Đầu năm 2014 vừa tới, thế giới còn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức từ cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu,… thì liên tiếp những ngày gần đây biển Đông lại tiếp tục dậy sóng do âm mưu độc chiếm biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Từ hành động cho ra báo và Website phi pháp của cái gọi là “chính quyền của thành phố Tam Sa” đến việc đánh đập, cướp bóc ngư dân Việt Nam thì ngày 10/01 vừa qua khu vực châu Á lại nóng lên trước thông tin mà báo chí nước ngoài đăng tải là chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Với lệnh phi pháp này, Trung Quốc đòi hỏi tàu cá nước ngoài muốn hoạt động “trong vùng quản lý” của tỉnh Hải Nam, kể cả vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phải xin phép khi đánh bắt hay dò tìm tại khu vực rộng tới 2 triệu km2, chiếm 2/3 diện tích biển Đông. Những tàu “vi phạm” những quy định này sẽ buộc rời khỏi khu vực này và bị phạt 500 nghìn nhân dân tệ (82.600 USD) và tịch thu toàn bộ số cá đánh bắt được. Chưa dừng lại, trong một số trường hợp tàu cá nước ngoài có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ngay khi lệnh này được ban bố hàng loạt các quốc gia trên thế giới đã lên án phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc và tuyên bố việc làm trên của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và hoàn toàn vô giá trị.
Trung Quốc ngang ngược ra lệnh cấm đánh bắt cá trên đường lưỡi bò phi pháp
Trước hết, chính phủ Philippines đã nhanh chóng tuyên bố sẽ làm rõ thông tin này còn Mỹ ngay lập tức đã lên án và coi đây là hành động khiêu khích, gây nguy hiểm tiềm tàng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Việc thông qua giới hạn như vậy đối với hoạt động đánh bắt cá của nước khác tại những khu vực tranh chấp trên biển Đông là hành động khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng. Những quy định đó dường như được áp dụng trong khu vực đường 9 đoạn (đường lưỡi bò). Trung Quốc không đưa ra bất cứ giải thích hay cơ sở pháp lý nào cho những yêu sách hàng hải mở rộng đó”. Có thể nói với hành động ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế này Trung Quốc tiếp tục khuấy động và làm gia tăng nguy cơ bất ổn cho an ninh khu vực và thế giới.
Tiếp đó, Nhật đã lên án hành động này của Trung Quốc, chính phủ Nhật cho rằng việc làm này cùng với tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông hồi năm ngoái làm cộng đồng thế giới hết sức lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh: “Tôi sợ rằng không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế đều quan ngại rằng Trung Quốc đang đơn phương thách thức quy định quốc tế hiện hành”.
Còn Việt Nam, quốc gia có chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bị xâm phạm cũng đã phản đối mạnh mẽ quyết định sai trái của Trung Quốc. Mặc dù chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng chính thức nhưng về phía Hội nghề cá Việt Nam, ông Võ Văn Trác, Phó chủ tịch thường trực cho biết sẽ thay mặt Hội gửi kháng nghị phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông.
Với việc tiếp tục các hành động ngang ngược này, Trung Quốc lộ rõ mưu đồ quyết tâm độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, hành động này của họ đã vấp phải sự lên án và phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Và một điều chắc chắn Trung Quốc sẽ khó đạt được mưu toan phi lý này khi cộng đồng quốc tế đoàn kết lại bảo vệ công lý và an ninh, hòa bình thế giới./.
Nguồn: Bài viết có sử dụng tư liệu và hình ảnh của báo điện tử CAND, Thanh niên,…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét