PHẠM THẢO NGUYÊN * MẸ CHỒNG TÔI

Mẹ chồng tôi, bàThế Lữ


1 Votes

                 Thủa trời đất nổi cơn gió bụi. 
Khách má hồng nhiều nỗi truyên.
---Đặng Trần Côn
Phạm Thảo Nguyên
Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh giới thiệu bài “Mẹ chồng tôi, Bà Thế Lử “của nhà văn/khảo cứu gia Phạm Thảo Nguyên. Nói đến Thề Lữ, những ai thuộc thế hệTự Lực Văn Đoàn đều nhớ đến những câu thơ bất hủ:


“Nhớ Rừng”
 Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng trôi qua..
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già
...
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

 Bà Thế Lữ, một người đàn bà đoan trang, hiền hậu được cô con dâu Phạm Thảo Nguyên nói đến như là người “đã làm việc, đã thương yêu, đã hy sinh, đã chịu đựng những ràng buộc, những khổ đau nhiều khi triền miên tưởng chừng như không bao giờ có thể hết…”.
Phạm Thảo Nguyên là ai? Ta hãy nghe Cao Huy Thuần giới thiệu: “Thảo Nguyên nguyên là giáo sư dậy toán, tự học chữ Hán để dịch thơ Nguyễn Du mà chị say mê. Trước chị, nhiều người đã dịch thơ Nguyễn Du, nhưng chưa ai có một cảm nhận như chị và cũng chưa ai bình chú thơ với một tâm hồn nhạy cảm tinh tế như thế, nhạy cảm đến mức đồng cảm với thi hào, thấy cả những ẩn nghĩa xôn xao trong thế giới lung linh thầm lặng của thơ”.
Với những lời giới thiệu như vậy, thiết tưởng chẳng có gì phải nói thêm.
***
Khi chúng tôi lập gia đình ở Saigon, chồng tôi chỉ có mẹ, chị, và anh thứ hai đã ra ở riêng. Bố và anh lớn sống ngoài Bắc, đã mười tám năm không tin tức.
Mẹ người tầm thước, vấn khăn vải, ăn trầu và còn răng đen. Mẹ là người cổ kính, ăn nói nhỏ nhẹ, không to tiếng bao giờ. Mẹ rât hiền và chịu nghe theo ý các con. Việc mẹ bằng lòng cho con trai lấy tôi, một cô bạn học của anh, một Phật tử, và chấp nhận tôi giữ đạo của mình, là do các con khuyên được. Mẹ chăm lo cho các con, dù đã lớn, từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc, ngay cả khi tiễn con cháu đi xa không biết bao giờ trở lại. Mẹ nói mẹ không còn nước mắt.
Hồi trước năm 1945, gia đình chồng tôi gồm cả bà nội, sống ở Hải Phòng. Bố là con độc nhất của bà, rất có hiếu với bà. Những năm 1931-1946 bố đi Hà Nội làm báo, mỗi tháng chỉ về nhà độ một hoặc hai lần, mà mỗi lần về chỉ một hai ngày thôi. Khi có viêc cần, bố viết thư cho mẹ. Thư chỉ độ một trang giấy hoc trò. Mẹ thường phải giấu bà, để tới tối không ai thấy, mới dám mang ra đọc. Mẹ chỉ biết đọc, không biết viết.
Mẹ sinh năm 1905, tại một làng đạo tỉnh Hà Nam. Cha xứ dạy con chiên học đọc để đọc kinh, không dạy viết. Con gái xóm quê, chưa từng đi học bao giờ, học khó quá, thì cha ra lệnh: “Không biết đọc thì không được phép thông công”, nên mẹ biết đọc. Đến khi muốn trả lời thư bố, thì mẹ phải nhờ cô em nuôi trong nhà viết dùm, giấu bà. Đến mấy chục năm sau, thỉnh thoảng cô ấy lên chơi nhà, vẫn kể cho chúng tôi nghe chuyện thay mẹ viết thư cho bố. Tuy nhiên, mẹ rất thông minh, thuộc tất cả thơ của bố. Mẹ cũng chịu khó đọc thêm sách, truyện, báo chí …
Tôi còn nhớ một chuyện xảy ra vào ngày đám hỏi của chúng tôi. Trong lúc nhà trai mang sính lễ tới, và được nhà gái đón tiếp vui vẻ, thì bà bác tôi, vì không thấy ông bố chú rể đâu, đã tới hỏi bà mẹ chú rể mới:
Thưa bà, thế ông nhà ta làm gì ạ?’
Mẹ chồng tôi trả lời: “Dạ, nhà tôi đi đóng kịch
Một cô bạn tôi nghe được, đã chạy vào nhà trong kể cho hai chúng tôi nghe:
Trời ơi, bà cụ kỳ quá! Sao không nói là nhà tôi là nhà văn hay thi sĩ, mà lại nói nhà tôi “đi đóng kịch!”
Chúng tôi nhìn nhau cười, không nói gì cả. Cô bạn tôi đã không biết rằng, bà già răng đen đó, hiểu chồng bà rất sâu xa, bà nói đúng điều mơ ước lớn nhất trong suốt đời của chồng mình, là đi đóng kịch, dựng nền kịch nói cho nước nhà. Cho dù ông có nổi tiếng thế nào về những ngành khác, danh giá hơn nhiều, như người đời thường nghĩ.
Bà Thế Lữ với 3 người con Nguyễn Thế Tùng, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thế Học. Con trai lớn Nguyễn đình Nghi theo bố đi kháng chiến
Bà Thế Lữ với 3 người con Nguyễn Thế Tùng, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thế Học. Con trai lớn Nguyễn đình Nghi theo bố đi kháng chiến
Ông nội chúng tôi người làng Phù Đổng, từ Hà Nội nhìn ra là “bên kia sông Đuống”. Cụ học Tây học, làm sếp ga xe lửa (đầu thế kỷ 20), thường cùng gia đình sống tại gần nhà ga làm việc, chẳng bao gìơ sống tại làng mình. Vì vậy, bố cũng như anh lớn quên mất quê Phù Đổng, đã khai lý lịch với quê Hải Phòng, suốt một thời gian dài.
Tác phẩm Vàng và Máu
Tác phẩm Vàng và Máu
Bà nội hồi xưa buôn tơ, hay đi lại trên tầu hoả, gập ông sếp ga trẻ, vì thế mới nên duyên. Bà lấy ông nội trước, nhưng “vượt quyền gia đình” nên không được làm vợ cả của ông. Nghĩ lại mà coi, thời đầu thế kỷ trước, có ai lại vui lòng cho con trai giỏi giang độc nhất của mình lấy một cô “ đi đạo ”, hồi đó có nghĩa là “bỏ không thờ cúng tổ tiên nữa ”, mà tự lấy lấy, không đợi bố mẹ hỏi cho không ? Cụ nội bèn cưới cho ông một bà khác làm vợ cả. Khi ông bị đổi tới ga Lạng sơn, đã mang cả đại gia đình tới đó.
Bà nội trơ trọi một mình, tới Thái Hà Ấp sống rồi sinh bố chúng tôi ở đó. Lúc đó, bà có hai con là bố chồng tôi và một người anh. Ngay khi bố còn bé, vì bà cả chậm có con, cụ nội đã bắt bố mang về Lạng Sơn cho làm con nuôi bà cả, để mong sớm có cháu. Sau bà cả sinh được một con gái và ba trai… Trong tiểu sử của bố, kể cho Xuân Diệu viết, có đoạn:
Khi lớn lên bắt đầu hiểu biết, thì thấy mình sống mà lúc nào cũng thương nhớ, thương nhớ một người gọi bằng mợ, và sống trong nhà với một người gọi bằng u. ”
Thỉnh thoảng bà nội lên Lạng Sơn thăm bố, hai mẹ con rù rì nói chuyện. Lúc tiễn bà về, khi tầu hoả rời đi, bố cứ áp tai xuống đường ray nghe tiếng tầu chạy vọng lại, vọng lại mãi…
Thế rồi, lúc bố khoảng mười tuổi, anh bố bị bệnh mất. Ông nội thương bà nội quá, đã ra tay giúp “đành tháo” cho bố trốn khỏi Lạng Sơn. Từ đó, bố mới được sống với mẹ đẻ. Bà nội mang con về nhà thờ, coi như một thứ “Của lễ”, và vì là con thứ hai, nên đặt lại tên là Thứ Lễ. Bà dọn về Hải Phòng, có thể vì bà có nhiều họ hàng ở đây, và đất Cảng có nhiều nhà thờ đạo chăng. Bà nội vốn là một bà lang đạo, chuyên chữa bệnh trẻ con nổi tiếng, vì vậy thường được gọi là “bà Lang”. Có lúc, bố chúng tôi đã định sẽ theo nghề lang của gia đình, nếu như thế thật, liệu có còn “Hổ Nhớ Rừng” cho thời niên thiếu của thế hệ chúng ta không nhỉ?
Thế Lữ-1Bố trở thành con độc nhất của bà. Khi bố được mười bẩy tuổi, bà nội về một làng đạo ở Hà Nam, đi xem mặt các cô gái trong làng, bà chọn cô Nguyễn thị Khương (mẹ chồng tôi), một cô gái hiền lành ngoan đạo mười chín tuổi, cho con trai của bà. Mẹ chồng tôi kể lại là trước đó, có nhiều người đến dạm hỏi mẹ, nhưng cứ có người đến hỏi, là mẹ ốm rất nặng, chỉ khi bà Lang đến hỏi cho bố thì không ốm, nên gia đình bằng lòng gả. Cưới con dâu về, theo tục lệ, bà nội truyền nghề “bà lang” cho. Vì vậy, mẹ vừa phải đi chợ lo cơm nước cho toàn gia đình, nuôi con nhỏ, cho con bú, vừa phải làm thuốc để bán, vưà đi khám bệnh cho thuốc khi có khách mời (cũng có lúc, nhà có thêm người giúp việc). Vì vậy mẹ học được tính làm việc rất sạch sẽ, kỹ lưỡng, cẩn trọng khi nuôi trẻ, và làm cơm nước tinh khiết, khéo léo. Và cũng vì đi chữa bệnh thường, nên có chút tiền dư để riêng, không phải để tiêu cho mình, mà để bù tiền chợ cho bà hài lòng.
Tính bà nội rất khó, nhất là đối với mẹ. Bố đã giải thích cho mẹ hiểu là tại tình duyên của bà gập nhiều trắc trở, bà khổ quá, bà hành con dâu vì những điều uất ức không nói ra được. Có một lần, bố viết một truyện ngắn, mang về nhà, giả vờ là truyện của văn sĩ khác, đọc cho bà nghe, mong bà thương mà nghĩ lại cho. Đang đọc, thì bà cầm lấy cái tráp đựng trầu dằn mạnh xuống phản một cái rầm, rồi nói:
– À, thế ra anh lại muốn dậy tôi đấy!
Bố sợ quá, chạy thẳng một mạch không dám về nhà nữa. Và người chịu đựng mọi thứ chuyện ở trên đời lại vẫn là mẹ.
Tính bà Lang rất hay dỗi. Có lần bà hờn rồi bỏ nhà đi mất. Cả nhà sợ quá bổ đi tìm, chẳng thấy cụ đâu cả, đang quá bối rối thì bà về. Bà vào nhà, ngồi lên cái võng riêng treo trên chiếc phản gỗ, lấy trầu ăn, rồi nói:
-Mình ngồi ngay ở nhà ga chứ có đâu xa, mà chẳng đứa nào thèm ra đón mình về, cứ như con chó tiền rưỡi ấy thôi!
Người con trưởng Nguyễn đình Nghi, cũng là một đạo diễn,  với bố mẹ và em gái Nguyễn thị Tâm
Người con trưởng Nguyễn đình Nghi, cũng là một đạo diễn, với bố mẹ và em gái Nguyễn thị Tâm
(Riêng tôi, bây giờ nghe kể chuyện, tôi nghĩ rằng, mọi người đã không hiểu bà. Nhà ga xe lửa là nơi thân yêu của bà, nơi cô gái buôn tơ ngày xưa hay đi lại, nơi cô gập ông sếp ga trẻ tuổi, vượt phép gia đình mà nên duyên. Cũng vì vậy bao nhiêu đau khổ cô đã phải trải qua, phải sống một mình nuôi con Thế mà chẳng ai nhớ cho!)
Cho nên bà hành con dâu (mẹ chồng tôi) đủ kiểu, có khi không thấy nó khóc lóc gì, thì lại nói ví:
Nắng mãi mà hoa không héo, 
Hoa cứ reo réo hoa tươi.
Đấy là thời đó dân Việt mình hay nói ví von như thế! Còn mẹ sau này nghiện trầu cũng tại bà. Mỗi khi đi ra đường, thì bà gọi lại, ấn miếng trầu vào tay, dạy bảo:
– “Ăn trầu đi, cho môi nó đỏ, mặt mũi hồng hào lên chứ, đàn bà ra đường mà môi thâm thế kia”.
Nhiều lúc mẹ khốn khổ quá, không chịu nổi, đã trốn về gia đình mình. Nhưng về tới nhà, thì bà ngoại lập tức nói :
– “Con đã lấy chồng, là con người ta, thì sống chết cũng phải về đó, không được bỏ, nếu không, mẹ chết ngay bây giờ đây.”
Rồi cụ đưa mẹ về lại nhà chồng.
Mỗi lần mẹ ốm, phải uống thuốc, là bị bà nội ngấm ngúyt:
– Mình ốm rơi răng cũng chẳng thuốc men gì, còn nó thì hơi tí đã thuốc.
Mẹ giận quá, nên đến lần ốm đó, mẹ không uống thuốc nữa, ốm luôn một mẻ vài tháng. Đang lúc đó, mẹ lại mang thai chị lớn, mẹ ốm tới nỗi thai đang lớn lại nhỏ đi, mười một tháng mới sinh, về sau chị lớn lên, rất yếu đuối.
Có một chuyện mẹ hay kể cho chúng tôi nghe là :
Nhà có ba gian, ông ấy (bố chồng tôi) ngủ nhà ngoài, bà nội nhà giữa, còn mẹ nhà trong. Mà có xong đâu, mỗi khi bà Lang đi vào trong Thanh (tỉnh Thanh Hóa) vài ngày, đi mua xương hổ nấu cao hổ cốt, thì gọi mẹ ra dặn:
Này,”nó” đang ốm đấy, đừng có lộn xộn!
Thế nhưng khi mẹ có thai thì bà mừng lắm, vì bà rất thích có cháu.
Mẹ vừa cười vừa kể, lần nào cũng đúng từng ấy chữ như vậy. Mẹ kể thêm một chuyện nữa, bắt đầu bằng:
– “Con đã biết chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời chưa? Có một lần, mẹ đi tầu hoả, có nói chuyện với một người trên tầu, khi biết mẹ là vợ ông Thế Lữ, người đó nói:
“Giời ơi! thật thế à? Chị thật sung sướng quá, chị là người sung sướng nhất đời”.
Đấy, con đã biết chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời chưa?”
Mỗi lần thấy mẹ kể chuyện, chồng tôi lại ra vuốt lưng mẹ: “Mẹ lại kể chuyện cổ tích rồi”. Chuyện cổ tích ngày xưa này, dài cả mấy chục năm.
Thế Lữ-2Từ những năm bố làm báo ở Hà Nội, mỗi tháng về nhà độ một hoặc hai lần. Mẹ ở nhà nuôi bầy con và phụng dưỡng mẹ chồng thay bố. Nhiều khi bố về là bà kể tội các cháu… Bố mệt và giận, nên lôi các con ra bắt nằm trên phản, quất cho một trận phất trần, con khóc, vợ buồn, bố bỏ đi.
Mẹ thường kể, hồi trẻ, bố hay nóng giận, nhưng khi giận, bố chỉ nện giầy nặng thêm lên thôi. Mẹ nghe tiếng giầy là biết ngay, tránh không nói gì hết cho đến khi cơn giận của bố tan đi.
Từ khi bố lên Hà Nội, xa nhà, sống một mình với bạn bè, viết văn, làm thơ, ra nhập toà soạn Phong hoá, rồi Tự Lực Văn Đoàn, … bố làm báo, viết truyện, làm thơ, viết phê bình thơ… nổi tiếng, bố tạo lập ban kịch, rồi đi trình diễn các nơi… Bố vẫn về thăm nhà đều đặn hàng tháng, thỉnh thoảng còn dẫn các con lên Lạng Sơn thăm ông bà và các cô chú… nhưng rất ít bạn bè, đồng nghiệp của bố quen biết gia đình vợ con bố.
Thế Lữ và Song Kim
Thế Lữ và Song Kim
Thế rồi, chuyện phải đến, đã đến. Ngay từ khi bắt đầu làm kịch, bố gập một người cùng chí hướng, bà Song Kim, bà giỏi thiên bẩm về kịch, và có cùng những ước mơ những đam mê sân khấu như bố… Bà Song Kim đã cùng bố xây dựng nền kịch nói, từ đó…
Anh Nghi kể cho chúng tôi nghe:
Anh là người không có tuổi thơ, vì mới có mười mấy tuổi, đang ở Hải Phòng nghe tin bố có “bà khác” ở Hà Nội, mẹ khổ quá, không có ai bàn bạc, anh là con lớn nên mẹ chỉ nói chuyện với anh”.
Bà nội biết chuyện ấy rất buồn. Theo lời chị lớn, bà buồn như bị tình phụ, tuy xã hội ta trong những năm xa xôi đó, đa thê là chuyện bình thường và hợp pháp.
Thế rồi Cách Mạng Tháng Tám, bố cùng ban kịch đang đi lưu diễn vội trở về Hà Nội, sau đó theo Kháng Chiến chống Pháp, đi biểu diễn khắp nơi.
Gia đình ở Hải Phòng gồm bà nội, mẹ và bốn anh em cũng chạy tản cư. Vào năm 1948 trong vùng hậu phương, bố bàn chuyên nhà: gia đình đã hết tiền, không có cách sinh nhai, đàn bà trẻ con phải về thành, trừ anh lớn. Bố nói: “Nghi đi với cậu, con về thành sẽ bị bắt đi lính cho Pháp”. Từ đó, chia ly hai ngả.
Năm 1954, sau hiệp định Geneve, bố và anh Nghi về Hà Nội. Nhưng nửa kia của gia đình lại ở trong Nam. Sống hai nơi cách biệt trong bao nhiêu năm, bố mẹ già đi, trẻ con trở thành người lớn… Sau năm 1975, bố mẹ được sum họp, bà nội đã mất từ lâu, thỉnh thoảng bố viết thư cho chúng tôi, trong những lá thư gửi con cháu ở xa, có những đoạn như:
Bây giờ cậu được sống ở nhà với mẹ và chị của các con, cho bõ những ngày xưa thương nhớ”.
Thế Lữ-3Chúng tôi rất hạnh phúc vì chuyện bố về với mẹ “cho bõ những ngày xưa thương nhớ”. Tuy nhiên, việc đó làm một người khác khổ. Hình như trên đời này không có gì toàn vẹn. Mẹ từ chối việc liên hệ với phía đó, không bao giờ to tiếng, chỉ thỉnh thoảng phát bệnh và ụa liên hồi… Có lần mẹ nói riêng với tôi rằng:
-Kể ra thì chuyện cũng lâu rồi, bố mẹ cũng già rồi, trên bẩy mươi cả, nhưng mẹ là người theo đạo Chúa, mẹ không được phép chính thức chấp nhận việc đó.
Tuy vậy anh em chúng tôi vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với bà Song Kim, tự biết mình là con, phải biết chấp nhận gia đình như nó là, và trân trọng những người thân của bố. Mỗi lần về Hà Nội chúng tôi đều tới thăm bà và gia đình, tham dự giỗ tết, cũng như những bữa cơm sum họp… Bà rất quý chồng tôi, vẫn thường nhắc chuyện cũ: Ngày ban kịch Thế Lữ tập kịch ở Hải Phòng, chồng tôi mới có mấy tuổi, bà còn bế trên lòng…Bà vẫn hỏi thăm các chú em trai của bố, mất liên lạc từ những năm 1946…
Anh Nghi, người anh lớn nhất của gia đình nói với các em:
“Công bằng mà nói, bố sống xa gia đình rất lâu, nổi tiếng như thế, hồi đó nhiều mệnh phụ đẹp như bà hoàng của Hà Nội, mê bố. Cho nên, không có người này thì có người khác. Bố đã gập được người cùng chí hướng, cùng bố xây dựng, thực hiện những đam mê nghệ thuật. Hơn nữa bố có được một gia đình an ổn, hạnh phúc để làm việc trong rất nhiều năm. Nhất là trong những năm đất nước chia cắt, có người săn sóc tinh thần cũng như vật chất cho bố, thật là đáng quý. Mình phải kính trọng và cám ơn bà Kim. Vả lại, đây là một chuyện đã được xã hội ngoài này trong bao nhiêu năm nay công nhận, mình nên tôn trọng việc đó. Họ hàng làng nước, ai nói gì cũng mặc họ”.
Riêng về mẹ chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng bố đã về với mẹ với gia đình trong mười hai năm cuối đời, là điều quý nhất cho mẹ. Danh tiếng, mẹ chúng tôi không cần, mẹ biết là “người đi đã trở về” là đủ. Để tôi đọc lại, chia sẻ với độc giả một chút “thư mới” của thi sĩ “thơ mới” viết cho các con ở xa, về người vợ tào khang của mình:
“…Mẹ con cũng như những dịp nhận thư trước, bao giờ cũng tỏ một dấu hiệu rất đơn sơ nhưng rất cảm động, là thỉnh thoảng lại giở ra đọc lại, và luôn tiện đọc thêm những bức thư gửi về từ trước đó. Cậu để cho những cảnh tượng lặng lẽ ấy thấm thía vào tâm hồn…”
Tới bây giờ, bố mẹ chúng tôi đã mất cả rồi, lâu rồi. Bốn anh em cũng đã ra đi hết, những người đó chưa bao giờ cần giải thích cho ai cả. Còn tôi, tôi phải viết những dòng này vì cuộc đời âm thầm của mẹ chồng tôi, không nên để âm thầm mãi, như thế không công bằng. Và để các con, các cháu hiểu, thương và hãnh diện vì cụ.
Tiếng sáo Thiên Thai: Thơ Thế Lữ; Phạm Duy phổ nhạc
Nếu chúng ta do những nhân duyên riêng đã được gần gũi, được hiểu, được sống với một vài vị thuộc thế hệ đã trở thành xưa cũ đó, ta sẽ cảm được số phận riêng của mỗi người. Những người đó sinh ra, lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội rất khó khăn, khác của chúng ta ngày nay nhiều lắm. Những suy nghĩ, những hành động của họ nhiều khi không hợp với ý nghĩ của nhiều người hiện đại … Họ đã sống qua những hạnh phúc, cũng như những cay đắng, những tủi hờn… Họ đã khai phá, đã làm việc, đã thương yêu, đã hy sinh, đã chịu đựng những ràng buộc, những khổ đau nhiều khi triền miên tưởng chừng như không bao giờ có thể hết…
Thương biết bao nhiêu, kính phục biết bao nhiêu.
______________________________________________________
 Vài nét Tiu sử -Thế Lữ (1907 – 1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà 
hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào
những năm 1930, với nhiều tác phẩm Thơ mới, văn xuôi, và Kịch.
Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới
thành lập (1934). Thế Lữ, tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ, sinh
ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở
làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội),
quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn
Thứ Lễ vì ông là con thứ.

Ông là tác giả của nhiều bài thơ, nổi tiếng nhất là bài "Nhớ Rừng",
nhiều tiểu thuyết, đường rừng như "Vàng và Máu", trinh thám như
"Lê Phong phóng viên", "Gói thuốc lá". Nền Văn nghệ ông ưa thích
nhất là Kịch Nói. Nhửng vở kịch ông dàn dựng lên, nổi tiếng nhất
là những vở "Dương Quý Phi", "Người Mù", "Đề Thám" và "Tin chiến
thắng Nghĩa Lộ". Bài thơ "Tiếng sáo Thiên Thai" của ông đã được
nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Bài "Xuân và tuổi trẻ" được phổ nhạc
bởi La Hối.

Thế Lữ đã được đặt tên cho một số đường phố ở Đà Nẵng (quận Sơn
Trà, phường Mân Thái), Hải Phòng (quận Hồng Bàng, phường Hạ lý),
Huế (phường Thuận Lộc, Huế) và Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Bình
Chánh, xã Tân Nhật).
Nguồn: Wikipedia tiếng Việt

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét