GÌ MÀ CỨ ỒN ÀO THẾ!

[Tọa Sơn]

Đã không dưới một lần Tọa Sơn tôi đề cập tới sự tùy tiện đưa tin của báo chí Việt Nam. Ấy thế mà tôi và các bạn đọc ngày ngày vẫn được những dòng tin thiếu trách nhiệm của nhiều nhà báo lẫn cả ban biên tập của nhiều tờ báo. Giờ đây không chỉ những báo ít người đọc, ít người quan tâm hay mắc lỗi nhanh ẩu đoảng khi đăng tin mà chính ngay các tờ báo lớn cũng đang dần bị bình thường hóa. Có lẽ chính sự sôi động của thông tin, sự cạnh tranh giữa các tờ báo ngày càng khốc liệt đã khiến các tòa soạn phải nghĩ ra nhiều cách để chụp. giật thông tin thu hút người đọc. Hay nói kiểu dân gian thì đó là cứ xồn xồn hết cả lên.

Không biết có một sự cố ý nhẹ hay vô tình mà sự việc nhà báo hợp đồng Tống Văn Đạt (đang là hợp đồng cho báo Tuổi Trẻ Thủ Đô) diễn ra ngay trước ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam. Từ tối ngày 18/06 nhiều tờ báo đã đồng loạt giật tiêu đề báo rất cuốn hút người đọc như: “Hà Nội: Một phóng viên bị đánh hội đồng khi tác nghiệp”; “Phóng viên bị công an phường Văn Quán hành hung tập thể?”…thậm chí ngay cả một tờ báo mạng được quan tâm như VOV giao thông cũng nhanh nhảu giật típ: “Công an phường “nói chuyện” với phóng viên bằng dùi cui điện”. Chỉ cần đọc những dòng típ đến đây có lẽ chúng ta sẽ bị ám thị ngay là công an phường Văn Quán đã có những hành vi không đúng chuẩn mực với một phóng viên đang tác nghiệp mà chính xác nội dung của các bài báo này đã miêu tả và giải thích cho những dòng tiêu đề đó. Vậy câu chuyện ở đây là gì.
 

Theo các báo chí nhanh nhảu thông tin rằng vào hồi 21 giờ 30 ngày 18/06 một phóng viên của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đang trong quá trình nhập vai ghi lại hình ảnh công an phường Văn Quán (Quận Hà Đông, Hà Nội) lấp chốt kiểm tra các phương tiện giao thông tại ngã 3 Nguyễn Khuyến – Nguyễn Trãi, Hà Đông đã bị lực lượng này ra trấn áp bằng cách dí dùi cui điện vào đầu và bị “hành hung tập thể” (một số báo in đậm hẳn hoi). Tôi ngạc nhiên vì độ chi tiết trong lời miêu tả của các bài báo này như thể họ có phóng viên tham gia vụ việc đó. Thậm chí nhiều bài báo hứa hẹn sẽ thông tin cho bạn đọc đầy đủ về tình tiết tiếp theo của vụ việc. Ấy thế chẳng mà khi muốn thể hiện độ khách quan đáng tin cậy để thu hút thêm người đọc, có báo đã tiến hành phỏng vấn từ lãnh đạo ngành công an và từ người “bị hại”. Nhưng dù ở góc độ nào thì các bài viết đều hướng lái cho mấy anh công an đó quay ra hứng chịu gạch đá dư luận. Tự dưng tôi thấy hai từ công an trở nên đắt giá để câu view câu like cho các bài báo.

Có kẻ ngứa mồm ngứa miệng sẽ kêu tôi ăn bùa ăn bả gì của công an, của cộng sản mà sao đứng ra nói đỡ cho họ. Để chặn mồm một số kẻ như thế, Tọa Sơn tôi cũng vén môi nói trước đôi lúc tôi cũng chẳng thích gì mấy ông công an đâu nhất là khi tôi bị xịch xe. Nhưng Tọa Sơn tôi đã lỡ dấn thân vào nghề múa mép, cũng ham hố theo đuổi mấy tiêu chí, tiêu chuẩn của mấy anh nhà báo chân chính, đôi khi là của mấy anh rân chủ hay phát biểu liều đó là một nửa sự thật không phải là sự thật. 


Vậy đâu là sự thật trong câu chuyện này. Theo những gì hóng hớt từ cơ quan điều tra cũng như từ báo cáo của tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Thủ Đô thì câu chuyện trên thực tế là phải như thế này. Chiều 18/06 Tống Văn Đạt sau khi đá bóng tại sân bóng MIC trên đường Lê Văn Lương đã ăn nhậu cùng bạn bè tại quán bia Cá Giò. Sau một chập no say, Đạt cùng bạn bè đi ô tô về nhà tại khu đô thị Văn Quán, đến đoạn đường Nguyễn Khuyến thì thấy các chiến sĩ công an phường Văn Quán tuần tra theo kế hoạch và đang nhắc nhở các hàng quán bán hàng ven đường. Không biết có phải khi có hơi men trong người khiến Đạt cùng một số người nổi hứng muốn hành nghề để “lập công” chào mừng ngày báo chí cách mạng Việt Nam và để khẳng định tên tuổi ngay khi mới bước chân vào nghề làm báo hay không mà Đạt đã tiến hành ghi hình tổ công tác hòng tìm kiếm thứ gì có giá trị để có thể đăng báo. Đến khi bị tổ công tác hỏi thăm thì Đạt cùng một số người bạn hăng say chửi tổ công tác trong tình trạng nồng nàn mùi hồng xiêm. Âu cũng là vì chén rượu cốc bia mà lên. Không chỉ dừng ở đó, Đạt còn gọi thêm cả chục anh em chiến hữu nữa đến ăn vạ ngay khi được tổ công tác mời về trụ sở công an phường giải quyết. Tại trụ sở, Đạt kêu mình đang nhập vai tác nghiệp (có một sự nhập vai quá sâu khi dùng cả rượu bia cho nó thật hết mức), đồng thời vu cáo lực lượng công an lập chốt trái phép, bẻ tay, đánh hội đồng, dí dùi cui điện vào người. Cùng với đó là một dàn đồng ca chửi bới, thóa mạ, quay video.
  





Sự thật về vụ việc đã được làm rõ. Điều đáng nói ở đây là khi vụ việc diễn ra thì nhiều tờ báo xồn xồn đăng tải theo hướng một chiều quy kết, đổ lỗi trách nhiệm cho cơ quan chức năng đến khi sự việc được làm rõ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Thủ Đô có báo cáo thì rất ít báo đăng tải. Lời hứa hẹn về tiếp tục tường thuật vụ việc cũng mất tăm. Có lẽ việc đăng tải lại sẽ như một cú tát với chính các tở báo này. Âu cũng là cái danh dự của người ta. Mà Tọa Sơn tôi thiết nghĩ là với trách nhiệm và lương tâm của người làm báo thì các nhà báo cũng như các ban biên tập của các tòa báo cũng nên viết bài để cải chính thông tin hoặc chí ít cũng phản ánh đúng kết quả điều tra. Bên cạnh đó, các tòa soạn báo cũng cần quản lý về mặt con người chặt chẽ hơn. Đừng để ai đó chưa được làm nhà báo thực sự mà lại mang cái danh nhà báo như cái bùa hộ mệnh đi gây chuyện khắp nơi, hoặc viết ba lung tung không cần kiểm chứng như thế.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét