ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ HÀNH ĐỘNG DỪNG LÀM ĐƯỜNG VÌ “SỢ VIỆT NAM XÂM LƯỢC” CỦA TRUNG QUỐC

[Minh Trị]

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 19/3/2015 tiết lộ tháng 2/2015, quân đội Trung Quốc cấm chính quyền một thành phố giáp giới với Việt Nam xây dựng đường vì sợ rằng công trình này có thể bị Việt Nam sử dụng khi “xâm lược” Trung Quốc. Tin trên được đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 18/3/2015. Bản tin trích lời một sĩ quan quân đội Trung Quốc phụ trách biên giới tại thành phố Phòng Thành Cảng (Fangchenggang), tại vùng tự trị Quảng Tây, cho rằng một khi được hoàn thành, tuyến đường nối liền một ngôi làng ở vùng biên giới với thành phố Phòng Thành Cảng cách đấy 100 cây số “dứt khoát sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và quốc phòng” Trung Quốc. Theo dự án xây dựng, đây là một con đường hai làn xe chạy từ thôn Thán Toan (Tan San) ở vùng biên giới với Việt Nam, đến trung tâm thành phố Phòng Thành Cảng. Phòng Thành Cảng là đơn vị hành chính gọi là địa cấp thị, trung gian giữa tỉnh và huyện, giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.



Quan chức Trung Quốc cảnh báo cư dân làng Thán Toan rằng nếu chiến tranh bùng nổ, chiến sĩ Việt Nam có thể sử dụng tuyến đường vừa kể để tiến hành cuộc phản công nhắm vào quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, tin tức cho hay, sự can thiệp của quân đội đã khiến dân làng giận dữ vì nếu hoàn thành, con đường trên sẽ là đường trải nhựa đầu tiên nối liền vùng biên giới hẻo lánh với phần còn lại của Trung Quốc. Các quan chức thành phố cũng không hài lòng với sự can thiệp của quân đội vì họ cho rằng con đường sẽ giúp các nông dân vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường.

Có thể nói, một số người trong giới quân sự và cả lãnh đạo chính quyền ở Trung Quốc đã lo quá xa, hoặc thậm chí “suy bụng ta ra bụng người”. Cần phải nhận thức rõ, chủ trương đối ngoại của Việt Nam là “sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”. Đối với những vấn đề nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực. Đồng thời, Việt Nam tuyệt đối không đơn phương tiến công xâm lược quốc gia khác, không tham gia các liên minh quân sự và không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên đất Việt Nam... Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với mục đích “tự vệ” chứ không bao giờ chủ trương tấn công quốc gia khác.

Nhìn lại chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, có thể thấy dân tộc Việt Nam cũng chưa bao giờ chủ động tiến công sang lãnh thổ của nước khác, tất cả các cuộc chiến tranh mà Việt Nam phải tốn xương máu đều do tham vọng xâm lược, bá quyền của những thế lực bên ngoài. Ngay cả hai lần hiếm hoi mà quân đội nước Việt tham chiến ngoài lãnh thổ là cuộc tiến công khu căn cứ Ung Châu - Khâm Châu, Liêm Châu (1075) hay cuộc tiến công sang Campuchia giúp nhân dân nước này thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot (1979), đều do các thế lực ngoại bang chủ động tấn công trước, nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành phản công để tự vệ. Đặc biệt, lần tiến công sang đất Tống của quân đội Đại Việt thời Lý, triệt thoái các căn cứ chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược (1076-1077), Lý Thường Kiệt đã cho yết bảng “Phạt Tống lộ bố văn” nêu rõ lý do, tính chính nghĩa của cuộc tiến công để chính nhân dân Tống cũng ủng hộ hành động của quân đội nhà Lý.

Còn nhớ, tại Đối thoại Shangri La 2013, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tựa đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á”, Thủ tướng đã nói:  “Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ ‘mất lòng tin là mất tất cả’. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”. Sau đó, Thủ tướng nêu rõ “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, và nếu như xảy ra xung đột quân sự thì “không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua” và khẳng định “Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành”.

Nói tóm lại, có lẽ phía Trung Quốc trước hết hãy từ bỏ những tham vọng bá quyền, thực lòng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, đoàn kết, cùng có lợi; từ đó họ cũng khỏi cần lo những công trình giao thông, phúc lợi thiết yếu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong mỏi của quần chúng vùng sâu, vùng xa lại trở thành công cụ dễ bị lợi dụng trong chiến tranh.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét