Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, và dáng đứng phong thủy

Có hai mẩu tư liệu.

Một là do anh NQT - một nhà sưu khảo đang sống tại Tây Nguyên, vừa đưa lên trên Fb của anh.

Một là bài báo cũ của tờ Gia Lai (thêm một vài bài liên quan) .



1. Dáng đứng phong thủy:





2. Bài báo cũ:

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đạt giải cao

Thứ Sáu, 17/05/2013, 14:07 [GMT+7]

(GLO)- Ngày 16-5, ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã đạt giải A; tác phẩm Bác Hồ 79 mùa xuân do Nhà xuất bản Hồng Bàng (Công ty Gia Lai C.T.C) xuất bản đạt giải B trong cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lễ trao giải (gồm 136 giải thưởng với 13 giải A, 45 giải B và 41 giải C) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tối 16-5 tại Hà Nội, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đơn vị, cá nhân đoạt giải. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các đơn vị, tác giả thực hiện công trình đã đón nhận phần thưởng vinh dự này.

Được hoàn thành sau 2 năm xây dựng (2010-2012), công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong một quần thể các kiến trúc có diện tích 12,5 ha; gồm: Tượng đài Bác Hồ-sáng tác của nhà điêu khắc Lê Bá Đua; phía sau tượng Bác là bức phù điêu đá có hình cánh cung-sáng tác của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương; phía trước bên phải Quảng trường là tháp đá gồm 54 trụ đá bazan, biểu tượng đại đoàn kết của các dân tộc Việt Nam; phía trước bên trái Quảng trường là Thạch thư Bác Hồ. Hai bên sân lễ đài là hai dàn cồng chiêng-biểu tượng của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại.

Phía sau phù điêu là ngọn núi màu xanh với các loại cây cỏ được mô phỏng theo dáng núi Hàm Rồng-ngọn núi thiêng cao nhất ở cao nguyên Pleiku…

Đây là công trình mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa, là món quà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dành cho Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Được biết, trước đó, ngay sau lễ khánh thành tượng đài (tháng 12-2012), Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận 3 kỷ lục Việt Nam, gồm: Bức tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn cồng chiêng Tây Nguyên bằng đồng lớn nhất Việt Nam cho công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Thu Huế

http://www.baogialai.com.vn/channel/742/201305/cong-trinh-tuong-dai-bac-ho-voi-cac-dan-toc-tay-nguyen-dat-giai-cao-2237462/



Thứ năm, 29/9/2011 | 19:02 GMT+7


Tượng đài Bác Hồ lớn nhất nước được đặt tại Tây Nguyên



Sau khi hoàn thành, bức tượng đồng cao 10,8m và phù điêu đá rộng chừng 500 m2 thể hiện tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên với Bác sẽ trở thành công trình lớn nhất nước, được đặt tại quảng trường Đại đoàn kết của thành phố Pleiku.


Sáng 29/9, đoàn nghệ sĩ, già làng trưởng bản, cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Gia Lai đã tới công trường thi công khuôn mẫu tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên" đặt tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) để góp ý về việc thi công dự án.
* Ảnh: Toàn cảnh tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên"
Đứng trước công trình được thi công với tỷ lệ 1:1, những người con của vùng đất Tây Nguyên đã không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên bởi quy mô đồ sộ của tượng đài. Bức tượng Bác Hồ đứng giơ tay chào đã được hoàn thành mẫu bằng composit và sắp chuyển sang đúc đồng. Còn bức phù điêu thể hiện sự hình thành, phát triển, sản xuất, xây dựng và chiến đấu của người dân Tây Nguyên cũng đang hoàn thành công đoạn cuối của việc đắp mẫu bằng đất.
Ảnh: Tiến Dũng.
Các đại diện của tỉnh Gia Lai và công ty thi công dự án chụp ảnh lưu niệm bên tượng Bác. Ảnh: Tiến Dũng.
Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, công trình tượng đài này bao gồm tượng đồng Bác Hồ cao 10,8 mét, bệ đá cao 5,4 mét. Còn phù điêu làm bằng đá tự nhiên dài chừng 60 mét, cao 12 mét. Tượng đài sẽ được đặt tại quảng trường Đại đoàn kết ở thành phố Pleiku.
"Bác Hồ chưa có dịp vào thăm Tây Nguyên nhưng tình cảm của Bác với các dân tộc thiểu số thì rất mênh mông. Vì vậy, việc xây dựng tượng và phù điêu thể hiện tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác và người dân sẽ thấy như Bác đang về với Tây Nguyên", ông Vũ nói.
Còn ông Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn di sản Văn hóa - đơn vị thực hiện thi công cho biết, ở Việt Nam chưa có bức tượng đồng nào cao 10,8 mét nên để đảm bảo chất lượng, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên về kết cấu gia cố khung bên trong tượng. Dự kiến số đồng được sử dụng lên tới 28 tấn.
"Bức phù điêu hình cánh cung có chỗ cao nhất là 12 mét và chiều dài thẳng là 58 mét sẽ được làm bằng đá tự nhiên. Chúng tôi sẽ lấy đá ở Thanh Hóa rồi chuyển ra làng nghề ở Ninh Bình để các nghệ nhân thực hiện", ông Mạc nói thêm.
Dự kiến, công trình được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2012).
Tiến Dũng
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tuong-dai-bac-ho-lon-nhat-nuoc-duoc-dat-tai-tay-nguyen-2206774.html




07:05, 10/12/2012

Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”




(Chinhphu.vn) – Tối ngày 9/12, tại Quảng trường Đại đoàn kết TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Lễ khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được tổ chức trọng thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi Lễ khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên". Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tới dự.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sự kiện khánh thành công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn và sâu sắc. 
Tổng Bí thư nói, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến thăm Tây Nguyên, nhưng trong sâu thẳm trái tim Người lúc nào cũng đau đáu một niềm thương nhớ, yêu quý đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vì thế, ngay năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, vận mệnh dân tộc ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong bộn bề những lo toan cho sự nghiệp chống thù trong giặc ngoài, Bác Hồ vẫn dành thời gian và tình cảm viết thư gửi Đại  hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại  Pleiku, ngày 19/4/1946.
Còn đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ luôn luôn là vị Cha già muôn vàn kính yêu, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối để Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua mọi gian khổ, khó khăn giành độc lập tự do và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
Các đại biểu dự Lễ khánh thành tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên". Ảnh: VGP/Lê Sơn
Khắc ghi lời dạy của Bác, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào Tây Nguyên luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Khắp núi rừng Tây Nguyên đã dấy lên các phong trào thi đua giết giặc cứu nước như phong trào xây dựng làng chiến đấu, góp lương nuôi bộ đội, tình nguyện nhập ngũ, đánh địch bằng hầm chông, bẫy đá… Cả đại ngàn Tây Nguyên đã làm cho quân thù khiếp sợ. Trong những ngày tháng đói cơm, lạt muối, buôn làng luôn phải di dời để tránh càn, người Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, đánh địch bảo vệ buôn làng.
Thấu hiểu nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai mong muốn có một công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, năm 2008, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã đồng ý cho xây dựng tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Gia Lai. Ngày 21/9/2010, Ban Bí thư đã chọn duyệt mẫu tượng Bác Hồ, cùng phù điêu các dân tộc Tây Nguyên. Sau hơn 2 năm dồn hết tâm sức chuẩn bị và xây dựng, hôm nay, tại Quảng trường Đại đoàn kết của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được khánh thành. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn tiêu biểu của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, và là niềm vui chung của tất cả chúng ta.
Trong ngày vui hôm nay, bên tượng đài Bác Hồ kính yêu, Tổng Bí thư mong muốn với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân tộc. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và khai thác công trình tượng đài Bác một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết của Tây Nguyên bất khuất, của Việt Nam văn hiến và anh hùng.
 Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân và tập thể đóng góp nhiều thành tích trong việc hoàn thành công trình. Ảnh: VGP/Lê Sơn
 “Chúng ta nguyện mãi mãi noi theo gương Bác; làm theo lời Bác, đi con đường Bác đã vạch ra, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước bạn bè trên thế giới”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Công trình tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên" được khởi công ngày 3/10/2010.
Tượng Bác Hồ được làm bằng đồng, cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m, được thực hiện theo công nghệ mới. Đây cũng là bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam.
Phần phù điêu phía sau tượng Bác gồm 1.000m3 đá xanh Thanh Hóa, rộng 600m2, mô phỏng hình bông sen đang nở, trên đó thể hiện sinh động quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống (nhà rông, rượu cần, cồng chiêng được cách điệu) của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Ngoài ra, trong khuôn viên của Quảng trường Đại đoàn kết còn có các công trình phụ trợ như bản khắc trên đá toàn văn bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946), 54 trụ đá bazan ghép lại tượng trưng 54 dân tộc, hơn 2.000 cây, hoa ở nhiều địa phương gửi về.

Lê Sơn 

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Khanh-thanh-tuong-dai-Bac-Ho-voi-cac-dan-toc-Tay-Nguyen/156397.vgp
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét