CHƯƠNG 3: VÀO ĐỜI ( Tiếp theo )

Tình người            
           
Bây giờ tạm gác chuyện MQ và gia đình tôi để nhớ về bạn bè và công việc ở cơ quan đã. Vào thời gian này, cơ quan tôi nhận nhiều người ở khoa Toán trường tôi lắm, họ về trước tôi hai, ba năm, sau mới có thêm hai bạn ở khóa sau tôi. Trong số đó, chỉ mình tôi là nữ, và anh Hoàng Thư là người đặc biệt hơn cả. Tôi biết nhưng chưa quen anh từ khi còn học năm thứ nhất ở trường đại học. Anh học trước tôi hai năm. Anh bị tật từ nhỏ, gù cả lưng và cả ngực, người thấp bé và khi nói thường phải thở dường như mệt lắm. Anh ở Hà Nội lâu rồi, nhưng quê gốc ở tỉnh khác. Suốt từ nhỏ, anh toàn tự học. Vào Đại học Tổng hợp là lần đầu tiên anh đến trường, anh thi kiểu thí sinh tự do mà. Anh học giỏi lắm, đặc biệt các môn Toán trừu tượng. Anh giỏi tới năm ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung và Tây ban nha, và thường chuẩn bị bài giảng cho thủ trưởng trình bày ở các cơ quan. Anh làm quen với tôi mỗi khi vào thư viện cơ quan đọc hoặc mượn sách. Nhưng làm quen không phải để nói những lời tử tế mà là để công kích tôi, rằng tôi học Toán Phương pháp tính mà làm gì, đó không phải là Toán; rằng tôi học và dạy kỹ thuật tính toán, dạy dùng bàn tính gẩy thủ công, máy tính quay tay, máy cơ điện chạy xoành xoạch, rồi sau này đến cả lập chương trình chạy máy tính điện tử đèn nhấp nha nhấp nháy cũng chẳng để làm gì, đó là những thứ phù phiếm vớ vẩn.Tôi chẳng hiểu sao anh như vậy, nhưng tôi không bao giờ bực mình tức giận anh cả. Tôi chỉ thấy thương anh lắm vì anh giỏi mà bị tật nguyền quá nặng. Rồi một vài người khác kể với tôi rằng, anh cũng trêu chọc người ta kiểu như thế, khiến người ta ghét quá, nhiều khi chỉ muốn túm ngực hay lưng anh kéo lên cho hả giận. Ôi nghe mà kinh cả người. Về sau, khi tôi và anh thân nhau hơn, anh mới giải thích cho tôi nghe rằng anh bị mặc cảm. Anh luôn cảm thấy mọi người sẽ nhìn anh bằng con mắt coi thường, chế nhạo, hoặc có khá hơn thì chỉ thương hại thôi, nên anh phải chủ động trêu tức mọi người để khi tức điên lên có khinh ghét anh thì họ vẫn là kẻ bị động!       
            Anh kể tôi nghe một chuyện buồn. Có một lần tết đến, sắp tới đêm giao thừa, anh ra hồ Hoàn Kiếm một mình. Đang đi trong dòng người náo nhiệt, bỗng anh trông thấy đi ngược về phía mình là hai vợ chồng người anh trai cùng một số bạn bè cùng đi đón giao thừa. Khi sát lại gần nhau, vợ chồng người anh vẫn chuyện trò vui vẻ bình thường với bạn và coi như không nhìn thấy anh, không biết anh là ai cả. Anh tủi thân quá. Anh nghĩ rằng anh chị đã không dám hỏi mình một lời vì ngượng với bạn bè có người em tật nguyền xấu xí như anh. Thế là từ sau cái tết ấy, anh không bao giờ đón giao thừa ở hồ Gươm nữa, chỉ lững thững đi bộ một mình qua những phố nhỏ và vắng vẻ của Hà Nội, đi mà chả biết đi đâu và đi làm gì. Anh đi chậm rãi nhưng nhìn thẳng, không bao giờ dám ngó vào trong nhà người ta, sợ bắt gặp đôi vợ chồng hay cặp tình nhân nào vui vẻ âu yếm nhau, hay những đứa trẻ bụ bẫm đáng yêu đang quây quần bên bố mẹ chúng. Tôi nghe mà nước mắt chảy ròng, nhưng phải cố nén và che dấu đi, và ngay lúc này tôi vẫn không chịu nổi vì thương anh Thư quá chừng.
            Anh sống với bố mẹ anh ở ngôi nhà thuộc một trong những phố sầm uất nhất của Hà Nội. Nhưng gia đình anh ở phía bên trong, còn bên ngoài là cửa hàng của người khác. Anh mời đến chơi, tôi tới và bố mẹ anh mừng lắm. Ông bà rất buồn và thương con. Ông bà dặn tôi chịu khó đến chơi với anh, ở nhà anh không bao giờ nói chuyện với ai cả, cứ lầm lũi đi về một mình thôi. Anh là con út, các anh chị khác cao lớn, rất đẹp và đều có tài. Tôi thực lòng muốn đến thăm anh nhiều, nhưng ngại người yêu không bằng lòng, nên mỗi lần đến cứ như đi trốn mặc dù MQ có biết đâu. Mỗi lần đến, tôi đạp xe đạp vội vàng suốt quãng đường gần bốn km từ nhà tôi đến nhà anh. Tôi dấu cả me tôi nữa. Có một lần, tôi còn mua vé xem phim mời anh đi xem tại rạp chiếu phim đẹp nhất của Hà Nội. Tôi hẹn anh chờ tôi ở vườn hoa Mê Linh đối diện hồ Hoàn Kiếm. Tôi muốn anh bớt đi một phần mặc cảm, tôi muốn trước mắt mọi người, anh vẫn có bạn gái đi chơi rồi đi xem phim hẳn hoi. Nhưng thật khổ cho tôi và cho anh, hôm đó người ta chiếu một bộ phim hài của nước ngoài có cảnh bữa tiệc xuất hiện một anh hề giống hệt diện mạo của anh. Tôi mua vé là tình cờ đâu có biết chiếu phim gì. Tôi chỉ muốn anh vui thôi mà. Tôi nhắm mắt lại, tôi xấu hổ và thấy mình thật có lỗi với anh. Tôi bảo anh đi về sớm, chúng tôi ra khỏi rạp ngay sau đó. Mặc cho anh nghĩ sao, tôi chỉ im lặng trong một nỗi buồn khủng khiếp. Anh cũng im lặng. Và thế là từ sau đó, không bao giờ tôi dám đưa anh đi đâu để xem gì nữa. Tôi sợ vô tình làm tổn thương anh thêm.
                Những lần ít ỏi gặp tôi, anh vẫn thế, vẫn một giọng bông đùa diễu cợt trêu tôi, nhưng tâm tư thầm kín của anh thì trải dài theo những lá thư dày đặc chữ nhỏ li ti gửi tôi theo đường bưu điện hoặc đưa trực tiếp. Anh đã thầm gọi tôi: “Kim Thư ơi, anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương,…”, rồi anh viết hoài bằng một thứ ngôn ngữ tình cảm đặc biệt, đầy triết lý khó hiểu nhưng không kém phần lãng mạn. Anh đọc nhiều tiểu thuyết quá, anh biết lắm thứ mà tôi không biết. Tôi chỉ cảm nhận đuợc ở anh một tình thương yêu cháy bỏng cuồng nhiệt nhưng luôn luôn phải ghìm mình lại. Tôi càng thương anh nhưng sợ anh nữa, mặc dù chưa một lần nào anh dám cầm tay tôi. Tôi luôn kể cho anh nghe về MQ, rằng chúng tôi đang yêu nhau và sắp cưới mặc dù biết rằng như thế làm anh buồn hơn. Tôi không muốn dấu để anh hy vọng thêm tội nghiệp. Tôi nói chuyện với anh thì như vậy, trong khi đêm đến, tôi mơ thấy tôi sẽ lấy anh chứ không phải lấy bạn mình. Thật là kỳ lạ nhưng đấy là sự thật. Tất nhiên tôi chẳng bao giờ dám nói cho người  yêu nghe về những giấc mơ đó. Cho đến tận bây giờ đôi lúc tôi cứ tự hỏi mình, chẳng lẽ trong con người ta, có những phút tình thương người còn mãnh liệt hơn cả tình yêu sao???
               Trước mắt anh, tôi là người bạn gái nhỏ mà anh đem lòng quí mến  yêu thương, nhưng là một người cực kì khó hiểu. Anh luôn ngạc nhiên và tìm mọi cách để hiểu, vì sao tôi là một cô gái mới lớn lên, học hành tử tế, ra trường đi làm, có người yêu khá sớm, vậy mà tôi lúc nào cũng đăm chiêu, buồn bã. Tôi chỉ vui cười tí chút mỗi lần mang đến cho anh một quả mận thật to mà tôi đã lau bóng nó hàng giờ, hoặc dúi vào tay anh mấy cái kẹo cực kì ngon, cứ như là còn trẻ con lắm ấy. Bởi lẽ, những nỗi buồn của tôi, tôi có bao giờ kể cho anh nghe đâu. Tôi chỉ nghĩ là anh bất hạnh, bất hạnh lắm, nên tôi thương anh và là bạn của anh. Anh cần biết làm gì những nỗi buồn vớ vẩn của tôi? Tôi thân với anh, hi vọng rằng anh đỡ buồn và đỡ cô đơn. Tôi luôn khích lệ anh, nói với anh rằng mọi người đều tôn trọng anh, anh đừng xa lánh và hãy gắng hòa mình với họ, như thế anh sẽ cảm thấy đỡ khổ và cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Anh vẫn chơi với tôi, nhưng dường như lúc nào anh cũng hoảng sợ khi nghĩ đến cái ngày tôi đi lấy chồng, có lúc không kiềm chế được thậm chí anh còn thổ lộ “chả lẽ anh lại cầu mong cho em …bất hạnh (?), để anh có thể thương em nhiều hơn...”
             Và cứ thế cho tới ngày tôi và MQ cưới nhau thật. Tôi không dám nói trực tiếp với anh, tôi chỉ gửi thiếp cho anh rồi đi ngay. Sau đó, tôi nhận được thiếp gửi trả lại qua đường bưu điện, và tất nhiên anh Thư đã không có mặt trong đám cưới của tôi. Thế là từ đó, anh không gặp gỡ và chuyện trò gì với tôi nữa. Nếu có nhìn thấy nhau trong cơ quan, anh quay đi lảng tránh, anh coi như chưa quen tôi bao giờ. Và phải như thế sau 12 năm, anh mới gửi một lá thư xin lỗi tôi vì hành động “trẻ con” của mình, và đề nghị nối lại quan hệ bè bạn với tôi. Thực ra anh chẳng có lỗi, có lẽ trong chuyện này tôi có lỗi nhiều hơn, tại sao tôi không thể nói gì với anh mà gửi cái thiếp như thế trong khi tôi quá biết rằng anh không thể nào đến dự được? Nhưng thôi tôi không dám nhắc gì đến chuyện đã qua, tôi lại thăm anh hàng tuần, kể anh nghe các con tôi lớn bao nhiêu mỗi khi anh hỏi; nhưng hầu như tôi không đi một mình, mà cùng một bạn gái đến thăm anh. Anh đã chuyển sang cơ quan khác, tâm tính anh đã đổi thay nhiều, anh không còn trêu chọc mọi người nữa. Anh còn tự nguyện xin gia nhập và đã vào Đảng, rồi anh làm công tác quản lí chứ không đơn thuần nghiên cứu. Mỗi lần đến chơi, anh không muốn nghe tôi cáo từ ra về, chỉ cần hơi thấy tôi có biểu hiện sắp đứng lên là anh nói tiếp sang chuyện khác. Tôi hiểu và rất thương anh, nhưng vui vì anh cứng rắn hơn xưa. Về sau con tôi lớn, tôi dắt chúng đến thăm bác luôn. Chỉ mỗi tội không dám đưa chồng đến thôi. Nhưng tôi không dấu MQ, tôi thường kể mỗi khi tôi đến thăm anh Thư. Chỉ có những bức thư đốt dần theo thời gian là chồng tôi không biết.
              Anh đã mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.Thật ra anh ốm đã lâu nhưng dấu không cho tôi biết. Tôi thì bận ở cơ quan và bận cả việc nhà nữa, lâu chưa đến thăm, nên không biết anh  nằm bệnh viện. Tới khi nặng lắm rồi và hình như biết mình không qua khỏi anh mới nhờ bạn bè nhắn tìm tôi. Tôi đến thăm anh ngay khi nhận được tin, anh vẫn còn tỉnh táo và ngồi dậy được. Tôi làm một cốc cam vắt rồi xúc từng thìa một cho anh. Anh uống hết và tỏ ra rất vui, anh còn hỏi thăm tôi công việc ra sao nữa. Tôi ở đó đến 10 giờ đêm mới về, không ngờ đó là lần gặp cuối cùng khi anh còn tỉnh. Sáng sớm hôm sau trước khi đi làm tôi ghé qua bệnh viện thì bác sĩ bảo anh đã hôn mê sâu từ đêm chuyển sang phòng cấp cứu rồi. Từ đó ngày nào sau khi ở cơ quan về, tôi đều đến thăm và chăm sóc anh cùng với người thân trong gia đình anh. Tôi cũng nói để chồng tôi biết tình trạng của anh Thư và việc tôi qua thăm anh ấy luôn. MQ biết tôi quí anh Thư nên không tỏ ý phiền hà gì cả.
           Anh Thư đã hôn mê và lẫn lộn chả biết gì. Tuy nhiên khi tỉnh lại, anh có vẻ nhận ra tôi, nhưng không nói được chỉ gật gật đầu. Lúc anh mất, trong đám tang anh, hình như tôi là người khóc nhiều nhất. Cả cơ quan không thể hình dung được tôi và anh thân nhau từ bao giờ, và vì sao tôi xúc động đặc biệt đến thế. Rồi thời gian cứ trôi nhanh vùn vụt, bao nhiêu đổi thay đến với cuộc đời tôi. Nhưng tôi không bao giờ quên được hình bóng một người bạn lớn  bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ, tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có. Thi thoảng tôi vẫn đến thăm mộ anh tại một vùng đất trồng hoa của Hà Nội, và trong gió nhẹ lay động những cánh hoa đủ màu khoe sắc thắm, tôi vẫn nghe vẳng đâu đây tiếng gọi của anh “Kim Thư ơi, anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương…” nghe để cảm nhận đến tận cùng  trong cái vô biên thinh lặng tình người.


                 Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
                                      Bùi Thị Kim Thư
                                              (Còn nữa)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét