[Nắng mới]
Trong mấy ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, đăng các bài viết về vụ nghi án nhận hối lộ “khủng” của các quan chức, cán bộ ngành giao thông vận tải. Vụ việc đã làm xôn xao dư luận trong nước cũng như gây ra nhiều sự chú ý cho nhân dân Nhật Bản. Vậy bản chất thật sự của vụ việc này như thế nào?
Ngày 21/3, nhiều tờ báo Nhật đồng loạt đưa tin, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) thừa nhận, để đổi lấy một gói thầu dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ yên, công ty đã "lại quả" cho quan chức 80 triệu yên (tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Đây là số tiền hối lộ lớn so với những lần "lại quả" khác của JTC. Có 5 cái tên quan chức nhận hối lộ được ông Kakinuma khai ra, trong đó có một quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam. Theo lời khai của ông Kakinuma, dự án liên quan tới việc đưa nhận hối lộ tại Việt Nam là dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 24/3, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định tạm dừng chức vụ trong 10 ngày đối với hai phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã có hiệu lực. Đó là ông Ngô Anh Tảo, người đang đảm đương chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, và ông Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc đã từng có thời gian phụ trách ban này. Tiếp đó, ngày 26/3, Bộ này đã có văn bản yêu cầu một số cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý phải làm báo cáo giải trình về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1. 7 cán bộ đương chức tại Bộ Giao thông Vận tải và 3 cán bộ ngành giao thông đã nghỉ hưu phải làm báo cáo giải trình, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng.
Hiện nay, các cơ quan điều tra của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp để điều tra làm rõ vụ việc. Ở Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA cũng cho biết hiện nay vụ việc đã được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản (Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thuế) điều tra. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc và thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ.
Một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy là trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Nhật Bản luôn là quốc gia xếp thứ nhất trong các nước có nguồn vốn ODA lớn đầu tư vào Việt Nam phục vụ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Vụ việc được phát rác trong lúc nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua thời kỳ khó khăn của “hậu” khủng hoảng kinh tế thế giới (2008-2009). Sẽ là rất khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới nếu như các nhà đầu tư Nhật Bản cắt, giảm viện trợ nguồn vốn ODA vào Việt Nam vì vụ việc này. Nó không đơn giản chỉ là sự mất niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, mà nó còn là sự giảm sút uy tín của nước ta với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý cán bộ.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta không khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém này thì chúng ta sẽ tự đánh mất các nhà đầu tư nước ngoài (những cá nhân, tổ chức sẽ cung cấp một nguồn ngoại tệ lớn để nước ta có thể tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước). Một bài học lớn mà có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên đó là vụ dự án đại lộ Đông – Tây ở TP HCM hay còn gọi là vụ PCI vào năm 2008. Tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào 12/2008, đại sứ Nhật Mitsuo Sabaka tuyên bố tạm ngưng viện trợ cho Việt Nam, đóng băng khoảng 700 triệu USD đã cấp cho năm 2008, cho đến khi Việt Nam có những hành động “thật sự có ý nghĩa” để bài trừ tham nhũng trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn ODA.
Vụ án này lại một lần nữa cảnh tỉnh các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết, xử lý triệt để tình trạng tham nhũng, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Hãy lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, lấy lại niềm tin từ nhân dân cũng là tự làm mới chính mình, có như vậy thì chúng ta mới có thể sớm hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét