì cuộc sống mới phong phú và ý nghĩa, lực sống vì thế mà có thể sinh động mạnh mẽ.
Mà trong mắt cha mẹ, con cái mãi là con cái, cho dù các con có trưởng thành rồi, thì người làm cha làm mẹ mãi mãi không bao giờ buông được chúng …
Con cái mãi mãi là khối thịt đỏ hỏn trong lòng cha mẹ, một báu vật trong tay cha mẹ. Chúng ta mãi mãi là nỗi bận tâm mà cha mẹ già không bao giờ buông bỏ được…
Tôi tin câu chuyện có thật…
Câu chuyện này nhận được sự đồng cảm, bởi nó khiến những người ở độ tuổi trung niên liên hệ tới bố mẹ mình, và những bạn trẻ nhớ tới ông bà mình.
“Bà ngoại tôi năm nay 89 tuổi. Mắt bà kém, tai không nghe rõ, nhưng mỗi lần bố mẹ đưa bà về nhà tôi chơi bà đều không chịu ngồi yên đâu, đều muốn giúp mẹ tôi là gì đó như nhặt rau. Lúc đầu mọi người không đồng ý cho bà làm đâu, bảo bà cứ để đấy, bà chỉ việc ngồi chơi, xem tivi thôi, nhưng bà không chịu, cứ đòi làm bằng được. Mọi người đành để bà làm thì bà rất vui. Rau bà nhặt chưa sạch thì mọi người vẫn nhặt lại, nhưng không phàn nàn gì với bà hết” – bạn Quang Anh (Hà Nội) kể.
Chị Hoa Mai (Lạng Sơn) xúc động chia sẻ: “Tôi thấy ngay hình ảnh của mẹ tôi trong bài viết này. Mẹ tôi cũng chỉ thích được làm gì đó, được chăm sóc cho con cái dù chúng tôi cũng đã làm cha, làm mẹ. Từ khi tôi đi làm cho tới lúc có bầu và sinh em bé, chiều nào về mẹ cũng vắt nước cam hay pha một loại nước giải khát nào đó cho tôi uống. Lúc mới đầu, tôi cũng ngại lắm, con gái lớn tướng không pha nước được cho mẹ, lại còn để mẹ “phục vụ” mình, thậm chí còn gắt gỏng “Mẹ cứ kệ con”. Nhưng dần tôi hiểu ra, do sức khỏe yếu phải ở nhà nên mẹ luôn muốn làm việc việc kia dù nhỏ bé để không có cảm giác mình là người thừa thãi, là gánh nặng. Nên tôi thay đổi thái độ, vui vẻ đón nhận sự chăm sóc của mẹ, thì mẹ rất vui. Đên bây giờ, khi mẹ đã không còn, đôi khi tôi vẫn nhớ đến những ly nước mẹ đã pha cho”.
“Tôi nghĩ rằng những người còn mẹ già trên 70 tuổi mới có thể hiểu hết ý nghĩa bài viết này” – anh Nam Hải (Hà Nội) bình luận. “Còn các bạn trẻ đọc câu chuyện này có thể thấy buồn cười không cảm nhận được ý nghĩa. Không nói đâu xa, ngay như con tôi bây giờ ăn xong mà bảo tôi hay mẹ nó thế chắc chắn bị ăn mắng ngay”.
“Nhưng tôi cũng đã từng có những buổi trưa về nhà mẹ, bảo: “Mẹ ơi nấu hộ con bát mì”, ăn xong lại bảo “Mẹ rửa bát cho con nhé”, mặc dù những việc như thế này tôi chỉ “vẩy tay” cũng làm được. Bởi tôi biết, đó là niềm vui của mẹ, khi đứa con trai dù không còn trong vòng tay mẹ như xưa, nhưng nó vẫn thể hiện là cần mẹ từ những việc nhỏ nhất” - Anh Nam Hải tâm sự. “Khiến cho một người có cảm giác người khác còn cần mình, họ sống mới có một mục tiêu, sẽ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và phong phú hơn, sinh lực mạnh mẽ hơn”.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét