Thất vọng về một vị giáo sư

[Bùi Nam Bình]

Đó là Giáo sư Văn Như Cương.

Tôi đã được nghe danh ông từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, rằng ông là một hình mẫu của nghề giáo. Tôi cũng được nghe một đôi câu đối "Văn như Văn Như Cương, võ như Võ Nguyên Giáp". Tôi hình dung ông là một người vĩ đại, được sánh ngang, thậm chí xếp trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chắc hẳn phải là cực kỳ ưu tú.


Thế nhưng bây giờ, tôi nhận ra là tôi - và nhiều người khác đã lầm. 

Giáo sư Cương thực sự làm cho lòng kính trọng của tôi (và rất nhiều người khác thể hiện qua các comment trên facebook của GS) bị tổn hại nghiêm trọng, khi GS đăng bài này trên facebook của mình:



  Trước hết, dễ dàng nhận thấy GS Văn Như Cương không dám trực diện nêu vấn đề mà lại "mượn lưng học trò" để gián tiếp phê phán Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh. Bài viết trên của GS Cương được đăng vào ngày 4.6.2014, tức là lúc mọi bài thi tốt nghiệp của học sinh thi tốt nghiệp năm nay đang được niêm phong chặt chẽ, không ai có thể bóc ra xem. Vậy mà GS Cương vẫn "xem" được, còn đăng lại được trên facebook là lẽ gì vậy? Sự thực "bài thi của học sinh" nêu trên lấy từ đâu ra? Chắc chắn chẳng có học sinh nào hết, chỉ có "học sinh" Văn Như Cương tự nghĩ ra để mượn danh học trò phê phán ông Phùng Quang Thanh bằng cách "cho điểm 0". Núp bóng học sinh để chửi xéo lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đường lối của Đảng, Nhà nước, thiết nghĩ chẳng phải cách làm của bậc chính nhân quân tử.

Thứ hai, về cách tiếp cận vấn đề. Giáo sư Văn Như Cương sử dụng chiêu "lập lờ đánh lận con đen" bằng cách cắt nát bài phát biểu của ông Thanh, rồi trưng ra những mảnh vụn để phê phán. GS Cương trích đoạn "Những vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết SONG PHƯƠNG…", nhưng cố tình không trích đoạn trước và đoạn sau trong bài phát biểu của ông Phùng Quang Thanh, cụ thể ngay đoạn sau: "còn vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương" và không trích nốt đoạn trước đó "Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương"... Toàn thể những gì ông Phùng Quang Thanh phát biểu đã thể hiện rất đúng đắn chủ trương đấu tranh kiên quyết nhưng mềm dẻo của Đảng, Nhà nước. Vậy mà Giáo sư Cương cố tình cắt cúp, cố tình vẽ nên hình ảnh ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh như một người ngây ngô, không hiểu gì về thực tế tình hình. Đây có phải là một đòn bẩn đánh dưới thắt lưng người bị công kích, thưa vị Giáo sư đáng kính?

Thứ ba, GS Văn Như Cương chỉ biết phê phán ngôn từ mà không đếm xỉa gì đến cái quan trọng nhất, thiết thực nhất, bản chất nhất, đó là hiệu quả thực sự của bài phát biểu của ông Phùng Quang Thanh đã đem lại trong Đối thoại Shangri La. Sau bài phát biểu của Mỹ, Nhật Bản và của Đại tướng Phùng Quang Thanh, viên tướng đại diện quân đội Trung Quốc đã nổi đóa và không còn giữ được bình tĩnh, sủa lung tung. Tuy nhiên, y chẳng có cớ gì vu cáo Việt Nam "theo đuôi Mỹ, Nhật". Hiệu quả thực sự đã được minh chứng, Trung Quốc đã tự vả vào mặt mình trước bàn dân thiên hạ; còn Việt Nam được ghi nhận với sự chính nghĩa và chủ trương mềm dẻo, hòa bình. Còn mong gì hơn thế, thưa GS Cương? Và nếu như GS Cương thay vị trí của ông Phùng Quang Thanh, với những lời lẽ mà GS cho rằng cần phải có "sự cứng rắn cần thiết", hiệu quả sẽ như thế nào, liệu có được như những gì ông Phùng Quang Thanh đã làm không, hay chỉ tạo ra cái cớ để Trung Quốc tiếp tục lợi dụng đổ vạ cho Việt Nam hiếu chiến?

Là kẻ sỹ trong thiên hạ, nhất là những bậc trưởng lão đức cao vọng trọng, thì càng phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Giáo sư Văn Như Cương là người có uy tín đối với các thế hệ học sinh. Thế nhưng ông không cẩn trọng trong bài viết, lời nói, cố tình tuyên truyền cho học sinh nhận thức lệch lạc, phê phán sai trái, thiếu niềm tin vào Bộ Quốc phòng, thậm chí quay ra căm ghét lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, những quan điểm phê phán hẹp hòi, tầm nhìn nông cạn như trên chỉ làm rối nội bộ, làm suy yếu sức mạnh quy tụ của dân tộc và tiếp tay cho kẻ thù. 

Yêu nước, căm thù giặc, đó là cần thiết. Nhưng lòng yêu nước phải dựa trên nền tảng trí tuệ, nhìn nhận vấn đề đúng đắn, nếu không sẽ trở thành kẻ phá hoại. Thực sự, tôi hy vọng ngày mai GS Văn Như Cương sẽ chính thức rút bài viết và có lời xin lỗi đến những người liên quan. Và sẽ hay hơn nếu như GS Cương trần tình rằng toàn bộ sự việc chỉ là một tai nạn, rằng bài viết trên không phải là bài viết của chính ông. Giữ lại một điều gì đó tốt đẹp vẫn là cần thiết và không bao giờ muộn, phải không thưa Giáo sư Văn Như Cương?./.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét