Chuyện Cà Phê Vườn: Oan Trái H.O. - Tác giả Toàn Như
Kể từ khi quán cà phê L.H. ở một góc đường Westminster đóng cửa để remodel vì thay đổi chủ nhiều khách hàng quen thuộc của quán này cũng hơi buồn vì họ đã mất đi một nơi hội họp vào mỗi cuối tuần.
Thông thường cứ vào cuối tuần như vậy, quán LH rất đông khách. Đa số khách của quán là những anh em cựu H.O. nên quán còn có tên gọi thân mật là Quán Hát Ô, hay quán Ông Gìa Đầu Bạc vì ông chủ quán cũng là một cựu H.O. gốc TQLC có mái tóc húi cua kiểu nhà binh bạc trắng. Có lẽ vì nhân thân của ông chủ quán như vậy nên đã được các anh em H.O. hết mình ủng hộ. Họ tụ họp ở đây cả giờ mà chỉ với một ly cà phê. Thật ra đối với họ, ly cà phê chỉ là cái cớ để có dịp ngồi lại bên nhau chuyện gẫu cho vui mà thôi. Họ thường tụ lại thành từng nhóm, nhưng đông nhất là nhóm các cựu TQLC, bạn cùng binh chủng với ông chủ quán.
Kể từ ngày quán LH tạm đóng cửa, các nhóm trên đã mất đi một nơi để gặp nhau cuối tuần hầu có dịp cà kê dê ngỗng chuyện trên trời dưới đất. Không còn LH, mọi người đành di tản tìm đến những quán cà phê khác.
Cũng giống như các nhóm bạn khác, không có LH, nhóm chúng tôi cũng buồn năm phút. Sau ít lần đi uống cà phê ở một vài nơi khác, một hôm, để thay đổi không khí, anh Tôn trong nhóm đã ngỏ ý mời các bạn đến vườn nhà anh uống cà phê thay vì ra quán. Mọi người hưởng ứng ngay và thế là từ đó hàng tuần nhóm bạn chúng tôi có mục cà phê vườn thay cho việc ra quán.
Vườn sau nhà anh Tôn là một sân rộng có khá nhiều cây trái xum xuê, phần lớn là những loại cây ăn trái rất thông dụng trong những vườn nhà của người Việt. Như cam, quýt, ổi, chanh, hồng, lựu, thanh long,...; hay những loại rau lá, bầu bí, mướp, dưa v.v... Anh Tôn dành ra hẳn một góc sân để làm nơi cho anh em tụ tập cà phê. Mọi người ngồi quanh một cái bàn dài với một số ghế xếp hay ghế đẩu nhiều ít tùy theo số người có mặt. Để tránh mưa nắng, anh Tôn đã dựng lên một cái lều nhỏ, loại tiền chế, để làm chỗ cho các bạn tụ họp. Đặc biệt, vào những ngày có những trận thi đấu thể thao hấp dẫn như World Cup hay Super Bowl, v.v... anh Tôn còn đem cả TV ra ngoài lều mời anh em đến xem và uống cà phê. Mọi người vừa xem TV vừa reo hò bàn tán ồn ào không kém gì ở những tụ điểm bên ngoài. Còn những lần khác, mọi người đến vào cuối tuần, vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe chim hót và ngắm nhìn cây cối quanh vườn cũng rất vui. Không khí lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt chẳng khác gì ở quán. Đến lúc cà phê xong, nhiều bạn còn tiện tay "chôm" về những trái cây, rau lá từ vườn nhà của khổ chủ.
Ở quán L.H., mọi người uống cà phê phải trả tiền, dĩ nhiên, nhưng ở quán cà phê vườn này, các bạn được anh Tôn đãi cà phê miễn phí. Cà phê được anh pha chế sẵn trong coffeemaker, ai muốn uống cứ tự nhiên selfservice với đường hay sữa tùy ý. Cà phê vườn như vậy lúc đầu cứ tưởng chỉ là tạm thời trong khi chờ đợi L.H. tái xuất giang hồ, nào ngờ việc này đã được kéo dài chưa biết đến bao giờ mới dẹp tiệm. Có lẽ vì các bạn thấy thuận tiện vì vừa được uống cà phê chùa, vừa được có một chỗ ngồi đấu hót hàng giờ mà chẳng sợ bị phiền hà như khi ngồi quán.
Một ngày cuối năm, một bạn trong nhóm cho biết mới nhận được tin nhắn về một người bạn ở Việt Nam mà nhiều người trong nhóm có quen biết. Đó là anh Sáng hiện đang sống ở Mỏ Cày, Bến Tre. Theo người bạn, hoàn cảnh của anh Sáng thật éo le tội nghiệp. Mặc dù bị ở tù cộng sản tới 13 năm nhưng anh vẫn bị từ chối không được vào Mỹ theo diện H.O.
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975, anh Sáng cũng như bao quân cán chính VNCH khác phải đi tù cải tạo. Anh Sáng là một thiếu tá ngành cảnh sát đặc biệt nên mãi 13 năm sau anh mới được trả tự do. Ngày anh vào tù, vợ anh đang mang bầu đứa con út được ba tháng. Sau một tháng vẫn không thấy chồng trở về, chị đành mang mấy đứa con về quê ngoại ở Mỏ Cày tá túc nhà cha mẹ ruột. Nhưng rồi chị chờ đợi mỏi mòn mãi mà tin tức chồng vẫn bặt tăm. Sáu tháng sau, chị hạ sanh một bé trai. Để ghi nhớ ngày vợ chồng vì thời cuộc phải chia ly xa cách chị đặt tên cho con là thằng cu Ly.
Về quê sinh sống, chị Sáng chẳng biết làm gì để kiếm sống ngoài việc phụ giúp công việc đồng áng trên một sào đất của cha mẹ. Nhưng rồi khi mọi người bị buộc phải vào hợp tác xã nông nghiệp thì cái sào đất này cũng không còn nữa. Cha mẹ chị đã thành một xã viên hợp tác xã làm việc như những tá điền làm thuê ngay trên ruộng của mình để được chấm công điểm. Công điểm sau đó mới được qui ra thóc gạo và nhu yếu phẩm như một hình thức trả lương. Còn chị, vì là vợ của một sĩ quan "ngụy" ngành cảnh sát sát đặc biệt bị cho là thành phần ác ôn, bóc lột nên không được thâu nhận vào làm xã viên hợp tác xã. Không những vậy, chúng còn muốn chị phải đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới nhưng chị lấy lý do các con chị còn qúa nhỏ để cứ nấn ná ở lại.
Tuy nhiên, để được như vậy, chị phải lo lót cho bọn cán bộ xã ấp. Đó là bài học "đầu tiên" (tiền đâu) mà chị học được dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, chị đã tận dụng cái khoảnh đất còn lại ở sau nhà cha mẹ tập tành trồng rau, trồng bắp, trồng cải,... rồi thu hoạch đem bán kiếm sống qua ngày. Cũng may hồi nhỏ chị có ở dưới quê một thời gian nên nay công việc ruộng vườn chị làm quen cũng mau chóng.
Mãi hơn một năm sau ngày 30/4/1975, khi đi làm sổ mua gạo và nhu yếu phẩm thời gian đó, gạo và các nhu yếu phẩm phần lớn được bán theo sổ phân phối chị mới sực nhớ chưa làm giấy khai sanh cho thằng cu Ly. Không có giấy khai sanh, nó sẽ bị mất khẩu phần gạo và có thể sẽ không được đi học khi lớn lên. Thế là chị phải đi khai sanh cho nó trễ mất một năm. Đó cũng là lý do mà sau này đã làm cho gia đình anh chị không được xuất cảnh đi Mỹ theo diện H.O. như những cựu tù "cải tạo" khác.
Đến giữa năm 1988, anh Sáng mới được trả tự do sau hơn 13 năm tù trải qua nhiều trại tù từ Nam ra Bắc. Ngày anh ra tù cũng là lúc có tin đồn các cựu tù nhân chính trị nguyên là những sĩ quan chế độ cũ nếu đã bị tù từ ba năm trở lên sẽ được đi định cư ở Mỹ theo một thỏa thuận giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Dĩ nhiên, chẳng riêng gì anh Sáng mà có thể nói hầu hết các anh em tù đều rất vui mừng đón nhận tin này. Mọi người đều mong mỏi tin đó sẽ là sự thực để được thoát ra khỏi cảnh đày đọa, phân biệt đối xử dưới chế độ cộng sản sau khi đã bị trải qua nhiều năm tù đói khổ.
Khi nghe tin chương trình tái định cư các tù "cải tạo" nói trên đã chính thức bắt đầu vào năm 1989, vợ chồng anh Sáng đã chạy vạy khó nhọc mới đủ tiền để nhờ dịch vụ nộp đơn xin xuất cảnh theo chương trình mà sau này gọi là H.O. Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng cả gia đình anh được gọi đi lên Sài Gòn phỏng vấn. Tưởng là với 13 năm tù của anh, mọi người sẽ dễ dàng được Mỹ chấp thuận cho đi Mỹ. Thế nhưng oái oăm thay khi vào phỏng vấn, phía Mỹ đã nghi ngờ anh khai man lý lịch. Họ cho rằng thằng cu Ly không phải là con anh vì theo giấy khai sanh của nó, nó được sanh ra lúc anh đã vào tù được hơn một năm.
Anh Sáng đã giải thích cho người phỏng vấn viên hiểu rằng, thằng Ly chính là con anh. Vợ anh đã đang mang thai nó khi anh bắt đầu vào tù. Sáu tháng sau, trong lúc anh còn đang ở tù thì chị sanh nó. Vì cuộc sống qúa cực khổ ở thôn quê và vì qúa bận rộn để mưu sinh nên vợ anh đã quên và làm khai sanh trễ cho nó. Nhưng dù đã giải thích như thế, người phỏng vấn viên vẫn không tin và không chấp nhận. Ông ta từ chối hồ sơ H.O. của anh vì cho rằng anh "man khai lý lịch", ghép tên con của một người khác làm con mình để mang sang Mỹ (!).
Qúa tức giận về kết luận của người phỏng vấn viên, anh Sáng đã lớn tiếng phản đối sự quy chụp này và yêu cầu được thử nghiệm DNA để xác minh thằng Ly có phải là con anh hay không.
Sau đó, nghĩ rằng mình không có gì gian dối, anh Sáng đã viết thư cầu cứu các bạn ở Mỹ nhờ khiếu nại giùm trường hợp của anh. Nhờ vậy, anh đã được tái phỏng vấn và được thử mẫu DNA của anh và thằng cu Ly. Mặc dù kết qủa DNA của cha con anh là đồng nhất, nhưng không hiểu sao phía Mỹ vẫn không thay đổi quyết định. Anh Sáng vẫn bị Mỹ từ khước hồ sơ xuất cảnh.
Theo anh Sáng, có thể người phỏng vấn viên ban đầu đã có ác cảm với anh vì anh lớn tiếng cãi lý nên anh đã bị người này đưa tên vào "hồ sơ đen". Cho nên sau này, dù được tái phỏng vấn, anh vẫn bị Mỹ từ chối vì đã có "hạnh kiểm xấu" trong hồ sơ (?).
Thế là giấc mộng đi Mỹ của anh Sáng đành phải gác lại. Vợ chồng anh lại đành phải trở về Mỏ Cày để tiếp tục công việc chân lấm tay bùn chẳng khác gì những ngày lao động ở trong và ngoài nhà tù. Đúng là cái vận số anh qúa đen, nó cứ mãi đeo bám anh cho đến tận hôm nay.
Đã gần ba mươi năm kể từ ngày bị rớt H.O., cuộc đời anh Sáng vẫn chẳng có gì khá hơn. Mới đây anh Bửu, một bạn khác trong nhóm, trong chuyến về VN thăm nhà có gặp hai vợ chồng anh Sáng ở Mỏ Cày thấy thật tội nghiệp. Họ chẳng khác gì hai ông bà gìa lam lũ ở miệt vườn dù tuổi đời của họ cũng chẳng khác gì các bạn trong nhóm cà phê. Cả hai mặc những bộ quần áo cũ bạc màu, thậm chí sờn rách. Anh Sáng vẫn tiếp tục công việc trồng trọt cực nhọc như ngày nào khiến cho có lần anh đã bị té ngất xỉu ở trong vườn, may mà vợ anh thấy kịp thời cứu cấp.
Biết tin này, anh Bửu khi trở lại Mỹ đã vận động bạn bè gởi giúp anh chị Sáng một số tiền. Nhờ vậy, chị có một số vốn nhỏ để buôn bán lặt vặt kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Riêng các người con của anh chị Sáng nay đều đã trưởng thành và lập gia đình nhưng chúng cũng chẳng khá gì hơn bố mẹ. Vì hoàn cảnh đặc biệt của gia đình sau 1975 nên chúng không được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy nay chúng cũng chỉ là những công nhân tầm thường với những đồng lương khiêm tốn.
Kể chuyện về anh Sáng đã làm anh Tuấn, một bạn trong nhóm, nhớ đến một trường hợp tương tự nhưng may mắn hơn. Anh Tuấn kể, anh tình cờ quen biết anh Thơ, một người bạn H.O. Giống như anh Sáng, Thơ có một người con được sanh ra trong lúc anh còn đang ở tù. Người con này không bị làm khai sanh trễ như con anh Sáng, nhưng đặc biệt hơn, nó được sanh ra mãi mấy năm sau khi anh Thơ đã đi tù. Lý do vì có lần đang còn bị giam trong trại cải tạo, Thơ đã được trại cho phép thăm gặp gia đình ở lại qua đêm. Cũng vì lần thăm gặp đó mà kết qủa vợ anh đã mang bầu thằng con út. Cái bầu đã làm cho chị Thơ bị nhiều tai tiếng dị nghị, nhưng vốn là một người công giáo nên chị đành câm lặng, không giải thích và cũng không hủy hoại cái thai nhi. Chị nhẫn nhịn vì nghĩ dù sao nó cũng là giọt máu của vợ chồng chị.
Đến ngày nộp đơn xin định cư theo diện H.O., cả hai vợ chồng anh Thơ đều băn khoăn chưa biết phải xử trí như thế nào. Nếu khai tên thằng con út thì sợ bị loại, mà bỏ nó lại thì cũng không đành vì không biết sau này có bảo lãnh nó qua Mỹ được hay không. Cho nên sau cùng hai vợ chồng đánh liều cứ để tên hết cả nhà trong danh sách rồi hạ hồi phân giải.
Trong những ngày chờ đợi để được gọi đi phỏng vấn, anh Thơ suy nghĩ sẽ nên khai như thế nào về trường hợp đứa con út. Nếu khai nó là con của hai vợ chồng trong lúc anh còn đang ở tù thì có thể sẽ bị nhân viên phỏng vấn nghi ngờ anh khai man lý lịch, ghép tên của người không phải là con mình vào danh sách gia đình như nhiều người đã từng bị loại. Thật là tình ngay mà lý gian. Còn nói nó chính là con anh do kết qủa của một lần vợ thăm nuôi chồng trong tù thì lại càng làm tăng thêm nghi vấn. Chẳng lẽ chế độ lao tù cộng sản tốt đẹp đến độ cho người tù được thăm gặp gia đình thân mật đến thế sao? Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh Thơ đã nghĩ ra một cách để sẽ khai với người phỏng vấn.
Đến ngày đi phỏng vấn, đúng như anh Thơ dự đoán, phỏng vấn viên người Mỹ đã hỏi ngay anh rằng, thằng Út có đúng là con của vợ chồng anh không. Anh trả lời nói dối nó đúng và không đúng là con anh. Anh nói: "Nó đúng là con vợ chồng chúng tôi vì nó do chính vợ tôi sanh ra nó. Nhưng nó không phải là con của tôi, hiểu theo nghĩa nó là giọt máu do tôi tạo ra, vì thời gian nó ra đời tôi còn đang ở trong tù. Sở dĩ như vậy vì trong lúc tôi đang ở trong tù, vợ tôi phải tần tảo bán buôn để có tiền nuôi con và đi thăm nuôi tôi. Trong một lần đi buôn đường xa, vợ tôi đã bị một tên bạn hàng hãm hại cưỡng hiếp khiến cho bả bị mang bầu. Qúa xấu hổ sau đó, vợ tôi đã toan tính tự tử nhưng vì thương chồng, thương con nên bả đành nhịn nhục. Ngoài ra cũng vì lý do nhân đạo, và hơn nữa, vợ chồng tôi là những tín đồ công giáo nên không được phép phá thai. Đó là lý do ngày nay có sự hiện của thằng Út của chúng tôi ở đây."
Nghe kể như vậy, ông phỏng vấn người Mỹ gật gù có vẻ thương cảm. Ông nói, đó là một thảm cảnh của gia đình ly tán vì tù đày bởi cộng sản mà gia đình anh là một nạn nhân; cho nên ông chấp thuận cho cả gia đình anh được sang Mỹ tái định cư. Vợ chồng anh Thơ cám ơn ông Mỹ rối rít ra về mà lòng vui vô hạn.
Nghe kể chuyện về anh Thơ, mọi người không khỏi tội nghiệp cho anh bạn Sáng kém may mắn. Phải chi ngày ấy có người "cố vấn" mách cho anh Sáng cái câu chuyện của anh Thơ thì có lẽ số phận của anh đã khác. Phải chăng đó cũng là cái số? Mỗi người ai cũng có một số phận, có ai biết trước được số phận của mình sẽ như thế nào.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét