TẾT VIỆT VÀ VĂN HÓA VIỆT

[Nắng Mới]

Là một quốc gia nằm ở khu vực Á Đông nên Việt Nam cũng mang trong mình những nét văn hóa chung của người phương Đông. Bên cạnh những đặc điểm văn hóa tương đồng với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn có nhiều nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Tết cổ truyền của người Việt Nam chính là một minh chứng cụ thể và sinh động cho điều này.

Cũng như một số nước ở khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…), Việt Nam đón năm mới (hay tết nguyên đán) vào ngày 1/1 theo âm lịch. Nhưng thực tế, tết ở Việt Nam đã diễn ra trước đó vài ngày, đó là tết Ông công ông táo vào ngày 23/12 âm lịch. Đây là dịp các gia đình sắm sửa lễ tết, báo cáo tổ tiên về những công việc mà gia đình mình đã làm được trong một năm vừa qua. Điều đặc biệt là trong mỗi gia đình đều chuẩn bị cho mình một chú cá chép và sẽ được thả phóng sinh trong ngày hôm đó. Nét đặc trưng này bắt nguồn từ sự tích táo quân; đây là câu chuyện kể về tình cảm yêu thương, đoàn kết, gắn bó vợ chồng hoạn nạn vẫn luôn ở bên nhau. Đó cũng là bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam, các gia đình ở Việt Nam. Nó ca ngợi tình cảm vợ chồng thiêng liêng cao quý và cũng răn dạy, hướng con người phải biết yêu thương, đùm bọc, sống nghĩa tình. Chú cá chép được thả phóng sinh sẽ có nhiệm vụ đưa các ông táo quân của mỗi gia đình lên chầu trời để báo cáo với tổ tiên về thành tích của gia đình trong năm cũ và ước vọng về một năm mới. Từ ngày 25/12 trở đi, trong mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị luôn có một bữa cơm tất niên cuối năm để sum họp các thành viên. Mọi người sẽ chia sẻ tình cảm, tâm sự những nỗi niềm của mình cho nhau. Ở nhiều địa phương trên nước ta, bữa cơm tất niên cuối năm đã được các gia đình tổ chức từ rằm tháng chạp (15/12). Đây là một ngày rất có ý nghĩa với cả gia đình bởi họ sẽ có cơ hội tưởng nhớ đến những người quá cố, đi tảo mộ để mời về ăn bữa cơm cùng gia đình. Điều đặc biệt là tất cả các thành viên dù có đi làm ăn ở xa hay đi công tác dài ngày cũng sẽ cố gắng trở về sum vầy bên bữa cơm ấm cúng cùng cả gia đình.

Đêm 30 tết, trong khi đợi cúng giao thừa, cả gia đình sẽ ngồi quây quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh trưng xanh còn đang bốc khói. Trên ban thờ ngày tết của mỗi gia đình, dù giàu nghèo hay mâm cao cỗ đầy thì cũng không thể thiếu những chiếc bánh trưng xanh. Đó là nét đặc trưng trong tục lệ thờ cúng của người Việt được ông bà tổ tiên truyền lại từ ngàn đời nay. Nó thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con người đối với tạo hóa đã đem lại cho nhân loại cuộc sống bình an, hạnh phúc và sung túc. Bánh trưng xanh tượng trưng cho đất – là nơi con người trú ngụ, hưởng thụ nhiều sản vật từ thiên nhiên, màu xanh là biểu tượng cỏ cây hoa lá tự nhiên, thể hiện sức sống mãnh liệt và khát khao được sống chan hòa với thiên nhiên. Tục cúng giao thừa được các gia đình thực hiện vào lúc nửa đêm, khi năm cũ vừa qua đi và năm mới bắt đầu chuyển đến. Đây là thời khắc chuyển giao, trời đất giao hòa, tiết khí chuyển đổi giữa sự lạnh lẽo của mùa đông và sự ấm áp của mùa xuân. Đây cũng chính là lúc các gia đình cúng tết cho ông bà, tổ tiên và thể hiện khát vọng của gia đình về một năm mới tốt đẹp hơn.


Mâm cỗ cúng Giao thừa ở ngoài trời

Sáng mùng 1 tết là buổi sáng đầu tiên của năm mới, trong tiết thanh minh, các thành viên trong gia đình sẽ dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau. Người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ con với mong muốn lũ trẻ sẽ chóng lớn, khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Con cháu sẽ mừng tuổi và dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho ông bà, cha mẹ với ước muốn ông bà, cha mẹ luôn được khỏe mạnh, trường thọ và có thêm nhiều niềm vui. Các gia đình, anh em, họ hàng, làng xóm cũng đến và dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau. Câu chúc đầu tiên của người Việt dành cho nhau trong dịp tết bao giờ cũng là lời chúc về sức khỏe. Mọi người ai ai cũng mong muốn dồi dào sức khỏe để có thể hưởng niềm vui và đạt được mọi ước mơ, khát vọng trong cuộc sống. Người Việt Nam có câu: “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Câu răn dạy của người xưa dành cho con cháu sau này thật sâu sắc và ý nghĩa. Nó nhắc nhở người sau phải giữ trọn đạo hiếu, biết quan tâm kính trọng người trên, những người đi trước và có công ơn lớn đối với mình. Không phụ lòng người đi trước, lớp lớp thế hệ cháu con sau này luôn biết gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó của cha ông ta.

Ngày tết cổ truyền ở Việt Nam thật từng bừng và rực rỡ với sắc màu của hoa đào, hoa mai cùng với những âm thanh rộn rã trong tiết xuân ấm áp. Đó cũng chính là sự tươi đẹp, ấm áp của con người Việt Nam, tình người Việt Nam. Đất nước Việt Nam không chỉ tươi đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn giàu đẹp về văn hóa, ấm áp, chan chứa tình người.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét