Từ ngày yêu MQ, tôi cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn rất nhiều. Vì yêu bạn, tôi đã làm được thơ. Ngày trước, cố gắng bao nhiêu tôi chẳng làm nổi hai câu thơ lục bát dù là chỉ gieo vần gượng gạo. Thế mà về sau tôi làm thơ hoài, thơ tặng bạn, thơ tặng mọi người. Thơ tôi chẳng hay nhưng làm thật dễ dàng và nhanh lạ.
Tôi sẽ hồi tưởng về tình yêu của mình nhưng trước tiên phải nhớ về cuộc đời sinh viên nơi sơ tán đã, bắt đầu từ năm thứ hai. Chúng tôi đi tàu hỏa lên Thái Nguyên, đi ô tô từ Thái nguyên về Đại Từ rồi đi bộ tiếp đến khu sơ tán. Tôi nhớ mãi khi “hành quân” vào một đêm trăng sáng, qua cầu treo, Thiều, một bạn nam rất vui tính, tếu táo, đứng dạng hai chân và lắc người thật mạnh để cầu bị rung chuyển nhằm trêu bọn nữ nhút nhát. Chúng tôi kêu ầm lên, hắn và bọn nam cười khanh khách. Tôi thấy buồn cười, nhưng hơi sợ. Về sau, tôi tiếc, sao mình không bắt chước dạng chân và lắc theo cho hắn tịt trêu đi. Khi mới lên, chúng tôi ở nhờ tạm nhà dân. Bọn nữ có năm người chia làm hai nhà, và thường qua lại nhau luôn. Chị chủ nhà tôi có chồng là bộ đội xa nhà. Chị còn rất trẻ, chỉ chừng 18, 20, không hơn chúng tôi bao nhiêu tuổi nên dễ sống hòa đồng và thông cảm. Chị thích nghe Chi hát lắm. Chị chủ nhà nhà bên thì hiền lành chất phác, hay cho chúng tôi ăn ké chén cơm gạo mới với cá tép kho tương thật nhừ. Các chị nghèo nhưng rất tốt bụng. Tôi có biết một số việc nhà nông nên ra sức giúp dân khi thì giã gạo, lúc xay lúa, luôn tay quét nhà trên nền đất không mấy bằng phẳng. Các bạn gái lên đây bị ghẻ kềnh càng và rất ngạc nhiên tôi không sao cả.
Chúng tôi ở nhờ dân thời gian ngắn rồi chuyển ra ở riêng, nghĩa là phải tự cất nhà bên sườn đồi. Nam lớp tôi nhiều bạn giỏi và khéo tay lắm, nhất là các bạn quê ở Nghệ An. Vì phải tự làm nhà, nên tôi có dịp học hỏi các bạn để thử sức nào là làm tấm gianh lợp, trộn rơm với bùn trát vách (nhà tranh vách đất mà!), biết thế nào là rui, là mè. Các bạn còn tự đóng những chiếc giường gỗ xinh xắn. Bọn nữ chẳng đóng được giường, nhưng đi rừng kiếm gỗ mang về nhờ các bạn nam đóng cho. Nhà nữ năm người kê năm cái giường. Mùa hè thì ngủ riêng, nhưng mùa đông tôi với Hiền luôn ngủ chật chội trong một chiếc giường cho ấm. Mỗi đứa có một chăn chiên, bỏ ra đắp chung một chiếc, cái còn lại rải ra làm đệm. Có câu “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” vậy mà chúng tôi đương đầu với cái rét Thái nguyên bằng tấm chăn chiên như thế đó.
Lớp học chúng tôi cũng tự làm lấy bằng tranh tre nứa lá, về sau quanh lớp còn đào hầm trú ẩn để tránh máy bay địch, bởi vì tình hình phòng không khu sơ tán ngày càng căng thẳng. Đã có vùng nếm mùi bom, may chưa phải lớp tôi, nhưng chúng tôi đã được thấy thùng xăng thả, được nhìn máy bay rơi xa xa, được sôi sục đắm mình trong cảm giác phẫn uất và vui sướng, nghe bạn mình kể được đả đảo và mục kích tận mắt phi công Mỹ. Rồi một tối trung thu khi trăng lên đẹp lắm, tôi và Hiền đi chợ phiên vừa về, làm cả hai việc một lúc là bày cỗ và phá cỗ, thì đột nhiên có một máy bay địch xoẹt qua ngay gần mái nhà, tiếp đó là ba tiếng nổ to đồng thời chớp lóe sáng, đến mức tôi vội nhìn vào trang truyện “Nền giáo dục sai lầm” đang đọc dở còn xem được ... ít dòng! Tới một giờ sáng, chúng tôi được lệnh tập trung bất ngờ trong khoảng 15 phút, rồi về nhà ngủ, 5 giờ sáng hôm sau vào rừng với đầy đủ hành lí cần thiết, kể cả cơm không thì nguy mất. Rồi suốt ngày hôm ấy, chúng tôi “đóng quân” trên nương sắn của khoa Lý, chẳng biết làm gì cho hết giờ. Trời nắng lắm, người vô cùng mệt mỏi nhưng không đứa nào ngủ được cả. Tới chiều chúng tôi mới được lệnh đẵn một ít gỗ nhỏ mang về, để buổi tối làm thêm hầm và nắp ngay. Mấy ngày sau đó, sáng sớm và chiều tối, cứ đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thì tuyệt lắm, vẫn là những cảnh đẹp nên thơ của núi rừng, nhưng giờ đây có thêm điều lạ là từ khắp các ngả, từng đoàn người xếp hàng một với đủ thứ lủng củng tiến vào rừng hoặc từ rừng đi ra.
Về sau tôi mới được biết, địch đã chụp ảnh toàn bộ khu vực đóng quân của trường chúng tôi dọc suốt theo dãy núi. Trước đó hai ngày, ta bắn được một máy bay, bắt tên phi công mang theo tấm bản đồ trong đó có kế hoạch oanh tạc Kí Phú và Văn Yên, nên tình hình mới khẩn cấp, phải vào rừng là thế. Nếu không có kì tích này thì khu sơ tán chúng tôi đã bị oanh tạc rồi. Kể cũng hú vía.
Vào thời gian này, một nhà toán học Pháp đã sang báo cáo công trình nghiên cứu khoa học tại nơi sơ tán của Đại học Tổng Hợp, chính là lên khoa Toán chúng tôi với ý nghĩa là để hưởng ứng phong trào thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, với nội dung:"Hàm ảo với vấn đề nước thấm dưới đáy công trình". Ngày ấy, chúng tôi mới sang năm thứ hai, chưa biết gì mấy, chứ nhớ lại, tôi thấy mấy anh lớp trên quan tâm lắm, đi nghe báo cáo thật say sưa. Có anh vừa nghe báo cáo khoa học ban ngày, lại vừa viết thư cho tôi với lời mở đầu thật mơ mộng:
”Anh viết thư này giữa ánh khuya
Cỏ cây yên ngủ gió xa về
Anh nhìn mây lướt hồn hiu nhẹ
Như bóng vườn trưa xanh tiếng ve…”
khiến tôi đọc mà tim cũng đập thình thịch, mặc dù chẳng có chuyện gì. Anh ấy là anh của bạn tôi, biết tôi từ ngày còn học cấp ba, nay có dịp lên khu sơ tán nghĩ về tôi hơi xao động một tí thôi, còn tôi thì nhớ bốn câu thơ này nên nhớ sự kiện đặc biệt trên, đúng là trẻ con thật.
Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
(Còn nữa)
Bùi Thị Kim Thư
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét