Vì một xã hội an toàn hơn

[Hoàng Sa - Trường Sa]

     Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang ngày 01/7, ngày mà quy định đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng và không đạt chuẩn cũng sẽ bị xử phạt như không đội mũ bảo hiểm. Quy định này cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân với quan điểm khác nhau. Phần đông người dân đồng tình, ủng hộ quy định như vậy vì sẽ tạo quy chuẩn thống nhất đối với các loại mũ bảo hiểm, hạn chế được phần nào hàng nhái, hàng kém chất lượng, đồng thời tăng thêm tính an toàn cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dân, đặc biệt là những người xưa nay vẫn thường đội những mũ bảo hiểm không đạt chuẩn theo kiểu chống chế (như mũ lưỡi trai) hoặc cho rằng đội mũ bảo hiểm là không "thời trang",...



     Nói chung, dù quy định có như thế nào đi chăng nữa thì người dân vẫn đón nhận chúng với những thái độ và biểu hiện khác nhau. Nhưng quy định vẫn cứ là quy định và muốn có một xã hội trật tự, an toàn thì người dân phải chấp hành một cách nghiêm túc chứ không phải tìm mọi cách để chống chế nó. Trước đây, chẳng phải khi mới ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy cũng nhận được không ít sự phản ứng của người dân đó sao? Thực hiện đến bây giờ, người dân càng ngày càng nhận thức được tính hợp lý và đúng đắn của quy định ấy.

     Vậy thì, phàn nàn làm gì, chống chế làm chi bằng nghiêm túc thực hiện. Suy cho cùng, quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cũng chỉ là để đảm bảo an toàn hơn cho những người tham gia giao thông và đảm bảo cho một xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương và văn minh hơn mà thôi. Chẳng bao lâu nữa, hình ảnh các mũ bảo hiểm dởm, kém chất lượng được bày bán tràn lan ở các vỉa hè, bán rong lòng đường sẽ không còn chỗ đứng để cản trở giao thông, làm xấu đi bộ mặt đô thị nữa. Còn chần chừ gì nữa, hãy từ bỏ những chiếc mũ không đạt chuẩn và cùng lựa chọn cho mình chiếc mũ thật xinh xắn, an toàn rồi cùng đi dạo phố nhé.

     Bạn có thể tham khảo quy định về mũ bảo hiểm đạt chuẩn:

     Mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đôi khi tham gia giao thông được coi là đạt chuẩn khi đủ các tính năng sau:
     Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo;
      Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
     Trong đó, nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất;
     Nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.
     Cũng theo quy chuẩn này, đối với mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được, độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm dài nhất của lưỡi trai không quá 70 mm. Mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ, độ dài của lưỡi trai không lớn hơn 50 mm. Mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét