CHƯƠNG 13: XA NHAU (tiếp theo)

Tiễn chồng đi xa
             
Trở lại Hà Nội, may mắn là MQ chưa đi. Phải sau đấy hai tuần, MQ mới lên đường. Thủ tục sang Ba Lan chưa hoàn tất, MQ sẽ sang Liên Xô trước, nhờ làm tiếp, và tiện thể ghé thăm con gái đang học. Chiến, bạn anh ở Ba Lan, sẵn sàng chờ anh sang hợp tác khoa học, chủ yếu là kiếm cớ để sang làm ăn thì đúng hơn.
            Vậy là vợ chồng tôi còn gần nhau được nửa tháng. Những ngày tháng này, đêm nào chúng tôi cũng thức, nói chuyện và …đủ thứ…hàng mấy giờ đồng hồ. Tôi không vùng vằng gì cả, chỉ bình tĩnh dặn anh:”Vậy là anh nhất quyết đi, anh không nghe em, thôi thì anh cứ đi. Nhưng anh nhớ chỉ đi đúng sáu tháng, tức là tới dịp sinh nhật em (tháng 11) anh phải về đấy”. MQ trầm ngâm rồi khẽ bảo, “nói vậy thôi chứ đi đúng sáu tháng thì chưa kịp làm gì cả, có lẽ anh  phải đi hai năm. Em đừng buồn. Anh hứa sẽ về vào dịp sinh nhật em rồi sang tiếp 1,5 năm nữa xong mới về hẳn”. Tôi im lặng. Đầu óc tôi quay cuồng, và một ý nghĩ bất chợt nổi lên, anh đi hai năm cơ à? Hai năm, thời gian quá dài và đủ để một mối tình với cô gái xa lạ nào đó phát sinh và phát triển! Anh sẽ không còn nhớ gì về những năm tháng chúng tôi yêu nhau và có một gia đình nghèo khó mà ngập tràn hạnh phúc. Đồng tiền chắc sẽ rủng rỉnh trong túi anh, nó sẽ thao túng anh, sẽ biến đổi anh thành một người khác. Vậy thì anh cố trở về đúng dịp sinh nhật vợ mình còn có ý nghĩa gì cơ chứ? Nghĩ vậy, một lúc sau tôi nói nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết: “Thôi, em không biết nói gì nhiều cả, em chỉ nhắc anh một lần nữa rằng, nếu sinh nhật em, anh không trở về, tức là chỉ sau sáu tháng ấy, thì em sẽ chẳng có bất cứ trách nhiệm gì trong quan hệ của chúng mình nữa, và hãy đừng trách em!”. Anh vuốt nhẹ lên mái tóc tôi, âu yếm: ”Đừng dọa anh như thế Thư ơi! hãy hiểu cho anh, tất cả là vì cuộc sống của chúng ta, vì con cái chúng ta mà em. Rồi thời gian trôi nhanh lắm, anh hứa anh có mặt trong sinh nhật em, nhưng sau đó thì hãy để anh đi tiếp!”.
           Cả hai, ai cũng nhẹ nhàng, mà ai cũng kiên quyết, nhưng nói qua nói lại mãi chả ích gì, nên tôi dừng lại. Đêm ấy, và suốt những đêm của hai tuần trước khi xa nhau này, tôi hoàn toàn chiều anh, không phòng bị bất cứ dụng cụ tránh thai nào, không có bất kì lời nào nhắc nhủ chồng rằng phải “cẩn thận”. Tôi không sợ lỡ ra lỡ vào gì nữa. Tôi chỉ nghĩ, tôi sẽ vì anh, đây cũng là dịp đầu tiên trong đời vợ chồng (trừ mấy ngày mới cưới, mà mấy ngày này thì chỉ lăm lăm có con), tôi không tránh né lo lắng gì cả, thậm chí tôi còn nghĩ trước, nếu tôi có thai nữa thì khi anh đi rồi, tôi đành đi "giải quyết" một mình vậy, dù cho đau đớn và kinh sợ đến thế nào. Tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, TRƯỚC HẾT, tôi vì anh, bởi tôi hầu như không có ham muốn, không đòi hỏi gì trong suốt bao nhiêu năm, đã thành thói quen rồi. Có chăng tôi chỉ cần sự vuốt ve, cần sự chia sẻ thương yêu qua ánh mắt, với vòng tay ôm tôi thật chặt mà thôi. Tôi đã quá sợ sinh con trong tình cảnh vỡ kế hoạch một cách bất lực thực sự, mặc dù tôi yêu anh vô cùng. Nói vậy chắc nhiều người chả tin, nhưng tôi không nói dối. Tuy vậy, đã không nói dối thì phải nói thật nốt: SAU HẾT, những đêm trước khi MQ tạm xa tôi này, vì không lo lắng chuyện có con nữa, tôi mới biết được cảm giác hạnh phúc sung sướng khi tình yêu được thăng hoa trong cơn mây mưa - để xóa sạch bao ưu phiền bụi bậm của cuộc đời là bể khổ này, điều mà trước đây, tôi không mấy khi có được, hay nói một cách mạnh dạn hơn, tôi chưa bao giờ có được. Tôi bật khóc khi viết những dòng này đây ngay trong khi tôi đang nhớ lại CHÚNG TÔI HẠNH PHÚC.
            Không lo sợ gì, thì trời xui khiến chả làm sao hết, chả có sinh linh bé bỏng nào hình thành thêm, âu vẫn là số phận!
             Vì đặt trước khi rời Ấn độ kha khá thời gian nên xe máy bọn tôi mua kịp về trước ngày MQ đi. Thật là may mắn quá, MQ đi cùng tôi ra chỗ nhận xe. Xe vẫn nguyên chiếc, chỉ xiết sơ sơ ốc vít, đi đổ xăng là MQ chở tôi về nhà yên ổn. Rồi sau đó, anh mới lau chùi xem xét kĩ hơn, và mắt anh cứ sáng dần theo độ bóng lên của chiếc xe hiển hiện. Anh bảo tôi gắng giữ xe này mà đi làm chứ đừng bán, khi anh đi rồi thì bán xe cũ mà bạn cho hồi nọ ấy để tiêu và góp vào trả nợ.Tôi cảm thấy mãn nguyện vô cùng, bất giác thấy thương chồng nhiều hơn.
           Tôi thu xếp tiền nong rồi đưa anh đi mua sắm quần áo và đồ dùng thiết yếu. Tôi mua quần áo bò cho anh, mặc vừa rồi, vẫn chưa thật ưng ý, tôi lại mua thêm nữa, loại khác, rồi áo phông, áo sơ mi, quần áo ngủ, quần áo lót, thắt lưng da, ví các loại. Cái gì anh cũng ừ hết, anh không phản đối một lời nào. Tôi hơi ngạc nhiên, sao bữa nay anh dễ tính thế? Mọi khi, cứ đụng đến mua sắm nhất là quần áo là anh giãy nảy lên, anh sợ tốn tiền, anh quen ăn mặc giản dị, suốt đời cứ đánh mấy cái áo quần bộ đội là xong. Lạ, nhưng thôi, anh dễ tính để vợ sắm sanh vậy là tốt rồi.
              Hôm sau, một anh bạn ở đơn vị đến thăm. Gọi là bạn, chứ thực ra anh là thầy My, dạy chúng tôi năm cuối đại học. Chả là ngày xưa MQ ở lại trường nên đổi cách gọi. Anh rất quí MQ, biết MQ sắp đi vắng, nên mang một can bia và mấy gói lạc rang tới liên hoan nhẹ chia tay. MQ thật thà khoe hết hôm qua hai vợ chồng đi đâu mua những gì. Rồi MQ tâm sự “Vợ em mua cho em đấy anh ạ. Em nghĩ đó không phải chỉ là vật chất, là mua sắm cái áo cái quần, mà đấy là tình cảm của vợ em, nên em tôn trọng. Thư mua sắm gì cho em, em đều vui vẻ đồng ý hết”. Nghe vậy, tôi mới ngỡ ngàng giải thoát được thắc mắc thoảng qua trong tâm trí mình hôm trước.
            Đó là mua sắm cho MQ. Một mặt, tôi vay đô la Mỹ của một vài bạn bè thân thiết, góp với hai người bạn đi cùng đoàn, mua một số hàng mang ra nước ngoài bán kiếm lời (như áo bay rởm, quần bò, và một số thứ khác lặt vặt). Chúng tôi nhờ bạn mua dùm rồi đóng thùng hộ luôn vì vợ chồng tôi chẳng biết đằng nào mà lần.
              Trước hôm đi mấy ngày, vợ chồng tôi lên cơ quan để MQ gặp gỡ chào tạm biệt bạn bè tôi ở trung tâm, và liên hệ gì đó với ai  để khi đến đất Nga có thể làm tiếp visa sang Ba Lan. MQ chở tôi bằng xe máy. Gần đến chỗ quặt lên đường Điện biên phủ tính từ phía Cửa Nam, có một cậu thanh niên đi xe đạp về phía ngược lại. Tôi ngồi đằng sau thấy rõ ràng MQ đi trái và có nguy cơ tông vào cậu ta, nhưng sợ MQ cuống, tôi phải ngồi im để MQ tự xử lí. Rồi chẳng tránh được, sự cố xảy ra thật khiến cậu ta đổ xe ngã xuống, nhưng may hai chúng tôi và cậu ấy đều không việc gì. Cậu ta đứng dậy nổi xung với MQ. Lẽ ra MQ xin lỗi thì xong, đằng này MQ cũng nổi nóng lại. Thế là hai người bỏ xe đấy say sưa cãi lộn nhau mới chán chứ. Tôi chạy đến can chồng, rồi lấy hết sức bình sinh tự mình vật lộn kéo cậu thanh niên ra, tôi xin lỗi cậu thay cho chồng tôi. Tôi nói:”Chồng tôi sai rồi, nhưng mong em thông cảm vì mấy bữa nay anh ấy có nhiều việc lo lắng căng thẳng, không được bình tĩnh nên mới thế, chứ mọi khi hiền lắm. Nghe tôi nói, cậu dịu giọng:“ừ thì nói như chị còn nghe được, chứ với anh nhà chị, em chịu không nổi”.
              Xong chuyện, đi tiếp, lại đến đèn xanh đèn đỏ. Đèn vàng nháy nhanh chuyển sang đèn đỏ rõ ràng, mà MQ cứ phóng vượt qua. Công an tuýt còi phạt, MQ lí sự tiếp, anh công an có nguy cơ tức giận. Mặt anh ta đỏ lên rồi. Tôi vội chạy đến nói với anh ta:
- Chúng tôi xin lỗi, vì vội quá…
- Ơ cái chị này hay nhỉ, chị chả có lỗi gì cả, chị tránh ra kia chờ đi, để yên tôi làm việc với chồng chị. - Anh công an nhìn tôi hất hàm.
- Dạ không, thưa anh, chính thực nguyên do là lỗi của tôi đấy ạ. Tôi vội lên cơ quan họp kẻo muộn giờ, nên ngồi sau cứ thúc chồng tôi vượt ẩu, mong anh thông cảm và bỏ qua cho. Chúng tôi hứa rút kinh nghiệm và đi thật cẩn thận. - Tôi nói dối đột xuất và biến báo thật nhanh.
Nét mặt anh công an chùng xuống. Anh cho chúng tôi đi và kịp lườm MQ một cái. Còn tôi thì mừng hú, bụng trấn an dạ, MQ sắp đi rồi, lắm chuyện trục trặc bây giờ để nay mai đi yên ả hơn chăng.
            
Ngày đi đến thật gần. Buổi tối, đi làm về, tôi với MQ đến hai cậu cùng đoàn để bàn bạc gì, tôi không nhớ rõ. Họ sang Liên Xô, chứ không sang Ba Lan như MQ. Hai cậu đều là người của trung tâm tin học nơi MQ dạy thêm. Họ ít hơn MQ tới chục tuổi, có vợ con cả rồi. MQ mặc áo sơ mi ca rô xanh vàng giắt áo trong quần trông trẻ trung hẳn ra, khác mọi ngày lúi xùi tất bật trong áo quần bộ đội bạc màu (bộ nào mới mẻ đẹp đẽ bán hết rồi còn đâu).
              Ngày 22/4/1992, ba anh em thuê chung một xe 16 chỗ chở ra sân bay Nội Bài. Gia đình hai cậu bạn đi tiễn rất đông, có cha mẹ, vợ con đủ hết. Riêng nhà tôi, chỉ một mình tôi đi tiễn, các con đi học bình thường. Kể cũng lạ, nhưng ngày ấy tôi đơn giản lắm, thấy bố con chia tay nhau, chào nhau lúc ở nhà từ hôm trước vậy là đủ, mà MQ lại chả yêu cầu gì. Xe đến, vợ chồng tôi lên xe, chỉ có me vẫy, dặn dò. Hành lí của MQ chủ yếu là áo quần và đồ dùng thiết yếu, còn hàng thì đã xếp chung với các bạn. Mọi giấy tờ, hộ chiếu, vé máy bay, tiền bạc, tôi đều giữ trong một xắc tay nhỏ.
               Hôm ấy, tiễn MQ, tôi mặc chiếc quần cũ bàng bạc, cùng áo phông có eo, nền xanh lơ, in những bông hoa bé tí. Chiếc áo này cũ lắm, nên màu không còn xanh tươi mà hơi ngả “cháo lòng”.  Tóc tôi uốn, đã dài, buộc cẩu thả túm ra đằng sau. Tuyệt nhiên tôi không trang điểm, không tí son phấn nào. Chân tôi xỏ đôi dép lê đi thất tha thất thểu. Nhiều đêm mất ngủ, tôi phờ phạc, mặt mũi tái dại. Mệt là có thật, nhưng cái bề ngoài lôi thôi thì do tôi cố ý, trong khi vợ của các bạn  xinh  tươi roi rói. Tôi cố tình để lại trong mắt chồng hình ảnh của một người vợ khốn khó, nghèo nàn, xấu xí, không có một chút gì hấp dẫn. Nếu so với những ngày học ở Ấn độ thì phải nói là khác nhau một trời một vực. Ở Ấn độ, tôi trẻ trung bao nhiêu thì bây giờ tôi già nua bấy nhiêu. Ở Ấn độ, tôi ăn mặc diêm dúa, mềm mại hoặc nếu hiện đại thì thanh thoát và đầy sức sống bao nhiêu thì bây giờ tôi ăn mặc cẩu thả với dáng vẻ tất bật nét mặt u tối buồn nản bấy nhiêu. Tôi muốn MQ ghi hằn sâu trong trí nhớ một hình ảnh tồi tàn của vợ trước lúc anh lên đường, để nếu như anh còn tình yêu thương thật sự, thì anh vẫn chịu đựng được sự hiện diện của tôi, và sẽ nhớ thương để quay về đúng hẹn. Bằng không, hình ảnh của tôi sẽ giúp anh dễ rời bỏ, cách xa hơn và bớt đi phần nào sự nuối tiếc, day dứt. Anh sẽ đi theo con đường anh lựa chọn với những mê đắm mới đang và sẽ vẫy gọi anh.
              Thật phức tạp quá. Tôi tự làm khổ mình và làm khổ anh. Có lẽ chỉ những lúc như thế này, tôi mới nhận ra mình thật là kì quái, và anh làm chồng tôi thực ra đâu có gì sung sướng.
               Xe đi đón tiếp gia đình hai cậu bạn, rồi ghé qua trung tâm tin học chào tạm biệt mọi người. Tôi không vào, tôi khẽ bảo anh tôi sang phía bên kia đường rồi trở lại ngay, anh cứ chuyện trò với bạn bè đi. Chả là bên kia đường có cửa hàng bán quần áo thật lớn, người mua đi lại tấp nập. Tôi vào mua thêm một sơ mi trắng cho MQ, mặc dù mấy bữa trước đã sắm đủ rồi. Tôi kéo phec mơ tuya mở xắc lấy tiền trả, rồi ra khỏi cửa hiệu, gần như phải chen lấn một chút vì khách quá đông mà tôi thì lo trễ. Quay về, vừa đúng lúc ba anh em và người thân lên xe bùi ngùi chia tay. Tôi nhanh nhẹn trèo lên, ngồi ở một chỗ ngoài cùng, rồi ngay lập tức căng thẳng chuyển sang trạng thái say xe khi ngửi thấy mùi xăng, nên chỉ chào chiếu lệ rồi nhắm mắt lại. Một lát sau, tôi mở mắt loay hoay lục tìm lọ dầu bôi cho đỡ mệt, thì giật mình khi thấy cái xắc đang mở toang, chỉ liếc nhìn qua là thấy ngay nào vé máy bay, nào hộ chiếu, nào tập đô la Mỹ, không có gì che đậy. Ơ hay, tôi hơi hoảng, lật đật kín đáo đếm tập tiền vẫn thấy đủ chín tờ 100 USD, tôi mang theo để sang sân bay trả nốt cho hai người bạn đóng hộ hàng, vì sát giờ đi tôi mới lo được đủ tiền, chưa kịp gặp bạn trao đổi tính toán gì. Tôi hoảng vì mình mới thoát ra từ một cửa hàng cực kì đông đúc, đeo cái xắc quên không kéo phec mơ tuya mà sao lại may mắn không gặp chú trộm nào nhòm ngó chứ. Thở phào chưa xong thì trong đầu óc tôi đã lóe lên một ý nghĩ khác: kẻ trộm đi đâu hết rồi mà không nhón luôn mấy thứ nhỉ, nhất là nhón hộ chiếc vé máy bay thì có phải MQ “đỡ”đi không, sao họ lại “đồng tình” để MQ ra đi như thế chứ? Chao ơi đúng là vẫn tại số mà!
            Sang sân bay, tôi trả các bạn tiền, cảm ơn và nhờ các bạn sang bên kia giúp đỡ MQ. Rồi, tôi lẽo đẽo đi theo MQ làm thủ tục,  khai báo hải quan.Tôi chuẩn bị sẵn cả từ cái kính, đến bút viết, hỏi MQ đã có chưa, chưa là tôi đưa ngay ra, và chỉ dẫn để MQ khai cho nhanh, vì ít ra tôi đã quen hơn với công việc này; rồi MQ trình vé, cân hàng, lấy boarding card. Xong đâu đấy, MQ trở ra bắt tay từng người một, chào tạm biệt. Và MQ đi thẳng vào phía cửa phòng chờ. Trong lúc MQ bắt tay chào mọi người, tôi cứ phấp phỏng chờ đợi, ngạc nhiên, lại chờ đợi, không thấy chồng nói gì với mình. Một thoáng suy nghĩ, tôi đưa xắc cho một ai đó giữ hộ, đi người không rồi nói với cán bộ kiểm soát: “Tôi xin lỗi, anh làm ơn cho tôi vào, dặn thêm chồng tôi một chút, chồng tôi kia kìa, rồi tôi ra ngay. Đây tôi không mang theo cái gì cả, anh đừng ngại!” Miệng nói chân đi vội vã khiến ông cán bộ ngơ ngác, nhìn theo không kịp ngăn cản hay tra hỏi gì. Tôi gọi hơi giật giọng,”anh MQ ơi!”...Chồng tôi quay lại. Tôi ghé sát vào anh nói nhỏ: “Này anh, vì sao trước khi ra phòng chờ, anh nhớ đi bắt tay chào từng người một, từ các ông bà già, những người vợ bạn, đến cả từng cháu nhỏ là con cháu của họ, không thiếu một ai, trong khi anh không nói một lời nào với vợ anh, không dặn dò một câu nào về me, về các con. Thế là tại sao? em không hiểu!”. Nghe thế, MQ đưa tay ra định nắm lấy tay tôi, thì nhanh như cắt, tôi bỏ chạy. MQ đuổi rượt theo tôi, hai đứa cứ chạy vòng quanh. Tôi quyết tâm chạy nhanh để MQ không thể đụng chạm vào mình. Mọi người đứng quanh hết sức ngạc nhiên, không hiểu đôi vợ chồng này làm cái trò gì. Rồi tôi nhanh chóng vọt ra ngoài, không buồn nhìn xem MQ về phòng chờ lúc nào, và MQ có vẫy tôi hay không.
             Đoàn người thân đứng chờ tôi. Tôi đến với họ, và bảo:
- Chờ ở đây đến lúc máy bay cất cánh còn lâu lắm, vì thế các bác, các anh chị, các em và các cháu cứ về trước đi ạ. Tôi ở đây chờ rồi tối về gọi điện sau cho cả nhà mình biết tin nhé.
- Ôi quí hóa quá, tốt quá, thế chị chịu khó ở lại vậy, chúng em về trước. Ơ thế khi về chị về thế nào? - Một cô mừng rỡ nhưng băn khoăn hỏi tôi.
- À không sao, mình sẽ đi nhờ xe hàng không ở đây nhiều lắm.
              Thế là tôi chia tay luôn với đoàn hai gia đình với đôi mắt ráo hoảnh và nét mặt cứng cỏi. Nhưng khi họ đi rồi, tôi mới thấy người mệt mỏi rũ như một tàu lá. Vai khoác cái xắc nhỏ rỗng không, chỉ có lọ dầu và một ít tiền lẻ, đầu đội cái mũ vải nhỏ nhợt nhạt che nắng, tôi lững thững tiến gần đến đám đông. Giờ này, còn lâu lắm máy bay mới cất cánh, tôi có thể lang thang thỏa sức để nhìn ngắm xem thiên hạ chia tay nhau như thế nào trước mỗi chuyến đi xa. Này đây, hai mẹ con bà mẹ già và cô gái trẻ đang chăm chút cho nhau uống từng miếng nước, ăn từng mẩu bánh; này đây, đôi vợ chồng trẻ bịn rịn bên nhau, chồng đi xuất khẩu lao động sang Li Bi, họ tựa vào nhau cả hai mắt đỏ hoe, rồi người chồng nắm chặt bàn tay của vợ dặn dò điều gì.Tôi cứ đứng đó, thản nhiên trân trân nhìn họ, và tôi khóc không biết ngượng ngùng. Rồi tôi lại lê bước sang những chỗ khác, cứ thế cứ thế, mắt tôi chả mấy chốc đã sưng mọng hết cả, đến lúc này thì người ta nhìn tôi như dò hỏi mà không biết nên hỏi cái gì? Chị ta bị mất cắp, hay bị làm sao, chị ta đi tiễn ai, hay là lạc mất người thân rồi?!? Tôi nhìn đồng hồ, ước chừng phải một giờ nữa. Tôi rời bỏ đám đông, tìm đường ra chỗ đứng chờ vẫy chào người thân của mình từ xa, chờ cái khoảnh khắc máy bay chạy trên đường băng chuẩn bị cất cánh. Tôi tìm ra một chỗ trèo tít lên cao, phải rồi, đứng ở đây là gần nhất. Trời nắng như đổ lửa, tôi không mang theo quạt, chỉ có một khăn tay bé tí, lau mặt lau nước mắt sũng hết rồi. Chả lẽ lại quệt ngang vào cánh tay của cái áo phông cồng cộc? Lúc này tôi không khóc nữa,chỉ chăm chăm nhìn từ xa và chờ đợi. Đây rồi, hành khách đang lần lượt đi ra, ai giông giống MQ, nhưng không phải, người này cao to hơn. Hay là kia, một nhóm đàn ông đang chuyện trò hể hả, không phải, họ có những bốn người mà! Mãi sau, đích thực là ba anh em nhà ta đây rồi. Tôi nhìn rõ, không chỉ chồng mình, mà cả hai cậu bạn nữa, rõ ràng là họ.Tôi dướn người như muốn cao hơn, tôi đứng đó một mình, duy nhất, không ai che lấp, không ai đứng cạnh. Tôi giơ khăn tay bé nhỏ lên vẫy vẫy và gọi tên anh, gọi tên các bạn. Tôi gào lên mà không khản giọng, tôi không biết mệt là gì nữa, không giận dỗi gì nữa. Dường như nghe được tiếng tôi, hay là tình cờ nhìn về phía đám người chờ tiễn từ xa, cả ba đều nhìn hướng về tôi, vẫy vẫy…
                 Tôi không gọi nữa, chỉ trân trân đứng lặng, không khóc, không cười, tránh cả chớp mắt đến mức có thể, để dõi theo. Ba người đã xách túi đi rồi, họ lên chiếc xe nào, xe chạy rồi kìa, về phía chân cầu thang máy bay thì chịu hẳn, không nhận ra ai nữa. Tôi chỉ gắng hình dung MQ và hai bạn đang bước lên cầu thang, đi qua mấy cô tiếp viên hàng không chào đón, đi tìm ghế của mình, bỏ túi đồ xách tay lên các ngăn phía trên, rồi ngồi cạnh cửa sổ ghé mắt nhìn ra, hay ngồi ở giữa, đang nói đang cười hay đang ngậm ngùi lơ đãng nhìn vào khoảng không chật hẹp trong máy bay này?
              Vẫn chờ đợi. Vẫn nóng nắng điên cuồng. Vẫn lau mồ hôi nhễ nhải, và thật may không có giọt nước mắt nào cả. Tôi đứng một mình, trên cao, cách xa mọi người, nên chẳng có ai mà nói chuyện cho quên bớt thời gian. Mãi rồi thì kìa, máy bay từ từ chạy trên đường băng, nhanh dần, xong đột nhiên dừng lại. Rồi máy bay cất cánh, vút vào khoảng không mênh mông vô tận. Bầu trời xanh trong, mây trắng thật yên bình. Chỉ có lòng người nơi tôi là không êm ả. Tôi tần ngần nhìn theo máy bay đến khi không còn dấu vết gì nữa thì lật đật trèo xuống, hòa vào đám đông và thoát ra ngoài.
              Như đã định, tôi lên một xe hàng không chở khách về Hà Nội. Hết chỗ ngồi vì xe quá đông rồi, nên tôi đứng và cầu trời “cho” xe đi thật nhanh, để tôi đừng say quá nặng. Mà tôi không say quá nặng thật, vì tôi lại khóc triền miên. Mắt tôi nhanh chóng sưng húp như cũ. Mấy bác hành khách ái ngại hỏi tôi bị làm sao, tôi lắc đầu cảm ơn và bảo không sao đâu ạ, rồi càng khóc tợn hơn, nức nở không cần biết trước mặt mình là những ai xa lạ.
           Về nhà, trời đã tối mịt tự bao giờ. Me tôi, các con tôi thấy tôi buồn bã, có vẻ khóc nhiều, không ai dám hỏi han gì, đoán chắc tôi xúc động trong cuộc tiễn MQ tại sân bay. Tôi rửa mặt mũi tí chút rồi đi gọi điện cho vợ bạn vắn tắt báo tin đoàn đã đi yên ổn, tôi tận mắt nhìn thấy máy bay cất cánh, để hai gia đình yên tâm.


Kí ức xa chồng

                   Hôm sau, đi làm, tôi gắng tỏ ra bình thường. Tôi không muốn để bạn bè dị nghị, chồng đi nước ngoài thích quá còn buồn nỗi gì. Nhưng tôi cần có sự chia sẻ. Nên tôi kể chuyện ra sân bay cho Phi, chỉ cần bạn nghe là đủ, là chia sẻ rồi, chứ không cần bạn bình luận. Chỉ có điều, kể lại lúc này, tôi không khóc nữa. Rồi từ đó, suốt ba tuần liền, vì giận dỗi, tôi không viết cho MQ lấy một chữ, mặc dù sang bên kia MQ viết thư về cho tôi ngay. MQ rất xúc động khi tới sân bay, đã có con gái chờ sẵn. Hai bố con gặp, ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Hoa về Mạc Tư Khoa đón bố chứ thực ra cháu sống và học ở thành phố khác. Cháu đã mong chờ từ bao nhiêu tháng nay rồi, chờ ngày bố sang. Con bé khi xa nhà, mới ngày càng cảm thấy yêu quí nhớ thương bà me, bố mẹ và các em. Đặc biệt là đối với bố MQ, con gái luôn ân hận vì khi còn ở nhà, đang tuổi mới lớn, bị bố mắng gì là rất tự ái, còn hay lí sự nữa. Mà bố mắng có gì lớn đâu, chỉ là một lần con gái lỡ thèm quá cứ lấy mỡ nước mà chan vào bát cơm nguội cho thỏa, bố nhắc con từ từ thôi nào, vì bố đã thuộc lòng lời dặn của mẹ với các con rồi, mẹ rán mỡ mẹ đã đếm mấy chục thìa mỡ nước đó, các con khi rang cơm hay xào rau chỉ được dùng hai thìa cho mỗi lần thôi!!! Giờ đây Hoa lớn rồi, con đã thấu hiểu lời dạy của bố “có những lúc, con phải biết làm những điều mình không thích và không làm những điều mình thích, cuộc sống là vậy con à”. Con đang sống ở một đất nước xa xôi, văn minh giầu có hơn nước mình bao nhiêu , nhưng không may rơi vào thời kì khó khăn, con đang phải chiến đấu với cái đói có ngày chỉ ăn một gói mì thôi, nhưng mà con vẫn vui, con vẫn chờ ngày gặp bố, và hôm nay bố đã sang đây, ôm con ngay giữa sân bay kì thú này, chứng kiến những bông tuyết rơi xứ người, nhìn những giọt nước mắt nóng hổi rơi từ mắt con, bố không cảm thấy lạnh mà lòng ấm áp vô cùng.
            MQ cùng hai cậu bạn thuê nhà ở chung, và từ đây, MQ đi chơi khắp thành phố, xông xáo qua Metro tới thăm bạn bè đang làm nghiên cứu sinh ở các thành phố khác, trước sự kinh ngạc của mọi người. Ai cũng phục anh, chưa ra nước ngoài bao giờ, tiếng tăm còn tậm tịt, mà dám một mình đi, và áy náy rằng lẽ ra họ đi thăm anh mới phải. Tất nhiên là đi chơi tranh thủ vậy, chứ việc quan trọng hàng đầu là MQ phải liên hệ xin visa đi Ba Lan, rồi thăm con gái, nơi cháu học hành xem thế nào, kẻo khi sang Ba Lan rồi, khó có dịp quay lại nữa. Tôi đọc thư MQ gửi về, vẫn như mọi khi xa nhau, đọc như nuốt lấy từng lời, rồi đêm về nằm vắt tay lên trán tưởng tượng MQ đang làm gì, sống như thế nào, và chờ mong thư mới đến, còn mình thì im lặng. Phải sau ba tuần, tôi mới viết lá thư đầu tiên, hỏi thăm qua quít, nhắc lại những giận dỗi trước sự “vô tâm” của MQ, và để giải thích vì sao tôi “đình công” chậm viết cho anh. Anh nhận được  thư tôi, chắc chắn vậy, nhưng MQ lờ luôn chuyện cũ, tịnh không một lời nào giải thich, thanh minh gì cả, khiến tôi càng bực tức mà chẳng biết làm thế nào, phải khá lâu sau tôi mới “đành” quên để trở lại bình thường. Tôi viết thư dặn MQ đi chơi thoải mái cho biết, và đừng căng thẳng chuyện làm ăn làm gì. Nhưng MQ, vì nung nấu đi để có cơ hội kiếm tiền nên lòng dạ chẳng yên. Anh viết thư về nói là anh xác định rồi, nhưng tự nhiên cứ cảm thấy có gánh nặng đè lên vai mình. Thật là khổ. Một ít hàng mang sang thì gửi chung bạn bán hộ, tiền bạn cũng cầm hộ là chủ yếu, MQ chỉ dè sẻn tiêu chút ít đi thăm bạn bè, thăm con gái thôi. Chờ đợi ở Nga đã lâu, mà khả năng sang Ba Lan thì mờ mịt, thế nên cậu bạn đang làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan (Chiến, người đã từng cho vợ chồng mình rất nhiều thứ xe máy, tủ lạnh …ấy) bàn để MQ tham gia vào công việc làm ăn của cậu ngay tại đất Nga, còn cậu thì chạy đi chạy về. Hai người thân nhau lắm và bạn tin tưởng MQ hoàn toàn.
            Tôi vẫn thế, chúi mắt chúi mũi vào công việc ở cơ quan. Thời kì này, chuyên gia sang, nên tôi được các Sếp giao việc nhiều hơn. Tôi không ngại việc bởi bận rộn lúc này lại trở thành may mắn, để tôi bớt nghĩ lung tung về MQ, và khỏi cần tính đếm ngày MQ trở lại. Không còn giận nữa, tôi viết thư liên tục cho MQ và chờ MQ cũng gửi thư về. MQ có thể biết được chuyện ở nhà, và ngược lại, tôi có thể cảm thông với anh hơn trong những ngày xa gia đình, lưu lạc bên đất người.
               Mặc dù bị lôi cuốn vào làm ăn với bạn, MQ đã kịp mua sẵn cho bé Hương (con gái rượu của bố) một gấu bông thật to, rồi tự sắm cho mình một thùng đồ chữa xe máy (cờ lê mỏ lết các loại), nặng tận 14 kg!!! MQ luôn lo lắng ở nhà tôi có khỏe không vì biết tôi hay làm việc quá sức, lo cái trần giả bị hỏng rồi, nước mưa cứ dột xuống hứng hàng chậu lớn mà MQ chưa kịp sửa. Chả thế mà trước hôm đi, tôi quên chưa ghi lại, MQ và tôi đến chơi thăm hai vợ chồng anh Liên, một người bạn cùng Vụ cũ với tôi. Anh Liên này sửa nhà vẩy mái giỏi có tiếng. MQ dặn anh ấy: "Tôi đi vắng lâu lâu, ở nhà có chuyện gì (ý là có hỏng hóc cái gì…) thì nhờ anh giúp đỡ vợ tôi với nhé”. Sau này, anh Liên cứ đùa trêu mãi về việc MQ nhờ, lại càng vui hơn khi anh ấy đến sửa hộ cái trần thật, thì me tôi cứ suýt soa: “ôi quí hóa quá, giá nhà tôi mà có được người như anh thì thích quá, yên tâm quá”. Nghe me nói, tôi buồn cười nhưng hơi tự ái, thế chẳng hóa ra MQ không làm được hay sao? Tại MQ đi vắng đấy chứ! À mà tôi biết rồi, MQ đã không khéo nói, còn thẳng như ruột ngựa, lúc nào anh sửa cái gì, me thường ngồi bên cạnh “kiểm soát” và hay căn vặn sao anh làm thế này sao anh làm thế kia, nên có lần MQ bực quá, cố nén và bùng ra một câu “đây me làm đi vậy!!!” Ôi, những chuyện nho nhỏ vừa bực vừa buồn cười ấy bây giờ chẳng còn nữa, MQ sống ở tận nơi xa kia, xa tới 9, 10 lần từ đây vào Nha Trang quê anh ấy chứ.
             Vợ anh Liên nghe MQ nhờ chồng mình thì bảo,”anh MQ cứ yên tâm đi, ở nhà có việc gì cần chị Thư cứ gọi điện một tiếng, ông xã nhà tôi sẽ đến ngay, ai chứ chị Thư thì …tôi OK, không vấn đề gì”. Chị ấy vui tính thế đấy, và tốt nữa, mỗi tội hay kêu ca ông chồng không làm gì ra tiền, chẳng có chức sắc gì cả. Tôi đành so sánh để chị ấy bớt trách chồng, “Này nhé chị Tám ơi, nhà mình cũng thế thôi, anh MQ lương ba cọc ba đồng, lại còn rải tiền dọc đường nữa chứ có được ở cùng vợ con đâu, chức sắc cũng không - có sao đâu mà, có phải một mình anh Liên nhà chị thế đâu? Mình nói thật, có tiền kể cũng thích nhưng có nhiều thứ tiền chẳng giải quyết được. Nên thôi hai ông bà cứ yên chí mà sống vui vẻ đi, thoải mái nói cười phớ lớ như bà là nhất rồi đấy!”. MQ nghe tôi nói thì gật gù tán thưởng, còn chị Tám cười nhưng nguýt dài, “hừ, thì thế, nhưng ông MQ nhà bà còn chịu khó tìm cách đi đây này, chả hơn ông nhà tôi à, cứ ù lì ra sốt cả ruột. À nhưng mà, bà cùng tuổi với tôi, năm nay tuổi chúng mình có sao Thái bạch đấy nhé, liều liệu kẻo sạch cửa nhà. Còn ông MQ thì sao nhỉ, ừ , tuổi Ất Dậu à, sao Kế đô nặng lắm cẩn thận đấy!!!” Ôi dào Thái bạch Kế đô ư? Tôi đùa vui, “lúc nào nhà bọn tôi chả …sạch??? Thôi nhé, bọn tôi về đây, MQ muốn đến thăm và chào anh chị mai đi”.
           Vậy đấy, MQ đi vắng rồi thì bạn bè đến làm giúp tôi cái nhà ngang đằng sau chứa xe đạp, xe máy cho tiện hơn. Khi nào về chắc MQ sẽ ngạc nhiên lắm đây. Rồi cả cái trần nhà dột nữa, chữa luôn. Chữa cái trần nhà tôi mới chợt nhớ, ngày chúng tôi lấy nhau, hai vợ chồng xin phép bố mẹ tôi tự đập vỡ các bức tường để trát vữa lại vì lâu ngày, nhà cũ nát. Chúng tôi đi lấy cát ở sông Hồng, đèo những bao tải to trên xe đạp. Vôi thì mua theo tạ, tự tôi vôi lấy, ngày ấy ít xi măng không như bây giờ. MQ làm còn tàm tạm chứ tôi trát vữa thì buồn cười lắm, chả phẳng gì cả. Tôi chỉ quen trát bằng rơm trộn bùn nơi sơ tán ngày xưa (làm nhà tranh vách đất mà!) chứ trát vôi vữa “nhà tây” thế này thì khó hơn nhiều. Đến lúc quét vôi mới càng ngộ hơn, trông người ta quét thấy gọn ngon ơ mà mình thì vung vãi khắp nhà, đến lúc dọn dẹp còn mệt hơn.
            Vì cái trần làm lại thật khó nên ngày ấy hai đứa lờ đi, chỉ quét vôi thôi, nay mới bung bét dột tơi tả ra mà, may có anh bạn “cao thủ” nên mới trát được cái dám dột, chứ không dám đụng đến cả trần. Ấy căn nhà bé tí, có mỗi một phòng 24 m2 bao nhiêu người ở, và mấy mét bếp, mấy mét chứa đồ, chứa xe, vậy mà mấy lần các ông tổ chức hay gì gì ở đơn vị MQ đến ngắm nghía để xem có cần phải phân nhà phân đất gì không thì đều bảo, “úi anh chị ở nhờ được bên ngoại thế này tốt quá rồi còn gì?”. Tôi hơi bực mình và cố lồi dẫn họ dạo quanh phòng ở rồi bảo: “Các anh thấy không, nhà tôi bé mà bàn thờ thì to, mẹ tôi nằm ngủ ngay trước bàn thờ này, còn vợ chồng con cái tôi chen nhau trong cái góc này, ấy là bố tôi đã mất, không thì … À mà chưa hết, có dạo mẹ con chị Thùy Trinh, chị tôi, còn ở chung nữa cơ, chị đi dạy học bên Yên Viên, và đi về thật vất vả”. Kể lể thì cứ kể lể, không phân được cứ là không phân, tôi biết vậy nên thôi.
            Có một lần, cô bạn thân của tôi mách, người ta bán một cái nhà trên diện tích đất 100 m2 ở Yên Hòa Cầu Giấy, rẻ lắm. Vợ chồng tôi dắt nhau tới xem. Nhà thật xinh xắn, lợp ngói cao ráo, rộng chừng 40 m2, còn lại trồng ít cây cối, có cả giếng khơi nước trong vắt mát lịm. Chỉ phải trả hai chỉ vàng thôi. Chúng tôi bàn nhau, tôi đã có một chỉ là nhẫn me tôi cho ngày cưới đấy, còn một chỉ nữa thì về nhà lục tìm tất cả những gì có thể bán đi và vay thêm tí chút chắc đủ. Nhưng rồi, hai vợ chồng chùn lại, con mình còn nhỏ quá, làm sao chạy đi chạy lại từ chợ Trời về đây mà coi nhà bỏ không? Chậc, thôi để khi khác! Vậy là lỡ mất một dịp chớp lấy cái “tự do muôn năm” rồi!
           Nhì nhằng mãi bao nhiêu năm, đến lúc đơn vị thương tình phân cho MQ một mảnh đất 100 m2 ở Thượng Đình, chúng tôi mới đưa nhau đến đó làm hàng rào bằng ít que củi, rồi hi vọng về tương lai, và gắng hình dung có ngày chúng tôi xây được nhà trên mảnh đất này. Nhưng rồi có chuyện MQ đi nước ngoài, thế là vợ chồng tôi bàn nhau trả béng đơn vị, để phân cho người khác, họ có thể làm nhà ngay mà ở, chứ mình giữ thì có làm gì được đâu, sau này có điều kiện thì xin đất sau. Nghĩ lại mà cười ra nước mắt, nhưng đành vậy vì là “thuận vợ thuận chồng” rồi mà, trách gì ai được nữa? Nực cười và đáng thương là vợ chồng tôi, cả hai tên học Toán mà không biết tính, trong khi MQ vẫn đang ôm ấp mộng ra nước ngoài là để kiếm tiền làm ra một “ngôi nhà mơ ước”. Chịu, loanh quanh chỉ có thể giải thích đó là số phận!!!
               Đ
ể chuẩn bị cho chuyến đi của MQ, và để trả nợ, trong nhà có gì bán được là bán hết rồi, chỉ giữ chiếc xe máy tôi mới mang về từ Ấn độ để đi làm. Riêng khoản tiền mang ra sân bay là còn nợ để đó, từ từ MQ về sẽ tính. Mọi khi có MQ ở nhà, đi dạy thêm và làm chương trình, tôi lo chi tiêu đỡ vất vả hơn. Nay chỉ có lương mình tôi, nên mấy mẹ con phải tiết kiệm. May đã khổ quen cả thời kì dài, nên thấy bình thường. Bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi học, nhưng không dám đòi hỏi gì. Chỉ thương nhất bé Hương, nó còn yếu lắm, mà đi học thì xa, lại là năm cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 6 chuyên Toán càng vất vả. Cháu không đi xe điện nữa, dần dà phải tập xe đạp để tự đi học. Nhà có cái xe đạp trẻ con Liên Xô cũ, bé đạp nặng thở hổn hển mà không kêu ca. Xe hỏng luôn, anh Tuấn phải chữa thay bố, mà chữa vụng lắm.Tôi nhìn cái cảnh ấy mà thở dài sườn sượt, nhà vắng đàn ông mà!
              Ở bên kia, MQ đã đến thăm con gái, tại một thành phố giáp Ba Lan. MQ chứng kiến cảnh mất điện mất nước còn tệ hơn cả ở nước mình. Cứ lúc nào có thang máy chạy (chỉ chạy một chiều) thì không có nước, khi có nước lên được tầng 9 (nơi ở) thì thang máy lại ngưng và phải trèo bộ cả hai chiều. Học bổng quá ít, tiền mất giá, nên bọn trẻ thường xuyên đói. MQ đến thăm con vào dịp con ôn thi và thi học kì, thế là bố phục vụ con thật tận tụy, nào nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. MQ sống vui vẻ hòa đồng và được bạn bè con gái rất quí mến.
               Trong lúc bọn trẻ đi thi thì MQ dạo chơi một mình và say sưa với những nét đẹp cổ kính của thành phố, với những con đường đá không trải nhựa ngay giữa trung tâm, với những công viên tựa như cánh rừng nghĩa là cây cối rậm rạp, suối nước chảy róc rách, có chim kêu mỗi tội không có vượn hót mà thôi. MQ còn đi thăm tháp truyền hình trên một quả đồi cao nhất, để từ đó ngắm được toàn cảnh thành phố tráng lệ. Rồi anh lững thững vào khu nghĩa địa với nhiều ngôi mộ cổ có kiến trúc khác nhau, những bức tượng tạc thật đep. Anh tiếc không có máy ảnh, và bực vì ở đó không có dịch vụ chụp hình như ở bên ta!!! MQ cũng kịp tưởng tượng, qua hè sang năm, tôi sẽ sang thăm con cho biết, còn MQ thì không biết lúc đó đã sang được Ba Lan chưa hay vẫn ở Nga. Có nghĩa là MQ vẫn ngầm gửi cho tôi một thông điệp rằng, anh không chỉ đi sáu tháng rồi trở về. Chỉ có điều anh phải thú nhận, anh khó có thể ở lại lâu dài, vì “hình ảnh em và các con cứ luẩn quẩn trong đầu”, và anh “luôn luôn áy náy là vắng anh, ở nhà em sẽ vất vả hơn và phải sống trong tình trạng thiếu vắng anh”.
              Thế rồi, bẵng đi tôi không nhận được thư MQ. Mọi người hỏi thăm liên tục. Tôi trả lời rằng MQ đang quên dần vợ anh mất rồi. Khi mới sang anh còn lạ lẫm, lúng túng, còn đi chơi tha thẩn nhiều nơi, thăm con gái mấy tuần, thì anh thấy nhớ vợ con, còn bây giờ, khi đã quen mọi thứ, chẳng có gì phải nhớ nhiều quá nữa. Dỗi một tí gọi là có, chứ tôi vẫn viết thư đều cho anh, tôi bảo  lúc nào cũng nhớ anh nhiều, tôi cảm thấy mình chưa làm trọn nghĩa vụ bổn phận và thể hiện hết tình cảm của một người vợ yêu thương chồng. Tôi đã cố tình che dấu những tình cảm vốn rất lớn lao đối với anh, bởi vì tôi cố chấp, bởi vì cái bên trong và bên ngoài của tôi lúc nào cũng muốn đánh nhau và nổi loạn. Tôi muốn anh phải chiều tôi, chiều tất cả những điều lạ kì mà theo lệ thường, cuộc sống giản đơn đầy lạc quan của anh sẽ khiến anh thấy thật khó chịu.
               Vốn dĩ  tôi không dễ ngủ. Từ ngày anh đi vắng, đêm tôi càng khó ngủ hơn, ngủ rất ít và ngủ chập chờn. Thi thoảng chợp mắt đi thì mơ những giấc mơ kinh hoàng. Công việc cơ quan lắm khi bận, phải mang tài liệu về nhà có hôm thức tới 3, 4 giờ sáng. May có hai đợt tôi được đi nghỉ ở biển, nên tinh thần đỡ căng thẳng và thư giãn hơn một chút. Một đợt đi Bãi Cháy theo dự án, có chuyên gia Nhật đi cùng; một đợt đi Sầm Sơn, với cả trung tâm. Đi Bãi Cháy thì tôi vui vẻ, mạnh khỏe, nhưng đi Sầm Sơn thì tôi bị một trận cảm và chuột rút dưới biển, mọi người phải khênh về nhà nghỉ cứu chữa đánh cảm mãi. Trong những lúc quá mệt và nửa tỉnh nửa mê, tôi bỗng khóc nức nở và gọi MQ về, chẳng kịp nhận ra nỗi ngượng ngùng xấu hổ trước bao bè bạn.
                Cả hai đợt đi biển, tôi đều mang theo bé Hương. Cả hai đợt, Phi bạn tôi đều đi. Tôi và Phi vẫn thân nhau. Trước đây tôi đã quen, mọi ý nghĩ, nỗi nhớ thương đều tập trung vào một mình MQ. Bây giờ, anh đi vắng, những điều cần chia sẻ tôi lại nói với bạn, thế nên đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu.Tôi phải tự gạt đi, tôi không muốn bạn là người thứ hai sau anh, trách tôi, sao tôi hay suy nghĩ phức tạp đến thế trong mọi việc lớn nhỏ của cuộc đời. Thành ra, tôi viết thư cho anh, tôi bảo anh rằng: "…tốt nhất là MQ hãy trở về với em đi! Em cần có anh, MQ ơi, chắc chắn cần anh không phải vì những gì mọi người lầm tưởng - mà vì những lẽ khác em không thể nói hết với anh được. Chỉ biết rằng sự hiện diện của anh sẽ giúp em vượt lên khỏi sự yếu mềm như biết bao năm qua đã từng là như thế! Em cần có anh, dù cho anh đã có đủ hay chưa đủ tình yêu đối với em, theo những cảm nhận kì quặc và khó hiểu của riêng mình”.
              Tinh thần thì rối ren, vật chất thì thiếu thốn vì một mình phải gánh vác, nhưng tôi còn sướng chán. Đi làm nhà nước, có lương định kì, thi thoảng được bồi dưỡng làm thêm, chứ không khổ như chị tôi, chị Kim Thanh. Chị là chị thứ ba, sau chị Hiền Thục. Chồng chị mất sớm lắm, cùng năm mất với bố tôi, để lại một đàn con năm đứa. Chị là giáo viên tiểu học ở Thường Tín, nhưng nghỉ mất sức sớm về Hà Nội bươn chải. Chị có một câu nói cửa miệng “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, nên về Hà Nội buôn bán tem phiếu thời bao cấp ấy, người ta gọi là “phe”, để nuôi đàn con. Chúng đi học đều bỏ dở giữa chừng, từ cấp hai. Nhìn chị bé nhỏ, gầy gò, đen đủi, mắt thâm quầng và trũng sâu, lang thang đầu đường cuối chợ, nơi xếp hàng thịt hàng cá, chẳng ai nghĩ được rằng chị là cô dâu đẹp nhất phố Hàng Bài ngày xưa (trong con mắt của tôi ngày còn nhỏ), lên xe hoa sang trọng lồng lộng, mắt sáng ngời hạnh phúc bên chồng - một anh giáo viên, con trưởng của một gia đình phong kiến mà bố làm công chức lưu dung. Nhìn chị, tôi giở tấm hình chụp gia đình các chị tôi áo quần dài tha thướt, mà chị là người xinh nhất, đẹp nhất, để không tin vào mắt mình ngắm chị trong thực tại. Nhìn chị, khó ai tin rằng chị thật tài hoa, có thể vẽ những bức tranh hết sức sống động trong chớp nhoáng, có thể xuất khẩu thành thơ với những dòng thơ tuôn chảy tuy mộc mạc mà thấm đậm tình người.
             Những ngày đói kém thời bao cấp, nhà tôi đã thiếu thốn rồi, nhưng chị tôi thì phải đi vay từng cân gạo là thường xuyên. Thế nhưng khi tôi ngỏ ý mua bơm xe đạp cho mấy cháu kiếm thêm chút đỉnh đỡ mẹ, thì chị trả lời ngay “Không được cô ạ. Trẻ nhà tôi không chịu làm đâu” “Ơ hay, các cháu không chịu hay là chị không chịu?” - tôi bực mình ngắt lời chị. Thấy vậy, chị khất về hỏi bọn trẻ, sau rồi chị bảo, chúng nói ai lại đứng ở đường bơm xe, ngượng chết đi được  Tôi ngán ngẩm, “chị ơi chị xem lại cách giáo dục của chị với bọn trẻ đi! Chị hãy bảo chúng rằng, cô Thư là kĩ sư từ mấy chục năm nay, còn đi nhặt từ đống rác chợ Hôm lượm ra ít rau nát, lá xu hào bắp cải mang về băm chặt nấu với nước gạo (cũng đi xin) rồi nuôi gà đây này, mà cô không ngượng, không xấu hổ trong khi các cháu không dám bơm xe đạp là thế nào? Dùng sức lao động chân chính của mình làm ra tiền sao phải hổ thẹn chứ?”
            Bực thì nói vậy, chứ tôi chịu, đành chỉ qua lại thăm nom, thi thoảng giúp chị tí chút thôi. Lần này, MQ đi rồi, tôi đến chơi với mấy mẹ con. Tôi hỏi hai thằng cháu thanh niên sức dài vai rộng,”sao hồi này các cháu làm ăn thế nào, cứ ngồi nhà thế này trông chờ mẹ nuôi đến bao giờ nữa?” Hai đứa rụt rè nói, “cô ơi, chúng cháu có một…ước mơ…mà chẳng biết làm thế nào để thực hiện cô ạ”. Tôi gặng hỏi,thì ra là các cậu muốn có một xích lô cũ để thay nhau đi chở khách, và chở hàng từ ga xe lửa. Ôi tưởng gì, chứ vậy là tốt rồi.Tôi ủng hộ ngay, và bảo, “lúc này, cô không còn tiền nữa, cô đã vay mượn nhiều vì chuyến đi của chú MQ rồi. Nhưng thôi được, cô sẽ vay tiếp và mua cho các cháu một xích lô mới tinh, không mua đồ cũ, để các cháu đi làm. Chịu khó anh em bảo nhau, các cháu hỏi sẵn nơi đóng xích lô, hỏi giá cả xe rồi bảo cô nhé”. Chúng sướng quá nhảy cẫng lên. Tôi nhắc thêm, nhưng mua rồi, không được chóng chán, mà bán đâu đấy. Chị tôi vui lắm, hứa nhắc nhở các cháu. Thế là chỉ trong mấy ngày, mọi việc xong xuôi, Tôi đi vay thêm 800 ngàn nữa trả tiền xe cho các cháu, lòng thấy lo lo nhưng thực sự thoải mái vô cùng.
             Nào ngờ, chỉ vài ba tuần sau đó, chị tôi đã tới nhà, buồn thiu cầm 600 ngàn đưa tôi, và bảo bọn trẻ chán rồi, chúng không thích đạp xích lô nữa, mặc dù có nhiều khách nhiều hàng để chở thuê. Có một lần, nóng nảy cãi cọ gì với khách ấy, chúng tức tối bán phắt xe đi, vì là xe cũ rồi nên thiệt mất 200 ngàn. Tôi ngơ ngác, nhưng chả biết làm gì nữa, chỉ đưa lại tiền cho chị, thôi chị mang về làm gì thì làm đi. Em thương chị, thương các cháu và cố hết sức rồi, nhưng em cũng bất lực luôn chị ơi...(trong lòng, tôi ngậm ngùi mà không dám nói, giá như anh nhà chị còn sống nhỉ, kiểu gì thì chị cũng đỡ khổ hơn, chứ không thể như thế này được! Bất giác tôi lại ứa nước mắt vì MQ, chồng tôi, giờ này đang làm gì và có nhớ mấy mẹ con tôi không.

Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét