Hoàng Sa - Trường Sa
Ngày 07/11/2006, sau hơn 10 năm kiên trì đàm phán, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Vào WTO, Việt Nam phải cam kết thực hiện rất nhiều thứ liên quan đến lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhất là cắt giảm thuế quan, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Chính nhờ việc thực hiện những cam kết này mà người tiêu dùng trong nước được nhiều cái lợi, mà có lẽ cái lợi dễ nhìn thấy nhất là chúng ta mở cửa thị trường bán lẻ, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài mở hệ thống siêu thị bán lẻ ở Việt Nam, từ đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Không lâu sau đó, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam tràn ngập hệ thống các siêu thị nước ngoài, và những siêu thị đó trở thành điểm thăm quan, du lịch, mua sắm của hầu hết người dân: BigC, Metro, Parkson,...
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi mà các hệ thống siêu thị ấy mang lại, nhất là về chất lượng hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã và đang đến mức báo động. Có thể kể đến một số vụ như: vụ thịt lợn nghi nhiễm bệnh lợn gạo, sau khi thanh tra, kết luận là bị áp xe tiêm; vụ bán nấm không rõ nguồn gốc; vụ táo Mỹ bị thối; vụ sữa chua, nước uống quá hạn sử dụng đến gần nửa tháng; vụ dán nhầm cờ Trung Quốc lên bao bì sản phẩm nho Việt Nam;...
Đành rằng sau những sự việc trên, phía các siêu thị đã ngừng nhập và bán loại hàng đó, công khai xin lỗi và trả lại tiền người tiêu dùng. Nhưng dường như những sự việc trên đang dần làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng, nhất là khi mà từ xưa tới nay, trong nhận thức của người dân và quy định của pháp luật, vấn đề xuất xứ hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các siêu thị được coi là yên tâm nhất.
Thiết nghĩ cần phải có những quy định mạnh hơn đối với chất lượng thực phẩm, hàng hóa và xử phạt vi phạm tại các siêu thị để góp phần giúp người dân yên tâm hơn khi tiêu dùng tại đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét