Chị ra đi sớm quá chị ơi!
Gia đình nhỏ của tôi đang ổn thì gia đình lớn có chuyện buồn. Chị Hiền Thục, chị thứ hai trong nhà, đang dạy học và nuôi hai con lớn hơn con nhà tôi một ít, thì bị ốm nặng. Một lần, chị đang lội mảnh ruộng nhỏ tự cấy ít rau muống bên trường Đại học Nông nghiệp I, có người đi ngang qua kêu ầm lên, chân chị sao bị nhiều muỗi cắn thế. Chị nhìn xuống thấy đầy hai bắp chân, những nốt xuất huyết dưới da, chứ không phải muỗi đốt. Chị đi khám bệnh, người ta chuyển về Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Hà Nội. Bệnh của chị tôi được các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng, là ung thư máu dạng cấp. Trong lúc chị chữa bệnh, chồng chị-anh Nghiệp-cũng ở tạm nhà tôi. Giữa đêm, anh thức dạy ra sân tập thể dục. Tôi ít ngủ nên biết ngay và trở dạy hỏi sao anh không ngủ được Anh kể chuyện bác sĩ gọi anh hôm qua thông báo tình hình nguy cấp của chị tôi, vì anh là chủ gia đình nên cần biết để chuẩn bị tinh thần.
Tôi chợt nhớ, 16 năm về trước, tôi tình cờ đọc một bài báo. Người ta khuyên ai có nốt ruồi không nên tự đánh đi, nếu dùng thuốc hoặc hóa chất gì đó không cẩn thận sẽ bị ung thư sau 16 năm. Ngày ấy, tôi rất hoảng sợ khi biết chị mình mới tự đánh một nốt ruồi to trên má. Tôi không dám nói gì, chỉ bấm đốt ngón tay hình dung 16 năm sau, chính là cái năm này đây, chị tôi sẽ mắc bệnh. Không thể tưởng tượng được sự thể diễn ra đúng như vậy. Tôi thương chị, anh Nghiệp và các cháu. Tôi đã gắng thường xuyên qua bệnh viện thăm và động viên chị, nhất là buổi tối. Cả gia đình và bệnh viện vẫn dấu chị. Chị chưa biết rõ bệnh mà chỉ có cảm giác là bệnh nặng thôi. Hàng ngày chị đọc đủ loại sách, và vui vẻ như không. Các em sinh viên thực tập cứ thì thào mách nhau đến “xem” bệnh nhân bị máu trắng mà vẫn nghị lực và yêu đời thế này, làm chị ngạc nhiên, nhưng rồi cứ kệ. Chị chính là người chị duy nhất trong nhà ủng hộ mối tình của chúng tôi từ khi chúng tôi còn đang học với nhau, vì chị quí học sinh miền Nam lắm.
Sau đấy ít lâu, không thể dấu chị mãi được. Các bác sĩ hội chẩn cả với bác sĩ giỏi của khoa huyết học bệnh viện Bạch Mai, dự đoán chị chỉ có thể sống thêm chừng ba tháng. Trong thực tế thì anh Nghiệp rất chịu khó, tìm đủ thứ thuốc, chăm lo cầm cự tới ngày chị tôi ra đi tất cả là tám tháng. Trong suốt thời gian ốm bệnh ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba, chuyển về bệnh viện Bạch Mai, và cuối cùng ở tại nhà tôi (tức là nhà bố mẹ), ngoài anh Nghiệp và các cháu, tôi là người gần gũi nhất với chị tôi. Gần gũi không chỉ vì chăm sóc chị, mà vì chị tin tưởng nhờ, tôi là cầu nối thông tin giữa chị và bạn Phước, một học sinh miền Nam mà chị thương quí nhất. Tôi đã chứng kiến những ánh mắt nhìn nhau của chị và Phước, suốt đời tôi không quên được, mà mãi sau này tôi mới hiểu, đó là tình người thật thiêng liêng. Tôi gọi Phước là bạn, vì cùng lứa. Bạn ít hơn chị tôi cỡ 7, 8 tuổi. Thật là buồn, khi chị tôi sắp mất thì Phước đã vào Nam, theo một đoàn cán bộ xung phong tình nguyện đi B, xuyên qua đường Trường Sơn đầy nguy hiểm, và sau đó chắc Phước hi sinh, không còn liên lạc và có tin tức gì của bạn nữa. Chị tôi đã run rẩy thêu một chiếc khăn tay cho Phước mang đi đường giữ làm kỉ niệm, viết nguệch ngoạc ít dòng trên một tờ pơ luya mỏng xam xám trong những ngày cuối cùng trước lúc đi xa để tôi chuyển cho Phước. Và cái Tết cuối cùng, chị đã tự tay quấn nem cho cả nhà ăn chiều 30, cũng là lần đầu tiên, không biết tôi có nhầm lẫn không, chị rơi những dòng nước mắt trong im lặng, với tôi và chỉ với tôi thôi. Rồi sau đó chị bảo, trong những ngày lâm bệnh này, chị mới hiểu chồng chị đã tận tụy đến thế nào. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ ngày tôi chưa có việc làm, lên tạm chỗ anh Nghiệp. Có lần tôi hỏi anh chị có hay viết thư cho nhau không.Anh bảo, lâu lâu mới viết, có gì đặc biệt thì mới viết chứ tự nhiên thì có gì mà viết. Tôi rất ngạc nhiên, tôi nghĩ yêu nhau, vợ chồng càng như thế, khi sống xa nhau phải luôn nhớ, luôn viết thư cho nhau chứ nhỉ, sao lại đợi có việc cần mới viết? Hay là tôi chưa sống đời vợ chồng nên chưa hiểu?
Bây giờ thì chị tôi không còn nữa rồi. Tôi nghĩ về mình, tuần nào MQ cũng về nên tôi không viết thư chứ nếu chúng tôi ở xa nhau hơn tôi không thể im lìm được, tôi không thể đợi đến khi tôi sắp chết (tôi vẫn luôn nghĩ tôi mất trước chồng tôi vì đường sống bàn tay tôi quá ngắn) tôi mới biết rằng chồng tôi tận tụy như thế nào. Tôi sẽ không để yên khi MQ sống xa tôi mà không chịu viết thư cho tôi. Đấy tôi cứ nghĩ suy lủng củng phức tạp thế hèn chi chẳng đau đầu và đau đầu dữ dội?
Sớm 2 tết, chúng tôi đưa đi cấp cứu nhưng chị không qua khỏi. Chị mất khi còn quá trẻ đúng 36 tuổi, chỉ hơn mẹ tôi ngày xưa mấy tuổi thôi.Chồng con chị thì khỏi phải nói rồi, mất mát là quá lớn, còn với tôi, tôi thấy hụt hẫng quá. Tôi không còn được cùng với MQ sang thăm mấy mẹ con chị ở khu tập thể trường Nông nghiệp nữa, không được xem một cách thán phục chị, ngày xưa là nữ sinh trường Trưng Vương yểu điệu, mà nay tự tay đóng chuồng gà, tự tay đóng chạn bát, tự sửa xe đạp, tự đủ thứ việc lẽ ra đàn ông đảm nhận; không còn nghe chị nói, đọc tiếng Anh thật hay; không được nghe chị và chị Tân bạn thân của chị, hai chị nói chuyện với nhau cực nhanh, và bằng những từ ngắn gọn, rất buồn cười. Tôi không còn được nghe chị động viên vượt qua trở ngại để giữ gìn hạnh phúc với người mình yêu. Tôi không còn được rưng rưng cảm động vì ngày cưới chị chỉ có mảnh lụa trắng sọc xanh nhỏ ai tặng ấy mà chị nhường cho tôi may để “diện” với bạn bè. Chị lo tôi xấu trong con mắt người yêu là MQ, một học sinh miền Nam dễ thương hiền lành như Phước, như bao nhiêu học sinh của chị, mà chị đặc biệt quí người miền trong. Chị bảo, họ thật lắm, tình cảm lắm.Tôi không còn được thấy chị mặc những quần lụa đen bạc phếch lên giảng đường đại học mà không ngại ngần, bởi chị chỉ cần sạch thôi, chị không quan tâm đến hình thức. Chị giặt quần đen bằng xà phòng, chị không chịu giặt nước lã như tôi và đại bộ phận chị em khác. Và đặc biệt nữa là tôi không được chăm chú nhìn chị với gương mặt giống mẹ tôi nhất nhà,là tôi cứ so với di ảnh của mẹ, để cố tìm ra hình bóng của mẹ.
Khi chị mất, cháu trai mới 10 tuổi, cháu gái 5 tuổi. Cháu trai thì nhớ mẹ nhưng là con trai nên đỡ hay sao ấy, chứ cháu gái đi mẫu giáo, muốn tè mà cứ giụi mông vào tường để nhịn, dứt khoát không nghe lời cô giáo bảo ra ngồi bô khiến cô giáo rất ngạc nhiên vì sự lầm lì của cháu. Nghe cô phản ảnh, về nhà bố Nghiệp hỏi ra mới biết, cháu giải thích là “con không nghe lời cô giáo đi tè, vì con không thích cô, con ghét cô, cô đã biết mẹ con chết rồi mà cứ hỏi mãi mẹ đâu, mẹ đâu, hỏi lắm thứ về mẹ. Con nhớ mẹ bố ơi”.
Thế rồi, các cháu lớn dần trong sự yêu thương chăm sóc của bố Nghiệp, và về sau của mẹ kế (chị Tư nhỏ hơn chị tôi bảy tuổi, thật tốt, thật giàu tình thương), các cháu đã trưởng thành giỏi giang nay đều lập nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh. Và trong cả quá trình lớn lên ấy, tôi nói riêng và chị em tôi nói chung, có mấy khi quan tâm chăm sóc được các cháu đâu. Chỉ có trong hoàn cảnh như vậy tôi mới hiểu rằng, thì ra ai cũng bận lo toan cuộc sống của gia đình mình, ngày xưa tôi cứ ngạc nhiên khi mẹ mất không thấy các dì các cậu đâu. Bây giờ chính mình là cậu là dì của các cháu đây, vậy ra chỉ có thể lí thuyết lí sự là dễ thôi, chứ hành động cụ thể thì từ từ đã, phải thế không nào, thật là đau xót.
Gia đình nhỏ của tôi đang ổn thì gia đình lớn có chuyện buồn. Chị Hiền Thục, chị thứ hai trong nhà, đang dạy học và nuôi hai con lớn hơn con nhà tôi một ít, thì bị ốm nặng. Một lần, chị đang lội mảnh ruộng nhỏ tự cấy ít rau muống bên trường Đại học Nông nghiệp I, có người đi ngang qua kêu ầm lên, chân chị sao bị nhiều muỗi cắn thế. Chị nhìn xuống thấy đầy hai bắp chân, những nốt xuất huyết dưới da, chứ không phải muỗi đốt. Chị đi khám bệnh, người ta chuyển về Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Hà Nội. Bệnh của chị tôi được các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng, là ung thư máu dạng cấp. Trong lúc chị chữa bệnh, chồng chị-anh Nghiệp-cũng ở tạm nhà tôi. Giữa đêm, anh thức dạy ra sân tập thể dục. Tôi ít ngủ nên biết ngay và trở dạy hỏi sao anh không ngủ được Anh kể chuyện bác sĩ gọi anh hôm qua thông báo tình hình nguy cấp của chị tôi, vì anh là chủ gia đình nên cần biết để chuẩn bị tinh thần.
Tôi chợt nhớ, 16 năm về trước, tôi tình cờ đọc một bài báo. Người ta khuyên ai có nốt ruồi không nên tự đánh đi, nếu dùng thuốc hoặc hóa chất gì đó không cẩn thận sẽ bị ung thư sau 16 năm. Ngày ấy, tôi rất hoảng sợ khi biết chị mình mới tự đánh một nốt ruồi to trên má. Tôi không dám nói gì, chỉ bấm đốt ngón tay hình dung 16 năm sau, chính là cái năm này đây, chị tôi sẽ mắc bệnh. Không thể tưởng tượng được sự thể diễn ra đúng như vậy. Tôi thương chị, anh Nghiệp và các cháu. Tôi đã gắng thường xuyên qua bệnh viện thăm và động viên chị, nhất là buổi tối. Cả gia đình và bệnh viện vẫn dấu chị. Chị chưa biết rõ bệnh mà chỉ có cảm giác là bệnh nặng thôi. Hàng ngày chị đọc đủ loại sách, và vui vẻ như không. Các em sinh viên thực tập cứ thì thào mách nhau đến “xem” bệnh nhân bị máu trắng mà vẫn nghị lực và yêu đời thế này, làm chị ngạc nhiên, nhưng rồi cứ kệ. Chị chính là người chị duy nhất trong nhà ủng hộ mối tình của chúng tôi từ khi chúng tôi còn đang học với nhau, vì chị quí học sinh miền Nam lắm.
Sau đấy ít lâu, không thể dấu chị mãi được. Các bác sĩ hội chẩn cả với bác sĩ giỏi của khoa huyết học bệnh viện Bạch Mai, dự đoán chị chỉ có thể sống thêm chừng ba tháng. Trong thực tế thì anh Nghiệp rất chịu khó, tìm đủ thứ thuốc, chăm lo cầm cự tới ngày chị tôi ra đi tất cả là tám tháng. Trong suốt thời gian ốm bệnh ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba, chuyển về bệnh viện Bạch Mai, và cuối cùng ở tại nhà tôi (tức là nhà bố mẹ), ngoài anh Nghiệp và các cháu, tôi là người gần gũi nhất với chị tôi. Gần gũi không chỉ vì chăm sóc chị, mà vì chị tin tưởng nhờ, tôi là cầu nối thông tin giữa chị và bạn Phước, một học sinh miền Nam mà chị thương quí nhất. Tôi đã chứng kiến những ánh mắt nhìn nhau của chị và Phước, suốt đời tôi không quên được, mà mãi sau này tôi mới hiểu, đó là tình người thật thiêng liêng. Tôi gọi Phước là bạn, vì cùng lứa. Bạn ít hơn chị tôi cỡ 7, 8 tuổi. Thật là buồn, khi chị tôi sắp mất thì Phước đã vào Nam, theo một đoàn cán bộ xung phong tình nguyện đi B, xuyên qua đường Trường Sơn đầy nguy hiểm, và sau đó chắc Phước hi sinh, không còn liên lạc và có tin tức gì của bạn nữa. Chị tôi đã run rẩy thêu một chiếc khăn tay cho Phước mang đi đường giữ làm kỉ niệm, viết nguệch ngoạc ít dòng trên một tờ pơ luya mỏng xam xám trong những ngày cuối cùng trước lúc đi xa để tôi chuyển cho Phước. Và cái Tết cuối cùng, chị đã tự tay quấn nem cho cả nhà ăn chiều 30, cũng là lần đầu tiên, không biết tôi có nhầm lẫn không, chị rơi những dòng nước mắt trong im lặng, với tôi và chỉ với tôi thôi. Rồi sau đó chị bảo, trong những ngày lâm bệnh này, chị mới hiểu chồng chị đã tận tụy đến thế nào. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ ngày tôi chưa có việc làm, lên tạm chỗ anh Nghiệp. Có lần tôi hỏi anh chị có hay viết thư cho nhau không.Anh bảo, lâu lâu mới viết, có gì đặc biệt thì mới viết chứ tự nhiên thì có gì mà viết. Tôi rất ngạc nhiên, tôi nghĩ yêu nhau, vợ chồng càng như thế, khi sống xa nhau phải luôn nhớ, luôn viết thư cho nhau chứ nhỉ, sao lại đợi có việc cần mới viết? Hay là tôi chưa sống đời vợ chồng nên chưa hiểu?
Bây giờ thì chị tôi không còn nữa rồi. Tôi nghĩ về mình, tuần nào MQ cũng về nên tôi không viết thư chứ nếu chúng tôi ở xa nhau hơn tôi không thể im lìm được, tôi không thể đợi đến khi tôi sắp chết (tôi vẫn luôn nghĩ tôi mất trước chồng tôi vì đường sống bàn tay tôi quá ngắn) tôi mới biết rằng chồng tôi tận tụy như thế nào. Tôi sẽ không để yên khi MQ sống xa tôi mà không chịu viết thư cho tôi. Đấy tôi cứ nghĩ suy lủng củng phức tạp thế hèn chi chẳng đau đầu và đau đầu dữ dội?
Sớm 2 tết, chúng tôi đưa đi cấp cứu nhưng chị không qua khỏi. Chị mất khi còn quá trẻ đúng 36 tuổi, chỉ hơn mẹ tôi ngày xưa mấy tuổi thôi.Chồng con chị thì khỏi phải nói rồi, mất mát là quá lớn, còn với tôi, tôi thấy hụt hẫng quá. Tôi không còn được cùng với MQ sang thăm mấy mẹ con chị ở khu tập thể trường Nông nghiệp nữa, không được xem một cách thán phục chị, ngày xưa là nữ sinh trường Trưng Vương yểu điệu, mà nay tự tay đóng chuồng gà, tự tay đóng chạn bát, tự sửa xe đạp, tự đủ thứ việc lẽ ra đàn ông đảm nhận; không còn nghe chị nói, đọc tiếng Anh thật hay; không được nghe chị và chị Tân bạn thân của chị, hai chị nói chuyện với nhau cực nhanh, và bằng những từ ngắn gọn, rất buồn cười. Tôi không còn được nghe chị động viên vượt qua trở ngại để giữ gìn hạnh phúc với người mình yêu. Tôi không còn được rưng rưng cảm động vì ngày cưới chị chỉ có mảnh lụa trắng sọc xanh nhỏ ai tặng ấy mà chị nhường cho tôi may để “diện” với bạn bè. Chị lo tôi xấu trong con mắt người yêu là MQ, một học sinh miền Nam dễ thương hiền lành như Phước, như bao nhiêu học sinh của chị, mà chị đặc biệt quí người miền trong. Chị bảo, họ thật lắm, tình cảm lắm.Tôi không còn được thấy chị mặc những quần lụa đen bạc phếch lên giảng đường đại học mà không ngại ngần, bởi chị chỉ cần sạch thôi, chị không quan tâm đến hình thức. Chị giặt quần đen bằng xà phòng, chị không chịu giặt nước lã như tôi và đại bộ phận chị em khác. Và đặc biệt nữa là tôi không được chăm chú nhìn chị với gương mặt giống mẹ tôi nhất nhà,là tôi cứ so với di ảnh của mẹ, để cố tìm ra hình bóng của mẹ.
Khi chị mất, cháu trai mới 10 tuổi, cháu gái 5 tuổi. Cháu trai thì nhớ mẹ nhưng là con trai nên đỡ hay sao ấy, chứ cháu gái đi mẫu giáo, muốn tè mà cứ giụi mông vào tường để nhịn, dứt khoát không nghe lời cô giáo bảo ra ngồi bô khiến cô giáo rất ngạc nhiên vì sự lầm lì của cháu. Nghe cô phản ảnh, về nhà bố Nghiệp hỏi ra mới biết, cháu giải thích là “con không nghe lời cô giáo đi tè, vì con không thích cô, con ghét cô, cô đã biết mẹ con chết rồi mà cứ hỏi mãi mẹ đâu, mẹ đâu, hỏi lắm thứ về mẹ. Con nhớ mẹ bố ơi”.
Thế rồi, các cháu lớn dần trong sự yêu thương chăm sóc của bố Nghiệp, và về sau của mẹ kế (chị Tư nhỏ hơn chị tôi bảy tuổi, thật tốt, thật giàu tình thương), các cháu đã trưởng thành giỏi giang nay đều lập nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh. Và trong cả quá trình lớn lên ấy, tôi nói riêng và chị em tôi nói chung, có mấy khi quan tâm chăm sóc được các cháu đâu. Chỉ có trong hoàn cảnh như vậy tôi mới hiểu rằng, thì ra ai cũng bận lo toan cuộc sống của gia đình mình, ngày xưa tôi cứ ngạc nhiên khi mẹ mất không thấy các dì các cậu đâu. Bây giờ chính mình là cậu là dì của các cháu đây, vậy ra chỉ có thể lí thuyết lí sự là dễ thôi, chứ hành động cụ thể thì từ từ đã, phải thế không nào, thật là đau xót.
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi thị Kim Thư
(còn nữa)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét