“Vụ thảm sát Paris” và vấn đề tự do ngôn luận

[Bạch Long]

Bạch Long tôi xin nhắc lại một vài thông tin về “Vụ thảm sát Paris” để mọi người rõ hơn trước khi bàn luận về vấn đề tự do ngôn luận. Ngày 07/01 vừa qua, tại Paris xảy ra một vụ tấn công khủng bố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mục tiêu của vụ tấn công chính là trụ sở của Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, 12 người làm việc tại tạp chí đã thiệt mạng, trong đó có Tổng biên tập Stephane Charbonnier. Vụ việc xảy ra không chỉ là nỗi kinh hoàng của tạp chí châm biếm này mà nó còn dấy lên những sự lo lắng về an ninh trong lòng mỗi người dân Pháp. Họ cảm thấy bất an khi ngay giữa Paris hoa lệ mà vụ khủng bố diễn ra “rất thành công” theo chiều hướng tiêu cực, hai đối tượng tiến hành khủng bố lẩn trốn một thời gian khá dài trước khi bị tiêu diệt? Có lẽ bản thân mỗi người dân Pháp không dám tưởng tượng nếu bản thân họ có mặt tại trụ sở tạp chí lúc đó thì số phận họ sẽ như thế nào? Lực lượng an ninh của Pháp cũng chịu bó tay và sẽ không kịp làm gì để bảo vệ tính mạng của họ.


(Hiện trường vụ khủng bố tại Tạp chí Charlie Hebdo. Nguồn: VnExpress)

Qua tìm hiểu thông tin được báo chí đăng tải, Bạch Long tôi thấy rằng một trong những nguyên nhân khiến Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công đó là vì họ đã đăng bài khắc họa nhà tiên tri Mohammed theo hướng tiêu cực khiến nhiều người Hồi giáo trên thế giới phẫn nộ. Thực tế nhiều nhân chứng đã khẳng định, những kẻ khủng bố vừa hét to câu "Thánh Allah vĩ đại" vừa xả súng vào nhân viên của tờ tạp chí. Ba năm trước, trụ sở của tạp chí này cũng từng bị người biểu tình bao vây và đốt cháy vì lý do trên.

Qua câu chuyện chúng ta có thể thấy, các nước phương Tây họ luôn rêu rao rằng ở nước họ có tự do báo chí, tự do ngôn luận còn Việt Nam thì không. Nhưng họ hãy nhìn xem hậu quả mà thứ tự do ngôn luận, tự do báo chí của họ đem lại. Chỉ vì tự cho rằng có thể đăng tải tất cả những gì mình muốn, kể cả châm biếm hình ảnh thủ lĩnh người Hồi giáo Mohammed và cho rằng đó là điều bình thường. Vậy nên vụ khủng bố xảy ra và 12 người làm việc tại tạp chí bị giết cũng có người cho là “bình thường” theo hướng nó tất yếu sẽ xảy ra.

Tại Việt Nam, Khoản 2, Điều 10, Luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999 quy định về “Những điều không được thông tin trên báo chí” đã khẳng định rõ: “Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác”. Điều này thể hiện sự đúng đắn trong xây dựng các quy định về hoạt động báo chí tại Việt Nam. Báo chí có tự do, nhưng tự do phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Có như vậy báo chí mới hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo tôi, đó mới là tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính.

Tôi có thể khẳng định tại Việt Nam những bài viết có nội dung “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước” như bài viết “châm biếm hình ảnh nhà tiên tri Mohammed” của Tạp chí Charlie Hebdo chắc chắn sẽ không bao giờ được đăng tải. Mà nếu cố tình đăng tải sẽ bị xử lí thích đáng theo quy định của pháp luật. Qua đó mới thấy được sự khác biệt giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí phương Tây và tự do tại Việt Nam. Và có lẽ Bạch Long tôi cũng không cần nói nhiều các bạn cũng thấy được đâu là tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính qua vụ thảm sát Paris với 12 người chết rồi.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét