Vì một xã hội công bằng

[Người đi tìm hình của nước]

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền ở nước ta. Chính vì, chúng ta đã tiến xây dựng, ban hành cũng như sửa đổi bổ sung rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật nhằm đảm bảo sự quản lý của pháp luật trong mọi mặt của đời sống. Đây chính là cơ sở cho việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước, thực hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều văn bản, chủ trương chính sách pháp luật được ban hành nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả, thậm chí là không có tác dụng. Điển hình như: Theo Nghị định 171, 1/7 đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy (kể cả xe máy, xe đạp điện) đội mũ không đủ 3 bộ phận sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm, với mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Mục đích của việc ban hành và thực hiện quy định này là vì sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên quá trình triển khai đã gặp nhiều bất cập, gây bức xúc cho nhân dân cũng như gây lúng túng trong việc xử lý của lực lượng thi hành công vụ. Chính vì vậy, đến tối ngày 1-7-2014 tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã gây bất ngờ với tuyên bố hoàn toàn ngược lại: sẽ không xử phạt đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, đồng thời các cơ quan có liên quan cũng đồng loạt lên tiếng về việc không xử lý hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, đồng thời các cơ quan này đã đổ lỗi cho người dân và báo chí đã hiểu sai vấn đề?!? 

Vụ việc xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chưa xẹp xuống thì vừa qua lại có một thông tin đang làm xôn xao dư luận đó là: Bộ Y tế ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt. Khoan hãy nói đến tính khả thi của quy định này, chúng ta hãy xem xét đến việc thái độ của những người dân - những người là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của quy định này, có thể dễ nhận thấy là đa phần là phản đối. Vậy đâu là nguyên nhân của việc áp dụng không hiệu quả các quy định pháp luật như trên.

Trước tiên, công tác tuyên truyền cho người dân của các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn yếu kém. Các cơ quan nhà nước cũng không có ý thức trong việc đưa các kế hoạch cũng như dự thảo quy phạm pháp luật cho nhân dân được biết và cùng tham gia góp ý, bổ sung. Và trước cũng như sau khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mơi, các cơ quan nhà nước cũng không sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm phổ biến, hướng dẫn các quy định mới cho người dân hiểu và thực hiện đúng . Đây chính là nguyên nhân lớn nhất trong việc các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian vừa qua ra đời mà không phù hợp với thực tiễn cũng như không được sự ủng hộ của người dân. Đa phần người dân đều không nắm được các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng quy định pháp luật mới của cơ quan nhà nước. Thậm chí các lực lượng chức năng khi tiến hành áp dụng các quy định cũng gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Có thể lấy ngay Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về mũ bảo hiểm để phân tích. Ví dụ, điều 8 văn bản này quy định: người đi xe máy có trách nhiệm“đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật…”. Theo đúng quy định của pháp luật là như thế nào? Quy định nào? Pháp luật nào? Rõ ràng, với quy định chung chung, mập mờ như trên rất khó để có thể hiểu và thực thi pháp luật một cách đúng đắn và suôn sẻ. Người thực thi buộc phải dùng phép suy đoán hoặc phải mày mò trong một hệ thống pháp luật mà như ông Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường từng thừa nhận là “phức tạp nhất thế giới”.



Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới chưa xuất phát từ thực tiễn của xã hội, sự khác biệt về trình độ nhận thức trong các tầng lớp nhân dân của nước ta, đồng thời nhiều văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta dập khuân máy móc các văn bản quy phạm pháp luật của các nước trên thế giới dẫn đến việc tính khả thi, hiệu quả của văn bản pháp luật không cao.

Ngoài ra, hoạt động quản lý nhà nước đang có nhiều vấn đề phức tạp, bất cập. Chất lượng đội ngũ cán bộ xây dựng văn bản pháp luật còn thấp. Điều đáng lo ngại là sự tùy tiện suy diễn, giải thích luật của các cơ quan cấp dưới, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật của chính các cơ quan thực thi pháp luật, vì vậy đã gây phiền phức và bức xúc trong nhân dân. Điển hình như: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ mới có thẩm quyền ban hành quy định hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính nhưng ở đây Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại tự cho mình cái quyền suy diễn, giải thích mà thực chất là ban hành pháp luật để rồi dựa vào đó buộc người khác phải áp dụng, thực hiện?!?

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang có nhiều vấn nan giải. Nếu vấn đề này không được xem xét một cách nghiêm túc từ phía các cơ quan nhà Nhà nước nhằm tìm cách khắc phục sẽ dễ dẫn tới việc người dân coi thường pháp luật và từ đó người dân sẽ không thực hiện theo các quy định của nhà nước.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét