Tại nghị trường chiều 23/10, trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đã gây bất ngờ khi đề xuất những người chấp hành hình phạt tù vẫn phải được hưởng lương hưu.
Theo bà Hậu, người phải chấp hành hình phạt tù do lỗi của họ theo các quy định khác của pháp luật, không phải sai phạm trong quá trình đóng bảo hiểm.
Hơn nữa, về nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng và hưởng tương ứng với nhau. Trước khi chấp hành hình phạt tù, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, người lao động đóng bảo hiểm, đương nhiên họ phải được hưởng.
Không được hưởng 100%
Ủng hộ đề xuất trên và cho rằng như vậy là rất nhân văn, nhưng Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng phải nghiên cứu kỹ mức lương hưu cho tù nhân.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)
Theo tướng Cương, đề xuất trên xét ở khía cạnh pháp lý thì vừa có phần vô lý vừa có phần chấp nhận được. Phi lý, khó chấp nhận ở chỗ đã phạm tội, phải ngồi tù tức là bị tước quyền công dân thì sao được đòi hưởng lương hưu?
Chấp nhận được ở chỗ: người ta vào tù là để đền tội, trả giá cho những tội ác mà họ gây ra, nhưng nếu họ từng đóng bảo hiểm xã hội tức là có phần đóng góp cho xã hội, đôi khi là cả cuộc đời lao động thì họ phải có quyền được hưởng.
“Theo tôi, việc ngồi tù và việc hưởng lương hưu có quan hệ với nhau, nhưng không phải quan hệ hữu cơ, có sự chi phối lẫn nhau. Do vậy, đúng như đại biểu trên đề xuất, vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ.
Tù nhân có thể sẽ không được hưởng 100% lương hưu như các công dân không vi phạm pháp luật khác, nhưng ta cũng nên xem xét mức độ họ đáng được hưởng. Hoặc cũng có thể phân loại đối tượng và mức lương hưu họ được hưởng. Ví dụ, người ở tù 5 – 10 năm sẽ hưởng mức khác với người lãnh án chung thân.
Tóm lại, tôi cho rằng không nên cắt toàn bộ lương hưu của tù nhân vì chúng ta đang hướng tới một xã hội nhân văn. Để tù nhân được hưởng một phần lương hưu phản ánh tính nhân văn, hợp đạo lý, xu thế tiến bộ của xã hội ta đồng thời vẫn có ý nghĩa răn đe với người phạm tội”, tướng Cương nhấn mạnh.
Lương hưu cho tù nhân: Không nên!
Kịch liệt phản đối đề xuất trên, ông Phạm Quốc Anh, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Chủ tịch hội luật gia Việt Nam cho rằng, người đi tù tức là đã vi phạm pháp luật thì không nên đặt vấn đề trả lương hưu cho người ta.
Ông Phạm Quốc Anh, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Chủ tịch hội luật gia Việt Nam
Nói cách khác, đã ngồi tù tức là bị tước quyền công dân thì không được hưởng các chế độ như lương hưu hay bất kỳ chế độ nào khác. Còn nếu muốn được hưởng thì họ đừng vi phạm pháp luật nữa.
Cũng theo ông Quốc Anh, giờ mà xem xét % lương hưu mà tù nhân có thể được hưởng khi ngồi tù hoặc mãn hạn tù thì quá phức tạp và không cần thiết.
“Nếu nói do bị cắt lương hưu nên cuộc sống sau khi mãn hạn tù của họ và gia đình gặp khó khăn hơn thì họ phải làm gì đó chân chính để cải thiện cuộc sống chứ sao lại đổ tội cho việc cắt lương hưu? Sau khi ra tù, tức là khi họ được trả tự do, quyền công dân, họ có thể tham gia vào một công việc nào đó, làm lại cuộc đời, có cống hiến cho xã hội để được hưởng lương hưu”, ông Quốc Anh nêu quan điểm.
Tùy người, tùy tội
Bình luận về ý kiến trên của đại biểu quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại cho rằng, không thể áp dụng đề xuất trên cho mọi trường hợp tù nhân được.
Theo ông Thuận, muốn người đi tù cũng được hưởng lương hưu còn phải xem bản án của người ta xem họ phạm tội gì, quá trình công tác của họ ra sao… Nếu các tội họ vi phạm nhẹ hoặc do vô ý thì phải trả lương hưu cho người ta dựa trên số năm người ta đã cống hiến cho xã hội.
Đề xuất đi tù vẫn được hưởng lương hưu gây tranh cãi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét