Tô Hoài – Nhà văn của tuổi thơ tôi

[Mặt Trời]

       Mới vừa đây thôi nghe tin nhà văn Tô Hoài qua đời tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội ngày 6/7, hưởng thọ 95 tuổi, tôi không khỏi bàng hoàng và thương tiếc sự ra đi của một cây đại thụ lỗi lạc trong nền văn học Việt Nam.

Nhắc đến Tô Hoài, đó là nhắc đến Dế mèn phiêu lưu kí – một tác phẩm nổi tiếng để đời gắn liền với tuổi thơ đáng nhớ của không biết bao nhiêu con người. Có lẽ đây là số ít truyện cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể đọc với sự say mê hết mình. Với riêng tôi, Dế mèn phiêu lưu kí vừa là những kí ức xa xăm cũng vừa hiện hữu như những sớm mai trong lành. Cũng như biết bao con người khác, tôi cũng có một tuổi thơ đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích của bà và cả những truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhiều nhà văn. Trong đó, có lẽ Dế mèn phiêu lưu kí là một tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có ai không nhớ đến những câu thơ dí dỏm: “Cái cò cái vạc cái nông. Ba cái cùng béo vặt lông cái nào? Vặt lông con mẹ cốc cho tao. Tao nấu tao nướng tao xào tao ăn” của chú Dế mèn nhân vật chính, không nhớ đến những chuyến phiêu lưu kì thú và cũng đầy li kì trong câu chuyện. Và tất nhiên, trong mỗi chuyến phiêu lưu ấy, mỗi chúng ta đều rút ra được những bài học cho riêng bản thân mình, để sống tốt hơn và để biết làm người. Không phải ngẫu nhiên mà Dế mèn phiêu lưu kí nói riêng và truyện Tô Hoài nói chung dễ đi vào lòng người, đó là cả một câu chuyện về nhân sinh đời thường nhưng không phải ai cũng cảm nhận được.


(Hình ảnh gần gũi đời thường của nhà văn Tô Hoài.
Nguồn: Internet)

       Với những thành công vang dội, truyện ngắn này đã dược dịch ra gần 40 thứ tiếng và được bạn bè trên thế giới đón nhận, đánh giá cao. Nhà văn Tô Hoài đã ra đi nhưng chú Dế mèn của ông sẽ còn mãi với thời gian, sống mãi trong lòng những con người đã từng trải qua một tuổi thơ đắm chìm trong thế giới phiêu lưu kì thú của chú dế mèn như tôi và bao thế hệ khác. Đánh giá về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng 'chú Dế Mèn' cùng mảng viết tự truyện của ông sẽ được tìm đọc mãi".

       Nhắc đến Tô Hoài, chúng ta cũng nhớ ngay đến “Vợ chồng A Phủ” – tác phẩm kinh điển đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, được chuyển thể thành phim và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Văn Tô Hoài khắc hoạ cho chúng ta thấy cuộc sống khổ cực của một tầng lớp người nông dân trong thời phong kiến, đan xen trong khổ cực lầm than vẫn là ánh sáng của hi vọng, của hạnh phúc…

       Với những cống hiến lớn lao đó, Nhà văn Tô Hoài đã được trao tặng những giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, nhà văn Tô Hoài cũng được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

      Sự ra đi của Tô Hoài là sự mất mát lớn lao đối với nền văn học Việt Nam. Cả cuộc đời cống hiến cho văn học của ông chính là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo. Tô Hoài viết văn bằng cảm nhận của con tim và khắc hoạ nhân sinh đời thường, không bóng bẩy khoa trương nhưng chạm vào tuổi thơ, vào kí ức và trái tim người đọc. Đó là trái tim người viết văn chân chính chứ không như Nguyên Ngọc với “Văn đoàn độc lập” lố bịch. Nguyên Ngọc tự đánh mất đi hình ảnh của mình khi tự xếp mình ngang hàng với những Bùi Chát, Võ Thị Hảo, Võ Thư Hiên, Nguyễn Quang Lập…
Lời cuối cùng, xin thành tâm tiễn đưa nhà văn Tô Hoài về cõi vĩnh hằng. Ông sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi – những con người có một tuổi thơ đắm chìm trong thế giới phiêu lưu kì thú của chú dế mèn mà ông đã “sinh ra”.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét