VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ "RIÊNG MÌNH ĐÁ ĐĨA"

Đọc bài viết của cô Sông Thu về bài thơ "Riêng mình Đá Đĩa", tôi đồng cảm sâu sắc với cô về cảm xúc nghệ thuật trước bài thơ. Là người đang sống ở Phú Yên, đã nhiều lần đến gành Đá Đĩa, tôi có cảm giác tác giả đã nói hộ tôi những rung động trước thắng cảnh thiên nhiên này. Xin chia sẻ với Xóm Tri Ân thông tin về tác giả Huỳnh Văn Quốc với những tư liệu "nguyên gốc". Chân thành cảm ơn tác giả Huỳnh Văn Quốc đã vui lòng   làm quen với Xóm Tri Ân qua phần tự giới thiệu rất ngắn gọn mà đầy đủ. Hy vọng dân cư Xóm Tri Ân sớm được nhìn thấy ảnh của tác giả.


LÝ LỊCH
VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC

I/ TIỂU SỬ:

HUỲNH VĂN QUỐC
Sinh ngày: 08-12-1970
Quê quán: xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên
Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên từ năm 1992 đến nay.

II/ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT:

1)   Tác phẩm:

- Bắt đầu sáng tác và có tác phẩm thơ, truyện ngắn được sử dụng trên báo chí từ năm 1991 đến nay
- Năm 1995, xuất bản tập thơ Vòng tay mẹ (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội)
- Năm 2001, xuất bản tập truyện Tiếng vọng ngày xanh (Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội)
- Năm 2003, xuất bản tập truyện ngắn Người mẫu trần gian (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên)
- Năm 2006, xuất bản tập thơ Hát với luống cày (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội)

2)   Các khóa bồi dưỡng, sinh hoạt văn học:

- Là đại biểu chính thức dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 1998.
- Là học viên dự lớp “Bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ toàn quốc 1999” do Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 20-7-1999 đến 20-8-1999 tại Hà Nội.

3)   Giải thưởng:

- Giải B (đồng hạng) về Thơ do Báo Tiền Phong trao tặng năm 1995.
- Giải Khuyến khích tập truyện Tiếng vọng ngày xanh, do Nhà xuất bản Kim Đồng trao tặng năm 2001.



Bối cảnh sáng tác “Riêng mình Đá Đĩa”:

Tháng 7 năm 2006, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Hội VHNT Phú Yên mở Trại sáng tác Văn học nghệ thuật dành cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Tp.Tuy Hòa. Trong thời gian dự trại, Ban tổ chức bố trí cho các tác giả tham quan một số thắng cảnh của Phú Yên: Mũi Điện, Vũng Rô, Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn. Là người Phú Yên, tôi đến Đá Đĩa cũng đã nhiều lần, nhưng vẫn chưa viết được gì về thắng cảnh này. Tôi không biết bắt đầu từ đâu, chọn thể loại nào. Tôi định viết ký, rồi thấy “chất liệu” ít quá, đành chào thua. Lúc ấy tôi chợt nghĩ nên viết một tham luận có liên tưởng từ gành Đá Đĩa cho các hội thảo về sáng tác sau này, với tựa đề dự định: “Từ gành Đá Đĩa, nghĩ về cá tính trong sáng tạo văn học nghệ thuật”. Ý tôi là, thiên nhiên đã có những sáng tạo không lặp lại mình, không “đụng hàng” với bất kỳ đâu, tại sao những văn nghệ sĩ như tôi lại không học được gì từ bài học này của thiên nhiên? Thế là, từ bài tham luận dự tính đó, tôi lại “lái” sang thể hiện thành một bài thơ hoàn chỉnh sau một đêm thao thức. Và tôi thấy nhẹ lòng vì món “nợ” với gành Đá Đĩa đã xong. Trại sáng tác khép lại, tôi “nộp quyển” 2 truyện ngắn và 5 bài thơ, trong đó có bài “Riêng mình Đá Đĩa”, sau này được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tán thưởng và giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006. Tôi không nghĩ đây là bài thơ “đắc địa” gì, nhưng nếu được bạn đọc nhớ đến chắc là do chút “riêng” của gành Đá Đĩa mà thôi.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét