TÀO LAO PHÓNG SỰ

VỀ THĂM QUÊ CHỒNG MH - 3


Cựu sĩ quan KQ, cựu chủ tịch Hội CCB và… 

Ngay trên đường về nhà, một phần của kế hoạch được thông qua là sẽ đi thăm một cựu sĩ quan không quân trùng tên với NC. Vì ít tuổi hơn nên để phân biệt hai anh em mọi người thường gọi là C. lớn và C. con. Vị này trước công tác ở Nha Trang nhưng đã xin ra quân từ lâu và hiện nay vợ đang mắc một căn bệnh nan y. Chắc hồi ở NT hai nhà thân nhau lắm nên suốt dọc đường đi MH luôn mồm kể về vợ chồng C con. Cô em còn tiếc cho hắn là về sớm quá đâm khổ. Tôi thầm nghĩ: “Cô đâu có biết câu ca nói về bộ đội thời ấy: “vợ già, nhà dột, con dốt” và trong điều kiện ấy thì “trẻ đòi ra, già muốn ở” là chuyện bình thường. Trẻ nó muốn ra vì hy vọng sẽ làm được một cái gì đó để đổi đời. Còn mấy ông già chỉ biết mỗi nghề cầm súng, giờ muốn làm lại cũng khó nên muốn ở lại cho trót đời. Chắc anh chàng C con này cũng trong hoàn cảnh ấy mà thôi.
Tuy đã đến nhà nhau song cả hai vợ chồng nhà này đều không nhớ rõ con đường đến nhà C con lắm nên phải viện đến bà chị cả dẫn đường. Chị năm nay đã hơn 60 nhưng còn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Lại hay chuyện nữa. Ngồi ghế trước dẫn đường nhưng cứ quay lại sau góp chuyện. Chợt đến một ngã tư, chị quay lên và dõng dạc:
- Rẽ bên này!
Tài xế Q ngơ ngác vì thấy tay chị cứ hươ hươ trước mặt. Cô em dâu đáo để lại phải chấn chỉnh:
- Chị phải bảo rẽ phải hay rẽ trái chứ rẽ bên này lái xe họ biết thế nào mà đi.
Bà chị cười rất vô tư:
- Thì mấy khi được dẫn đường cho ô tô như thế này.
Nói vậy nhưng đến ngã tư sau lại vẫn “Rẽ bên này”.
Nhà C con tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ. Ngôi nhà mái bằng kiểu “một thò, hai thụt, hiên tây, máng thượng” đặc trưng của những năm 80 rất cao ráo chứng tỏ điều kiện kinh tế của chủ nhân cũng không đến nỗi nào. Trước nhà cũng một cái sân gạch rộng. Bên cạnh đó là một vườn hoa nho nhỏ với một ít cây cảnh và cây hoa, nhiều nhất là mẫu đơn chứng tỏ chủ nhân có gu thẩm mỹ kiểu tả- pí- lù. 








C con không ở nhà. Đón chúng tôi là ông bà cụ thân sinh ra anh. Cụ ông đã 80 mà vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Có lẽ cái không khí trong lành ở đây đã làm cho con người ta như thế. Cụ bảo:
- Chắc anh ấy chạy quanh đâu đó thôi. Hồi trước còn làm chủ tịch Hội CCB thì mới bận nhưng năm nay anh ấy nghỉ rồi.
 C con chưa về, bọn tôi tranh thủ đi thăm thú vườn tược. Phần lớn quả đồi trồng vải, những cây vải đã có tuổi thọ vài chục năm. Tiếc rằng năm nay mất mùa. Dưới các gốc vải là mấy đõ ong nhưng thấy ong cũng lác đác lắm, chắc chúng phải đi kiếm ăn xa. Dưới chân đồi là một vạt ruộng - theo lời mẹ C con thì gọi là ao cũng được vì “một vụ lúa, một vụ cá”. 



Một lúc sau, cả C con và vợ mới về. Thế là tíu tít hẳn lên. Một đĩa dưa chuột nhà trồng to ụ cùng mấy lon bia được đặt lên bàn. Tuy nhiên, chẳng ai động đến bia mà chỉ tập trung vào đĩa dưa. Tôi mới lởm được 3 miếng đã thấy hết veo. Hình như TH nhanh tay nhất.
Câu chuyện được mọi người quan tâm nhất là tình hình sức khỏe của vợ C con. Có lẽ do được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng nên mặc dù mắc bệnh nan y song trông cô không đến nỗi nào. Nghe cô nói vẫn đi làm đồng được, chỉ định kỳ về HN kiểm tra và điều trị mà thôi. Thế là phấn khởi rồi. Chúng tôi chúc mừng một cách chân thành, C con bảo:
- Có lẽ ngoài thuốc ở viện thì do nhà tôi còn dùng Thiên Sư và bây giờ là (một cái tên thực phẩm chức năng nước ngoài nghe không rõ) nên mới được như thế.
Nói rồi, anh đưa ra một xấp những tờ giới thiệu về các mặt hàng thực phẩm chức năng và thao thao bất tuyệt về những công dụng của chúng. Tôi, ĐB và TH nhìn nhau: “Tay này đã bị sa vào mạng lưới bán hàng đa cấp rồi. Không chừng lại đã trở thành Hội viên tích cực nữa ấy chứ”. Quả nhiên như vậy. Khi sang nhà NC ăn cơm, C con còn mang theo cả một đĩa hình về TPCN để tiếp thị. Không biết mấy anh chị em nhà NC hôm ấy có ai sẽ trở thành khách hàng không đây? Vậy là bán hàng đa cấp đã len lỏi cả về tận xứ này. TH thì bảo nhỏ MH:
- Lừa lựa mà góp ý cho nó đi. Cứ tin vào cái thứ này rồi thì chỉ tiền mất tật mang thôi. Nếu mà lại là hội viên thì còn vô tình đi lừa cả người khác nữa.
         Còn tôi lại nghĩ: “Ít ra người ta cũng có một cái để gửi gắm niềm tin”.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét