[Nắng Mới]
Chỉ trong khoảng hơn 7 tháng đầu năm 2014, thế giới liên tục phải chứng kiến những vụ tai nạn máy bay thảm khốc kinh hoàng, gây ra nỗi đau lớn cho gia đình và những người thân có người tử nạn. Bên cạnh đó, những sự kiện trên còn gây hoang mang cho dư luận quốc tế về sự an ninh an toàn ngành hàng không. Để có cái nhìn sâu sắc về an ninh ngành hàng không thế giới, chúng ta cùng nhau điểm lại những vụ tai nạn và mất tích bí ẩn của những chiếc máy bay từ đầu năm 2014 đến nay.
Đầu tiên phải kể đến đó là chiếc máy bay Twin Otter số hiệu NA9N ABB – DHC6 của hãng hàng không Nepal Airline chở 15 hành khách cùng 3 thành viên phi hành đoàn mất tích vào chiều ngày 16/2/2014 ngay sau khi cất cánh từ một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này. Máy bay cất cánh lúc 12h43 ngày 16-2 (giờ địa phương), nhưng chỉ 15 phút sau khi cất cánh khỏi sân bay thị trấn Pokhara, cách thủ đô Kathmandu hơn 350km về phía Tây, các kiểm soát viên không lưu đã mất liên lạc với phi công của chiếc máy bay này. Theo lịch trình, chiếc máy bay này sẽ đến Jumla, phía Bắc Nepal. Hãng hàng không Nepal cho biết thời tiết xấu, cụ thể là mưa lớn trong suốt 2 ngày đó có thể là nguyên nhân của vụ máy bay mất tích này. Cho đến tận ngày hôm sau cơ quan chức năng của Nepal mới tìm thấy được vị trí của máy bay và thi thể của các nạn nhân.
Tiếp đó là sự mất tích bí ẩn đến kỳ lạ của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Rạng sáng ngày 8/3/2014, Malaysia Airlines cho biết chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH370 của hãng này chở theo 239 hành khách cùng phi hành đoàn đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào lúc 2h40 sau khi xuất phát từ sân bay Kuala Lumpur trong hành trình tới Bắc Kinh. Vụ MH370 mất tích trở thành bí ẩn trong ngành hàng không thế giới. Nỗ lực tìm kiếm tại khu vực biển Đông, phía Bắc và Nam Ấn Độ Dương liên tục kéo dài nhiều tuần sau đó với sự tham gia của hàng chục quốc gia cùng những thiết bị tìm kiếm hiện đại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đến nay tung tích về vị trí của chiếc máy bay này và số phận của 239 hành khách cùng phi hành đoàn vẫn còn là một ẩn số bí mật.
Nỗi đau về MH370 còn chưa dứt, ngày 17/7, một chiếc máy bay chở theo 298 hành khách của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, cách không phận của Nga khoảng 50km. Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 gặp nạn khiến toàn bộ hành khách và các thành viên tổ bay thiệt mạng khi đang trên đường đi từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Những hình ảnh tại hiện trường cho thấy chiếc máy bay bị vỡ nát, biến dạng, xác người nằm la liệt quanh khu vực có bán kính 15km. Vụ việc khiến cả thế giới chấn động bởi độ tàn khốc và số người thiệt mạng trên chuyến bay MH17, trong đó có rất nhiều trẻ em. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả của vụ rơi máy bay đang được tiến hành nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. Liên hợp quốc đã cử một nhóm chuyên gia độc lập đến Đông Ukraine điều tra làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ rơi máy bay, làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan.
Hiện trường vụ máy bay Malaysia bị rơi ở miền Đông Ukraina
Trong khi quốc tế còn đang khắc phục hậu quả và điều tra về nguyên nhân của vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine, thì ngành hàng không châu Á lại tiếp tục đón nhận tin dữ. Khoảng 20h00 ngày 23/7 (giờ Việt Nam), một chiếc máy bay mang số hiệu GE 222 của hãng TransAsia Airway đã gặp nạn khi đang hạ cánh khẩn cấp xuống 1 hòn đảo nhỏ tại khu vực đảo Bành Hồ. Theo thông tin từ nhà chức trách Đài Loan, có 48 người thiệt mạng trong tổng số 58 người (gồm 54 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn) trên chiếc ATR72 gặp nạn. Máy bay rơi còn khiến 5 người ở mặt đất bị thương. Chuyến bay này xuất phát từ Cao Hùng vào lúc 17h43 (tức 16h43 giờ Hà Nội) và mất liên lạc với đài kiểm soát lúc 19h06 khi đang cố gắng hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Mã Công, trung tâm của đảo Bành Hồ. Theo thông tin được biết chuyến bay mang số hiệu GE 222 yêu cầu được bay vòng khi cố gắng hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, nhưng sau đó “mất liên lạc” với tháp điều khiển. Chiếc máy bay hạ cánh trong điều kiện gió mạnh vì cơn bão Matmo đổ bộ vào đảo Đài Loan rạng sáng ngày 23/7.
Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau vụ tai nạn của chiếc ATR72 làm 48 người thiệt mạng ở Bành Hồ - Đài Loan, thế giới lại tiếp tục được đón nhận cú “sốc” mới của ngành hàng không. Chiếc máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algerie chở 116 người (trong đó có 6 thành viên phi hành đoàn) đã bị rơi tại Cộng hòa Niger sau khi nó buộc phải chuyển hướng do bão cát. Theo thông tin cho biết, chiếc máy bay được hãng hàng không Air Algeria thuê đã cất cánh vào lúc 1h17phút giờ địa phương và dự định hạ cánh vào lúc 5h10 phút. Chiếc máy bay chở khách này đột nhiên mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khoảng 50 phút sau khi cất cánh từ sân bay Ouagadougou ở Burkina Fasa khi đang trên đường bay tới Algiers. Theo thông tin mới nhất, xác máy bay đã được tìm thấy vào sáng 25/7 tại Mali, khu vực gần biên giới với Burkina Faso và không còn ai trên máy bay sống sót. Hiện nay, công cuộc khắc phục hậu quả và điều tra làm rõ nguyên nhân máy bay rơi đang được tiến hành.
Như vậy, chỉ trong khoảng hơn 5 tháng (từ 16/2 – 24/7/2024) trên thế giới đã xảy ra 5 vụ tai nạn và mất tích máy bay thảm khốc kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 700 người. Bên cạnh những vụ tai nạn và mất tích của ngành hàng không dân dụng, trong năm 2014 thế giới cũng phải chứng kiến những vụ tai nạn máy bay quân sự mà chủ yếu là tại các nước ở châu Á. Mở đầu là chiếc máy bay quân sự AN – 74 TK300 của không quân Lào gặp nạn vào ngày 17/5 làm 19 người chết trong đó có nhiều quan chức cấp cao. Tiếp đó đến ngày 5/6, chiếc máy bay JH-7 của Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc cũng bị rơi trong vùng biển Hoa Đông khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ. Ở Việt Nam thì chiếc máy bay Mi-171 của Quân chủng Phòng không – Không quân gặp sự cố kỹ thuật đã bị rơi xuống huyện Thạch Thất – Hà Nội vào ngày 7/7 làm 17 chiến sĩ hy sinh. Còn ở Campuchia, vào lúc 9h20 sáng 14-7, trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện ở phía nam thủ đô Phnompenh, chiếc máy bay quân sự chở các học viên phi công đã rơi xuống quận Dangkao của thủ đô Phnom Penh làm 5 người chết và 1 người bị thương nặng. Cùng ngày rơi với chiếc MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (17/7), chiếc trực thăng cứu hỏa của Hàn Quốc đã rơi xuống gần khu dân cư và bốc cháy vào lúc 10h53 tại thành phố Gwangju, phía nam Hàn Quốc khiến toàn bộ 5 người ngồi trên chiếc trực thăng tử vong.
Máy bay quân sự của Lào bị rơi ở Xiêng Khoảng
Từ những vụ mất tích và tai nạn thảm khốc của những chiếc máy bay cả hàng không dân dụng và quân sự trong năm 2014 đã vang lên những hồi chuông báo động về vấn đề an ninh an toàn hàng không quốc tế. Ở đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật của nhà sản xuất mà còn là công tác quản lý, vận hành đường bay của hãng hàng không các quốc gia. Tất cả chúng ta đều cảm thông và tri ân sâu sắc đến những nạn nhân đã mất tích, tử nạn trong các vụ tai nạn, mất tích máy bay trong thời gian vừa qua. Hy vọng rằng từ nay trên thế giới sẽ không còn những vụ tai nạn, mất tích máy bay nữa cũng như không còn ai bị tử nạn hay mất tích vì tuyến đường hàng không.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét