Biểu tình kỷ niệm 17/2 là thể hiện lòng yêu nước?

 Minh Trị

           Nhân kỷ niệm 35 năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, một số phần tử quá khích đã kích động các hoạt động tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự tại một số thành phố lớn. Liệu hành động của họ có thực sự vì “lòng yêu nước” hay “tinh thần dân tộc”.
             Tôi xin nêu một số điểm để độc giả cùng suy ngẫm:
          Thứ nhất, đầu 2014, chúng ta kỷ niệm 35 năm diễn ra hai cuộc chiến tranh biên giới (chiến tranh biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Pol Pot kết thúc thắng lợi ngày 7/1/1979 và chiến tranh biên giới phía Bắc mở đầu 17/2/1979, kết thúc 18/3/1979). Vậy tại sao cuộc chiến tranh anh hùng, làm nghĩa vụ quốc tế trong sáng, cứu nhân dân nước bạn khỏi họa diệt chủng thì họ không tổ chức tụ tập để kỷ niệm, không hô vang các khẩu hiệu, làm huyên náo một góc đường phố, mà lại phải chờ đến ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Rồi những ngày kỷ niệm trọng đại khác, khi cả dân tộc chào mừng thắng lợi của kháng chiến chống Pháp (7/5) và chống Mỹ (30/4) họ có bao giờ hòa mình vào dòng người để thấy hết niềm tự hào của một dân tộc đã “đánh thắng hai đế quốc to” hay không? Rõ ràng, họ đã lợi dụng việc tụ tập nhân ngày 17/2 để thực hiện mưu đồ riêng của mình.

Biểu tình kỷ niệm 17/2 là thể hiện lòng yêu nước?
     
Hành vi gây rối an ninh trật tự tại Hà Nội (sáng 16/2/2014)

          Thứ hai, họ mượn cớ “tuần hành nhân kỷ niệm ngày Trung Quốc xâm lược biên giới Việt Nam” để phản đối những hành động trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc. Xin thưa, mỗi thời một khác, mỗi giai đoạn lịch sử cần có cách nhìn nhận, đánh giá, đối mặt với vấn đề khác nhau. Trong mỗi bước đi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cần có các biện pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu đối ngoại. Nếu như thời điểm 1979, thế giới còn chia làm 2 phe rõ ràng, và ngay trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa cũng nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc mà Việt Nam khó có thể đứng ngoài cuộc, thì ngày nay, xu thế chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác trong quan hệ quốc tế đã trở thành chủ đạo. Đấu tranh giữ chủ quyền phải phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế, phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Tóm lại, phải khéo léo trong từng bước đi, như lời Bác đã dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là bất di bất dịch; nhưng trong từng điều kiện phải có những sách lược đối phó phù hợp với các thế lực bên ngoài).
          Thứ ba, các cuộc tụ tập đó phần nào đã gây mất an ninh trật tự, tạo tiền đề cho các thế lực thù địch tuyên truyền phá hoại, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập, tự do mà chúng ta đang có ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu của biết bao anh hùng liệt sỹ trải hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc và hai chiến thắng trong chiến tranh biên giới, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Có độc lập, tự do, có môi trường hòa bình để xây dựng đất nước là thứ vô cùng quý giá và phải biết giữ gìn. Nếu chỉ vì không nhận thức đúng vấn đề, bị kích động dẫn tới những hành vi thiếu kiểm soát sẽ gây mất ổn định chính trị, tạo cớ để các thế lực thù địch phá hoại công cuộc phát triển đất nước của ta. Ngoài ra, trong quan hệ với nước láng giềng phía Bắc, có hành động quá khích chỉ càng làm xấu đi quan hệ với họ chứ cũng chẳng thể nào giữ vững chủ quyền biển đảo bằng những hành động “xuống đường”.
         Yêu nước thì nên hành động cho đúng lẽ phải, nên giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, tránh làm phức tạp thêm tình hình và ủng hộ việc kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử không thể chối cãi. Đó mới là cách thích hợp nhất để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên đất liền và biển đảo, chứ không phải là vài phen “đấu võ mồm” trên đường phố.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét