Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 8: NƯỚC ĐỨC XA XÔI


          Vinh, em trai tôi như trên đã nói, em đi làm rồi, và trở thành cán bộ của một Vụ Quan hệ quốc tế cơ quan nọ. Vinh học Đại học ngoại ngữ tiếng Pháp, lấy cô vợ cùng học một lớp, thế là hai vợ chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng tây nhiều hơn tiếng ta. Em mới ra trường, nhưng làm việc tích cực, được tín nhiệm, được cử ra nước ngoài công tác liên tục. Hoàn cảnh làm thay đổi con người. Nó đàng hoàng, chững chạc, và cũng khá gia trưởng. Nó không còn ngại ngùng mặc cái áo sơ mi nilon nóng điên anh chị mang từ miền Nam ra cho nữa. Mỗi lần đi công tác về, em cũng rất hào phóng và tình cảm mang quà tây về cho anh chị và các cháu. Vinh thích nói chuyện với tôi về tình hình ở cơ quan, môi trường làm việc và những ước mơ của mình. Thi thoảng có kẹo em mang về cho, tôi lẻn mang một ít lên cơ quan chiêu đãi phòng. Tôi rất tự hào vì có em giỏi giang và may mắn. Thế rồi không hiểu sao, tiếng em tôi đi nước ngoài lại bay tận tới tai anh Nguyễn, thủ trưởng cấp cao của tôi. Chắc là tại trưởng phòng mới (anh Trung) kể đấy chứ có bao giờ tôi lại đi khoe với thủ trưởng về những chuyện quan trọng mà rất tầm phào như thế. Vậy là có một lần, thủ trưởng mới bảo anh trưởng phòng: “Này sao cái cậu em cô Thư đi nước ngoài được nhỉ, trong khi ở cơ quan mình, lúc nào cũng bảo cô ấy không đi được vì lí lịch? Họ là hai chị em ruột mà, đành rằng là khác mẹ, nhưng về cơ bản là giống nhau thôi. Phải xem lại chuyện này mới được!” Thế rồi, ít lâu sau, trưởng phòng bảo tôi:”Sếp cử chị đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức ba tháng về lập chương trình và sử dụng một loại máy mới. Chị thu xếp gia đình và chuẩn bị đi nhé”. Ôi dào, tôi chả tin. Tôi chả muốn đi đâu. Việc gì phải sang tận nước Đức mới học được?. Tôi đang còn một lũ con đây, mà tệ nhất là tôi vừa mới vỡ kế hoạch tiếp, mặt đang dài thuỗn ra lo lắng mà MQ chưa biết. Nhưng nói thế thôi, trong sâu xa, tôi cũng cảm thấy biết ơn anh Nguyễn. Phải, chính thủ trưởng phát hiện ra điều vô lí này chứ không phải là tôi. Sự chịu đựng đã ăn vào máu thịt tôi rồi, nhất là bên tôi có MQ, tôi có suy nghĩ gì nữa đâu, chỉ hùng hục làm việc theo thói quen của một  người được đào tạo từ mái trường Xã hội chủ nghĩa, đó là cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, kèm theo một chút tự trọng của giới nữ không thích để nam giới coi thường, thế thôi mà. Bây giờ, tôi được mở lòng rồi, thế là đủ. Tôi sẽ nói với anh Trung, tôi cảm ơn, tôi không đi đâu, các anh hãy cử người khác, vì tôi đang có thai. Thế nhé, lần này thì là tại tôi, tôi không trách gì ai, tôi còn đang biết ơn thủ trưởng - người đại diện của cơ quan đây này.
           Nghĩ thế rồi nghĩ lại tôi tưởng tượng mình đi ra nước ngoài một lần cũng hay chứ nhỉ, xem người ta sống, làm việc, học hành thế nào. Chả lẽ mình vác cái bụng chửa sang nước Đức văn minh xa xôi kia ư? Chưa nghễu nghện nhưng kinh nhất cái trò ốm nghén, tôi chợt rùng mình sợ hãi. Vậy mà vừa mới tháng trước đây thôi, khi ấy tôi chưa “có gì”, tôi còn hung hăng cầm tờ giấy trắng viết đơn xung phong lên biên giới Việt Trung. Hừ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Cả nước tổng động viên rồi kìa. MQ sẽ ra tiền tuyến trở lại là chắc rồi. Tôi sẽ làm được gì nhỉ? Thiếu gì việc cơ chứ, ít nhất tôi giở lại nghề cứu thương này, hoặc tôi làm bất cứ việc gì. Nhưng tôi sẽ bỏ lại nơi đây bố mẹ già và hai con nhỏ ư, rồi gánh nặng đè lên chủ yếu là me tôi, có thể nào như thế không? Rồi tôi còn say tầu xe nữa chứ, tôi sẽ ở tịt trên biên giới ấy có được nghỉ vài ngày cũng không dám về. Đúng là mẹ hai trẻ con, trẻ con đi học rồi, mà mẹ vẫn còn con nít ngộ quá. Nhưng đấy là sự thực của những biến diễn trong tư tưởng tôi hồi đó, mà chính MQ cũng chưa kịp biết, tôi không nói ra. Ông bà ngoại càng không biết, thế rồi tôi xé đơn đi. Để rồi, chiến tranh ngừng lại, loạng quạng thế nào ông chồng thân yêu chẳng ra trận, mà để tôi lâm vào trận chiến không cân sức này, tôi sẽ phải đương đầu với ba ranh con chứ không phải hai nữa, tôi sẽ lại ốm nghén, lại nghỉ đẻ, tôi lại làm chính làm phụ đến kiệt sức và cứ phải sống giả tạo, che dấu bớt đi những nỗi buồn thầm kín và miệng cười tươi như hoa nở, trong khi tâm tính lòng dạ bập bùng đổi thay như sóng Đại Tây dương.
          Tôi càng rơi vào mê hồn trận của nghĩ suy để quyết định việc hệ trọng, khi mà cuộc nói chuyện trao đổi của tôi và anh Trung chính thức xảy ra. Anh ấy hết sức ngạc nhiên và thoạt đầu cũng lúng túng khi nghe tôi trả lời. Nhưng rồi anh ấy cứng rắn ngay và bảo :”Tôi thành thực khuyên chị, chị hãy thông cảm cho tôi, chị nên “xử lí” sớm. Nếu muốn có con nữa, anh chị để khi khác. Chị quá vất vả, anh MQ xa nhà, bây giờ chị sinh con nữa thì kinh khủng quá. Chị hãy nghĩ kĩ đi và bàn với anh MQ. Tất nhiên tôi nói thế chẳng phải chỉ vì chuyến đi này mà chị phải bỏ thai, mong chị hiểu cho. Có điều, chắc chị cũng biết, chúng tôi thực lòng muốn chị được đi đào tạo, dù chỉ ngắn ngày ở nước ngoài lần này. Thủ trưởng đã yêu cầu Vụ Tổ chức bằng mọi cách phải làm hồ sơ để chị đi được, và như thế sẽ giải phóng cho chị ở những lần khác nữa, chị hiểu ý tôi nói chứ? Chúng tôi không có ý định tìm người thay chị. Còn chuyện riêng, nếu chị cứ để mà đi học chắc cũng không sao vì thời gian có ba tháng thôi, tôi chỉ ái ngại về sức khỏe chị, thôi thì tùy chị quyết định”.
         Tôi quá ngỡ ngàng, chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhưng bây giờ thì phải nghĩ thật. MQ về và tôi kể mọi chuyện. Sau khi bàn bạc rất kĩ, cuối cùng chúng tôi nghe theo lời khuyên của trưởng phòng Trung. Và thế là mọi chuyện xảy ra thật nhanh chóng. Tôi chỉ vừa mới tắt kinh, nên xử lí là nhẹ nhàng, nhưng tôi vẫn thấy thật buồn. Việc khai và làm hồ sơ đi Đức, tôi hầu như chẳng phải làm gì. Vụ Tổ chức làm thay tôi tất cả, từ việc khai lí lịch đưa qua Cục Bảo vệ cán bộ tới thủ tục ngoại giao, làm hộ chiếu,…tất tần tật, tôi chỉ chụp mấy ảnh 4x6 và kí vào những bản họ đưa cho. Tôi không lo ngại gì, chỉ thấy sương sướng, vì biết chắc những người khác mà đi thì vất vả hơn tôi. Chỉ có sự cố riêng là len lỏi vào tra tấn tôi trong tư tưởng mà thôi.
          Tôi nhận vé, thu xếp hành lí và lên đường. Trước khi đi, tôi may cho Hoa hai cái quần đen. Khổ thế cơ chứ con gái mới có tám tuổi đầu đã phải mặc quần đen rồi, cho nó …sạch! Đầu óc tôi chỉ quan tâm tới con được đến thế là cùng. Ngày nhỏ, nó đã phải mặc bao nhiêu cái váy đen tôi tự may từ quần cũ của mình, bây giờ tôi sang nước ngoài thì con được mặc cũng đồ đen nhưng mới! vậy là sướng rồi. Con trai thì chả được mẹ may sắm gì. Bố MQ thì được “giao nhiệm vụ” đủ thứ về việc chăm nom quan tâm đến ông bà, đến con cái, rằng hễ hôm nào không có giờ dạy là lẻn về Hà Nội ngay. Nghĩ thương và ái ngại nhất là bà me, vừa phải cơm nước cho ông ngoại, vừa phải quản lí hai ranh con nhà tôi nữa. Ấy là ông bà không biết chuyện riêng của tôi, chứ nếu biết thì chả hiểu sẽ ra làm sao. Cả ông ngoại và bà me đều rất vui động viên tôi đi học yên tâm; và luôn dặn tôi giữ sức khỏe, nhớ viết thư về nhà luôn.
            Đoàn tôi đi có ba người, Phi-bạn nam sau tôi mấy khóa, Thu- bạn nữ học đại học ở Đức về, kiêm phiên dịch trong những giao tiếp xã giao, và tôi. Đồ dùng cá nhân thì khỏi phải nói, sách vở thì chả phải mang gì ngoài mấy cuốn từ điển nhỏ Đức Việt, Việt Đức phòng thân. Tiền nong là mấy đồng lẻ tiền Việt kẹp trong ví, khi sang nước bạn sẽ được phát tiền Đức. Mỗi người được mượn tạm một bộ com lê của bộ Tài chính, và chúng tôi hi vọng qua bên kia sẽ tự sắm cho mình quần áo tử tế mà mặc.
             Máy bay từ Hà Nội sang Berlin (thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức thời ấy) transite qua Karachi của miền nam Pakistan. Cha mẹ ơi, lần đầu tiên đi máy bay, ngồi bình thường thì không sao, nhưng lúc lên và nhất là khi máy bay hạ cánh sao mà say thế. Đặc biệt xuống sân bay nằm giữa một vùng núi cao, máy bay bổ xuống thẳng tuột, nên nhiều hành khách bị nôn. Tôi, với bản chất dễ say, người yếu, nên lả đi vì nôn liên miên, bao nhiêu túi nôn dồn hết cả về phía tôi. Mặt tôi tái xanh như không còn hạt máu, mọi người bảo thế.  Kinh dong liên tục nữa, chỉ mình tôi biết (!). Khi ghé sân bay nghỉ tạm, Thu dìu tôi tìm nhà vệ sinh. Tôi vẫn nôn. Một người đàn bà thấy tụi tôi đến thì chạy lại đỡ đần, nét mặt đầy thương cảm. Chúng tôi bất đồng ngôn ngữ, chỉ hiểu nhau bằng ánh mắt và ra hiệu trong im lặng. Chị ấy cùng Thu rửa mặt, vệ sinh cho tôi, rồi lấy dầu ra thoa. Chị ấy cho tôi một hớp nước. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, tựa lưng vào tường thở. Tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ chồng con. Tôi khóc chẳng phải vì mệt mà vì trách mình sao lại đi. Thật vớ vẩn, tôi đã làm phiền bạn, làm phiền người phụ nữ không quen ấy mà còn làm họ thêm rối trí nữa. Tôi trấn tĩnh lại, tôi nói khẽ với Thu tôi ổn rồi, có thể ra ngoài chờ trở lại máy bay. Tôi nhìn người đàn bà với ánh mắt biết ơn, tôi không nói nổi dù chỉ một lời cảm ơn bằng tiếng Anh. Tôi chỉ đưa cho chị ấy cái ví nilon trắng hoa vừa được phát trên máy bay, trong đựng một bánh xà phòng thơm nhỏ, một cái khăn mặt trắng, và vài thứ lặt vặt nữa. Tôi ra hiệu cảm ơn chị, rồi mở ví của tôi nữa cho chị xem, có mấy đồng lẻ hào xu tiền Việt, ý nói là không có tiền để biếu chị.Chị ấy cầm, tần ngần và gật đầu chào tôi, ánh mắt vừa lạ lẫm vừa dịu hiền. Tôi thì xấu hổ và tức tối cho mình, và thề rằng sau chuyến đi này, phải học tiếng Anh. Hóa ra bước chân ra khỏi đất nước, từ một tiếp xúc nhỏ nhoi bí bách, mới hiểu được mình còn thiếu đủ thứ, thiếu những gì mà lâu nay không có khái niệm.
          Rồi, trở lại máy bay, máy bay lên, không đáng sợ lắm, chỉ nút bông vào tai, và ngả lưng chừng trên ghế thiếp đi. Tôi không dám ăn vì cảm giác buồn nôn sẵn sàng ập đến. Thật là khổ, với tôi đã đành, cái chính là làm khổ các bạn phải lo lắng, mất cả vui. Tôi nhắm mắt thiêm thiếp nhưng tỉnh, vẫn mong chờ máy bay hạ cánh để không còn say nữa.
           Đây rồi, sân bay Berlin 1 độ C. Tuyết rơi nhè nhẹ, tôi không cảm thấy quá lạnh, có lẽ vì độ ẩm thấp. Tôi thích thú ngắm tuyết rơi, lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng nó. Tôi quên cả mệt nhọc, tỉnh như sáo, có thể tự đi một mình, không ai phải dắt. Các bạn thì lục tục xách đồ, xách hộ cả tôi nữa. Có người ra đón, gặp nhau, xe con chở chúng tôi về nơi nghỉ. Vậy là ổn và cả ba đứa thở phào nhẹ nhõm. Hôm sau, bạn đến đón chúng tôi về thành phố Leipzig để tham dự chính thức khóa học.
            Chúng tôi ở Đức ba tháng, thì tôi rong kinh hai tháng, đến khổ. Thời gian đầu như trôi đi thật chậm vì tôi nhớ nhà quá, mới sang đã đếm tính ngày về nhưng sau đỡ hơn. Học hành tương đối đơn giản vì bọn tôi học lập trình bằng ngôn ngữ máy, và có thêm Assembler cũng dễ. Bình thường tôi không nghe nói được tiếng Đức, nhưng khi học lập trình, thì từ chuyên môn lặp lại, giống như đọc sách ở nhà nên quen dần. Lí thuyết ít bài tập nhiều, chữa luôn trên bảng. Tôi hay xung phong lên chữa, viết thật nhanh hàng tràng lệnh, thầy và bạn đọc hiểu ngay chứ tôi chỉ im như thóc. Giờ thực hành máy, nhóm Việt Nam làm nhanh nhất và kết quả tốt nhất. Các bạn chỉ trỏ và thì thầm với nhau: “họ là chuyên gia đấy, chứ học hành gì đâu, họ làm nhoay nhoáy, chả phải nhờ thầy giáo giúp đỡ gì cả” (là Thu biết tiếng Đức mách tôi thế). Tôi vui lắm, vì sang đây, cả ba đứa đều muốn học để không thua các bạn, để các bạn không coi thường người Việt Nam. Lớp có một số người Đức, một số người Châu Phi. Họ luôn vui vẻ, và khác chúng tôi, họ cởi mở và yêu đời lắm. Chúng tôi chẳng chán đời nhưng ai cũng trầm tư, lúc thì nhớ nhà, lúc lo chả mua được gì mang về. Riêng tôi, đi toàn bằng ô tô, say muốn chết, cứ lên đến xe là nằm ngả đầu trên ghế, nhắm mắt. Cả đám “Tây” cười ồ “Nó lại ngủ rồi”. Ôi giá như tôi ngủ được thì quá tốt, đằng này chỉ chống cự với cảm giác buồn nôn thôi. Khi xuống xe là tôi chạy ù ra một cột điện hay gốc cây nào đó, nôn thốc nôn tháo vào túi nilon chuẩn bị sẵn, xong tìm thùng rác bỏ vào, rồi phải xoa tí dầu, chải đầu, và vào lớp cố tươi cười, chào bằng những câu thông dụng, vì nếu không là họ hỏi ngay: “bạn làm sao thế? sao bạn buồn thế? bạn nhớ chồng nhớ con hả?”. Những lúc ấy, thấy tủi thân quá, ừ mà sức khỏe thế này càng nhớ chồng con thật, đúng là sướng không biết đường mà sướng.
             Những buổi học lí thuyết, thầy giảng cứ giảng, trò nghe cứ nghe, ai ăn cứ ăn, nghĩa là bỗng dưng họ có thể lấy ra quả táo, cái bánh mì ăn uống bình thường không cần đợi giải lao. Còn thầy khi nào cần ăn thì rửa tay, ăn, ăn xong giảng tiếp. Chỉ ba đứa tụi tôi là mang sẵn đồ để ăn trưa mà cứ phải đợi tan lớp. Chiều về qua siêu thị mới buồn cười. Gà ngon mua có một lần khi mới sang, ăn cho “bõ tức”, sau thì tiết kiệm chỉ lăm le mua cổ cánh gà về nấu cháo nấu súp. Thi thoảng bạn bè đến chơi mở vung nồi bốc khói hỏi chúng mày nấu món gì thế thì ngượng phát khiếp, ai lại cổ gà cứ nổi lều phều không che dấu được, đành trả lời ú ớ rồi lảng chuyện khác. Có một lần, tôi thấy quầy kính có bao nhiêu là gói (khay) móng giò lợn, mỗi gói có tới ba hoặc bốn chiếc rõ to và dài cả cẳng nữa không phải chỉ có móng. Nhìn giá thấy rẻ quá, nghĩ bụng về nấu cháo hoặc luộc lên nhâm nhi, tôi bèn nhặt hai gói vào giỏ. Khi đi trong cửa hàng, người ta cứ nhìn tôi chằm chằm, nhìn giỏ đựng, rồi nhìn tôi. Tôi không hiểu, nên mặc kệ. Khi về nhà rồi, nấu nướng xong, đang ăn cẳng giò, tôi mới hỏi Thu sao người ta nhìn mình. Bạn tôi cười và giải thích:”tại vì những cẳng giò này ở đây họ chỉ mua cho …chó chứ không mua để ăn, mà thấy chị nhặt lắm quá, nên họ ngạc nhiên, sao chị là người nước ngoài mà nuôi lắm chó thế ???” Thu nói tiếp là cô cũng thấy ngại nhưng tôi lỡ nhặt nên cô không dám nói. Ha ha thì ra là như vậy, đã ăn cổ gà rồi nay còn tranh cả phần cẳng giò của chó nữa!!! Cười thì cứ cười đi, chịu khó thế thì mới hòng mua cái xe đạp Mifa mà mang về chứ.
          Úi cái xe đạp Mifa, xe đạp nữ của Đức thời bấy giờ, thì quan trọng thật. Nó nằm trong “chiến lược” mua sắm, nhưng mới sang chưa ai mua được ngay, còn phải lùng sục chán. Thành ra, bọn tôi ngày nghỉ hoặc buổi tối cứ dạo quanh thị trường để xem và mua thứ lặt vặt đã. Chắc xem là chính, vì cái gì cũng thích mà cái gì cũng đắt. Tôi dành sự ưu tiên cho con trai mình. Chả là bé rất thích đồ chơi. Ở nhà thì mẹ chỉ mua cho vài cái lúc lắc từ hồi bé tí, lớn lên chả có gì. Tôi phát hiện ra một thứ chắc Tuấn thích lắm đó là chiếc xe mui trần, chú lái xe trông thật dễ thương, có cái mũi cao cao nhọn nhọn. Xe vặn dây cót, cứ mỗi khi lao vướng vào đâu thì tự động ngoắt sang hướng khác và chạy tiếp. Tôi say sưa dùng thử và mê đến phát cuồng lên (nói gì con trai), và tôi quyết định mua ngay, mặc dù giá tận bẩy đồng Mác. Tôi sợ để chậm trễ mình không dám mua nữa.
         Vậy thôi, còn lại phải mất bao nhiêu thời gian đi ngắm quần áo rét, mà cấm chịu mua cái gì, mặc dù bộ nào thử vào cũng thấy vừa như in, và thực sự là đẹp nữa! Tôi luôn nhớ lời MQ dặn “Em sang đấy tiết kiệm tiền rồi phải mua bộ vét đẹp mà mặc cho đàng hoàng. Em chả bao giờ có quần áo tử tế”.Tôi cũng hứa với MQ sẽ mua. Nhưng rồi thực tế thì lần lữa mãi mới mua một cái quần số lớn nhất của trẻ em cho nó rẻ, và một cái áo giả da tất nhiên không phải hàng người lớn!.Vậy là cọc cạch hai màu khác nhau, quần thì nâu nhạt, áo thì xanh lá mạ xẫm. Chỉ được cái mặc vào thấy gọn ghẽ thon thả quá, thi thoảng ngắm trộm trong gương thấy mình cũng …đường được!
          Mua xong đồ chơi cho con, mua quần áo cho mình, tôi đều viết thư khoe chồng. MQ vui lắm. Tuy nhiên, MQ gửi thư sang ngay từ lá thư đầu tiên, đã nhắc tôi “em đừng gửi thư về nhiều quá, tốn tiền tem, để dành mà mua các thứ cho con còn hơn”. Tôi tức quá, chả là tính tôi bình thường ở nhà đã hay viết thư rồi, huống chi sang đây, tôi cứ viết liên tục gửi liên tục. Tôi nhớ nhà, nhớ MQ, nhớ các con thì tôi viết nhiều, sao lại cản tôi? Có phải tôi không tiết kiệm đâu, nhưng những cái tem thì không thể. Bỗng nhiên tôi nhớ lời anh Nghiệp thuở nào, “có gì đặc biệt thì mới viết chứ bình thường có gì mà viết”, khi tôi hỏi anh về việc anh chị ở xa nhau có hay viết thư cho nhau không. Thì ra, đàn ông là giống nhau hả? Ghét quá ghét quá, đã vậy thì tôi không gửi nữa. Nhưng khổ nỗi, thực tế tôi vẫn viết ngày ba lá thư, để đó gộp vào một tuần mới gửi vài lần, viết bằng giấy pơ luya cho mỏng mà thư vẫn cứ dầy cộp lên. Rồi sau MQ cũng không nói gì nữa.
                Và tôi tiếp tục đặt kế hoạch mua quà. Danh sách quà bao gồm 41 người, người thân họ hàng và bạn bè. Lúc đầu tôi đặt theo số tiền chi dùng, ví dụ người này 10 Mác, hoặc 5 Mác, 3 Mác. Sau rồi cộng vào thấy to tiền quá, thì rút đi, 10 thành 8, 5 thành 4, 3 thành 2. Từ số tiền đó, mới kiếm quà gì tương ứng. Bạn bè thì tôi mua cho đồng nghiệp, ưu tiên quà to nhất cho một chị nghèo hơn cả. Chỉ có các lãnh đạo là tuyệt nhiên không có quà. Với mẹ chồng, mẹ mình và các chị em thì được chú trọng đi lùng sục lụa đen về kính tặng cho mỗi người một mét đúp may quần.
            Cũng vì chuyện mua lụa đen mà có một kỉ niệm thật sâu sắc và buồn buồn nữa. Tình hình là dân Việt Nam mình “lòng vả cũng như lòng sung” ai sang cũng lùng lụa đen, nên khá hiếm. Cứ lải rải mỗi lần thấy bán, tụi tôi chỉ mua được một hoặc hai quần là hết rồi. Có một lần, chúng tôi đến một cửa hàng, từ xa tôi đã trông thấy một cuộn thật lớn, lớn lắm. Tôi mừng rơn, bảo bạn tôi. Cả ba đứa đến đang hỏi cô nhân viên thì bị một chàng người Việt Nam ngăn lại “các anh chị không mua được đâu, tôi đã mua rồi!”. Tôi rất ngạc nhiên nói với anh ta:“Bọn tôi mỗi người chỉ mua hai quần thôi mà, chứ có mua nhiều đâu?” “Không, vì tôi đã mua hết!” “Anh mua hết cả cuộn này á? “Vâng, cuộn này 500 mét đúp (tức là 500 quần) tôi đã đặt mua hết rồi!” Eo ơi, ngạc nhiên chưa? Chúng tôi miệng há hốc chẳng ai nói được lời nào, đành lủi thủi kéo nhau đi lòng buồn vô hạn. Dần dà từng tí một, tôi mới nhận ra điều mà lúc mới sang tôi không thể hiểu, đó là người Việt Nam không thích gặp nhau, đụng độ nhau, hễ trông thấy bóng từ xa là lảng tránh đi chỗ khác. Chỉ có khi về sứ quán Việt Nam tại Đức, vì một họp mặt nào đó, hoặc vì lí do gì đấy, thì mới tiếp xúc trò chuyện với nhau thôi. Tôi nhớ có lần đi vào trong cửa hàng lớn, chúng tôi vào những gian hàng thật đẹp và yên tĩnh. Yên tĩnh vì ít khách lắm, lúc ấy là buổi trưa thì phải. Treo băng rôn trên cao toàn là khẩu hiệu “mua nhanh bán nhanh”. Đúng là họ mua nhanh bán nhanh thật, người bán thì niềm nở khẩn trương phục vụ, người mua cần cái gì thì đến mua xong đi ngay. Chỉ có những tiếng giầy lộp cộp lộp cộp vang lên trong yên lặng. Thế rồi bất chợt có một tiếng gọi rất lớn “Tí ơi!” “Hả” “Ra đây có cái này hay lắm !” khiến cho khách ai nấy giật cả mình ngơ ngác. Chúng tôi cũng bị giật mình, nhìn hóa ra mấy ông Việt Nam. Thấy có cái gì buồn buồn, ngường ngượng và buồn cười thật khó tả.
          Đấy là chuyện gặp người Việt Nam, còn người nước khác thì thế nào? Có một hôm, tại sứ quán, chúng tôi gặp một người bạn Cuba. Anh ta nhiệt tình lắm, chạy đến ôm chầm từng đứa một và hôn thắm thiết nữa chứ. Anh ấy nói một tràng tiếng Anh, trong đó có câu ý hỏi bạn đến từ Việt Nam hả, rồi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xấu hổ, miệng câm như hến (bởi không biết tiếng Anh), và ngượng vì anh ta …hôn tận tình. Một lần khác, đang đứng xếp hàng mua đồ ăn trong cửa hàng, một người đàn ông đến hỏi tôi rất vồn vã, cũng bằng tiếng Anh. Tôi đoán là ông ta hỏi tôi là người Nhật hả, tôi lắc đầu trả lời “Việt Nam”, thế là ông ta đi thẳng, không có ý định làm quen nữa, khiến tôi thấy tủi thân thế nào ấy. Tủi thân vì vẫn gặp trở ngại tiếng Anh, và vì người ta không thích giao lưu với người Việt! Tôi càng nung nấu thêm chuyện học tiếng Anh sau chuyến đi này.
          Chúng tôi thường học lí thuyết hoặc thực hành cả ngày, chỉ chiều tối và ngày nghỉ cuối tuần là đi dạo thôi. Cứ mỗi lần mua về được bất cứ cái gì, là quà cho người thân, hay cho bạn bè, đêm đến, tôi ngủ muộn lắm, cứ mải mê mở va li, lục lọi các thứ ra ngắm nghía. Nghĩ lại thấy tội nghiệp quá, mấy miếng vải đen quí giá thì xanh ơi là xanh, nghĩa là đen xanh, chứ có đen nhánh đâu, may quần lên trông gớm chết, nhưng ngày ấy thiếu thốn quá nên cứ mê vậy thôi. Rồi mấy cuộn len màu lá mạ, tôi chọn mãi mới mua về để đan áo cho con, mà có phải len đâu, len pha sợi! cứng và thô thô quá. Chả là mua len thì đắt nên phải chọn loại này cho rẻ! Tôi cứ lẩn mẩn xếp ra xếp vào mà không chán. Còn cái đồ chơi xe chạy cho bé Tuấn nữa chứ. Mẹ chơi trước con cả mấy tháng trời, may mà nó chạy bằng vặn dây cót. Con gái thì được mẹ mua con búp bê bé tẹo vẫn vì rẻ. Có bao nhiêu búp bê to lắm, sinh động lắm, mà không thể mua vì búp bê cứ nheo mắt nháy mắt nhìn tôi “cô mà có tiền mua cháu á???”  Những lần như thế, tôi càng nhớ các con vô hạn, và không dám nghĩ dù chỉ mơ ước rằng sẽ có ngày nào đó tôi có thật nhiều tiền để muốn mua gì cho con là mua ngay.
           Sống xa nhà, đêm xếp đồ ra xếp đồ vào, tôi nằm chẳng ngủ được, có chợp mắt một tị toàn mơ lúc thì ông ốm, lúc bà đau, lúc thì các con sốt và gọi mẹ về ngay, lại trở dạy bật đèn ngủ viết thư tiếp cho MQ. Khổ thân MQ, MQ yếu và cũng hay ốm vặt rồi đau dạ dầy nữa mà vợ không nhớ đến nỗi không có ác mộng nào về chồng, mà chỉ có những dòng thư tưởng như dài vô tận gửi về. Ban ngày đi học, đi ra đường, đi ra cửa hàng, đâu đâu cũng thấy người  ta ôm nhau vô tư, hôn nhau mãnh liệt ngay trước mắt một cách thoải mái, thấy cũng vui vui, nhưng không bao giờ dám nghĩ giá mà ở mình cũng tự nhiên như thế nhỉ. Có lần đi thực tập xa, trông thấy một bé trai chừng sáu tuổi, lưng khoác ba lô nhỏ, tự đi bộ bên bố mẹ, tự nhảy băng qua mấy chỗ gồ ghề rồi lên xe và vẫy tay tạm biệt bố mẹ, một mình đi về vùng ngoại thành cách xa hơn trăm cây số để thăm ông bà nội, mà tôi cứ rơm rớm nước mắt vì nhớ con. Và lần này thì tôi mơ rằng, sẽ có ngày các con mình tự tin như thế, không cần có bố mẹ kè kè ở bên vẫn đi xa được! vẫn làm được mọi thứ, và còn hơn cả bố mẹ nữa.
         Cứ học liên miên, đi lại suốt ngày suốt tối, say vì ô tô sưa vì lùng hàng, rồi cũng có một ngày, bạn mua vé mời tụi tôi đi xem kịch ở nhà hát, đi nhảy ở vũ trường. Chúng tôi từ chối đi nhẩy vì có biết nhẩy đâu, trừ Thu học từ Đức về chắc biết nhẩy nhưng cũng ngại hai người là tôi và Phi “khốt ta bít” quá nên thôi. Đi xem kịch, ừ thì đi xem, nhưng là cả một vấn đề. Người ta nhất là các cô các chị các bạn gái nghỉ luôn cả một buổi chiều để trang điểm, chọn áo chọn quần chọn váy chọn giầy. Còn bọn tôi vẫn thản nhiên mặc com lê của Bộ tài chính mình cho mượn. Đến nhà hát mới thấy choáng ngợp vì họ diện quá, đẹp quá, lộng lẫy quá, lịch sự quá. Những bộ váy áo diêm dúa, những cánh tay để trần trắng mịn, những bộ ngực đầy ma lực khiến tôi là phụ nữ cũng phải nhìn trộm. Thảo nào mà họ mất bao nhiêu thời gian chuẩn bị chứ chẳng đại tiện như mình. Hôm đó chúng tôi xem kịch Macbet của Sechxpia. Xem, không hiểu lắm nhưng cảm phục nghệ thuật biểu diễn và dàn dựng của họ. Thôi thì cũng để biết một sân khấu kịch của đất nước bạn.
              Chúng tôi cũng đến thăm bảo tàng tranh thời Phục hưng ở thành phố Dresden. Không có kiến thức về hội họa, nhưng chúng tôi ngỡ ngàng và say sưa ngắm nhìn từng bức tranh, có bức tranh là tác phẩm duy nhất của cả đời họa sĩ, mà khi chết cũng còn dang dở chưa hoàn thành.
              Ngày ngày ròng rã trôi đi, học thì nhàn mà đi lại mua sắm thì vất vả. Mệt nhất là làm sao mỗi đứa mua được một xe đạp Mifa mang về. Thật ra, mua xe không khó, nhưng khó là ở chỗ dân mình hồi ấy cứ nhất định phải mua loại moay ơ bằng inox, nhỏ nhỏ thanh thanh chứ không phải loại moay ơ sắt, béo ị. Thế nên cứ lang thang hết phố này sang phố khác, nhìn mỏi cả mắt chả thấy loại mình ưng, cho tới một hôm, tình cờ bọn tôi trông thấy cửa hàng xếp một loạt xe đúng ý rồi, chúng tôi mới mua ngay, mỗi đứa một chiếc, giống nhau. Từ chỗ mua đến chỗ ở cách nhau khá xa, chúng tôi phải chở bằng tầu hỏa. Khi ra mua vé, nhà ga hỏi là muốn chở bình thường hay chở theo kiểu bảo hiểm, tức là phải trả tiền vé đắt hơn, rồi lỡ có hỏng hóc gì họ sẽ đền. Chúng tôi băn khoăn quá, chả hiểu thế nào, sau rồi Thu khuyên mua vé có bảo hiểm. Thật là hú vía. Tại chuyến tầu đó, hai xe trong số ba xe bị hỏng, do va đập thế nào không rõ. Xe của tôi bị nặng nhất, méo mó tùm lum. Họ phải thay bao nhiêu bộ phận, tính ra đền mất 128 Mác trong khi cả cái xe chỉ 356 Mác thôi. Riêng cái yên hơi sứt một tí, họ bảo cho tôi luôn mang về làm kỉ niệm. Thế là một xe mà có hai yên. “Quả” này chỉ có anh MQ là sướng nhất cho mà xem! (về sau khi về nước, vợ chồng tôi cũng phải tiếc hùi hụi bán xe đi nuôi các con, chứ có đi đâu, thành ra chỉ được dùng có cái yên sứt thôi).
           Hai tháng dong kinh đi lại hùng hục, vậy nên vào một ngày xấu trời, tôi dở bệnh chóng mặt quay tít, không đến lớp học được. Thu cũng nghỉ luôn, chỉ gọi điện đến trung tâm báo cáo tình hình của tôi. Không những chóng mặt mà tôi nôn liên tục, chẳng có thức ăn thì nôn ra mật như ngày xưa ốm nghén ấy.
          Chỉ thoáng sau, một đoàn người kéo đến. Thì ra trung tâm đào tạo nhận “hung tin” đã báo, một xe cứu thương đến đưa tôi vào bệnh viện. Câu chuyện không đơn giản là cấp cứu. Họ giải thích rằng, không biết thực bệnh thế nào, cứ chóng mặt nôn nhiều là phải đề phòng viêm màng não, là phải vào bệnh viện kẻo viêm màng não thật sẽ lây lan hết cộng đồng dân cư! Thôi chịu rồi. Hai ông Đức áo trắng to lớn lực lưỡng đặt cáng gần giường tôi nằm. Một ông xông đến định bế thốc tôi vào cáng, thì nhanh như cắt, quên cả chóng mặt, tôi nhỏm dậy nhảy phốc ngay sang cáng, rồi nằm thở vì quay cuồng dữ hơn. Mọi người ngạc nhiên, chỉ tôi là tự buồn cười nhưng mệt chết đi được cười cợt nỗi gì. Cáng đưa vào thang máy, tụt xuống tầng một, rồi được khênh ra xe, từ đằng sau đẩy lên. Xong, xe hú còi thẳng đường đến bệnh viện. Tới nơi, tôi được khám xét sơ bộ, bác sĩ hỏi qua Thu cách điều trị ở nhà. Tôi trả lời rằng nếu tiêm B1 và Long não nước tôi sẽ khỏi ngay. Bác sĩ đăm chiêu, B1 thì còn hiểu được chứ “long não nước” là cái gì? Tôi chả biết, bảo bạn tôi, đấy là thuốc mua ở cửa hàng thuốc Viêt Nam, hay ở trạm xá cơ quan cũng có. Cứ tiêm vào hai nọ (B1) một kia (LNN) là sẽ bình phục sau chừng một vài giờ. Bác sĩ tạm chỉ định tiêm B1 và C, rồi chọc tủy xem có viêm màng não không. Ấy là một bà lăm lăm ống tiêm, hai bà nữa to béo giữ chặt tôi hai bên. Họ rút tủy ở cột sống sau lưng tôi. Lấy tay nắm chặt thành giường sắt, mặc cho các bà ghì lấy mình, tôi run lên bần bật toát mồ hôi dù trời rất lạnh, cảm thấy đau hơn đau đẻ! Hai bà lúc đầu ghì rất chặt sau thấy lỏng dần, vì tôi rất tự giác cắn răng chịu đựng, tuyệt không nhúc nhích. Xong việc, tôi được nằm luôn xuống giường vì vẫn chóng mặt quá, may không nôn. Họ nói với Thu: “Bạn chị dũng cảm lắm, chúng tôi cứ lo chị ấy sẽ vùng vẫy không lấy tủy được”. He he, tôi có dũng cảm gì đâu nào, chả là tôi sợ gẫy kim, mà gẫy kim trong cái cuộc rút tủy từ cột sống ra thì cũng phiền, nên gắng chịu thôi, nhưng dù sao được khen dũng cảm cũng thấy sương sướng, của đáng tội!
           Sau phân tích, kết quả tôi không viêm màng não.Tôi mừng khấp khởi tưởng được về, hi vọng nghỉ ngơi mấy ngày bệnh sẽ dần lui. Nào ngờ, họ bảo Thu về đi, còn tôi ở lại điều trị tiếp. Bác sĩ giải thích là lúc này dù tôi khỏi chóng mặt vẫn không được ra viện, vì sau khi chọc tủy, tưởng thế thôi chứ người yếu đi hẳn, ra ngoài dễ gục ngay, nên theo nguyên tắc, phải ở lại bệnh viện một tuần. Thôi rồi, thế là tôi đi Đức có ba tháng mà được biết bệnh viện, trong khi Thu học ở Đức năm năm lại không biết. Tôi lo lắng chia tay bạn, để ở lại, với túi đựng đồ nho nhỏ, mà khi đi cấp cứu, tôi còn kịp nhờ bạn bỏ vào đó hai cuốn từ điển nhỏ phòng thân.
           Tôi được đưa đến một phòng bệnh, kê một giường rộng cỡ một mét, có toilet riêng. Một cô nhân viên thay quần áo cho tôi bằng bộ váy áo bệnh nhân kẻ sọc nhỏ màu xanh da trời. Vậy là tôi thành bệnh nhân thật. Hàng ngày, người ta mang đồ ăn thức uống cho tôi, tráng miệng là một quả chuối tiêu bé chắc từ hầm lạnh mang lên, hoặc một trái táo chín thơm. Một buổi sáng chưa kịp trở dậy, tôi thấy cô nhân viên vào phòng, nhìn nhìn rồi bỗng nhiên đẩy nhẹ tôi quay mặt vào tường, xong rất nhanh nhẹn,.tụt quần lót của tôi. Tôi kinh ngạc và sợ hãi, chưa biết làm thế nào thì thấy cô ấy đã nhét cái gì vào hậu môn tôi, nhanh nhẹn thao tác” trả lại quần cho em” rồi chào tạm biệt và đi ra. Tôi chợt hiểu, chắc là cô ấy thụt cho mình. Y như rằng, tôi muốn đi ngoài. Tôi trở dạy lúc này mới để ý chỗ cuối giường có một cái bô đeo biển màu xanh. Tôi lật lật thấy có hai mặt màu xanh và màu đỏ. Tôi đi cầu vào bô rồi lật lại màu đỏ, thì cứ đoán thế, hai trạng thái khác nhau mà! Tôi nhận ra mình đã bớt chóng mặt chỉ còn hơi lao đao thôi. Tôi vào toilet vệ sinh tí chút rồi đi nằm. Lát sau, cô nhân viên trở lại. Cô ta dọn dẹp, rồi lấy mẫu phân hay sao ấy. Xong việc, cô ta cười rất tươi, và tất nhiên bô lại đeo biển màu xanh. Hà hà không biết tiếng tăm có cái cực và cũng thú vị thế đấy. Ai bảo hôm qua không chịu “dị hóa” nên biển đeo ở bô vẫn cứ màu xanh, cô nhân viên thấy thế chả thụt à để mình sợ muốn chết.
          Tôi lọ mọ giở hai quyển từ điển, nhất là quyển từ điển hội thoại Việt Đức, cố đọc mấy câu đơn giản, và ghi nhớ trong đầu. Hôm sau, người ta dẫn tôi đi chụp phổi. Về sau mới biết thế, chứ lúc đầu chỉ thấy bị lùa vào một phòng lớn. Rồi họ bắt cởi trần ra, cởi rõ lâu trước khi chụp. Quái quỉ, phòng treo toàn gương, gương to bằng cả bức tường luôn, nên buộc lòng tự ngắm nhìn “dung nhan” mình. Trời đất ạ, lâu nay tôi có biết mình thế nào đâu, có bao giờ soi gương đâu. Ở nhà cứ đầu tắt mặt tối đi làm, lấy cái lược cào cào vào đầu rồi đi. Thế thôi. Bây giờ ngắm mình trong bộ dạng “sex nửa trên”, tôi mới thấy mình xấu kinh. Mặt mũi xanh lét, ngực thì lép kẹp, đằng trước đằng sau như nhau phẳng lì! Trong phòng có nhiều phụ nữ Đức, họ cũng là bệnh nhân, nhưng hồng hào đầy tràn sức sống, ngực nở bụng thót, đường cong đâu ra đấy.  Tôi thấy xấu hổ và ngượng ngập, may chả ai để ý đến tôi cả.
         Chụp xong, mặc các loại áo vào mới thoát nạn. Cô nhân viên chờ đó kèm tôi về phòng. Hôm sau nữa, có một phụ nữ hơn tôi chừng mươi tuổi, đến phòng và dắt tôi dạo quanh khu vườn lớn trong bệnh viện. Chị ấy cũng là bệnh nhân, nhưng sắp khỏi rồi, được “giao nhiệm vụ” dắt tôi đi chơi, ấy là tôi vừa nghe vừa đoán thế. Tôi nghĩ bụng phen này phải tập nói tiếng Đức mới được, thế là tôi “tung hết chưởng” lâu nay nhẩm theo hội thoại. Chị hỏi tôi học tiếng Đức ở đâu mà nói tốt quá. Tôi bảo tự học chị không tin. Chúng tôi đi bên nhau nói chuyện ríu rít cứ như đôi bạn quen nhau từ bao giờ. Lúc nào tôi không hiểu thì hỏi lại và nhờ chị ấy giải thích. Chị cũng rất tâm lý, nói rõ ràng và đơn giản. Thế là tôi thích quá, chỉ mong ngày ở bệnh viện dài thêm để được dạo chơi với chị nhiều hơn. Nhân dịp này tôi kể cho chị chuyện ở Hà Nội, nào là cái tầu điện chạy kêu leng keng, chuyện người lớn trêu hỏi bọn con nít “đố bé khi tầu điện chạy thì ống khói nhả khói ra phía trước hay khói bay lùi về phía sau?” khiến bé ngơ ngác nghĩ ngợi, mà hiếm khi có bé nào vặn lại “tầu điện làm gì có ống khói ạ”, rồi cả hai chúng tôi phá lên cười. Vậy chứng tỏ tôi bập bẹ rồi dùng cả ngôn ngữ ngón tay đủ để bạn hiểu đấy chứ. Và chuyện chúng tôi đi làm mang cặp lồng cơm để trưa ăn, rằng lương chúng tôi có thấp, thấp lắm, nhưng nhà nước đã bao cấp nhiều thứ như chữa bệnh, nhà ở, con nít đi học không mất tiền.khiến cho bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ấy là cứ nói trên nguyên tắc thôi chứ vợ chồng tôi đi làm mười năm rồi, vẫn ở ké ông bà ngoại trên một chiếc giường thôi mà, nhưng kể chi tiết thế thì cũng mệt
            Ngày ngày hai buổi đi dạo, tối thì tôi chúi đầu vào tra từ điển, chuẩn bị ngày mai nói gì với chị bạn, đêm thì ngủ chập chờn. Tiếng Đức nhảy múa trong đầu một cách lộn xộn, khiến tôi quên mình đang là bệnh nhân phải giữ gìn sức khỏe. Say sưa thế nên cảm thấy thời gian trôi thật nhanh, tới ngày thứ tám là tôi ra viện. Bệnh viện tự liên hệ để trung tâm đào tạo và Thu đến đón tôi về. Sớm hôm ấy tôi bồn chồn lạ thường. Chả vì cả đêm hôm trước, tôi thức để viết nháp rồi viết thật một bức thư rõ dài (bốn trang pơ luya), bầy tỏ lòng biết ơn bệnh viện, cảm ơn các bác sĩ y tá hộ lí đã chăm sóc tôi tận tình, còn bố trí chị bạn dẫn tôi đi chơi cho đỡ buồn nữa.Tôi không bao giờ quên những ngày này, tôi được biết thế nào là bệnh viện của nước bạn. Tôi trao bức thư cho bác sĩ điều trị, nhờ bác sĩ đọc cho mọi người nghe nhưng nhớ đừng cười vì tôi viết tiếng Đức mà không phải tiếng Đức! Bác sĩ đọc ngay và cười rất vui vẻ hiền từ, rồi bảo tôi viết tốt lắm, có sai gì đâu. Biết rằng cũng là xã giao thôi nhưng bệnh nhân tôi cứ tự sướng một lần nữa.
          Trở lại lớp, sắp kết thúc khóa học. Một ông giáo Đức mang xe nhà đón bọn tôi về thăm gia đình ông ở một vùng lân cận thành phố, nhưng đủ để chiêm ngưỡng cánh đồng cỏ bất tận, nhìn ngắm đàn gà tây trắng muốt thong thả nhẩn nha sườn đồi. Nhưng tất cả với tôi đều vô nghĩa, bởi tôi say xe nên cứ nhắm tịt mắt, thi thoảng he hé một tí và hỏi bạn xem liệu sắp đến nơi chưa. Ông giáo và bà vợ đều hiền lành phúc hậu, đãi “cơm” chúng tôi theo kiểu người Đức, nghĩa là vẫn khoai tây hầm nhừ, bít tết thịt bò, rau spinat nghiền bẹt ra thành đám trông như …(?),…song có một đĩa cơm trắng gạo dính. Chúng tôi rất cảm kích, và tôi thì tỉnh để rồi lại nhăn nhó khi lên xe trở về.
            Ngày về, trên đường ra sân bay, bạn tiễn và mời bọn tôi một bữa túy lúy ở một cửa hàng ăn sang trọng. Bạn để bọn tôi tự chọn và gọi món ăn. Chúng tôi dùng nửa con gà quay, một ít bit tết bò. Sang đây, tôi thấy các bạn Đức giầu mà tiết kiệm, ăn đến đâu gọi đến đấy, miếng cuối là bánh mì quệt qua quệt lại cái đĩa còn dính ít mỡ hoặc nước sốt. Trong khi đó, chỗ nào có người Việt ăn uống là y như rằng thức ăn thừa mứa, đồ uống tùm lum.
             Ra sân bay, tôi mua một hộp bánh thật to có 20 loại hình thù khác nhau chắc là ngon lắm vì nó … đắt! Tôi sẽ để dành hộp bánh này vào Nha Trang biếu má. Mua xong tôi hí hửng nâng niu ngắm mãi không chán. Chúng tôi điện về nước, cơ quan sẽ mang xe ra đón. Trong chuyến bay trở về, tôi khỏe hơn hẳn lần đi. Tôi quan sát các thứ nhỏ xinh kèm trong từng bữa ăn như chiếc bánh kem, chocolate, bơ. Tôi nhịn và tích mấy thứ ấy vào túi nhỏ mang về cho các con. Trời tháng sáu nóng lắm, xuống sân bay ra về chúng chảy dần be bét. Ra đón chúng tôi là trưởng phòng Trung, người đã rất chăm lo chuyến đi của tôi. Tôi biết anh rất tốt, quan tâm đến tôi, tôi biết ơn anh lắm nhưng vì tôi lỡ chủ ý không biếu quà lãnh đạo nên anh không phải là một ngoại lệ. Trên đường về, đi ô tô, tôi lại say lử và nôn. Thấy tôi quá mệt, anh mời bọn tôi ghé nhà anh nghỉ tạm. Tôi ôm khư khư cả va li quà cho mọi người, trong túi đầy thứ tàng trữ đồ ăn trên máy bay, mà tuyệt nhiên, tôi không xì ra bất cứ thứ gì làm quà cho anh, cho vợ con anh. Tôi thật cứng cỏi và quá đáng. Suốt đời, tôi không bao giờ quên và tha thứ cho mình về sự vô ơn và máy móc thế này.
           Về nhà, gặp lại bố mẹ và chồng con sau ba tháng xa cách, tôi vui mừng khôn xiết và quên hết nhọc mệt. Tôi rất mừng khi cả nhà khỏe mạnh, và không có gì bất ổn trong khi tôi đi vắng. Tôi chỉ có một cảm giác hụt hẫng khi nhìn ngó ngôi nhà gia đình mình đang ở. Sao nó bẩn thỉu và chật chội đến vậy? Đụng vào bất cứ đồ vật gì cũng thấy ghê ghê. Rửa mặt mũi qua loa rồi nhìn vào cái gương nhỏ, thấy da tái dại và có cảm giác sần chứ không mịn như ở bên Đức.Trong phút chốc, tôi luyến tiếc những gì mình vừa được hưởng thụ. Nhưng sau đó tôi tự trách mình ngay, ôi mới xa nhà có ba tháng trời mà nay về đã chê bai đủ điều, thì muốn có cái nhà ở cho đàng hoàng sạch sẽ văn minh thì phải, phải gì nhỉ, chịu chết, bí rồi, bí thật, hừ hừ, tôi muốn rên mà cổ họng tắc nghẹn.
              Mà nghẹn thật, bởi cả nhà đón tôi về trưa nay trong một bữa cơm thịnh soạn, do MQ chủ trì, với cố gắng không thể nào hơn. Đó là vì tôi mà mâm cơm có đĩa tôm gạo râu ria còn nguyên, mặc dù ăn bị đâm cả vào lợi đau điếng, nhưng tôi biết bình thường đâu có dám xài nó. Và có đĩa rau muống luộc đánh dấm sấu xanh, đúng khẩu vị của vợ MQ rồi còn gì. Tôi ăn dần dà ngày càng thấy ngon miệng, thầm biết ơn chồng mình, có điều bây giờ cổ họng không tắc nghẹn nữa, mà cay cay nơi khóe mắt.
               Ăn xong cơm trưa, tôi không kịp tắm rửa gì mà vội vàng mở lục tung va li để chia quà. Bố ơi, con biết bố thích nhất là sô cô la, mà lâu lắm rồi bố không được ăn, thì đây, con mang những thanh này về cho bố, có thể đồ của Đức bây giờ không ngon như của …Pháp ngày xưa…(không biết tôi có nói láo không), nhưng con chắc chúng cũng ngon lắm (con chắc, chứ không khẳng định vì con có mua cho mình ăn lúc nào đâu, tôi tự nhủ thầm). Còn me, con mang lụa đen về để me may quần đây, con cũng mang nho khô về để ông bà lúc nào buồn thì mang ra cùng nhâm nhi nhé. Tôi còn đang lục lọi làm phận sự biếu quà các đấng bề trên thì con gái và con trai tôi len vào, nhặt ra một hộp nhựa nhỏ đựng cái gì trăng trắng đùng đục, và hỏi tôi xem có ăn được không thì cho bọn chúng. Tôi gật đầu, tưởng con cầm chơi cho vui, ai dè mở ngay và chia nhau nhai côm cốp say sưa hỉ hả. Tôi bật khóc luôn. Vì đấy là hộp đường phèn, vào siêu thị mua đồ, tôi thừa tiền lẻ tiện thể nhặt luôn. Nó rắn lắm, vậy mà tôi chưa kịp lục lọi kẹo bánh thì các con đã nhâm nhi cục đường, tôi không thể chịu đựng được cảm giác thương con đến cháy lòng, nhưng nhìn nét mặt rạng ngời của chúng, tôi không nỡ ngăn cản, lặng yên tiếp tục lục quà. Tôi quay sang MQ, này anh, em mang về cho anh mấy phụ tùng xe đạp đây, anh có thích không? Tôi liếc thấy MQ mắt cũng sáng như sao, xem xem xét xét ra chiều ưng ý lắm. Tôi nói tiếp, còn đây riêng đôi moay ơ bằng inox này, em cũng mang về cho anh, nhưng anh tặng lại anh Quảng nhé, chắc là anh ấy thích lắm. Anh Quảng là anh ruột kề ngay sát MQ. Vợ chồng tôi rất thân với anh, lâu nay hai anh em cũng hay trao đổi thư từ, và anh Quảng giống y chang chồng tôi về cái khoản thích xe đạp,thích chữa xe đạp, thích có những phụ tùng tốt sửa sang thay thế. Nhưng tôi thấy MQ hơi lặng đi, mắt không sáng vui như lúc trước, và MQ lắc đầu từ chối không chịu, MQ bảo cứ để đó MQ dùng. Thoạt đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó trấn tĩnh lại, tôi thương MQ quá chứ không lạ lùng gì nữa. Khổ thân MQ, anh cũng thích đôi moay ơ này lắm mà. Cũng vì quá thiếu thốn nên không kiềm chế được thôi.
            Tôi trao quà từ trên xuống dưới, bây giờ mới đến lượt các con. Nào cái xe của con trai, búp bê tí xíu của con gái, rồi bánh, kẹo. Xong, tôi cất riêng quà khác cho má, cho anh chị em trong nhà, cho bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan rồi mới vệ sinh dọn dẹp nhà cửa và bản thân sau một chuyến đi xa. Riêng xe đạp Mifa quí giá thì tôi giao hẳn cho MQ để anh lắp lại và chăm chút gì đó tùy anh. Đấy là thứ có giá trị nhất của chuyến đi học ở Đức mà tôi tiết kiệm dành dụm được. Sau khi lắp xong, hai vợ chồng chỉ ngắm nghía không dám đi thử, mặc dù chả ai bảo ai. Cả hai tuy không nói ra nhưng đều cảm thấy có lẽ nó không thuộc về mình!
               Hôm sau, tôi lên cơ quan, lệnh khệnh mang theo quà cáp cho bạn bè. Cả đoàn chúng tôi cũng không quên mang kẹo thuốc lá  mời tập thể chung, rồi biếu Vụ Tổ chức đầy đủ cả.
              Lại nói về hộp bánh quí mua ở sân bay, tôi cất kĩ đi, cùng với lụa đen, nho khô chuẩn bị sẵn mang vào biếu má, nhưng phải hơn hai tháng sau khi về nước, chúng tôi mới vào Nha Trang. Ngày ấy lạ thật, hai vợ chồng không nghĩ gì về việc hộp bánh để lâu sẽ hỏng. Tới khi sắp đi, MQ mới bảo tôi, coi chừng hộp bánh có làm sao không, và khuyên tôi bóc tem mở ra kiểm tra rồi dán lại. Trời ơi không thể tưởng được nó mốc xanh mốc trắng hết cả lên. Tôi bàng hoàng ngồi thừ ra, MQ cũng tiếc lắm nhưng MQ không thể hiểu được, tôi buồn thế nào. Mặc dù tôi đã có quà biếu má và mọi người thân rồi, nhưng tôi quyết tâm lắm mới mua thêm hộp bánh này. Tôi muốn để phần má. Má và bố mẹ tôi đều già như nhau, nhưng má ở có một mình thương lắm. Bao nhiêu ngày qua, tôi luôn tưởng tượng đến cái phút mở hộp bánh ra, má nhấm nháp từng chiếc một với những mùi vị khác nhau thật thơm ngon ngọt lành, và nghĩ đến con dâu của má, má bớt buồn một chút chăng. Nhưng bây giờ không còn hộp bánh nào cả, tôi sẽ không phải dán lại tem nữa. Sẽ vẫn chỉ là mảnh lụa đen, một túi nho khô mang vào biếu má mà thôi. Ý nghĩ phức tạp ấy, tôi chẳng nói, nên MQ cũng chỉ biết tôi phần quà cho má mà không may một thứ bị hỏng.
            Rồi vợ chồng con cái dắt díu nhau vào Nha Trang thăm má. Lần này, ở với má, tôi đã phần nào thay hình đổi dạng. Khi ở nhà, tôi mặc váy ngủ mang từ Đức về (chỉ mua đúng một cái thôi) trông thật diêm dúa, nhưng tôi không thấy đẹp nữa, vì nó mà tôi như lạc lõng trong ngôi nhà thân thương mà ngày nào năm ngoái đây thôi, tôi vào Nha Trang dạy học ở với má hai tháng trời. Má không được khỏe, cứ bệnh luôn. Tôi tránh không quấn quít bên chồng vì thấy ngài ngại thương má. Tuấn còn nhớ bà nội, nhưng Hoa thì thấy lạ lẫm, vì lâu chưa gặp lại bà. Bà nội bảo, con nhỏ chính ra cũng tình cảm lắm chớ nhưng vì ở xa nội quá nên chỉ thế thôi, làm tôi ngậm ngùi khó tả và cảm thấy như mình có lỗi. Tôi cũng không ngờ đây là dịp cuối cùng tôi gặp má, để rồi má vĩnh viễn ra đi (hai năm sau) không bao giờ trở lại. Không biết má có nói gì với MQ không, còn với tôi, má không nhắc lại rằng hãy về Nha Trang sống với má. Chắc má hiểu tôi đã không thể rời xa Hà Nội được.
            Chuyến đi Nha Trang này tưởng vui mà không vui. Tưởng vui vì tôi mới được đi nước ngoài về, nhưng không vui vì má bệnh quá. Chúng tôi có gắng chăm má thì cũng chỉ được mấy ngày rồi chúng tôi đi. Chúng tôi chỉ hứa không biết có suông không, rằng sang năm sẽ vào thăm má.
            Ra Bắc, tôi soạn giáo trình và cùng Phi mở khóa đào tạo cho mấy bộ ngành được trang bị máy. Giữ lời hứa với mình khi sang Đức, tôi tranh thủ thời gian học tiếng Anh ngay. Cơ quan mở một khóa học tiếng Anh bằng A, mời thầy giáo đến dạy trong giờ chính quyền. Tôi muốn xin vào đây, nhưng ngại không theo kịp vì lớp mở nửa năm rồi. May có người bạn khích lệ tôi: “chị cứ học đi, học ngoại ngữ thì không bao giờ là sớm muộn gì cả. Chỉ cần chị chịu khó là sẽ tích lũy dần và theo được thôi”. Thế là tôi quyết tâm xin học. Thoạt đầu, vào lớp lúng túng quá, nhưng sau quen dần. Tôi say sưa nghe thầy giáo giảng, trưa hoặc tối về thì hì hụi đọc thêm sách. Mỗi lần lên lớp thấy có mấy bạn học giỏi, nói chuyện rào rào với nhau và với thầy tôi thèm quá, sau rồi liều mạng mon men đến gần từng bạn và “thỏ thẻ” giống như hồi nằm bệnh viện Đức ấy. “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí cũng làm nên”, lời dặn của Bác Hồ lúc nào cũng thường trực trong đầu. Tôi đã phải đào núi và lấp biển đâu, có học có khác chứ, giờ này mà mình ở Đức nhỉ, mình sẽ cảm ơn người phụ nữ ở sân bay tới số, mình sẽ chả sợ gì cái anh bạn Cuba, và người khách đi đường muốn làm thân với người Nhật Bản nữa đâu. Rồi sẽ có ngày mình dùng tiếng Anh làm hành trang trên đường tới những khoảng trời mới lạ cho mà xem.
             Với bạn thì tôi mạnh dạn, nhưng với thầy thì tôi chỉ “chiêm ngưỡng từ xa thôi”. Sao thầy nói hay thế nhỉ, mà lúc nào thầy cũng có thể xen vào những câu chuyện nhỏ khiến học viên chúng tôi mặt nghệt ra mà suy ngẫm. Dưới đây là một trong những câu chuyện có thực 100% mà thầy là người trong cuộc (thầy kể bằng tiếng Anh và dịch sang tiếng Việt):”Chắc các anh chị đều biết rằng , thời nay ai mà được đi công tác hay học tập nước ngoài dù chỉ ngắn hạn thì thật là may mắn. Bạn tôi, một người bạn thân nhất, thuộc số ít người may mắn này. Bạn được đi nước nào, thực tình tôi không nhớ rõ. Nhưng tôi vui lắm, mừng lắm. Ít lâu sau, bạn về nước. Tôi không thấy bạn đến chơi hay hỏi han gì tôi nữa. Tôi thấy buồn, nhưng chả biết làm sao, và không dám đến nhà bạn. Tự nhiên, tôi thấy cứ ngài ngại…
Rồi tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, chúng tôi chẳng có chuyện gì xung đột, chẳng cãi vã gì nhau. Vừa mới hôm nào trước khi đi, bạn còn gặp và khoe tôi mà, còn chào tạm biệt tôi. Thế sao bỗng dưng…
À phải rồi, hay là bạn không có quà cho tôi, nên bạn lảng tránh tôi? Đúng rồi, chỉ có lí do ấy thôi! Hừ, nếu quả thực thế thì bực quá, giận quá. Tôi nghèo, bạn cũng nghèo lắm, chúng ta nói chung ai mà chả nghèo? nhưng tôi có thực mong bạn về và hi vọng được bạn tặng một chút quà kỉ niệm chuyến đi của bạn không?
Nào tôi hãy nghiêm khắc và trung thực để trả lời mình đi!
Có, có…đúng là có như vậy. Thế thì bạn tránh tôi vì sự mặc cảm không có quà cho tôi là … chắc chắn rồi.
Thời gian vẫn cứ trôi đi. Tôi băn khoăn, tôi khổ sở. Rồi đến một ngày, tôi tự hỏi mình: Thế chẳng hóa ra vì một chút quà, mà ngươi chịu mất người bạn thân nhất ư? Rồi tôi quyết định, một ngày chủ nhật, đường đột đến thăm bạn, không có liên hệ trước.
Rất may, bạn có nhà. Dễ đến gần cả một năm trời chúng tôi xa nhau vô duyên cớ. Bạn tiếp tôi hơi ngường ngượng…Tôi vào “cuộc” ngay:
”Này cậu! Mình đã nghĩ thật kĩ rồi. Mình thấy rằng mình không thể mất cậu được, nên hôm nay mình đến đây để nói mấy lời với cậu. Cậu hãy trả lời đi, có phải khi cậu đi nước ngoài về, cậu không có tí quà cho mình nên cậu đã lảng tránh phải không? Mình chưa đi nước ngoài bao giờ, mình không hiểu . Mình không biết  cậu được đài thọ và tiết kiệm đến mức nào, nhưng quả trong thâm tâm mình vẫn hi vọng và dám chắc rằng cậu không thể quên tặng mình một chút gì đấy, có thể là cái khăn tay, hoặc cái áo sơ mi, chí ít vài cái kẹo…chẳng hạn. Mà rồi như cậu thấy đấy, cậu đã không phần mình cái gì cả. Mình buồn bực, mình từng giận cậu. Nhưng thôi, cậu hãy nghe mình, chúng ta quên chuyện quà cáp đó đi. Chẳng có lí do gì khác để chúng ta bỗng nhiên lại xa nhau. Cậu nói đi, mình nghĩ có đúng không? Chúng ta không thể mất nhau”.
Tôi nói vội như sợ bạn sẽ cướp mất lời, nhưng bạn chỉ lặng yên, nghe tôi nói và mặc dù là đàn ông, bạn đã nhỏ hai dòng nước mắt. Sự im lặng và thái độ của bạn đã thay cho câu trả lời. Tôi cũng không gặng ép gì nữa. Tôi ra về lòng nhẹ nhàng thanh thản. Và từ sau đó chúng tôi lại thân với nhau như và hơn xưa”.
              Hơn ba mươi năm đã qua, câu chuyện của thầy vẫn còn nguyên đó tôi không thể quên. Cứ mỗi lần, trong đời, có trục trặc gì với ai, tôi lại nhớ chuyện của thầy để tự vấn mình làm sao giữ được quan hệ, mà cốt yếu nhất là phải thẳng thắn, gặp gỡ được bạn trực tiếp mà trao đổi, không thể chỉ bằng thư từ, câu chữ; nhất là không được lặng im để tự suy đoán suy luận về bạn. Thì ra học tiếng Anh mà không phải chỉ là học tiếng Anh. Thích thế đó.
 
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(Còn nữa) 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét