Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 4:THỜI CHIẾN

Con gái đầu lòng  
           Vậy là ước gì được nấy. Không lâu, tôi có thai ngay. Có lúc, tôi nghĩ, hay là chỉ khi sống trong “một túp lều tranh hai trái tim vàng” thì ông Trời mới run rủi mọi cách để chúng tôi có con với nhau? Thoạt đầu, tôi thấy tắt kinh. Tôi ngờ ngợ nhưng vẫn khỏe mạnh nên cứ đi làm, đi dạy bình thường. Tôi còn nhớ, một ngày kia, tôi dạy sử dụng bàn tính gẩy cải tiến cho một lớp học ở trường Tài chính bãi Phúc Xá. Dạy cái trò này là dạy 8 giờ một ngày cơ. Đúng lúc tôi đang giảng lí thuyết, thì tự nhiên thấy chóng mặt quay quay rồi ngã xỉu gục xuống mặt bàn, mặc dù vẫn tỉnh. Mọi người cấp cứu tôi đưa vào trạm xá của trường. Tôi được tiêm thuốc trợ lực trợ tim. Các cán bộ nhân viên của trạm rất tận tình. Họ hỏi tôi tên gì, bao nhiêu tuổi, có chồng chưa, có chồng từ bao giờ, kinh nguyệt có đều không. Tôi khai chuyện chậm kinh mấy bữa nay. Họ với kinh nghiệm sẵn có, kết luận luôn chắc tôi có thai rồi, vì dạy mệt quá kéo dài quá nên mới thế. Rồi tiếp theo có một cô giáo của trường tuổi tầm quá trung niên, vào thăm tôi. Chúng tôi nhìn nhau, ngờ ngợ. Cô bảo cô tên là Minh Chi, cô hỏi tôi: “cháu là Kim Thư à? cháu còn mẹ không, nhà cháu ở đâu?” Tôi lúng túng, cảm động, liền nắm bàn tay cô và rơm rớm nước mắt “Thưa…thưa cô, cô có phải là dì Minh Chi em gái mẹ Tường Vân cháu không ạ?” Cô gật đầu nhẹ nhàng…Ôi…dì tôi thật rồi. Lâu nay tôi vẫn mang máng nghe nói có dì Minh Chi dạy ở trường Tài chính mà. Tôi mới đến dạy vài buổi chưa kịp đi tìm dì thì dì đã đến tìm tôi. Dì nghe nói có cô giáo nào từ cơ quan nọ sang dạy bàn tính, tên là Bùi Thị Kim Thư, cái tên nghe quen quen nên dì vào thăm xem thế nào. Vậy là có đến cả chục năm trời, dì cháu không gặp nhau, tôi chả hiểu vì sao. Nhưng tôi chăm chú nhìn đôi mắt dì hiền từ, nhìn vầng trán, đôi môi của dì, tôi liên tưởng bức hình chụp mẹ tôi đặt trên ban thờ, nên tôi nhận ra dì. Lần gặp gỡ ấy thật là hiếm hoi trong đời tôi. Dì đã thuê xích lô chở tôi về nhà. Và tôi nằm ốm luôn từ đó, không đi làm được, mỗi khi chuyển giường để thay chiếu phải có hai người dìu xốc nách tôi hai bên. Chỉ ít năm sau dì mất, khá sớm so với tầm tuổi của dì. Còn tôi thì bước vào một giai đoạn thay đổi lớn lao trong cuộc đời mình, chiến đấu với cái nghén kì lạ, đẻ con nuôi con tới ba lần, quay cuồng trong những tháng năm bận rộn vô cùng mà chỉ đến lúc này, cuộc gặp gỡ tình cờ của hai dì cháu mới hiện lên rõ ràng như vừa mới hôm qua đây thôi.
               Ở trường Tài chính về, tôi không đi làm được nữa. Tôi có thai thật, nghén nôn suốt ngày, rất nặng. Cứ năm phút, tôi nôn một lần, mắt nhìn chăm chăm vào cái đồng hồ treo tường. Hễ rời mắt sang chỗ khác là chóng mặt ngay. Nôn hết thức ăn thì nôn mật xanh mật vàng. Nhà có cái bô rất to, cao. Vệ sinh vào đấy, nôn cùng vào đấy. Me tôi thật vất vả vừa bán hàng, vừa phải phục vụ con. Cả bố tôi nữa chứ, ngày nào ông cũng sang, lọ mọ xách cái cặp lồng đi mua hết thứ này đến thứ khác và dỗ tôi ăn, nào phở, nào miến, cháo.Tôi thương bố tôi lắm,  ông đã già rồi, trời mưa rét căm căm, vẫn cứ lầm lũi cái áo ba đờ xuy cũ đi khắp nơi, mua quà tốn bao nhiêu tiền cho con gái, mà rồi tôi cứ vừa ăn khỏi miệng là nôn hết ngay. Tôi nói với bố “Bố ơi, đừng mua gì cho con nữa. Bố thấy đấy, con cứ ăn vào lai nôn hết phí quá bố ạ”. Bố tôi bảo “Con đừng có ngại phí. Ngày xưa mẹ con cũng thế, ốm nghén nặng y như con bây giờ, mà phải ba tháng liền nằm trên giường không dạy được cơ. Con cứ ăn đi, nôn chẳng sao cả, thể nào nó chả còn lại trong người một tí gì đấy, chứ không thể nôn ra toàn bộ được. Con không chịu ăn thì làm sao sống nổi và phải nghĩ đến cháu bé trong bụng nữa chứ!”. Rồi bố tôi ngồi bên cạnh, nghe bên ngoài rao bán cái gì, ngô luộc, bánh rán, bánh bao là chạy ra gọi mua hi vọng tôi có chịu được thứ nào không. Nghĩ lại cả đời về sau này cho tới khi bố tôi mất, tôi phục vụ chăm sóc bố rất tận tình nhưng không bao giờ chăm chút mua được lắm thức ăn cho bố như thế. Đó là nói chuyện quà bánh, còn thì ngày nào me chẳng nấu cơm ba bữa cho tôi, nhưng tôi đều nôn hết. Về sau mới phát hiện rằng có một món ăn vào không bao giờ nôn ra, đấy là rau muống sào tỏi. Vậy là cứ đều đặn ngày ăn ba bát rau muống sào tạm ổn. Chỉ tội tôi gầy và xanh như cái tàu lá chuối non. Rồi dần dần bớt chóng mặt, tôi có thể ngồi lên được, nhưng vẫn nôn liên tục. Tôi rất sợ tiếng nói của phụ nữ. Cơ quan bạn bè đồng nghiệp đến thăm mà có chị em í ới là tôi không thể chịu được, chả lẽ bảo mọi người về đi, chỉ để lại mấy ông đàn ông tiếng nói trầm trầm là còn nghe tạm!
               Những ngày tôi ốm nghén này, MQ vẫn đi dạy và ghé về thăm tôi, chứ không ở hẳn nhà, nên  mọi việc chăm sóc chủ yếu nhờ vào cha mẹ vợ. Vậy là tôi chẳng ở khu tập thể của trường là bao. Tôi trở về với chợ Trời ồn ào náo nhiệt và cửa nhà tôi luôn đóng chặt. Me tôi bán hàng văt ở phía ngách phụ. Tôi buồn lắm, cứ ốm đau hoài, hàng ngày tự lắng nghe xem con mình lớn lên bao nhiêu rồi, mà trông xuống bụng vẫn thấy bé tí. Khi thai năm tháng rưỡi, đi khám lần đầu tiên thì họ bảo thai nhỏ và yếu lắm, chưa nghe thấy tim thai. Tôi được tiêm B1 và B12, kích thích thêm ăn uống và tạo máu. Tôi đã trở day đi lại bình thường, nhưng ngày vẫn nôn chừng năm sáu lần. Tôi xin cơ quan cho đi làm tiếp, ngày chỉ làm một buổi. Tôi được giao soạn giáo trình, tài liệu  về máy tính cơ điện, về kĩ thuật tính toán nên nhàn không có gì vất vả. Tôi ăn ngày càng khỏe hơn, hồi phục dần và thai lớn lên rất nhanh. Khi thai sáu tháng, trong cơ quan có người nhìn tôi còn chưa biết tôi có mang, đến khi thai sáu tháng rưỡi thì người ta lại hỏi, bao giờ đẻ bụng ộ ệ quá rồi! Tôi nhớ khi thai được hơn tám tháng, tức là khi sắp sinh, có một lần tôi ăn như thế này: Sáng dạy, ăn hai bát cơm rang, hai quả chuối tây to, hai quả trứng gà luộc. Đi ra đường ăn tiếp một bát xôi ngô. Vào cửa hàng mậu dịch, ăn một bát mì không người lái, tức là không có thịt. Lên cơ quan, 9h30 ăn một bánh mì to. 11h30 ăn cơm tập thể ở nhà ăn. Chiều liên hoan đơn vị, ăn giống như bạn bè ăn, nghĩa là thịt gà, thịt chó, đồ xào nấu các loại, rồi ăn thêm ba tô canh măng và một quả bưởi chua thật lớn. Xong đâu đấy, tôi leo lên bàn làm việc nằm vì no quá không ngồi được, nằm đến  9h30 tối lọ mọ dạy đi xe đạp nam của MQ mà về nhà. Tóm lại là ba tháng trước khi sinh cháu tôi ăn bù, và kết quả các số đo về thai nhi trở lại bình thường, sau này cháu sinh ra được 3kg3 hẳn hoi. Tôi nhớ mãi chị y sĩ trạm y tế cơ quan bảo tôi rằng đời chị công tác 25 năm, chưa bao giờ gặp trường hợp nào nghén nặng như tôi cả.
             Trước dự kiến sinh 10 ngày, tôi nghỉ đẻ. Suốt ngày ngồi không ở nhà chờ chuyển dạ sao mà sốt ruột vì thời gian trôi quá chậm chạp. Tôi đành vác xe đạp nam đi chơi, cứ nghễu nghện cái bụng ngồi qua cái thanh ngang mà chả ngại gì. Tôi đi lên Cửa Nam, vòng vèo mấy phố sầm uất Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…rồi qua Đinh Tiên Hoàng, Phố Huế mà về. Thi thoảng tôi chạy sang chị họ bên cạnh, hỏi với cùng một câu hỏi “ Chị ơi! sao em chả thấy gì khác?” Chị cười và bảo “Thôi mà cô cứ yên tâm, “bé mít” ngày xưa bây giờ đã lấy chồng bụng to thế này thì sẽ đến lúc phải đẻ  mà, đừng có lo lắng quá”. MQ thi thoảng về thăm, chỉ thích áp tai vào bụng vợ nghe xem con nó “bảo” gì. Tôi nằm ở giường, đặt cái quạt nan lên bụng mình. Phắt một cái ranh con đạp mạnh đến nỗi cái quạt bay ra thật xa rơi tòm xuống đất. MQ lật đật chạy đi nhặt quạt, và đặt lại, tiếp tục như thế chừng bốn năm lần. Khiếp quá, chả biết con gái hay con trai mà ghê gớm thế.  
               Rồi đến một ngày, sáng ra ngủ dạy tự nhiên lại nôn. Hôm đó, MQ đưa sinh viên đi gặt lúa bên Đông Anh. Có cô bạn thân nhất là Hiền đến chơi với tôi. Có cả anh bạn Kha cùng đến. Bỗng nhiên, tôi thấy nước gì xối xả tuôn từ trong người ra như tắm. Chạy sang hỏi chị họ, chị bảo vậy là vỡ ối rồi, phải đến nhà hộ sinh ngay. Cuống lên, thay vội quần áo, tay xách túi đồ dùng giấy tờ cần thiết chuẩn bị sẵn định ra đường gọi xích lô, thì anh Kha bảo để anh chở bằng xe đạp đi luôn. Tôi lên vội xe anh. Suốt dọc đường nước vẫn tuôn như thế. Tới nhà hộ sinh, họ khám và bảo đã vỡ ối toàn bộ, mà cổ tử cung chưa mở phân nào, vậy là chờ đẻ khan thôi, con so mà như vậy là không ổn lắm. MQ từ Đông Anh về ghé vào nhà nghe tin tôi vội đến ngay. MQ mua cho tôi một cặp lồng phở và mấy quả cam. Lúc ấy tôi thấy người bình thường nên ăn phở ngon lành, còn cam thì nhờ MQ cắt sẵn từng miếng để dành đó, khi nào sắp đẻ sẽ ăn! Chưa xong, đang vội cắt cam thì MQ bị họ đuổi về, tôi ở lại một mình, tần ngần nhìn theo chồng mà tâm trạng rối bời, không biết sẽ đẻ thế nào.
             Trời tối hẳn rồi, tôi thay váy áo của nhà hộ sinh rồi vào phòng chờ, chuyện trò làm quen mấy chị em. Khoảng một giờ sau, tôi bắt đầu đau từng cơn, lúc đầu thưa, sau rồi nhanh dần. Thi thoảng tôi nhờ bà đỡ khám lại cho mình, cổ tử cung mở rồi nhưng tiến độ có vẻ rất chậm. Bà bảo tôi yên tâm không thể đẻ nhanh được đâu. Tôi không ngủ được, cứ lần thành giường mà đi vì nghe mọi người bảo lúc sắp đẻ phải vận động đi lại nhiều không được nằm yên. Trời đầu tháng 11 tây năm ấy rét lắm, mưa phùn và giá lạnh. Đã về đêm, ca trực đi nghỉ tạm rồi. Tất cả đều yên ắng. Tôi đau nhưng không dám gọi bác sĩ dạy, cứ đi đi lại lại chịu đau một mình. Tới gần 11 giờ đêm, cảm thấy không thể chịu được nữa, tôi đánh bạo gõ cửa gọi bác sĩ. Bà cằn nhằn: "Ôi dào, tôi đã bảo cô đừng có sốt ruột, cô còn lâu mới đẻ, con so mà. Người ta còn nằm mấy ngày chờ trực kia kìa, kêu la  chửi chồng ầm ầm,  đau như cô đã ăn thua gì". Tôi rụt rè “Thưa bác, cháu đau thật mà, đau dồn với các cơn liền nhau. Cháu không kêu ca vì cháu ngại làm ồn, nên chịu đựng thôi, bác làm ơn cứ khám cho cháu”. “Nào thì khám…cô lên bàn đi” ”Ối ối, mở hết cả 10 phân rồi, mau mau sang bàn đẻ phòng bên đi. Cái nhà cô này con so mà lạ thật, cấm có kêu ca khóc lóc gì…à mà cô vỡ hết ối rồi còn đâu. Gay thật để tôi gọi cấp cứu sang bệnh viện C đã”. Tiếng điện thoại réo lên. Tôi nghe rõ đầu bên kia trả lời, “bệnh viện C chật cứng rồi, tự giải quyết thôi chi ạ”. Tôi lúc đó chả biết nên mừng hay nên lo nữa, lật đật sang phòng đẻ. Vừa trèo  lên bàn, bà đỡ khám lại, rồi bỏ sang bàn bên phục vụ sản phụ khác (một bà đỡ phụ trách ba bàn luôn). Tôi đang phân vân thì bị một chị bụng chửa vượt mặt lay lay “Này em xuống đi cho chị nhờ, em con so còn lâu mới đẻ. Chị đẻ nhiều rồi chị chỉ thoáng một cái là xong thôi”. Tôi xuống, chị lên bàn. Đúng là “thoáng” thật, bà đỡ quay lại, mọi việc xong xuôi. Chị ta đẻ con trai. Bỗng xuất hiện một ông cứ hai đầu gối quì lên mặt đất lết vào. “Ôi con trai của bố ơi! bố chờ đợi con đã hơn chục năm nay rồi” và anh ta khóc hu hu thật tội. Thì ra vợ anh đẻ lần này là lần thứ mười. Chín lần trước là chín cô con gái. Bà đỡ la lên "Cái nhà anh này đứng lên đi nào, vui quá thì phải đứng lên rồi chúng tôi cho nhìn mặt con. Đã hỏi vợ câu nào chưa hả?".Tôi thấy cứ ngồ ngộ thương anh ta, nhưng thương vợ anh ta thì nhiều hơn. May là chị ấy đẻ nhiều nên lần này đẻ nhanh, có vẻ như không đau đớn gì.
            Rồi đến lượt tôi. Tôi rặn ì ạch mà không ăn thua. Bà đỡ phá lên cười “Cái nhà cô này hay thật cứ è è trên cổ họng thì đẻ làm sao được. Em phải thở sâu rặn …bên dưới ấy nhá”. “Ôi bác ơi, cháu muốn đi ngoài, cháu xin ra nhà vệ sinh ạ” “Này tôi đố cô ỉa được ra đấy, có sao thì tôi dọn, cô cứ nằm đó mà ỉa ra con thì có…ha ha ha…”. “Bác vui tính quá, cháu cảm ơn bác, nhưng hay là bác tiêm cho cháu một mũi thuốc để cháu chóng đẻ hả bác?” “Hừ chưa cần…nhưng cô phải chịu khó không đẻ nhanh lên là con cô ngạt đó, cô làm gì có nước ối nữa”. Thôi đành căng thẳng mà bình tĩnh làm theo lời chỉ dẫn của bà đỡ. Và con gái tôi-Hồ Thanh Hoa-đã ra đời lúc 11 giờ đêm ngày 1 tháng 11 năm 1971. Cháu nặng 3,3 kg, được tắm rửa và đánh số cẩn thận cho khỏi nhầm. Rồi tôi được lấy nhau ra, vệ sinh xong chuyển sang phòng sản phụ. Cả đêm, tôi không ngủ được. Chờ mãi năm giờ sáng MQ đã vào thăm rồi. Ai cho vào giờ này đâu, nhưng MQ dò tìm bức tường của phòng sản phụ và leo đến đấy để gọi vào. Không giống chị đẻ nhanh nọ, tôi sinh con gái là niềm hạnh phúc lớn của má chồng tôi, bởi vì má toàn sinh con trai, MQ là út. Trước đây ba má đều mong muốn có con gái mà không được. Nay tôi sinh con gái là bà nội thỏa niềm ước mong, không có con gái thì có cháu nội gái vậy. MQ bị “lây” luôn niềm mong ước con gái đó.
               Vì khi sinh phải khâu nhiều (khâu hai lần vì lần đầu bị tuột chỉ khâu lại) nên tôi rất đau, và phải dùng nhiều kháng sinh nên mệt. Ngày ấy, đẻ con ra sau 24 giờ đồng hồ là sản phụ tự nhận con mà chăm sóc, cho bú. Tôi cho bé bú sữa non, nên khi sữa về, là về ồ ạt. Bé bú rất mạnh, ngậm sâu đầu ti mẹ mà kéo ra nên bú được, còn các bé khác xin bú nhờ thì mỏi mồm ngủ mất. Ngay đêm đầu tiên trông con, tôi đã phải mang tã lót, khăn lau bằng vải màn ra máy nước mà giặt, vì chả có ai đỡ đần. Rét cắt ruột, hai bàn tay tê buốt vò trong nước lạnh. Tôi không biết rằng việc làm đó rất có hại về sau. Bé mới có vài ngày tuổi đã có thể nằm nghiêng, ngủ lăn sau một cơn khóc xa xả trong lúc mẹ đi tiêm và thay vệ sinh. Da dẻ bé hồng hào căng tròn, chỉ tội mồm rộng, mắt híp tịt, mũi thì tẹt. Mãi khi bé mở mắt tôi mới thấy được an ủi, vì mắt có vẻ giống bố MQ. Giống là giống cái tròng mắt bên trong thôi, và lông mi hơi cong cong dài dài. Kiểu này là bé giống bà ngoại hay sao ấy, thế thì sau này thắt đáy lưng ong phải biết.
             Me tôi bận bán hàng không mấy khi đến thăm được, MQ  đến vào ban ngày là chính khi đi dạy học về. Mỗi lần đến MQ cứ lơ lơ ra chiều ngượng ngập, chẳng chăm lo gì tôi, nên “máu bà đẻ” nổi lên, tôi tự ái lắm, chẳng nói gì và lòng buồn khó tả. Mãi về sau ngẫm nghĩ kĩ tôi mới thông cảm với chồng, MQ còn trẻ, vợ đẻ lần đầu, tính tình thì hiền lành nhút nhát nên không biết thể hiện thế nào, hoặc tự an ủi “thôi, “lơ lơ” là đặc điểm chung của đàn ông Việt Nam, chồng mình làm sao là ngoại lệ được???”. Tôi tự mua đồ ăn sáng, tự ăn các xuất cơm tập thể nhà hộ sinh nấu cơm phục vụ sản phụ.Tôi phải ở nhà hộ sinh lâu hơn chị em khác vì đợi cắt chỉ, và còn bị sót nhau phát sốt nữa.
              Rồi mọi việc cũng qua, tôi đem bé về nhà mình và có bà me trợ giúp. Tôi lỡ dùng nước lạnh sớm nên tặc lưỡi về nhà vẫn tự giặt thôi, chỉ phiền me một ít bữa đầu. Tôi có nhiều sữa, bé bú không hết tôi còn vắt ra hàng cốc đầy để MQ uống đỡ phí. Tất nhiên là tôi pha ít đường trắng cho dễ uống. MQ sài tuốt, còn khoái chí nữa là khác. Mỗi tội khi nào đang bế con mà con ị ra thì gọi ầm lên:“Me ơi, em ơi nó ị này!”. Chịu MQ thật, đúng là bố trẻ con chưa kịp lớn.
               Khi mới về nhà, tôi ăn khỏe, me nấu cháo gạo nếp đỗ xanh, cháo chân giò cho ăn nên dễ chịu, nhưng rồi sau đấy một đầu ti bị nứt cổ gà nên đau lắm, cứ cho bú bên này rửa bên kia bôi thuốc mỡ kháng sinh vào.Tôi đau hai tháng liền, cứ mỗi lần cho con bú là run lên bần bật, tay nắm chặt thành giường, toát mồ hôi. Em bé thì bú cực khỏe nên bôi thuốc chưa kịp lành nó đã bú rồi. Nhưng bé khóc dạ đề suốt ngày đêm chỉ trừ lúc bú. Bà hàng xóm phải chạy sang hỏi thăm “Này cô, tôi hỏi khí không phải, cô nuôi con bằng phương pháp khoa học đấy à?” “Dạ bác nói cháu chưa hiểu ạ, cháu có phương pháp khoa học gì đâu ạ?” “Là tôi tưởng thế, tôi thấy cô cứ bỏ mặc cho bé khóc chả chịu dỗ gì cả nên tôi tưởng…” “Không phải thế đâu bác ạ. Mẹ cháu và cháu thay nhau bế bé suốt ngày đêm này, mà bé cứ khóc thôi. Đúng là phiền cho các bác ở bên cạnh quá. Cháu sẽ cố gắng ạ”. Phải đúng ba tháng thật, cô nàng mới chịu nín. Nhưng rồi tôi nuôi con vất vả vậy nên dần dần không ăn được nữa, người gầy và xanh, ai đến chơi đều hỏi thăm xem có phải mẹ nó bị “hậu sản” không. Tôi cho con bú đúng là suốt ngày đêm, về sau mệt quá không ngồi được nữa, cứ nằm cho bú rồi bé đái ngay ra giường khai mù. Cuối tuần MQ về thăm, nằm trên giường với vợ con mà đầu thì thò ra ngoài màn vì khai quá chịu không nổi!.Ngày ấy, tôi may cho con được 20 cái tã chéo, còn phá màn cũ ra làm vải lót đít bên trong trông cứ đen đen xam xám màu cháo lòng trông gớm chết. Có đến cả hàng tuần, tôi không ăn được gì mấy, chỉ mua cam về ăn, có tám hào một kg, cam Vinh rất ngọt. Ấy thế mà bé chả bị tiêu chảy gì cả. Bé lớn nhanh như thổi chỉ tội không được ngoan.
             Con gái được bốn tháng thì vợ chồng tôi lại chuyển vào khu tập thể. Bà nội ở Hải phòng lên chăm cháu một thời gian. Lần đầu tiên tôi sống với mẹ chồng. Tiếng nói, cử chỉ, thói quen sống mẹ con tôi khác nhau, nhưng tôi sớm nhận ra rằng má rất cần tình cảm, giống như tôi vậy. Má thích ăn trầu, thích mua những thứ…rẻ tiền, và không nói nhiều. Vậy là tôi giống má quá còn gì, chỉ ngoại trừ việc ăn trầu thôi. Thi thoảng sau khi đi làm, tôi đạp xe lên tận chợ Đồng Xuân mua cho má mấy quả cau, ít trầu và đặc biệt là cả một cây vỏ để má ăn dần. Má có vẻ cảm động vì con dâu quan tâm và chiều má. Tuy nhiên, bình thường tôi sống cũng phải ý tứ hơn, luôn cố gắng đi làm về vẫn lo công việc nội trợ nhiều, không ỷ lại vào má. MQ có vẻ yên tâm và vui vì cảm nhận được mối quan hệ mẹ chồng con dâu của chúng tôi là ổn. Sống với má, tôi còn học được nhiều. Con tôi bị táo bón đến bốn năm ngày không ị được, má bày cho cách đun mật ong lên khi sệt sệt rồi bắc ra viên nhanh tay thành từng con nhộng, bỏ vào lọ dùng dần. Mỗi lần con bị táo muốn con ị được chỉ việc đút một viên vào hậu môn, bế bé khép đùi một lát thôi là bé ị ngay. Có khi viên mật ong tự chảy ra hết và bé ị, có khi viên mật ong chưa kịp tan lại bắn ra ngoài luôn cùng với phân, rửa sạch đi dùng lại được (gớm quá!). Thi thoảng má thích đan len, đan áo, mũ gì đây, mà má đan chậm lắm cứ từ từ từng mũi một.Vì là sở trường của tôi từ nhỏ đan thuê, nên tôi thường đan cho má vèo vèo má chắc sẽ vui. Biết má thích ăn ốc vặn luộc, tôi mua một mớ về ngâm nước vo gạo một ngày một đêm, luộc lên để má và chồng xì xụp khêu chấm với nước mắm gừng nghe chừng ấm thêm cửa nhà, tôi thèm đến chết mà không dám ăn vì đang nuôi con nhỏ. Má thì bảo ăn ốc vào thấy mát ruột quá.


Trích từ hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét