Minh Trị
Cuộc đảo chính tại Ukraine
Kể từ sau khi Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych từ chối việc đưa Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) theo kế hoạch đã được hai bên thông qua trước đó, những phần tử quá khích trong phe đối lập Ukraine liên tiếp mở các cuộc biểu tình, bạo động tại thủ đô Kiev nhằm gây sức ép buộc chính phủ phải chấp nhận trở lại với việc gia nhập EU. Mặc dù ông Yanukovych bằng uy tín của mình, đã vận động được nước láng giềng Nga – đứng đầu là Tổng thống V.Putin giúp đỡ bằng việc mua 15 tỷ USD trái phiếu nhằm giải quyết khó khăn kinh tế, những kẻ quá khích được phương Tây “hà hơi tiếp sức” vẫn tiếp tục cuộc bạo động, và tới giữa Tháng Hai đã tấn công chiếm giữ Dinh tổng thống, tòa nhà quốc hội, buộc Tổng thống phải rời khỏi Thủ đô.
Những sự kiện tại Ukraine vừa qua mang đủ dấu hiệu của một cuộc đảo chính! Các thế lực thân Mỹ và phương Tây đã thực hiện những hành động trái pháp luật, trái với kết quả của các cuộc đàm phán giữa Chính phủ với thủ lĩnh phe đối lập, chiếm giữ các cơ quan đầu não và buộc chính quyền ngừng hoạt động. Đứng sau những cuộc biểu tình kéo dài với số lượng người tham gia lớn như vậy, có lẽ không chỉ là lực lượng đối lập, bởi phe đối lập lấy đâu ra nguồn tài chính để trợ giúp cho hàng chục ngàn người biểu tình trong nhiều tuần lễ như vậy. Chắc chắn, Mỹ và các nước phương Tây đã và đang ngấm ngầm thực hiện âm mưu “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu” như họ đã làm thành công cuối năm 2004.
Không đưa được Ukraine vào quỹ đạo của mình bằng biện pháp đàm phán, phương Tây đã sử dụng một kịch bản đã cũ, từng được áp dụng nhằm cướp chính quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới (như Nicaragua, Venezuela, Gruzia). Còn nhớ, năm 2004, các nước phương Tây cũng từng ủng hộ một cuộc tụ tập gây sức ép tương tự tại Kiev, sau kết quả bầu cử Tổng thống mà ứng viên họ ủng hộ (ông Yuchenko) đã thất bại trước ông Yanukovych. Khi đó, phe đối lập Ukranie đã huy động được tới hơn 100.000 người tập trung tại Quảng trường Độc lập (Kiev) dựng lều trại bao vây các cơ quan công quyền. Trong số đó, có không ít là thanh niên, sinh viên, những người có tâm lý bột phát, dễ bị kích động. Điều đáng chú ý là, cuộc tập trung đó diễn ra bài bản như đã lập kế hoạch trước đó cả năm, có trang bị cho người biểu tình đồ ăn nước uống đầy đủ, dịch vụ phục vụ toàn diện để họ chỉ có 1 nhiệm vụ: Biểu tình! Thậm chí, Mỹ và phương Tây tính toán “chu đáo” đến mức chuẩn bị cả những khu vực liên lạc điện thoại để người biểu tình thông tin về nhà, và mỗi người biểu tính được trả 10 USD cho mỗi ngày họ ở quảng trường Độc Lập “kêu gọi bầu cử dân chủ” (!). Trước sức ép của đám đông biểu tình, chính quyền Ukraine khi đó (đứng đầu là ông Leonid Kuchma) đã nhượng bộ để rồi ông Yanukovych thất bại trong một cuộc … bầu cử lại. Về sau, phương Tây gọi đó là cuộc “cách mạng màu cam”.
Có một sự thật là: Trước năm 2004, nền kinh tế Ukranie phát triển mạnh với tốc độ hơn 9%/năm, xã hội dần ổn định sau những biến cố thời “hậu Xô viết”. Nhưng sau khi “cách mạng cam” thành công, thế lực thân phương Tây nắm chính quyền, kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát leo thang, chính trị thường xuyên bất ổn, tham nhũng tràn lan, thậm chí ngay bộ phận những người đứng đầu “cách mạng cam” cũng xảy ra xung đột (bà Tymoshenko, thủ lĩnh thứ hai của “cách mạng” đã rời Chính phủ chỉ sau hơn 1 năm đảm nhận vai trò Thủ tướng). Tổng thống Yanukovych đã gọi cuộc xuống đường năm 2004 và thời gian những thủ lĩnh của “cách mạng cam” cầm quyền là “ác mộng cam” - kéo lùi sự phát triển của đất nước Ukraine. Năm 2009, trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng “Các khu vực” của ông Yanukovych giành thắng lợi lớn, và sau đó 1 năm, ông thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, với số phiếu hơn cả tổng phiếu bầu của hai thủ lĩnh “ác mộng cam” 2004 là Yuchenko và Tymoshenko cộng lại.
Những mưu toan của phương Tây tái hiện kịch bản 10 năm về trước đang diễn ra, nhưng lần này trắng trợn, liều lĩnh hơn, thay vì biểu tình hòa bình đòi thay đổi kết quả bầu cử, đã chuyển hẳn sang bạo động cướp chính quyền. Tất cả công sức mà chính phủ ông Yanukovych làm để phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua, tiến lại gần nước Nga để nhận được sự giúp đỡ vượt qua khó khăn kinh tế, đồng thời vẫn giữ quan hệ với phương Tây đang bị phe đối lập phá hoại. Mục tiêu cuối cùng của bạo động 2014 vẫn không thay đổi so với 2004: lật đổ chính quyền thân Nga, hướng Ukraine về phương Tây, tạo thế chiến lược địa chính trị để phương Tây gây ảnh hưởng đến biên giới nước Nga, đe dọa trực tiếp Liên bang Nga từ phía Tây. Đừng ảo tưởng phương Tây sẽ đem đến những “món quà” giúp đỡ Ukraine, họ chỉ lợi dụng Ukraine để thực hiện mưu đồ của họ mà thôi!
Bạo lực của các phần tử quá khích biến thành đảo chính tại thủ đô Kiev (Ukraine)
Tất cả những sự kiện tại Ukranie 2014 cũng như thời gian 2004-2009 cho các nước trên thế giới nhận rõ bộ mặt của một số cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Vì lợi ích của mình, phương Tây sẵn sàng gây bất ổn xã hội, bạo động, đảo chính để lật đổ chính quyền được coi là “khó bảo” nằm ngoài “quỹ đạo” của phương Tây, dựng nên chế độ thân Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ và đồng minh. Sự phản ứng của chính quyền các nước mỗi khi có những can thiệp trắng trợn này là rất quan trọng. Nếu phản ứng quá mềm yếu, phương Tây sẽ được đà xúi giục phe đối lập lấn tới, buộc chính quyền nhượng bộ về chính trị (như trường hợp phải bầu cử lại năm 2004), nhưng phản ứng quyết liệt quá mức sẽ lại tạo cớ cho Mỹ và đồng minh lên án vì “vi phạm tự do, nhân quyền” (như trường hợp 2014 vừa qua) và sẽ có cớ can thiệp. Có lẽ, phương án tốt nhất, ngoài việc chính quyền các nước phải biết dung hòa quan hệ giữa Nga với phương Tây, họ còn cần giải quyết tốt những vấn đề đối nội của mình, chăm lo cho đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân, nâng cao việc tuyên truyền, củng cố khối đoàn kết trong nước, đó mới là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn mưu toan gây bất ổn (điều mà Belarus, Kazakhstan - hai quốc gia cũng từng nằm trong Liên bang Xô viết đã làm được). Trong tình huống các thế lực phản động tìm cách gây bạo động, vượt khỏi quy mô biểu tình hòa bình, cần tranh thủ được dư luận của các nước bạn bè, các lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới, cô lập phần tử quá khích trong phe đối lập; nếu thực sự cần thiết thì lên án hành động quá khích của các phần tử xấu, kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế cho những biện pháp cứng rắn nếu cần (ban bố tình trạng khẩn cấp, điều động lực lượng vũ trang bảo vệ cơ quan đầu não ở Thủ đô, giải tán biểu tình). Mọi bước đi phải thật thận trọng, có trình tự rõ ràng, cân bằng lợi ích đối nội và đối ngoại, tranh thủ được sự đồng tình của lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới, có vậy mới tránh gây hậu quả xấu cho đất nước, tránh được nguy cơ các nước phương Tây can thiệp thô bạo vào công việc nôi bộ của nước (Ukraine) mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét