Cải cách giáo dục hay bình mới rượu cũ

[Người đi tìm hình của nước]

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật trên thế giới, phát triển giáo dục luôn được các nước trên thế giới coi là một biện pháp quan trọng nhất nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Trong những năm qua, đảng và nhà nước cũng như toàn thể xã hội luôn chăm lo cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, nhằm đào tạo ra thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nền giáo dục nước ta vẫn còn rất nhiều bất cập, từ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như hình thức kiểm tra đánh giá. Liên tiếp các đề án cải cách giáo dục được bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra nhằm cải tiến chất lượng giáo dục nước ta nhưng kết quả còn rất nhiều hạn chế. 

Trong những ngày qua, dư luận trong nước đang có quan tâm theo dõi sát sao về đề án cải cách thi tốt nghiệp và đại học thành một kỳ thi quốc gia mà Bộ giáo dục đang xây dựng, trong đó có đưa ra rất nhiều phương án để các nhà chuyên gia cũng như nhân dân góp ý. Ngày 9/9, Bộ giáo dục đã chính thức quyết định phương án cho kỳ thi quốc gia và bắt đầu thực hiện từ năm học này. Nội dung là: 

Về môn thi: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Trong đó, kỳ thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Về tổ chức thi: Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.

Về đề thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. 

Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Các Sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.


Phương án kỳ thi quốc gia của Bộ giáo dục vừa công bố có nhiều còn tồn tại cần được xem xét. Cụ thể là: 

Trước tiên, hình thức thi 4 môn bắt buộc cộng các môn thuộc khối mà các trường đại học yêu cầu với thí sinh về bản chất thì thí sinh vẫn phải thi đầy đủ các môn thi như hình thức thi cũ, tức là 4 môn bắt buộc cộng với 1 hoặc 2 môn thi theo khối. Như vậy khối lượng môn thi vẫn không cắt giảm cho thí sinh, đồng thời việc phải thi 5 hoặc 6 môn trong kỳ thi chung sẽ làm phân tán tư tưởng cũng như sự tập trung của thí sinh cho bài thi của mình. Nếu các em làm bài không tốt trong những môn đầu tiên sẽ dễ dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản từ đó gây khó khăn cho các em trong các môn thi tiếp theo.

Thời gian tổ chức thi vào trung tuần tháng 6 hàng năm, đây là khi các thí sinh vừa kết thúc chương trình học phổ thông, chưa có thời gian để hệ thống lại kiến thức cho bản thân nhằm phục vụ cho việc thi cử. Bên cạnh đó, việc gộp thi tốt nghiệp và thi đại học trong cùng một kỳ thi sẽ gây áp lực lớn hơn rất nhiều so với hình thức thi tách riêng như mọi năm.

Cách thức tổ chức và địa điểm thi, trong đề án Bộ Giáo dục chỉ nói chung chung thí sinh sẽ thi theo cụm, nhưng không cụ thể là theo cụm nào: huyện, tỉnh hay là tập trung về các thành phố lớn như kỳ thi đại học hàng năm. Đồng thời việc tổ chức thi và chấm thi theo cụm liệu có đảm bảo chất lượng của kỳ thi hay không, khi mà kỳ thi tốt nghiệp ở các địa phương hàng năm mang tiếng nặng tính hình thức, không đánh giá đúng năng lực học sinh.

Việc cải cách giáo dục là điều cần thiết nhằm làm cho nền giáo dục nước ta đi tắt đón đầu, bắt kịp với sự phát triển giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cải cách như thế nào thì cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và trên hết là xem xét các đặc thù của nền giáo dục cũng như con người Việt Nam nhằm làm cho các biện pháp được đưa ra có hiệu quả, đồng thời tránh tình trạng bình mới rượu cũ như một số lần cải cách trước đây.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét