CHƯƠNG 15.: ĐỨNG DẬY ĐI TIẾP (tiếp theo)

Đảm nhận
                 Tôi được phân công phụ trách Đối ngoại, Đào tạo và Xử lí thông tin. Anh Tự từ nghiệp vụ chuyển sang, ít biết về chuyên môn máy tính nhưng vững vàng về quản lí kinh tế, và tập hợp được anh chị em, nên công việc dần đi vào ổn định. Chúng tôi đoàn kết, hỗ trợ nhau, vì công việc chung. Ba mảng tôi phụ trách, công việc đều phù hợp, nên tôi thoải mái, làm nhiệt tình, có trách nhiệm và quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.
              Với quan hệ quốc tế, tôi quen việc từ trước, nay cứ thế mà phát huy, chỉ khác là trước đây có Ba lo hết. Ba sử dụng được tiếng Anh, tôi chỉ thực thi cụ thể nhiệm vụ Sếp giao, nên nhàn hơn. Khi làm việc với người nước ngoài, Ba cũng vui tính và khôi hài lắm. Ba bảo tôi “đấy chị xem, cái ông chuyên gia Liên hiệp quốc người Ấn độ, xét cho cùng, tiếng Anh còn kém lắm, kém hơn mình”. Tôi đang ngẩn người không hiểu Ba nói thế là sao, vì ông này rất giỏi, còn hay mắng người khác dưới quyền ông ấy về tội sang Việt Nam làm chuyên gia mà tiếng Anh yếu kém đủ kiểu cơ mà? Ba cười tưng tửng: “Này nhé, ông ta nói cái gì thì mình đều hiểu cả, nhưng mình nói thì ông ta không hiểu, cứ phải hỏi lại, thế chẳng kém hơn mình là gì?” Vỡ nhẽ, tôi phì  cười, và lúc ấy có buồn nẫu ruột ra cũng phải cười, nhưng bây giờ thì không có Ba nữa. Anh ấy chuyển sang cơ quan khác rồi. Và với tư chất thông minh, năng lực đầy sáng tạo, năng động dám nghĩ dám làm, Ba rất thành đạt trong cương vị chủ chốt của ngành khác, cống hiến hết mình thậm chí có đóng góp nhiều trong sự thay đổi về chất của ngành này.
               Với mảng đào tạo, tôi tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và biên tập chúng dùng cho các khóa tập huấn. Có nhiều loại hình: đào tạo nội bộ cơ quan, đào tạo người chủ chốt ở các tỉnh thành phố về sử dụng mạng và truyền tin, đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành, hệ cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên dụng với đặc thù của ngành; đào tạo về xử lí thông tin các tổng điều tra cho các trung tâm vùng hoặc địa phương tham gia xử lí. Sau những đợt tập huấn dài ngày, triệu tập học viên từ địa phương, thường có liên hoan chia tay. Tôi không uống được bia rượu (vì dễ dị ứng), nhưng để hòa đồng, tôi lẻn đổi sang trà đá, màu của chúng vàng vàng giống nhau, thế là chúc uống lia lịa, ai cũng phải chờn. Tới khi mời mấy anh chị đến nhà chơi, nhâm nhi uống bia thì bí mật gian giảo kia của tôi mới bị lộ, nhưng sự đã rồi, chả ai làm gì được, tôi thì chỉ cười trừ! Cười vậy thôi, chứ nhiều buổi liên hoan, đang vui thì tôi lại ngồi đần mặt ra và khóc lặng một mình, rồi phải cố che mà có dấu được đâu. Chả là vì tôi nghe học viên ở miền Nam miền Trung ra, nói tiếng giống chồng tôi ngày trước, nên tôi buồn và nhớ thế thôi. Rõ tuổi thì cao rồi, gần 50 đến nơi, mà ấm ớ như con nít. Bây giờ viết sách tôi mới thổ lộ, chứ ngày ấy thì mọi người chịu chết chả hiểu ra làm sao.
                Với mảng xử lí thông tin, cần tổ chức chuẩn bị số liệu, nhập tin vào máy, và chạy tổng hợp kết quả. Làm điều tra chọn mẫu thì ít phiếu, đỡ vất vả hơn, nhưng với tổng điều tra thì khối lượng phiếu rất lớn. Thời vào Đà Nẵng, chúng tôi phải thuê một kho rất lớn, làm các giá đỡ xếp phiếu theo đơn vị hành chính, rồi có kho trung gian, xử lí đến đâu (chương trình kiểm tra báo lỗi) thì lục tìm tra cứu hồ sơ gốc sửa sai đến đấy. Nhưng ở Trung tâm hiện tại, mặt bằng có hạn, nên việc cất giữ, chuẩn bị phiếu trước khi đưa vào máy cực hơn. Đa phần chị em đảm nhận công việc này, và thường bị định kiến là nhàn, là hay tán chuyện, nhưng nếu làm cùng thì mới thấy quả thực có lúc họ nhàn, nhưng nhiều lúc vất vả lắm chứ. Hàng đống tài liệu để trong những gian phòng chật chội, bới lên tìm xuống mang vác nặng nề, nóng điên người, rồi phải bơm thuốc chống mối, sặc sụa. Những khi cần lục tìm phiếu đã chuyển sang kho khác, trời nắng như đổ lửa, toàn chân yếu tay mềm mà cứ hùng hục mang vác, phân loại, sắp xếp, mồ hôi chảy ròng ròng. Tôi phụ trách mảng này nên thị sát và thông cảm hơn. Bởi vậy mới có lần, tôi trình bày với anh Tự đề nghị quan tâm đến chị em, bị Sếp phản đối, phàn nàn gì đó, thế là bỗng dưng tôi nổi điên lên, tôi quát ầm ầm, tay đập xuống bàn một cách giận dữ và thô lỗ, rồi gần như hét lên trong gian phòng nhỏ. Có lẽ đấy là lần đầu tiên và duy nhất trong đời công tác tôi nóng nảy đến thế, chứ ngày trước cãi nhau với Ba cũng chẳng ăn thua gì. Ngay sau đó, tôi hiện nguyên hình với nỗi bất lực đến tận cùng và chỉ còn “tung chưởng” cuối cùng là khóc. Tôi khóc tự nhiên thế thôi, chứ chẳng phải dùng khóc làm vũ khí của đàn bà trong cái công sở này. Chỉ những lúc như thế tôi mới tự hiểu, mệnh của mình “TÍCH LỊCH HỎA” là như thế nào. Đấy là những lúc đặc biệt, còn nhìn chung, tôi ôn hòa với Sếp, bởi thầm cảm phục Sếp từ nơi khác đến mà hội nhập được nhanh chóng với môi trường mới, quản lí vững vàng, giữ được những nguyên tắc đồng thời rất có tâm, có tình, lãnh đạo trung tâm phát triển và phục vụ tốt cho ngành ở thời kì có những đổi thay lớn về công nghệ.
            Chuẩn bị số liệu thì như vậy, đến khi nhập tin trên máy lại khổ theo kiểu khác. Vì làm theo năng suất, chất lượng nên các em các cháu phải ngồi lì, xin lỗi chẳng dám đi tiểu nữa. Các cháu trẻ thì có thể vì tiền lương, nhưng mấy em lớn tuổi nhiều khi chẳng phải vì tiền, mà vì ngại xấu hổ mình làm được ít quá, sợ các Sếp kêu, nên cứ cố. Trong khi nhập, chương trình kiểm tra báo lỗi số học và logic thường xuyên nên nhân viên phải nhìn lại phiếu gốc để xem xét sửa lỗi. Có lần, các em phát hiện thấy tổng nào cũng chênh với cộng các chi tiết, không có số nhớ sang cột bên cạnh khi cộng, ví dụ 324 cộng với 927 thì phiếu chỉ ghi phần tổng là 241, trong khi cộng tự động bằng chương trình là 1251. Mà không phải chỉ một phiếu sai, tất cả đều sai thế. Đến khi tìm hiểu ra, hỏi lại đơn vị điều tra mới nghe mấy anh chị nghiệp vụ của tỉnh phản ánh, đây là phiếu của một vùng miền núi, người dân tộc làm, khi bị chất vấn sao cộng không có số nhớ, thì họ trả lời rất hồn nhiên “Bao lâu nay, có đứa nào dạy tao là cộng thì phải nhớ sang bên cạnh đâu hả?” Vậy là chịu rồi, đành cười ra nước mắt!
                Đó là nói về xử lí thông tin với các điều tra, tổng điều tra để thực hiện “nhiệm vụ chính trị”. Còn dịch vụ cho các cơ quan, chúng tôi làm thêm một mảng lớn là tính lương người nghỉ hưu (Bảo hiểm Xã hội) và các đối tượng có công (Thương binh Xã hội) cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Công việc này không phải lật lên lật xuống khối lượng tài liệu khổng lồ, nhưng đòi hỏi chính xác tuyệt đối, và thời gian hoàn thành hàng tháng không được chậm trễ. Về sau, khi các cơ quan bạn có đủ người và trang thiết bị có thể tự làm, trung tâm tôi tập trung cho xử lí thông tin trong ngành.
                Tôi được giao phụ trách mấy khối công việc như thế, tôi chỉ biết chăm lo vào chuyên môn, còn quản lí thì làm đại đi theo cảm tính, theo hiểu biết, trên nền tảng cái tâm cái đức của mình, chứ tôi có được đào tạo bồi dưỡng gì về quản lí đâu, có kiến thức gì về kinh tế đâu. Mãi sau này, tôi mới được học lớp chính trị trung cao cấp hai tháng của Học viện Hành chính Quốc gia về mở tại cơ quan, gọi là có, mà là “chính trị” chứ không phải “kinh tế”. May mà có Giám đốc đứng mũi chịu sào rồi. Có điều, tôi tự xác định, nếu xảy ra lỗi lầm gì bị bắt bẻ bị khiển trách về bất cứ phương diện nào thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho giám đốc, thế thôi.
                Con gái tôi đến kì làm luận văn tốt nghiệp. Hoa muốn về làm mấy tháng trong nước, để được gần mẹ và gia đình, nên nói với tôi xin cho về thực tập làm luận văn tại Trung tâm tôi đang làm việc. Tôi xin phép Sếp, và được chấp nhận. Gọi là thực tập làm tại Trung tâm, chứ Hoa không làm phiền ai cả, ngoài việc nhờ mượn một cái máy để tự làm một cơ sở dữ liệu phục vụ cho luận văn. Có chăng, thi thoảng Hoa hỏi anh kĩ sư chương trình giỏi ngồi gần đó vài điều cụ thể và anh đã giúp nhiệt tình, vậy thôi.
               Xong đợt này, con tôi trở lại Liên Xô bảo vệ luận văn và thi tốt nghiệp. Khi bố MQ còn, Hoa dự định xin học tiếp, hoặc kiếm việc làm ở bên đó một thời gian, nhưng khi bố mất, Hoa thay đổi hẳn dự định. Hoa thấy cần về nước với tôi và các em. Tôi đã viết thư bảo cháu, “con đừng băn khoăn gì về mẹ, con hãy làm những gì theo kế hoạch mà con dự định, và vì sự trưởng thành của con là trên hết. Mẹ sẽ hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc dù mẹ con mình xa nhau đến mấy”. Nhưng rồi Hoa nhất định về, nên tôi không cản nữa. Cháu làm tại một công ty nước ngoài phù hợp với khả năng chuyên môn và Anh ngữ. Công ty không khai man lương của nhân viên, mà đóng bảo hiểm, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, nên mẹ con tôi không quá áy náy về việc con ra trường mà không phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng như thời của tôi. Tuy nhiên về sau, tôi vẫn động viên và Hoa làm thạc sĩ xong thì về cơ quan nhà nước làm. Đấy là những năm tháng tôi vui lắm, mà Hoa tuy hiểu, nhưng không thể nào hiểu đầy đủ được.


Đi xuyên Việt và chuyện buồn

                Mỗi lần có tổng điều tra, chúng tôi tập huấn để các trung tâm vùng nhập tin. Lần này, không chỉ ba trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh, Đà Nẵng, mà gần như các tỉnh đều tự nhập. Mùa hè 1995, Hòa, Xuân (một kĩ sư phần cứng) và tôi có chuyến công tác dài ngày bằng xe con từ Bắc vào Nam để nghiệm thu kết quả. Số liệu được lưu trên các bộ đĩa mềm và làm hai nhân bản. Ngày ấy chưa nối mạng toàn ngành, nên chúng tôi mang theo những thùng tôn to để xếp các hộp đĩa. Trời nóng nắng như đổ lửa. Tôi say xe, vẫn khủng khiếp thế thôi. Mặc dù mang theo hàng trăm viên thuốc chống say, cứ 4 giờ lại uống 2 viên, nhưng không mấy tác dụng. Mỗi lần dừng lại ăn uống dọc đường thì còn đỡ, vì xuống xe chân được tiếp đất, hít thở khí trời bớt nôn nao, nhưng tôi ăn được rất ít nên mệt lử. Chỉ đến địa phương, tôi mới tỉnh thực sự vì buộc phải vào việc. Chúng tôi cài chương trình vào máy, cho chạy để kiểm tra phát hiện lỗi, rồi chủ nhà dẫn đi ăn trưa hoặc ăn tối ở đâu đó. Ăn xong, chúng tôi lại về phòng máy làm tiếp, những biên bản báo lỗi được rà soát, cần thì lục tìm tài liệu gốc xác minh, yêu cầu địa phương sửa lại, cho đến khi đưa ra những bản copy số liệu trên đĩa mềm, và kí biên bản nghiệm thu. Chúng tôi làm suốt ngày đêm, có thể nói như vậy. Nếu công việc kết thúc chừng 2, 3 giờ sáng thì 5 giờ sáng chúng tôi đã lên đường. Nếu công việc kết thúc lúc 7, 8 giờ tối thì chúng tôi sang tỉnh khác luôn. Hầu như không có giờ để du ngoạn, để biết danh lam thắng cảnh của địa phương. Nơi nào có nhà khách tại cơ quan, chúng tôi có thể nghỉ đó tí chút, còn không thì chúng tôi ra khách sạn và tự trả tiền, không làm phiền cơ sở.
              Một ngày, giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi tới Nha Trang, vào một cửa hàng ăn. Mỗi lần xuống đâu đó, chúng tôi phải hì hục khênh mấy cái thùng đĩa để vào chỗ mát, chứ không để trong xe. Vừa khênh xong, nóng điên lên, ngồi vào bàn, chưa kịp gọi gì cả, mấy cô nhân viên đã đến rồi, niềm nở: “Các anh chị ơi mình dùng món gì zậy?” Xuân vươn vai ngả về phía sau “khổ quá, đang nóng điên người đây…” Tôi thì mới say xe, mặt còn tái dại, Hòa thì vốn tính lành hiền, chưa định thần. Cậu lái xe vừa chạy đi đâu chắc ra toilet. Mấy em nhanh nhẹn mang ra, nào rau sống, chén mắm các loại, và nghi ngút một tô canh thật lớn, canh khổ qua nhồi thịt. Cả ba tên ngơ ngác ơ ai gọi món này đâu, và hỏi nhau có ăn được không. Tôi thì chịu rồi vì đã có lần nếm thử, đắng, không quen, chỉ MQ nhà tôi ngày trước là thích món này lắm. Xuân không, Hòa cũng lắc đầu nốt. Xuân vẫy một cô bé lại hỏi, cô ta chỉ Xuân, chính anh mà, em hỏi các anh chị dùng gì, anh bảo “khổ qua”…Thôi đúng rồi anh Xuân ơi anh chẳng bảo “khổ quá, đang nóng điên người đây là gì”. Tôi bỗng hết hẳn say, trêu nhại lại cậu Xuân một trận. Đấy “ngôn ngữ bất đồng” là thế. Nhưng không sao, tôi khuyên mọi người gắng mà ăn, món này ngon lắm đó, chỉ có tôi kém cỏi chẳng cố được, mặc dầu tôi là con dâu Nha Trang có tới 25 năm rồi.
            Tôi đến Nha Trang chớp nhoáng rồi đi ngay, không có thời gian thăm họ hàng gì cả. Chỉ một buổi tối ở lại nhưng làm việc liên tục tới đêm và sớm sau lại đi tiếp. Tự nhiên tôi lại nhớ MQ. Mang bài thơ “Đánh cờ” của Tuấn ra đọc, tôi thấy ngậm ngùi quá, và tự nhiên lẩm nhẩm hát được mấy câu trong khi nước mắt rơi hoài:

Hành trang của mẹ là bài thơ của con
Trên những chặng đường trở về quê nội
Trong đêm vắng trong nỗi buồn mênh mông
Mẹ vẫn nghe lời con nhắn gọi
Ôi giá như giá như bố con quay trở lại
Chơi với con dù chỉ một ván cờ thôi
Hay giá như giá như mẹ trở về thời con gái
Để đón tình yêu của bố giữa sao trời
Trong ngàn giọt nước mắt mẹ gắng có hàng trăm nụ cười
Mẹ gửi yêu thương vào trong quá khứ
Con trai của mẹ dẫu đã lớn khôn hay con còn bé
Con có hiểu được không tình mẹ yêu yêu bố mãi suốt đời
Con trai của mẹ dẫu đã lớn khôn hay con còn bé
Con có hiểu được không tình mẹ yêu yêu bố mãi suốt đời... 

             Chúng tôi đi tiếp, miền Trung Nam bộ, tranh thủ ghé qua Phan Rang Tháp Chàm cổ, ngắm nhìn say sưa vườn nho xanh hoặc tím ngắt bên đường, ngẩn ngơ với trang trại Thanh Long bông trắng vàng diêm dúa, rồi đến Thành phố Hồ chí Minh nhưng không kịp ngắm đêm về đèn rực sáng lung linh sắc màu đô hội, qua miền Tây, miền Đông Nam bộ, được nhâm nhi những bắp ngô Cần Thơ thơm dẻo ngọt không thể nào quên, được đập đôm đốp những chú muỗi to nơi miền Minh Hải, được dạo đêm trên đường phố Bạc Liêu hình dung chàng Hắc công tử nào đang đốt tiền để tìm đồng bạc bạn đánh rơi, đang đốt tiền để đun sôi nồi đậu xanh thách đố, chứ ngày ấy chưa được bỏ tiền để ngủ một đêm tại khách sạn Công tử Bạc Liêu như bây giờ.
                  Chuyến đi kéo dài 33 ngày đêm với 16 tỉnh thành phố, nghĩa là cả đi đường thì bình quân hai ngày đêm một tỉnh. Vì đi vội về vội, nên chúng tôi chưa kịp nhận ra sự khác biệt của mỗi vùng mình đặt chân đến. Và lọ thuốc mấy trăm viên của tôi chống  chọi với chứng say xe cũng vơi dần. Đang trong hành trình căng thẳng như vậy, tôi nhận được một tin sét đánh, chị tôi, chị Thùy Trinh bị tai nạn giao thông đã phải cưa một chân từ trên đầu gối trở xuống. Thật khủng khiếp. Nhưng công việc đang dở dang, tôi ra ngay cũng không giải quyết được gì, chị tôi đã phẫu thuật xong, nên tôi đành hoàn thành nốt phần việc trong kế hoạch, và gắng kiềm chế tâm trạng rối bời. Lần trở ra đi nhanh hơn, vì không phải rẽ vào đâu nữa. Nhanh nhất là từ Đà Nẵng ra Hà Nội 700 km mà chỉ đi trong một ngày, từ sáng sớm và 11 giờ đêm về đến Hà Nội. Đấy là còn rẽ qua Huế thăm Đại Nội, và nghỉ ngơi ăn uống ở Thanh Hóa rất lâu.
              Về Hà Nội, tôi ghé thăm chị tôi ngay. Chị đang nằm nghỉ ở một gian phòng nhỏ trong Chùa Quán Sứ (mọi khi chị làm công việc tiếp lễ cho nhà chùa). Hàng ngày, có cô bé người yêu của con trai, tức là con dâu tương lai đấy, chăm sóc. Ngoài ra thì anh chị em, bạn bè lui qua lui lại. Sức khỏe chị đã ổn, vết cắt thì chờ bình phục dần. Tôi ở với chị tới gần trưa thì ra về, chưa kịp lấy xe máy, đang đi trên vỉa hè thì xa xẩm mặt mày, chóng mặt quay tít, chẳng làm gì được lăn ra đấy, người đi đường thấy vậy, chở đi cấp cứu vào trạm xá gần nhất trên đường Lý Thường Kiệt. Tôi vẫn tỉnh, chứ không ngất lịm. Người ta đo huyết áp, nghe tim rồi cho uống thuốc, tiêm thuốc gì tôi không nhớ, và yêu cầu chở đi bệnh viện. Họ hỏi cơ quan, điện thoại rồi báo cho anh Tự Giám đốc. Chỉ một lát sau, anh Tự và mấy đồng nghiệp tới, đưa tôi đến bệnh viện Hữu Nghị. Huyết áp tôi cao, nhưng không cao lắm, chiếu chụp xét nghiệm tổng thể thì thoái hóa ba đốt sống cổ, hai đốt sống lưng, các chỉ số sinh hóa khác bình thường. Nhưng vì bị chóng mặt nên vẫn phải điều trị ở bệnh viện, tất cả mất hai tuần. Tôi nghe nhiều người nói, bệnh viện này ít bác sĩ giỏi, chỉ lắm thiết bị, ai nằm kiểu an dưỡng thì tốt, còn chữa bệnh thật thì khoan đã. Tôi lúc này bệnh chẳng nặng, mỗi tội khó đi lại, cứ nằm thôi vì choáng, nên chẳng tìm hiểu kĩ làm gì, chỉ biết là thấy cũng thoải mái và hài lòng với sự điều trị chăm lo của các bác sĩ, y tá. Duy chỉ có một lần…Hôm ấy tôi phải ra phòng tiêm để tiêm ven. Một cô y tá trẻ, trông hiền lành dễ thương, tiêm cho tôi, nhưng không lấy ven được. Tôi gắng chịu đựng, không khó chịu, không bực tức, không gắt gỏng sợ cô ta cuống, nhưng chịu đựng tới sáu lần lấy ven ở những chỗ khác nhau mà không thành công thì tôi buộc phải có ý kiến, mà rất nhẹ nhàng thôi: “Này em, tôi kiên nhẫn lắm để em tiêm cho, nhưng bây giờ thì đừng bắt tôi chịu đựng nữa nhé, em gọi người khác đến tiêm dùm đi!”. Cô gái mời tổ trưởng đến, và người mới này nhanh thoăn thoắt, đâm mũi tiêm vào là trúng ven ngay. Tôi thở phào, từ nãy tới giờ thấy cô gái trẻ lúng túng mãi, không thấy cô dò tìm ven theo đúng cách ngày xưa tôi được huấn luyện trong khóa “Cứu thương” khi mới vào trường, nhưng tôi không dám góp ý vì sợ cô gái tự ái, và nhất là cô ta sẽ cuống vì nhận ra sự sốt ruột của bệnh nhân, nhưng cuối cùng vẫn không ổn, nên tôi mới thấy mình giữ ý là không phải lối. Về sau, có dịp nào bác sĩ tiêm cho tôi, thì tôi cũng “tương” luôn ông ơi nhớ “hai nhanh một chậm” đi chứ, sao ông bơm thuốc vù vù thế, tôi bị xốc thuốc thì làm thế nào??? Bác sĩ nhìn tôi tròn mắt, không biết bà này bị làm sao….
               Ngay từ khi mới vào bệnh viện, anh Tự đã trao đổi với các bác sĩ và điều dưỡng rồi, rằng đề nghị họ cố gắng điều trị tích cực cho tôi, tôi mới đi một đợt công tác dài mệt mỏi nhiều, hoàn cảnh của tôi cũng hơi đặc biệt nữa, chồng tôi mất, tôi hay suy nghĩ và đau đầu chóng mặt. Lúc đầu tôi không biết, sau nghe mấy người kể lại, mới thấy cảm động và biết ơn Sếp quá. Biết ơn vậy thôi chứ ngày ấy tôi chả có câu nào cảm ơn, chỉ bây giờ viết sách này mới bày tỏ được, một sự biết ơn vô hình.
                Ra viện, bình phục rồi, tôi chủ động bàn, đón chị gái về nhà tôi để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Hàng ngày, chị nhờ một bác sĩ đến thay băng, vệ sinh vết thương. Tôi giúp chị những việc vặt trong sinh hoạt, và nấu nướng theo yêu cầu của chị, ngày nào cũng bồi dưỡng một quả tim lợn đem xào hoặc nấu cháo. Nhà tôi hơi chật, nhưng sạch sẽ. Chị ở đó ba tháng, vừa chữa lành chỗ đau, vừa đặt chân giả rồi tôi giúp chị tập luyện để đi lại được. Chị rất vui vẻ, lạc quan không bao giờ buồn nản, vì chị theo đạo Phật. Chị bảo đó là nghiệp chướng, phải trả nợ từ kiếp trước. Cậu con trai duy nhất của chị đang chuẩn bị lấy vợ, lấy cô gái đã chăm sóc chị từ khi chị bị tai nạn đó.
 
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét