Me về với tổ tiên
Lâu rồi, tôi mới trở lại hồi ức về me tôi đây. Tôi làm nhà ở Cổ Nhuế, mong me được sống những năm tháng cuối đời sung sướng an vui, và hi vọng me thọ ngoài trăm tuổi, Nhưng không được, me ở nhà mới chỉ hơn 18 tháng đã trở về với tổ tiên. Ở ngôi nhà mới, me thích lắm, chỉ ban ngày là buồn vì tôi đi làm và các cháu đi học. Me hay mang ghế ngồi ngoài cổng để ai đi qua thì chào hỏi chuyện trò tí chút. Thi thoảng me còn chống gậy sang hàng xóm chơi nữa. Có hôm, me dậy thật sớm, ra chậu cây hoa giấy to, tự tay bấm bớt lá, me bảo để nó đâm chồi mới và nở nhiều hoa hơn. Những lần công tác xa nhà mấy hôm, tôi sợ bọn trẻ đi học, vụng về không chăm cho bà chu đáo được, tôi phải đưa me lên anh chị cả, hoặc đưa lên chơi nhà cháu Hoa, khi nào về mới đón me. Nhưng một lần, tôi đi công tác về, vừa mở cửa thì giật mình đã thấy me ngồi trong nhà rồi. Me bảo, “Tôi biết chiều nay chị về, nên tôi về từ trưa. (các cháu đi học đều về nấu cơm ăn, chiều mới học tiếp), tôi tự thuê xích lô về đấy”. Tôi sợ quá bảo “lần sau me để con đón nhé, me tự đi thế lỡ làm sao”. Me cười gạt đi “có sao đâu mà, đi xích lô sướng ghê cơ, tôi suýt không nhận ra Cầu Giấy, bây giờ đổi khác nhiều quá”.
Me tuổi cao lắm, nhưng da dẻ vẫn căng hồng. Mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói của me còn sang sảng. Chỉ khi nào ốm và viêm thanh quản, khản giọng thì me mới nói khẽ. Gọi là ốm, chứ hầu như me không có bệnh, thi thoảng bị cảm tí chút, và nhức đau khớp gối lúc trở trời. Tôi hay mua những thứ me thích. Biết me thích na, lần nào vô Nam, ra sân bay thể nào tôi cũng mua một khay na ngọt lịm mang về, dành riêng cho me. Biết me thích ăn thịt gà, tôi mua gà, mà là gà công nghiệp, cho mềm, và giá cũng mềm nữa nên mới mua thường xuyên. Tôi ngại các cháu ăn nhanh, nên cắt một đùi gà thật to phần riêng cho bà ăn thêm sau. Bà me thường sắn hai bên tay áo, lấy dao cắt mỏng từng lát thịt, rồi chấm muối tiêu hoặc nước mắm ăn ngon lành, kể cả khi đã móm rụng hết răng rồi. Hồi mới chuyển nhà, me còn sắn tay áo rửa bát nữa. Tôi cản thì me bảo rửa cho người nó hoạt động một tí. Bao giờ me cũng là người yêu lao động, chăm chỉ cần cù không ngại việc. Phẩm chất tuyệt vời đó vẫn là của me từ ngày xưa, rất xưa rồi. Có điều bây giờ me già quá mà cứ xăng xái thế thấy tồi tội.
Mỗi lần me mệt, đau chân phải nằm nhiều, trước khi đi làm, tôi chuẩn bị sẵn các thứ như phích nước nóng, bình nước nguội, cốc, thìa, mấy lọ thuốc, bánh ga tô, trái cây…để me uống thuốc và có buồn có đói bụng thì ăn thêm, trưa tôi mới tranh thủ về một lát cơm nước cho me rồi lại đi ngay. Tôi đi về như con thoi, dọn dẹp lầm lũi, ít khi đấm bóp được cho me, trong khi tôi hơi bị đau đầu, là me đã xoa dầu lo lắng cho tôi rồi. Nghĩ lại, thấy mình còn vô tâm, chứ chẳng phải chỉ vì bận. Tôi cứ tự bằng lòng với mình là chuẩn bị đủ các thứ cho me, nhưng thực ra người già rất cần những lời tâm tình, an ủi động viên, những cử chỉ quan tâm săn sóc, những ánh mắt trìu mến, sót thương, mà tôi thì lại không mấy khi thể hiện. Tôi lao vào công việc ở cơ quan mê mải, hay ở lại làm tối, về khuya. Chủ nhật cũng vậy, rất ít khi thảnh thơi. Cơm nước tôi làm qua loa chứ không như ngày còn MQ. Suy cho cùng, nó khiến me tôi và các con tôi chịu thiệt thòi. Cũng may là me còn đọc được kinh kệ nhà Phật, đọc sách truyện chẳng cần đeo kính, hoặc chỉ đeo số 1 thôi, nên đỡ buồn hơn khi con cháu vắng nhà. Để me vui, cứ chủ nhật nào không phải đi làm, là tôi chở me trên xe máy DD đỏ đi chơi, đến chùa Quán Sứ, đến nhà cháu Hoa, hoặc đến các chị. Chở me thì không ngại lắm, nhưng ngại nhất là phải kèm thêm chiếc gậy. Kể cũng nguy hiểm, nhưng tôi ngỏ ý thuê xích lô (ngày ấy chưa nhiều taxi) là me không chịu, me chỉ thích tôi chở bằng xe máy cho mát, và ngắm đường phố đông vui.
Ngày xưa me ít học, nhưng vì buôn bán giỏi nên tính toán thật nhanh, hiếm khi nhầm lẫn. Me già lắm rồi, mà có mấy chục triệu đồng gửi tiết kiệm, me tính lãi đâu ra đấy. Me thuộc truyện Kiều, thi thoảng lại ngâm nga. Me còn làm cả mấy câu thơ rất ngộ ghi vào chiếc ảnh chụp cụ bế chắt (cháu Phúc Hoàng con trai của Hoa, cháu ngoại tôi) rằng:
”Cụ cũng xinh mà chắt cũng xinh
Trông hai cụ cháu rất đa tình
Lớn lên cháu sẽ thành người hữu
Rụng để gia đình được hiển vinh…”
Đến chết cười vì cái lỗi chính tả “Rụng” của me tôi. Nhưng vậy mới nhớ lâu chứ. Rồi một hôm, me tôi bị cảm, tưởng là sơ sơ, ai dè thành ốm nặng. Mới hôm trước, me còn bảo tôi chở đến bệnh viện E thăm mẹ anh Nghiệp ốm, chuyện trò rôm rả, an ủi động viên bà bạn. Vậy mà hôm sau, trong lúc tôi đi làm vắng, me chống gậy đi chơi quanh xóm và tối về thì bị sốt. Me ho, đau ngực. Cũng chỉ nghĩ là cảm thông thường, me tôi uống chút thuốc cảm, rồi đánh gió, ăn cháo nóng, đủ kiểu giống mọi khi. Nhưng lần này thì khác, me không khỏi hẳn, cứ nhì nhằng và thấy mệt hơn trước, kể cả khi hết sốt. Tôi nói đưa me đi khám bệnh thì me nhất định không chịu. Tôi cũng không kiên quyết, chỉ quan tâm chăm sóc me nhiều hơn thôi. Đã từ lâu, tôi không để me ở riêng phòng trong nữa, sợ me buồn. Người già bao giờ cũng thích gần con cháu, thích đông vui. Tôi chuyển me ra ngay phòng khách, thông luôn với bếp, nên mấy mẹ con bà cháu ăn uống xem ti vi với nhau vui vẻ hơn. Và các con tôi có đi đi về về thì gặp bà luôn, cũng đỡ.
Bây giờ me ốm rồi. Tôi ngủ ở tầng trên, nơi để bàn thờ MQ, nhưng không ngủ được. Chỉ thoáng nghe tiếng ho của me là tôi lại xuống, xoa nhẹ lên ngực cho me và nằm bên cạnh để me yên tâm. Me hỏi tôi sao biết me ho mà xuống, tôi bảo tôi vẫn thức thì me cảm động lắm, và một lúc sau giục tôi đi ngủ để mai đi làm chứ me không việc gì đâu. Lủng củng như thế cả đêm, cũng mệt lắm, nhưng tôi cảm thấy có cái gì không ổn. Tôi nói với me, mai thứ hai, con lên cơ quan rồi xin phép nghỉ, thứ ba con đưa me đi khám bệnh ở phòng khám tư, cho thoải mái. Bác sĩ sẽ làm đủ các xét nghiệm cho me, me đừng ngại nhé. Me bằng lòng, không phản đối dữ như mấy ngày trước bảo đi bệnh viện nữa. Hôm ấy, me đi tiểu vào bô xong, me bảo để me tự xách ra toilet. Tôi ngăn, me yếu rồi, đừng cố thế, cứ để tôi dọn rửa không sao. Me bảo me thử thôi mà. Tôi dìu me và rõ ràng me không thể…Tôi hỏi me:
- Me ơi! bây giờ me có muốn gì không, me cứ nói, con sẽ cố gắng làm theo…
- Không, me chẳng có yêu cầu gì, không có ân hận gì. Me đã mãn nguyện tất cả. Chỉ có điều là me tiếc thôi, tiếc là chẳng còn khỏe nữa. Giá như me vẫn còn khỏe thì thích lắm, ở nhà này thật sướng, rộng rãi, mát mẻ. Me ở nhà và đến chiều con đi làm về các cháu đi học về, có phải vui không - Me tôi ngậm ngùi.
- Vâng. Nhưng thôi, me đừng nghĩ ngợi gì nữa, me đi khám bệnh rồi chữa sẽ khỏi thôi mà - Tôi an ủi.
- Ừ, là tiếc thế, tiếc lắm - Me tôi ngẩng nhìn quan sát lại ngôi nhà từ nhiều phía.
Ngắm nhà xong, tôi đưa me về giường. Me có chuyện riêng muốn nói với tôi. Me trao một gói lủng củng đồ trang sức khác nhau me dành dụm cả đời, dặn tôi khi nào cháu Miên con trai em Vinh lấy vợ thì đưa cho nó và bảo là quà bà nội để phần cháu. Me đưa cho tôi toàn bộ số tiền me có (rút từ tiết kiệm) để tôi chi dùng về sau. Tôi biết đến lúc này me cảm thấy trong người bất ổn lắm rồi, tôi thấy thương me quá và cảm động bật khóc. Tôi hứa với me sẽ trao lại cho cháu quà của bà nội, nhưng còn tiền me đưa tôi, tôi không nhận một mình, tôi xin phép me sẽ chia đều cho mấy chị em, gọi là một chút kỉ niệm của me. Lâu nay chị em tôi làm gì cũng có nhau, từ việc góp tiền xây mồ mả ở quê, giỗ chạp các đấng sinh thành, đều làm chung cả mà. Me không bằng lòng, nhưng tôi vẫn làm vậy, và ngay từ hôm đó đã trao đổi với các chị, cùng chứng kiến bà gửi lại những gì cho cháu Miên mà tôi sẽ giữ đến ngày cháu lấy vợ, những gì đưa cho tôi để chị em thực hiện, chứ không phải đợi đến khi nói dại me quá cố mới đem chuyện ra mà nói. Tôi làm việc này thấy thật thanh thản trong lòng.
Hôm sau, tôi lên cơ quan làm và định xin phép để mai nghỉ đưa me đi khám tư. Nhưng mọi sự xảy ra lại khác. Ở nhà, me tôi thấy khó chịu quá, có ý muốn đi bệnh viện ngay. Anh chị tôi lên thăm, bàn bạc và giao cho Tuấn, con trai tôi quyết định đưa bà me đi bệnh viện nào. Kết quả là cả nhà đưa me tôi đến Viện Lão khoa, rồi mới báo cho tôi đến thẳng đó. Trước khi nằm điều trị ở một phòng cụ thể, me tôi được đưa lên tầng 4 để khám bệnh, đo huyết áp. Vợ chồng cháu Hoa kịp đến, và con rể tôi - Quang Anh- đã cõng bà lên suốt mấy cầu thang bộ khiến bà rất cảm động. Nghe mọi người kể lại, tới khám mà me tôi vẫn còn nói được sang sảng, tự nhiên như ở nhà, rồi còn “chỉ đạo” các bác sĩ nữa, thật may các bác sĩ không chấp cụ già nên không giận. Rồi me tôi được chuyển vào nằm theo dõi tại một phòng riêng, rộng rãi, chỉ có một giường bệnh, còn lại là một vài bàn làm việc, khám xét gì ấy tôi không nhớ rõ. Đang nằm yên rồi, thì một bác sĩ trẻ mang hồ sơ vào phòng khám đo huyết áp cho me tôi. Me tôi lừ lừ nhìn và hỏi thẳng, “Này, cậu không phải là bác sĩ đúng không? Cậu là sinh viên thực tập? tôi vừa đo huyết áp trên tầng bốn rồi còn gì?” Tôi hoảng quá, can me tôi, “Me ơi, me để bác sĩ khám bệnh cho nào…” và quay sang bác sĩ nói nhỏ “Tôi xin lỗi, bác sĩ bỏ quá cho. Mẹ tôi già rồi, lại đang bệnh, khó chịu nên cứ nói không phải…”. Nhưng bác sĩ đã kịp nói ngay với me tôi: “ Vâng, cháu chưa phải là bác sĩ, cháu đang thực tập. Nhưng nhiệm vụ của cháu là đo huyết áp cho bà, bà vui lòng vậy nhé.” Gớm thì ra me tôi ốm bệnh mà vẫn còn tinh quá đi mất, buồn cười mà cũng chịu cụ già! Đo xong, chưa được bao lâu, lại một bác sĩ khác xách cặp đi vào, vẫn đo huyết áp. Me tôi không tha: “Lại ông nữa à, một cậu sinh viên vừa đo huyết áp cho tôi rồi!” Lần này, thì tôi hoảng hơn: “ Thưa bác sĩ, mẹ tôi đã 94 tuổi, đang bệnh, mà ở nhà cụ quen chỉ đạo hò la con cháu rồi, nên đến đây nói năng tự nhiên quá, không phải phép, xin bác sĩ thông cảm cho ạ”. Chưa cần nghe tôi nói hết, bác sĩ đã nghiêm nét mặt lạnh lùng : ”Cụ vào đây rồi thì cứ nằm yên để chúng tôi khám bệnh, trị bệnh. Và cụ phải làm theo yêu cầu của chúng tôi, có thế thôi. Cụ không được nói lằng nhằng gì hết.” Cứng quả có hơn, me tôi lặng im, nén chịu mà vẫn lộ vẻ bực tức. Khi bác sĩ ra khỏi phòng rồi, tôi mới tỉ tê khuyên giải me tôi mấy điều. Me tôi nghe ra và gật đầu rồi, nhưng còn vùng vằng: “Nằm ở đây, giường chật bỏ mẹ. Ở nhà giường to nằm sướng thế cơ mà. Biết thế chả đòi các anh chị đưa vào bệnh viện cho xong…”. Tôi buồn cười quá phải cố nhịn, “Me ơi thì giường bệnh viện chỉ có cỡ chung thôi chứ. Me chữa bệnh chóng khỏi rồi lại về nhà nằm giường rộng mà”.
Vậy là hai chị em, chị Hiền Trang và tôi thay phiên nhau chăm me ở bệnh viện. Ban ngày tôi bận đi làm thì chị Trang đến (chị đã nghỉ hưu), đêm thì tôi đến với me đổi ca vì chị tôi hay chóng mặt không ở lại ban đêm được. Công việc cơm nước ở nhà, các con tôi phải tự lo thôi. Tuấn thì chạy vòng ngoài, nhờ bạn bè giúp đỡ chữa bệnh cho bà. Sau khi khám xét đủ thứ, bệnh viện kết luận là me tôi tim bị to, do già quá, phổi hơi rám, và ho nặng. Họ bảo chỉ cầm cự chứ chẳng có điều trị gì đặc biệt. Nằm ở đây chừng mười ngày, bệnh viện chuyển me tôi sang khoa Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu cho tiện. Me cũng đồng ý. Nhưng khổ là khoa này đông, nên me phải nằm chung với một bệnh nhân nữ chừng 50 tuổi yếu lắm, da bọc xương, đang truyền huyết thanh. Vậy mà me tôi, người to béo cứ giở mình ầm ầm, vùng vằng lấn cả sang chị. Bọn tôi phát hoảng, phải giữ và dặn me nằm yên hơn kẻo đụng mạnh chị ấy đang truyền là lôi thôi to, lỡ ngã thì chết. Một mặt tôi gắng liên hệ xin chuyển phòng khác. Gọi là đỡ chứ vẫn hai người một giường. Phòng có 8 giường, mỗi bệnh nhân có từ 1-2 người nhà ở lại ban đêm nên đêm nào cũng có từ 16-20 nhân khẩu nằm ngồi la liệt trong phòng chưa tới 20 m2, lại còn bao nhiêu bô đặt để người bệnh đại tiểu tiện nữa chứ. Ban đêm, tôi chỉ có một mình, mệt thì nằm dưới đất thiếp đi một tị, trong túi thường trực lọ dầu để trị cảm trị chóng mặt, vì cả đêm phải lục cục dìu me dậy đi tiểu vào cái bô cao mang từ nhà - cái bô mà ngày xưa me tôi suốt ngày đi đổ cho tôi vì tôi nghén nặng nôn liên miên đó. Tôi còn lấy sẵn một cái siêu to đổ đầy nước để vệ sinh cho me sau mỗi lần đi tiểu hoặc đại tiện. Cái vụ vệ sinh này là do tôi học được hồi đi Ấn độ, thấy họ luôn đặt sẵn cái siêu ở các vòi nước nhà vệ sinh, nơi tham quan di động trong rừng sâu, rất tiện và sạch sẽ. Mấy ngày sau, có các cháu Ngân (con chị Hiền Trang), cháu Phong (con chị Thùy Trinh), cháu Miên (con em Vinh), và các chị em con cháu khác gần xa đến thăm nom và trông bà nên chị em tôi đỡ hơn.
Khoa Tim mạch cũng kết luận giống như Viện Lão khoa thôi. Họ khích lệ đưa bà về nhà chứ bệnh viện không làm gì được hơn mà cả bà và con cháu đều vất vả. Chúng tôi hỏi ý kiến me, me đồng ý nên ra viện. Me muốn về chị Hiền Trang mấy bữa rồi về lại nhà tôi sau. Me yếu hơn trước, mặt đã bắt đầu phù nề, bàn tay cũng vậy. Me vẫn ăn được, nhưng ngủ ít hơn. Tôi ở cơ quan làm việc xong thường chiều tối ghé qua thăm me. Chị em bạn bè tôi ở cơ quan cũng ghé thăm, mọi người hay nói chuyện vui để me yên lòng. Ở được ít bữa, me đòi về Cổ nhuế. Đúng dịp ấy, tôi có mấy ngày đi công tác cùng chuyên gia tập huấn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi động viên me ở lại với anh chị khi xong việc tôi ra ngay và đón me về nhà. Me nghe theo hơi miễn cưỡng. Tối hôm ấy, trước khi ngày mai lên đường công tác, tôi ở lại với me thật lâu. Tôi dỗ me ăn được một miếng bánh chưng to, một quả trứng gà luộc, và một quả quít bự. Hỏi ra mới biết me táo bón mấy ngày nay rồi, tôi dỗ me đi ngoài cho đỡ nặng nề, và me nghe theo. Tôi và chị Thùy Trinh (bị đau chân đến khổ) dìu me ra bô, vẫn chiếc bô cao đầy kỉ niệm ấy. Me đi ngoài được thật nhiều. Tôi mừng lắm, rửa cho me đàng hoàng sạch sẽ và hai chị em dìu me trở lại giường, yên tâm hẳn. Khuya rồi, me giục tôi về chuẩn bị mai đi công tác, giục chị Trinh về nghỉ ngơi. Me hứa sẽ đi ngủ ngay.
Tôi về nhà, dọn dẹp thu xếp hành lí rồi đi nằm chứ không sao ngủ được, lòng cầu mong ngày mai lên đường bình an, hi vọng các anh chị sẽ chăm sóc me cầm cự được ít ra là tới tết Nguyên đán. Tôi định bụng vào thành phố sẽ thuyết phục một cô bạn nhỏ, kĩ sư chương trình nơi sở tại, làm phiên dịch thay tôi rồi tôi trở lại Hà Nội ngay để sớm đón me về theo ý nguyện. Nhưng thực tế chẳng tính được gì cả. Sinh có hạn, tử bất kì, me tôi đã ra đi lúc hơn 5 giờ sáng trong bàn tay nâng giấc của anh chị cả tôi. Chị gọi điện và nhắc tôi gấp rút lo tìm ảnh chân dung của me, cùng chuẩn bị một số thứ khác nữa.Tôi điện báo cho cơ quan để hủy chuyến đi, và tôi nhắn chuyên gia thông cảm, cứ vào trước rồi sẽ có người khác dịch. Nhưng ông ấy không chịu vào, ở lại dự tang lễ me tôi rồi chờ tôi cùng vào muộn. Tôi vội vã đến anh chị, cùng với anh rể làm thủ tục xin đưa me tới nhà tang lễ Phùng Hưng, rồi về quê xin đất nghĩa trang và làm mọi thứ cần thiết, thông báo họ hàng. Và tang lễ trọng thể đã được tổ chức vào ngày hôm sau, đông đảo các cơ quan đoàn thể họ hàng bạn bè đến dự. Cả gia đình thống nhất để tôi viết và đọc điếu văn Me:
“Me ơi! Hôm nay ngày 8/9/1999 tức ngày 28/7 năm Kỉ Mão, chúng con về đây để tiễn biệt me về cõi vĩnh hằng. Than ôi! Giờ đây âm dương đôi ngả đau buồn xiết bao!
Đã chín mươi tư mùa xuân trôi qua kể từ ngày me ra đời ở một làng quê bé nhỏ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khổ đau, sướng vui, me đã không quản gian lao vất vả nuôi các con rồi lại chăm sóc đàn cháu nhỏ từ các cháu Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Việt An, Thục An, đến các cháu Tuấn Phong, Thanh Hoa trong những năm chiến tranh đầy gian khổ đến các cháu Anh Tuấn, Ngân Hương và mới hôm nào đây cụ còn vui vầy với chắt Phúc Hoàng trong những ngày gần cuối cuộc đời. Chúng con không thể nào quên hình ảnh me, một người mẹ cần cù chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, không quản ngại khó khăn gian khổ luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Giờ đây chúng con đã trưởng thành, đàn cháu của bà đã lớn khôn. Đã qua những ngày gian lao vất vả vì lâm bệnh trong lúc tuổi già sức yếu, nên mặc dù được các bác sĩ y tá hết lòng cứu chữa, con cháu chăm sóc tận tình, bạn bè gần xa quan tâm thăm hỏi, nhưng me vẫn không qua khỏi để bây giờ chúng con vắng me, các cháu thiếu bà.
Me ơi! giờ phút linh thiêng này, thay mặt cho cả những người đã khuất, chị Hiền Thục, chị Hiền Thủy, anh Đình Viên, anh Minh Quang, em Đức Vinh, chúng con xin kính cẩn cúi đầu trước vong linh me. Chúng con mong me hãy tha thứ hết những lỗi lầm dù nhỏ, những điều con cháu làm cho me không vui để chỉ mang theo sự thanh thản và những niềm vui sướng trên cõi đời này về với tổ tiên, gặp lại thầy con và các anh chị em chúng con.
Trước vong linh Người, chúng con xin hứa sẽ luôn hết lòng thương yêu đùm bọc nhau, sống theo đạo làm người mà thầy me đã truyền lại cho chúng con suốt cả cuộc đời. Chúng con xin cúi đầu vĩnh biệt Me kính yêu, xin vĩnh biệt…”
Linh cữu me tôi được đưa về an táng tại quê nhà. Tôi cầm khay trầu đi mời họ hàng và bà con dân làng dự rất đông. Tôi không thể nén kìm những dòng nước mắt vì sót thương me và vì một chút gì mặc cảm khi quá khứ rất xa xưa chợt hiện về. Tôi lại nhớ đến hình ảnh của mình, 13 tuổi lần đầu tiên theo me về quê, chạy trên con đường làng bé nhỏ vào nhà nọ nhà kia, nhưng không dám dừng lại trước cổng nhà mình, nơi me đã từng ngồi hóng mát trên lầu hai lộng gió, đơn độc một thời.
Tôi trở lại Hà Nội và vội vàng vào Nam vì chuyên gia đang đợi. Tôi chưa thể quen với việc me tôi đi xa, nên những ngày này đi công tác có khi lại là may. Đến lúc về thì buồn lắm. Cây hoa giấy héo rụi trong khi mọi ngày nó xanh um mơn mởn. Nó khỏe đến nỗi cái rễ chui qua vết nứt đáy chậu mà đâm xuống đất, nên không cần phải tưới. Cô hàng xóm bảo cây héo là vì bà mất. Muốn cứu cây thì khoanh một vòng tròn vôi trắng quanh thân cây, coi như để tang bà. Tôi làm theo, quả nhiên vài ngày sau cây lại xanh tưng bừng như cũ. Đúng là lạ thật. Nhà tôi có chị Thùy Trinh làm trên chùa nên cúng cho me tôi chu đáo. Tới 35 ngày thì cúng tại chùa ở quê. Chúng tôi đặt cơm chay, nhờ nhà chùa làm lễ. Mọi người cử tôi ngồi vào chiếu cầm cành phan, tức là một cành tre lớn, đầu trùm kín mít một chiếc khăn. Nếu me tôi về thì hồn nhập vảo tôi và cành phan sẽ quay tít mù, là mọi người bảo vậy. Tôi ngồi, thực lòng không tin, nên đầu óc tỉnh táo, tay cố ý cầm chặt cành tre chống xuống đất cho chắc chắn. Rồi tôi nghe sư thầy tụng kinh, nghe cô em dâu họ đang cúng bái, gọi hồn. Tôi vẫn để ý mọi chuyện, biết hết. Bỗng nhiên, tôi thấy cành phan quay thật, tôi ghìm lại mà không được. Rồi sau đó cô em lật chiếc khăn ra, tôi khóc như mưa như gió, tôi đứng lên đi ra ôm từng người thân và chỉ nức nở không nói được lời nào. Một hồi lâu, cô em bảo với vong hồn me tôi :”Bác ơi, thế là được rồi. Hôm nay chị em con cháu về đây cúng 35 ngày cho bác, bác gặp đầy đủ cả mọi người rồi đấy. Mong bác sớm siêu thoát và phù hộ cho tất cả nhé. Mọi người luôn nhớ bác, chào bác ạ.” Dứt lời, tôi chợt rùng mình, rồi mắt tôi ráo hoảnh, như chưa khóc bao giờ. Cuộc lễ tan, cả nhà ra ngoài ăn cỗ chay hưởng lộc. Trên đường đi ra, chị Hiền Trang ghé tai tôi hỏi nhỏ: ”Thư thấy thế nào? Cảm giác ra làm sao, chị chẳng tin…” Tôi thuật lại cảm giác và sự thay đổi của tôi, tôi bảo: “hình như me có về thật chị ạ”.
Vậy là me tôi đã đi xa thật rồi. Ở nhà, chỉ còn ba mẹ con, tôi và Tuấn, Hương. Tôi lại tiếp tục mê mải công việc ở cơ quan, thi thoảng được cử ra nước ngoài vội vã trong 1-2 ngày, họp hội nghị quốc tế và phải làm báo cáo trình bày tình hình của Việt Nam, lần thì họp về sự cố năm 2000 (Y2K) trong công nghệ thông tin ở Bangkok, lần thì họp bàn thống kê lực lượng lao động không được trả công (unpaid work) ở Hàn Quốc. Khi mới sang, trước giờ hội nghị thì buồn, nhưng vào hội nghị rồi, vừa lo lo vừa thú vị, vì ở đây, tự nhiên khi phát biểu trình bày, tôi thấy đủ tự tin và giọng nói của mình khác hẳn đi, đỡ “annam” hơn. Vẫn chỉ có một phiền phức duy nhất là tôi bị say xe nên vào việc thì mới gồng mình lên mà tỏ ra khỏe mạnh, còn lại thì xanh xám mặt mày, và lúc nào cũng phải thầm gọi MQ thì mới đỡ tí chút.
Lâu rồi, tôi mới trở lại hồi ức về me tôi đây. Tôi làm nhà ở Cổ Nhuế, mong me được sống những năm tháng cuối đời sung sướng an vui, và hi vọng me thọ ngoài trăm tuổi, Nhưng không được, me ở nhà mới chỉ hơn 18 tháng đã trở về với tổ tiên. Ở ngôi nhà mới, me thích lắm, chỉ ban ngày là buồn vì tôi đi làm và các cháu đi học. Me hay mang ghế ngồi ngoài cổng để ai đi qua thì chào hỏi chuyện trò tí chút. Thi thoảng me còn chống gậy sang hàng xóm chơi nữa. Có hôm, me dậy thật sớm, ra chậu cây hoa giấy to, tự tay bấm bớt lá, me bảo để nó đâm chồi mới và nở nhiều hoa hơn. Những lần công tác xa nhà mấy hôm, tôi sợ bọn trẻ đi học, vụng về không chăm cho bà chu đáo được, tôi phải đưa me lên anh chị cả, hoặc đưa lên chơi nhà cháu Hoa, khi nào về mới đón me. Nhưng một lần, tôi đi công tác về, vừa mở cửa thì giật mình đã thấy me ngồi trong nhà rồi. Me bảo, “Tôi biết chiều nay chị về, nên tôi về từ trưa. (các cháu đi học đều về nấu cơm ăn, chiều mới học tiếp), tôi tự thuê xích lô về đấy”. Tôi sợ quá bảo “lần sau me để con đón nhé, me tự đi thế lỡ làm sao”. Me cười gạt đi “có sao đâu mà, đi xích lô sướng ghê cơ, tôi suýt không nhận ra Cầu Giấy, bây giờ đổi khác nhiều quá”.
Me tuổi cao lắm, nhưng da dẻ vẫn căng hồng. Mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói của me còn sang sảng. Chỉ khi nào ốm và viêm thanh quản, khản giọng thì me mới nói khẽ. Gọi là ốm, chứ hầu như me không có bệnh, thi thoảng bị cảm tí chút, và nhức đau khớp gối lúc trở trời. Tôi hay mua những thứ me thích. Biết me thích na, lần nào vô Nam, ra sân bay thể nào tôi cũng mua một khay na ngọt lịm mang về, dành riêng cho me. Biết me thích ăn thịt gà, tôi mua gà, mà là gà công nghiệp, cho mềm, và giá cũng mềm nữa nên mới mua thường xuyên. Tôi ngại các cháu ăn nhanh, nên cắt một đùi gà thật to phần riêng cho bà ăn thêm sau. Bà me thường sắn hai bên tay áo, lấy dao cắt mỏng từng lát thịt, rồi chấm muối tiêu hoặc nước mắm ăn ngon lành, kể cả khi đã móm rụng hết răng rồi. Hồi mới chuyển nhà, me còn sắn tay áo rửa bát nữa. Tôi cản thì me bảo rửa cho người nó hoạt động một tí. Bao giờ me cũng là người yêu lao động, chăm chỉ cần cù không ngại việc. Phẩm chất tuyệt vời đó vẫn là của me từ ngày xưa, rất xưa rồi. Có điều bây giờ me già quá mà cứ xăng xái thế thấy tồi tội.
Mỗi lần me mệt, đau chân phải nằm nhiều, trước khi đi làm, tôi chuẩn bị sẵn các thứ như phích nước nóng, bình nước nguội, cốc, thìa, mấy lọ thuốc, bánh ga tô, trái cây…để me uống thuốc và có buồn có đói bụng thì ăn thêm, trưa tôi mới tranh thủ về một lát cơm nước cho me rồi lại đi ngay. Tôi đi về như con thoi, dọn dẹp lầm lũi, ít khi đấm bóp được cho me, trong khi tôi hơi bị đau đầu, là me đã xoa dầu lo lắng cho tôi rồi. Nghĩ lại, thấy mình còn vô tâm, chứ chẳng phải chỉ vì bận. Tôi cứ tự bằng lòng với mình là chuẩn bị đủ các thứ cho me, nhưng thực ra người già rất cần những lời tâm tình, an ủi động viên, những cử chỉ quan tâm săn sóc, những ánh mắt trìu mến, sót thương, mà tôi thì lại không mấy khi thể hiện. Tôi lao vào công việc ở cơ quan mê mải, hay ở lại làm tối, về khuya. Chủ nhật cũng vậy, rất ít khi thảnh thơi. Cơm nước tôi làm qua loa chứ không như ngày còn MQ. Suy cho cùng, nó khiến me tôi và các con tôi chịu thiệt thòi. Cũng may là me còn đọc được kinh kệ nhà Phật, đọc sách truyện chẳng cần đeo kính, hoặc chỉ đeo số 1 thôi, nên đỡ buồn hơn khi con cháu vắng nhà. Để me vui, cứ chủ nhật nào không phải đi làm, là tôi chở me trên xe máy DD đỏ đi chơi, đến chùa Quán Sứ, đến nhà cháu Hoa, hoặc đến các chị. Chở me thì không ngại lắm, nhưng ngại nhất là phải kèm thêm chiếc gậy. Kể cũng nguy hiểm, nhưng tôi ngỏ ý thuê xích lô (ngày ấy chưa nhiều taxi) là me không chịu, me chỉ thích tôi chở bằng xe máy cho mát, và ngắm đường phố đông vui.
Ngày xưa me ít học, nhưng vì buôn bán giỏi nên tính toán thật nhanh, hiếm khi nhầm lẫn. Me già lắm rồi, mà có mấy chục triệu đồng gửi tiết kiệm, me tính lãi đâu ra đấy. Me thuộc truyện Kiều, thi thoảng lại ngâm nga. Me còn làm cả mấy câu thơ rất ngộ ghi vào chiếc ảnh chụp cụ bế chắt (cháu Phúc Hoàng con trai của Hoa, cháu ngoại tôi) rằng:
”Cụ cũng xinh mà chắt cũng xinh
Trông hai cụ cháu rất đa tình
Lớn lên cháu sẽ thành người hữu
Rụng để gia đình được hiển vinh…”
Đến chết cười vì cái lỗi chính tả “Rụng” của me tôi. Nhưng vậy mới nhớ lâu chứ. Rồi một hôm, me tôi bị cảm, tưởng là sơ sơ, ai dè thành ốm nặng. Mới hôm trước, me còn bảo tôi chở đến bệnh viện E thăm mẹ anh Nghiệp ốm, chuyện trò rôm rả, an ủi động viên bà bạn. Vậy mà hôm sau, trong lúc tôi đi làm vắng, me chống gậy đi chơi quanh xóm và tối về thì bị sốt. Me ho, đau ngực. Cũng chỉ nghĩ là cảm thông thường, me tôi uống chút thuốc cảm, rồi đánh gió, ăn cháo nóng, đủ kiểu giống mọi khi. Nhưng lần này thì khác, me không khỏi hẳn, cứ nhì nhằng và thấy mệt hơn trước, kể cả khi hết sốt. Tôi nói đưa me đi khám bệnh thì me nhất định không chịu. Tôi cũng không kiên quyết, chỉ quan tâm chăm sóc me nhiều hơn thôi. Đã từ lâu, tôi không để me ở riêng phòng trong nữa, sợ me buồn. Người già bao giờ cũng thích gần con cháu, thích đông vui. Tôi chuyển me ra ngay phòng khách, thông luôn với bếp, nên mấy mẹ con bà cháu ăn uống xem ti vi với nhau vui vẻ hơn. Và các con tôi có đi đi về về thì gặp bà luôn, cũng đỡ.
Bây giờ me ốm rồi. Tôi ngủ ở tầng trên, nơi để bàn thờ MQ, nhưng không ngủ được. Chỉ thoáng nghe tiếng ho của me là tôi lại xuống, xoa nhẹ lên ngực cho me và nằm bên cạnh để me yên tâm. Me hỏi tôi sao biết me ho mà xuống, tôi bảo tôi vẫn thức thì me cảm động lắm, và một lúc sau giục tôi đi ngủ để mai đi làm chứ me không việc gì đâu. Lủng củng như thế cả đêm, cũng mệt lắm, nhưng tôi cảm thấy có cái gì không ổn. Tôi nói với me, mai thứ hai, con lên cơ quan rồi xin phép nghỉ, thứ ba con đưa me đi khám bệnh ở phòng khám tư, cho thoải mái. Bác sĩ sẽ làm đủ các xét nghiệm cho me, me đừng ngại nhé. Me bằng lòng, không phản đối dữ như mấy ngày trước bảo đi bệnh viện nữa. Hôm ấy, me đi tiểu vào bô xong, me bảo để me tự xách ra toilet. Tôi ngăn, me yếu rồi, đừng cố thế, cứ để tôi dọn rửa không sao. Me bảo me thử thôi mà. Tôi dìu me và rõ ràng me không thể…Tôi hỏi me:
- Me ơi! bây giờ me có muốn gì không, me cứ nói, con sẽ cố gắng làm theo…
- Không, me chẳng có yêu cầu gì, không có ân hận gì. Me đã mãn nguyện tất cả. Chỉ có điều là me tiếc thôi, tiếc là chẳng còn khỏe nữa. Giá như me vẫn còn khỏe thì thích lắm, ở nhà này thật sướng, rộng rãi, mát mẻ. Me ở nhà và đến chiều con đi làm về các cháu đi học về, có phải vui không - Me tôi ngậm ngùi.
- Vâng. Nhưng thôi, me đừng nghĩ ngợi gì nữa, me đi khám bệnh rồi chữa sẽ khỏi thôi mà - Tôi an ủi.
- Ừ, là tiếc thế, tiếc lắm - Me tôi ngẩng nhìn quan sát lại ngôi nhà từ nhiều phía.
Ngắm nhà xong, tôi đưa me về giường. Me có chuyện riêng muốn nói với tôi. Me trao một gói lủng củng đồ trang sức khác nhau me dành dụm cả đời, dặn tôi khi nào cháu Miên con trai em Vinh lấy vợ thì đưa cho nó và bảo là quà bà nội để phần cháu. Me đưa cho tôi toàn bộ số tiền me có (rút từ tiết kiệm) để tôi chi dùng về sau. Tôi biết đến lúc này me cảm thấy trong người bất ổn lắm rồi, tôi thấy thương me quá và cảm động bật khóc. Tôi hứa với me sẽ trao lại cho cháu quà của bà nội, nhưng còn tiền me đưa tôi, tôi không nhận một mình, tôi xin phép me sẽ chia đều cho mấy chị em, gọi là một chút kỉ niệm của me. Lâu nay chị em tôi làm gì cũng có nhau, từ việc góp tiền xây mồ mả ở quê, giỗ chạp các đấng sinh thành, đều làm chung cả mà. Me không bằng lòng, nhưng tôi vẫn làm vậy, và ngay từ hôm đó đã trao đổi với các chị, cùng chứng kiến bà gửi lại những gì cho cháu Miên mà tôi sẽ giữ đến ngày cháu lấy vợ, những gì đưa cho tôi để chị em thực hiện, chứ không phải đợi đến khi nói dại me quá cố mới đem chuyện ra mà nói. Tôi làm việc này thấy thật thanh thản trong lòng.
Hôm sau, tôi lên cơ quan làm và định xin phép để mai nghỉ đưa me đi khám tư. Nhưng mọi sự xảy ra lại khác. Ở nhà, me tôi thấy khó chịu quá, có ý muốn đi bệnh viện ngay. Anh chị tôi lên thăm, bàn bạc và giao cho Tuấn, con trai tôi quyết định đưa bà me đi bệnh viện nào. Kết quả là cả nhà đưa me tôi đến Viện Lão khoa, rồi mới báo cho tôi đến thẳng đó. Trước khi nằm điều trị ở một phòng cụ thể, me tôi được đưa lên tầng 4 để khám bệnh, đo huyết áp. Vợ chồng cháu Hoa kịp đến, và con rể tôi - Quang Anh- đã cõng bà lên suốt mấy cầu thang bộ khiến bà rất cảm động. Nghe mọi người kể lại, tới khám mà me tôi vẫn còn nói được sang sảng, tự nhiên như ở nhà, rồi còn “chỉ đạo” các bác sĩ nữa, thật may các bác sĩ không chấp cụ già nên không giận. Rồi me tôi được chuyển vào nằm theo dõi tại một phòng riêng, rộng rãi, chỉ có một giường bệnh, còn lại là một vài bàn làm việc, khám xét gì ấy tôi không nhớ rõ. Đang nằm yên rồi, thì một bác sĩ trẻ mang hồ sơ vào phòng khám đo huyết áp cho me tôi. Me tôi lừ lừ nhìn và hỏi thẳng, “Này, cậu không phải là bác sĩ đúng không? Cậu là sinh viên thực tập? tôi vừa đo huyết áp trên tầng bốn rồi còn gì?” Tôi hoảng quá, can me tôi, “Me ơi, me để bác sĩ khám bệnh cho nào…” và quay sang bác sĩ nói nhỏ “Tôi xin lỗi, bác sĩ bỏ quá cho. Mẹ tôi già rồi, lại đang bệnh, khó chịu nên cứ nói không phải…”. Nhưng bác sĩ đã kịp nói ngay với me tôi: “ Vâng, cháu chưa phải là bác sĩ, cháu đang thực tập. Nhưng nhiệm vụ của cháu là đo huyết áp cho bà, bà vui lòng vậy nhé.” Gớm thì ra me tôi ốm bệnh mà vẫn còn tinh quá đi mất, buồn cười mà cũng chịu cụ già! Đo xong, chưa được bao lâu, lại một bác sĩ khác xách cặp đi vào, vẫn đo huyết áp. Me tôi không tha: “Lại ông nữa à, một cậu sinh viên vừa đo huyết áp cho tôi rồi!” Lần này, thì tôi hoảng hơn: “ Thưa bác sĩ, mẹ tôi đã 94 tuổi, đang bệnh, mà ở nhà cụ quen chỉ đạo hò la con cháu rồi, nên đến đây nói năng tự nhiên quá, không phải phép, xin bác sĩ thông cảm cho ạ”. Chưa cần nghe tôi nói hết, bác sĩ đã nghiêm nét mặt lạnh lùng : ”Cụ vào đây rồi thì cứ nằm yên để chúng tôi khám bệnh, trị bệnh. Và cụ phải làm theo yêu cầu của chúng tôi, có thế thôi. Cụ không được nói lằng nhằng gì hết.” Cứng quả có hơn, me tôi lặng im, nén chịu mà vẫn lộ vẻ bực tức. Khi bác sĩ ra khỏi phòng rồi, tôi mới tỉ tê khuyên giải me tôi mấy điều. Me tôi nghe ra và gật đầu rồi, nhưng còn vùng vằng: “Nằm ở đây, giường chật bỏ mẹ. Ở nhà giường to nằm sướng thế cơ mà. Biết thế chả đòi các anh chị đưa vào bệnh viện cho xong…”. Tôi buồn cười quá phải cố nhịn, “Me ơi thì giường bệnh viện chỉ có cỡ chung thôi chứ. Me chữa bệnh chóng khỏi rồi lại về nhà nằm giường rộng mà”.
Vậy là hai chị em, chị Hiền Trang và tôi thay phiên nhau chăm me ở bệnh viện. Ban ngày tôi bận đi làm thì chị Trang đến (chị đã nghỉ hưu), đêm thì tôi đến với me đổi ca vì chị tôi hay chóng mặt không ở lại ban đêm được. Công việc cơm nước ở nhà, các con tôi phải tự lo thôi. Tuấn thì chạy vòng ngoài, nhờ bạn bè giúp đỡ chữa bệnh cho bà. Sau khi khám xét đủ thứ, bệnh viện kết luận là me tôi tim bị to, do già quá, phổi hơi rám, và ho nặng. Họ bảo chỉ cầm cự chứ chẳng có điều trị gì đặc biệt. Nằm ở đây chừng mười ngày, bệnh viện chuyển me tôi sang khoa Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu cho tiện. Me cũng đồng ý. Nhưng khổ là khoa này đông, nên me phải nằm chung với một bệnh nhân nữ chừng 50 tuổi yếu lắm, da bọc xương, đang truyền huyết thanh. Vậy mà me tôi, người to béo cứ giở mình ầm ầm, vùng vằng lấn cả sang chị. Bọn tôi phát hoảng, phải giữ và dặn me nằm yên hơn kẻo đụng mạnh chị ấy đang truyền là lôi thôi to, lỡ ngã thì chết. Một mặt tôi gắng liên hệ xin chuyển phòng khác. Gọi là đỡ chứ vẫn hai người một giường. Phòng có 8 giường, mỗi bệnh nhân có từ 1-2 người nhà ở lại ban đêm nên đêm nào cũng có từ 16-20 nhân khẩu nằm ngồi la liệt trong phòng chưa tới 20 m2, lại còn bao nhiêu bô đặt để người bệnh đại tiểu tiện nữa chứ. Ban đêm, tôi chỉ có một mình, mệt thì nằm dưới đất thiếp đi một tị, trong túi thường trực lọ dầu để trị cảm trị chóng mặt, vì cả đêm phải lục cục dìu me dậy đi tiểu vào cái bô cao mang từ nhà - cái bô mà ngày xưa me tôi suốt ngày đi đổ cho tôi vì tôi nghén nặng nôn liên miên đó. Tôi còn lấy sẵn một cái siêu to đổ đầy nước để vệ sinh cho me sau mỗi lần đi tiểu hoặc đại tiện. Cái vụ vệ sinh này là do tôi học được hồi đi Ấn độ, thấy họ luôn đặt sẵn cái siêu ở các vòi nước nhà vệ sinh, nơi tham quan di động trong rừng sâu, rất tiện và sạch sẽ. Mấy ngày sau, có các cháu Ngân (con chị Hiền Trang), cháu Phong (con chị Thùy Trinh), cháu Miên (con em Vinh), và các chị em con cháu khác gần xa đến thăm nom và trông bà nên chị em tôi đỡ hơn.
Khoa Tim mạch cũng kết luận giống như Viện Lão khoa thôi. Họ khích lệ đưa bà về nhà chứ bệnh viện không làm gì được hơn mà cả bà và con cháu đều vất vả. Chúng tôi hỏi ý kiến me, me đồng ý nên ra viện. Me muốn về chị Hiền Trang mấy bữa rồi về lại nhà tôi sau. Me yếu hơn trước, mặt đã bắt đầu phù nề, bàn tay cũng vậy. Me vẫn ăn được, nhưng ngủ ít hơn. Tôi ở cơ quan làm việc xong thường chiều tối ghé qua thăm me. Chị em bạn bè tôi ở cơ quan cũng ghé thăm, mọi người hay nói chuyện vui để me yên lòng. Ở được ít bữa, me đòi về Cổ nhuế. Đúng dịp ấy, tôi có mấy ngày đi công tác cùng chuyên gia tập huấn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi động viên me ở lại với anh chị khi xong việc tôi ra ngay và đón me về nhà. Me nghe theo hơi miễn cưỡng. Tối hôm ấy, trước khi ngày mai lên đường công tác, tôi ở lại với me thật lâu. Tôi dỗ me ăn được một miếng bánh chưng to, một quả trứng gà luộc, và một quả quít bự. Hỏi ra mới biết me táo bón mấy ngày nay rồi, tôi dỗ me đi ngoài cho đỡ nặng nề, và me nghe theo. Tôi và chị Thùy Trinh (bị đau chân đến khổ) dìu me ra bô, vẫn chiếc bô cao đầy kỉ niệm ấy. Me đi ngoài được thật nhiều. Tôi mừng lắm, rửa cho me đàng hoàng sạch sẽ và hai chị em dìu me trở lại giường, yên tâm hẳn. Khuya rồi, me giục tôi về chuẩn bị mai đi công tác, giục chị Trinh về nghỉ ngơi. Me hứa sẽ đi ngủ ngay.
Tôi về nhà, dọn dẹp thu xếp hành lí rồi đi nằm chứ không sao ngủ được, lòng cầu mong ngày mai lên đường bình an, hi vọng các anh chị sẽ chăm sóc me cầm cự được ít ra là tới tết Nguyên đán. Tôi định bụng vào thành phố sẽ thuyết phục một cô bạn nhỏ, kĩ sư chương trình nơi sở tại, làm phiên dịch thay tôi rồi tôi trở lại Hà Nội ngay để sớm đón me về theo ý nguyện. Nhưng thực tế chẳng tính được gì cả. Sinh có hạn, tử bất kì, me tôi đã ra đi lúc hơn 5 giờ sáng trong bàn tay nâng giấc của anh chị cả tôi. Chị gọi điện và nhắc tôi gấp rút lo tìm ảnh chân dung của me, cùng chuẩn bị một số thứ khác nữa.Tôi điện báo cho cơ quan để hủy chuyến đi, và tôi nhắn chuyên gia thông cảm, cứ vào trước rồi sẽ có người khác dịch. Nhưng ông ấy không chịu vào, ở lại dự tang lễ me tôi rồi chờ tôi cùng vào muộn. Tôi vội vã đến anh chị, cùng với anh rể làm thủ tục xin đưa me tới nhà tang lễ Phùng Hưng, rồi về quê xin đất nghĩa trang và làm mọi thứ cần thiết, thông báo họ hàng. Và tang lễ trọng thể đã được tổ chức vào ngày hôm sau, đông đảo các cơ quan đoàn thể họ hàng bạn bè đến dự. Cả gia đình thống nhất để tôi viết và đọc điếu văn Me:
“Me ơi! Hôm nay ngày 8/9/1999 tức ngày 28/7 năm Kỉ Mão, chúng con về đây để tiễn biệt me về cõi vĩnh hằng. Than ôi! Giờ đây âm dương đôi ngả đau buồn xiết bao!
Đã chín mươi tư mùa xuân trôi qua kể từ ngày me ra đời ở một làng quê bé nhỏ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khổ đau, sướng vui, me đã không quản gian lao vất vả nuôi các con rồi lại chăm sóc đàn cháu nhỏ từ các cháu Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Việt An, Thục An, đến các cháu Tuấn Phong, Thanh Hoa trong những năm chiến tranh đầy gian khổ đến các cháu Anh Tuấn, Ngân Hương và mới hôm nào đây cụ còn vui vầy với chắt Phúc Hoàng trong những ngày gần cuối cuộc đời. Chúng con không thể nào quên hình ảnh me, một người mẹ cần cù chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, không quản ngại khó khăn gian khổ luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Giờ đây chúng con đã trưởng thành, đàn cháu của bà đã lớn khôn. Đã qua những ngày gian lao vất vả vì lâm bệnh trong lúc tuổi già sức yếu, nên mặc dù được các bác sĩ y tá hết lòng cứu chữa, con cháu chăm sóc tận tình, bạn bè gần xa quan tâm thăm hỏi, nhưng me vẫn không qua khỏi để bây giờ chúng con vắng me, các cháu thiếu bà.
Me ơi! giờ phút linh thiêng này, thay mặt cho cả những người đã khuất, chị Hiền Thục, chị Hiền Thủy, anh Đình Viên, anh Minh Quang, em Đức Vinh, chúng con xin kính cẩn cúi đầu trước vong linh me. Chúng con mong me hãy tha thứ hết những lỗi lầm dù nhỏ, những điều con cháu làm cho me không vui để chỉ mang theo sự thanh thản và những niềm vui sướng trên cõi đời này về với tổ tiên, gặp lại thầy con và các anh chị em chúng con.
Trước vong linh Người, chúng con xin hứa sẽ luôn hết lòng thương yêu đùm bọc nhau, sống theo đạo làm người mà thầy me đã truyền lại cho chúng con suốt cả cuộc đời. Chúng con xin cúi đầu vĩnh biệt Me kính yêu, xin vĩnh biệt…”
Linh cữu me tôi được đưa về an táng tại quê nhà. Tôi cầm khay trầu đi mời họ hàng và bà con dân làng dự rất đông. Tôi không thể nén kìm những dòng nước mắt vì sót thương me và vì một chút gì mặc cảm khi quá khứ rất xa xưa chợt hiện về. Tôi lại nhớ đến hình ảnh của mình, 13 tuổi lần đầu tiên theo me về quê, chạy trên con đường làng bé nhỏ vào nhà nọ nhà kia, nhưng không dám dừng lại trước cổng nhà mình, nơi me đã từng ngồi hóng mát trên lầu hai lộng gió, đơn độc một thời.
Tôi trở lại Hà Nội và vội vàng vào Nam vì chuyên gia đang đợi. Tôi chưa thể quen với việc me tôi đi xa, nên những ngày này đi công tác có khi lại là may. Đến lúc về thì buồn lắm. Cây hoa giấy héo rụi trong khi mọi ngày nó xanh um mơn mởn. Nó khỏe đến nỗi cái rễ chui qua vết nứt đáy chậu mà đâm xuống đất, nên không cần phải tưới. Cô hàng xóm bảo cây héo là vì bà mất. Muốn cứu cây thì khoanh một vòng tròn vôi trắng quanh thân cây, coi như để tang bà. Tôi làm theo, quả nhiên vài ngày sau cây lại xanh tưng bừng như cũ. Đúng là lạ thật. Nhà tôi có chị Thùy Trinh làm trên chùa nên cúng cho me tôi chu đáo. Tới 35 ngày thì cúng tại chùa ở quê. Chúng tôi đặt cơm chay, nhờ nhà chùa làm lễ. Mọi người cử tôi ngồi vào chiếu cầm cành phan, tức là một cành tre lớn, đầu trùm kín mít một chiếc khăn. Nếu me tôi về thì hồn nhập vảo tôi và cành phan sẽ quay tít mù, là mọi người bảo vậy. Tôi ngồi, thực lòng không tin, nên đầu óc tỉnh táo, tay cố ý cầm chặt cành tre chống xuống đất cho chắc chắn. Rồi tôi nghe sư thầy tụng kinh, nghe cô em dâu họ đang cúng bái, gọi hồn. Tôi vẫn để ý mọi chuyện, biết hết. Bỗng nhiên, tôi thấy cành phan quay thật, tôi ghìm lại mà không được. Rồi sau đó cô em lật chiếc khăn ra, tôi khóc như mưa như gió, tôi đứng lên đi ra ôm từng người thân và chỉ nức nở không nói được lời nào. Một hồi lâu, cô em bảo với vong hồn me tôi :”Bác ơi, thế là được rồi. Hôm nay chị em con cháu về đây cúng 35 ngày cho bác, bác gặp đầy đủ cả mọi người rồi đấy. Mong bác sớm siêu thoát và phù hộ cho tất cả nhé. Mọi người luôn nhớ bác, chào bác ạ.” Dứt lời, tôi chợt rùng mình, rồi mắt tôi ráo hoảnh, như chưa khóc bao giờ. Cuộc lễ tan, cả nhà ra ngoài ăn cỗ chay hưởng lộc. Trên đường đi ra, chị Hiền Trang ghé tai tôi hỏi nhỏ: ”Thư thấy thế nào? Cảm giác ra làm sao, chị chẳng tin…” Tôi thuật lại cảm giác và sự thay đổi của tôi, tôi bảo: “hình như me có về thật chị ạ”.
Vậy là me tôi đã đi xa thật rồi. Ở nhà, chỉ còn ba mẹ con, tôi và Tuấn, Hương. Tôi lại tiếp tục mê mải công việc ở cơ quan, thi thoảng được cử ra nước ngoài vội vã trong 1-2 ngày, họp hội nghị quốc tế và phải làm báo cáo trình bày tình hình của Việt Nam, lần thì họp về sự cố năm 2000 (Y2K) trong công nghệ thông tin ở Bangkok, lần thì họp bàn thống kê lực lượng lao động không được trả công (unpaid work) ở Hàn Quốc. Khi mới sang, trước giờ hội nghị thì buồn, nhưng vào hội nghị rồi, vừa lo lo vừa thú vị, vì ở đây, tự nhiên khi phát biểu trình bày, tôi thấy đủ tự tin và giọng nói của mình khác hẳn đi, đỡ “annam” hơn. Vẫn chỉ có một phiền phức duy nhất là tôi bị say xe nên vào việc thì mới gồng mình lên mà tỏ ra khỏe mạnh, còn lại thì xanh xám mặt mày, và lúc nào cũng phải thầm gọi MQ thì mới đỡ tí chút.
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỰ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(tiếp theo)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét