– Hôm nay, các ĐBQH thảo luận 4 báo cáo của ngành công an, kiểm sát, tòa án và tư pháp, cùng xoay quanh tình hình phòng chống tội phạm. Báo cáo của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho thấy trong năm qua tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán nổi lên, với hơn 300 vụ án bị khởi tố, như các vụ Agribank, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Thiên thanh, Ban quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty đường sắt)… Tội phạm kinh tế cũng có những đường dây buôn lậu lớn bị triệt phá như buôn lậu xăng dầu ở Công ty Hoàng Sơn, buôn lậu hơn 100.000 tấn than tại Quảng Ninh sang Trung Quốc. Án đánh bạc, bảo kê, cá độ cũng tăng. Nhưng tội phạm giết người thì giảm. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang báo cáo công tác phòng ngừa tội phạm trước QH. Ảnh: Minh Thăng Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì chỉ ra tội phạm về tham nhũng vẫn xảy ra nhiều, đã phát hiện nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt số tài sản lớn tại các ngân hàng, trong thực hiện các dự án lớn của Nhà nước. Qua kiểm sát, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 5 vụ án về tham nhũng. Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố điều tra 17 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 38,6% số vụ án thụ lý điều tra. Bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% còn bị cáo phạt cải tạo không giam giữ giảm 66,6% so với năm 2013. Báo cáo của Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình lại khẳng định không có trường hợp nào toà án kết án oan người không có tội. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết công tác thi hành án, đặc biệt là việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc còn nhiều bất cập. Thảo luận các báo cáo này, mỗi ĐB nêu lên một khía cạnh bất cập nhưng có chung nhận định nếu không khắc phục những hạn chế đó sẽ dẫn đến suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thấy các loại tội phạm về kinh tế, chức vụ đang là một mảng tối đáng báo động trong bức tranh tư pháp năm qua, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chế độ. “Phải chăng việc quản lý cán bộ, quản trị quốc gia đang lỏng lẻo, yếu kém?”, ông nêu vấn đề. ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án TAND Bến Tre, cũng tin rằng con số thực tế các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm về kinh tế, tài chính, ngân hàng trên thực tế cao hơn nhiều so với các con số báo cáo. “Đó là do các cơ quan tư pháp không chứng minh được các sai phạm, dân sự hóa các vụ việc. Thế thì dễ cho các cơ quan tư pháp, nhưng trong thực tế khiến các hiện tượng đòi nợ thuê, lừa hụi diễn biến ngày càng phức tạp, làm mất lòng tin vào pháp luật”, bà Bình nói. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì nói đến việc xét xử các vụ án hành chính liên quan đến khiếu kiện đất đai, thu hồi, bồi thường, tái định cư, sổ đỏ, cưỡng chế… “Khi ra luật Tố tụng hành chính, ta đã hy vọng có sự chuyển biến trong việc giải quyết các bức xúc của người dân liên quan đến các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước, cũng như thúc đẩy cải cách hành chính tốt hơn. Nhưng thực tế, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng việc để tòa phán xét các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước. Nhiều người đưa đơn thì bị cán bộ tòa hành chính từ chối tiếp nhận mà không giải thích rõ ràng lý do, dân thấy bế tắc lại đi khiếu kiện vượt cấp”, ông Hùng phản ánh. Cũng như ĐB Huỳnh Nghĩa, ông Bùi Mạnh Hùng đặt câu hỏi về trình độ và bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán cũng như cán bộ của các tòa hành chính. ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại nói về việc thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước. Đã có luật nhưng việc bồi thường oan sai hiện vẫn còn tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho nhau, vô cảm với nỗi đau của dân, chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Chung Hoàng
Tội phạm ngân hàng, tài chính tăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét