Vì sao cộng đồng mạng hay dậy sóng

[Người đi tìm hình của nước]

Nhờ vào sự phát triển của các loại hình giao tiếp trên Internet như: Facebook, Blog, Twitter… đã tạo ra một hình thức cộng đồng xã hội mới đó là cộng đồng mạng. Mặc dù mới ra đời và tồn tại trên không gian mạng, nhưng cộng đồng mạng trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang khẳng định sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình trong xã hội chúng ta.

Bên cạnh những mặt tích cực mà cộng đồng này đem tới cho xã hội, thì nó cũng có rất nhiều tác động tiêu cực thậm chí cực đoan. Điển hình như: Khi đại dịch Ebola đang hoành hành trên khắp thế giới, toàn bộ hệ thống cơ quan chức năng của Việt Nam đang sử dụng mọi biện pháp để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này lan tới nước ta. Khi đó ở trên mạng xã hội Facebook cũng như trên một số diễn đàn mạng đã xuất hiện một thông tin dựa trên một nguồn “bí mật” khẳng định ở Việt Nam đã xuất hiện dịch Ebola. Thông tin đã làm cư dân mạng hoảng loạn, thậm chí nhiều người còn đổ trách nhiệm cho các cơ quan chức năng đã không ngăn chặn được dịch bệnh đồng thời không công bố thông tin để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, thông tin kia nhanh chóng được các cơ quan có chức năng bác bỏ và khi cơ quan Công an vào cuộc đã làm sáng tỏ nguồn gốc của thông tin kia là do 2 cá nhân trên mạng xã hội Facebook tung ra với mục đích thu hút sự quan tâm của cộng động mạng. Sau đó, mấy ngày vừa qua khi ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định chặt bỏ một số hàng cây xanh trước nhà hát thành phố và phá bỏ thương xá Tax để bàn giao mặt bằng cho việc thi công công trình tàu điện ngầm. Cộng đồng mạng lại dấy lên một làn sóng “tiếc thương” những công trình này đồng thời tạo ra dư luận phản ứng lại quy hoạch của ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều lần cộng đồng mạng “dậy sóng” về các vấn đề “nhạy cảm”, “nóng” trong xã hội. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cho cư dân của cộng đồng mạng ở Việt Nam quá nhạy cảm, thậm chí là dễ bị lừa như vậy?



Trước tiên, tâm lý của cộng đồng mạng Việt Nam cũng chính là tâm lý chung của người Việt Nam đó là rất dễ tin, thậm chí là cả tin đồng thời người Việt còn rất thích nắm bắt các thông tin thuộc dạng “nhạy cảm”, “nóng” của xã hội để từ đó “tam sao thất bản” theo hướng làm nghiêm trọng vấn đề đó lên để nhằm cho mọi người biết mình là người biết việc, thạo tin. Đây chính là cơ sở cho một số đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng nhằm thực hiện được mục đích của cá nhân họ.

Bên cạnh đó, việc cung cấp các thông tin nóng, nhạy cảm của các cơ quan có chức năng trong bộ máy nhà nước ta còn chậm, thông tin không đầy đủ thậm chí nhiều cơ quan còn né tránh không đưa thông tin. Khi xuất hiện các thông tin trái chiều, xuyên tạc, bịa đặt có liên quan đến các tổ chức, cá nhân trong nước thì các cơ quan tổ chức, cá nhân này cũng không có biện pháp đính chính, khẳng định thông tin. Đây là nguyên nhân dẫn đến các thông tin trái chiều, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc ở trên cộng đồng mạng có rất nhiều đất sống.

Như vậy để có thể xây dựng một cộng đồng mạng trong sạch, vững mạnh, có những đóng góp tích cực cho xã hội thì trước tiên mỗi cư dân mạng phải là những người có trách nhiệm với hành động, lời nói của chính mình trên cộng đồng mạng, mọi người phải coi đây cũng như là hành động và lời nói của bản thân ở trong xã hội thực. Ngoài ra, đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần phải có các biện pháp để siết chặt quản lý hơn nữa đối với hoạt động của các diễn đàn mạng nhằm đảm bảo hoạt động của các diễn đàn này theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải xây dựng các kênh thông tin chính thống của nhà nước để kịp thời cung cấp các thông tin cũng như giải đáp những thắc mắc của người dân nhằm tránh tình trạng nhiễu thông tin, mù thông tin trong dân chúng hiện nay. 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét