LẠI MỘT HÀNH ĐỘNG NGANG NHIÊN COI THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

[Ánh Dương]

Hành động ngang ngược của Trung Quốc

Ngày 3/5, trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải dương 981 (HD 981) “tác nghiệp tại Nam Hải”. Cảnh báo này cho biết, từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động tại tọa độ 15 0 29’N/111 0 12’E. Cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.

LẠI MỘT HÀNH ĐỘNG NGANG NHIÊN COI THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM


Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan HD 981 đã xâm phạm vào Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía Việt Nam đã có những phản ứng cụ thể lên án hành động vi phạm pháp luật của phía Trung Quốc mà trực tiếp là Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc.  Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối."

LẠI MỘT HÀNH ĐỘNG NGANG NHIÊN COI THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Cũng trong thời gian này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng ra thông cáo cho rằng hành động của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phản đối hành động trên và yêu cầu công ty này dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời yêu cầu Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc không để tái diễn những việc làm tương tự.

Thông cáo nêu rõ: "Việc làm nói trên của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc". 

Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Có thể thấy việc làm nói trên của Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc về việc làm sai trái, vi phạm nghiêm trọng Công ước về Luật biển 1982 và Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đã xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những sự việc như việc tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò Viking 2, tàu Bình Minh 02 và hành động của Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc cần phải được chấm dứt ngay lập tức và không được phép tái diễn trong tương lai. Đó là những hành động đã làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đến phương châm hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. 

Qua lời phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình chúng ta cũng có thể nhận thấy thái độ cứng rắn, kiên quyết của Việt Nam đối với sự việc nói trên và cũng cho thấy chủ trương của Việt Nam đối với việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông đó là: “Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc. Trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề này, Việt Nam chủ trương các bên phải tự kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), tiến tới đạt được giải pháp công bằng, lâu dài cho vấn đề phức tạp này để Biển Đông luôn luôn là vùng biển hoà bình, hữu nghị và phát triển”.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét