Chuyện bốn phương: Lời sấm truyền kỳ lạ về dòng họ làm quan

Dòng họ Trần Đình gốc ở làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị, đã có lịch sử phát triển trên 500 năm.

Thủy tổ của dòng họ này ở làng Hà Trung, xuất thân là một quan lại triều Lê. Các đời tiếp theo đều nối nghiệp quan.

Nổi tiếng nhất là ngài Trần Đình Ân (1626 - 1706), đời thứ 6, làm quan đến chức Tham chánh chính đoán sự, tước Đông triều hầu, theo phò 4 đời chúa Nguyễn ở Đàng trong.

Một người nổi tiếng nữa là ông Trần Đình Túc, đời thứ 11. Ông Túc đỗ cử nhân khoa thi Nhâm Dần (1842) đời Thiệu Trị, được vào chân tri huyện, sau được thăng lên Quản đạo Phú Yên.

Ông nhiều lần được triều đình nhà Nguyễn cử đi sứ. Về cuối đời, ông được phong hàm Khâm sai đại thần, tước Hiệp tá đại học sĩ (hàm tòng nhất phẩm).


Ông Trần Đình Túc, đời thứ 11 dòng họ Trần Đình

Lúc ông Túc làm quan ở Huế, đã khai sinh thêm một nhánh họ Trần Đình ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Nhánh này cũng có nhiều đời làm quan.

Cụ Trần Đình Truy (73 tuổi, đời thứ 14), đời cao nhất của dòng họ Trần Đình còn sống, hiện ở thôn Thoại Hương (xã Xuân Đông, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã kể một giai thoại kỳ bí về dòng họ mình.

Theo cụ Truy, điều này được ghi trong gia phả gốc hiện giữ ở làng Hà Trung, như sau:

Vào đời thứ 2 của họ Trần Đình, có một cặp vợ chồng già, gia cảnh nghèo, sống thanh đạm. Một hôm có 2 thầy địa lý đi qua, lỡ đường nên xin ngủ trọ một đêm.

Hai vợ chồng già tuy nghèo nhưng quý khách, tiếp đãi rất nồng hậu. Sáng ra, 2 thầy có trả tiền nhưng cặp vợ chồng này không nhận. Hai thầy ái ngại, làm bộ 'quên' một ít vàng nén.

Nhưng, khi họ đi khỏi, 2 vợ chồng chạy theo, quyết trả lại số vàng 2 thầy để quên. Hai thầy cảm động, quyết định chỉ cho họ biết một huyệt mộ và nói:

'Nếu dịch lên một huyệt thì làm vua một đời, dịch xuống một huyệt thì làm quan nhiều đời'.

Khi an táng, điều kiện hạ huyệt: bao giờ có người đội nón bằng đồng đi ngang qua và cá lên ngọn tre thì mới là giờ hạ huyệt!

Chưa hết, thầy còn cho câu sấm: 'Bao giờ núi nọ hết cây/ Sông kia hết chảy, họ này hết quan/ Bao giờ rắn sắt bò ngang/ Tây kia kéo lại, hết quan họ này'.

Lúc ông bà chết, con cháu quàn xác lại và cứ chờ. Tình cờ, trời mưa. Một người đi mượn cái nồi đồng về, vì mưa nên chụp nồi đồng trên đầu.

Lại có đứa bé đi câu cá về, treo con cá đầu cần câu. Như vậy, điều kiện đủ, thời khắc hạ huyệt đã đến.

Về câu sấm truyền, dòng họ Trần Đình cho rằng nó rất linh ứng bởi dòng họ này suốt 13 đời làm quan. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 20, không còn ai 'phát' về đường quan lộc.

Ở Hà Trung, sau này núi bị chặt phá trọc; sông đã cạn, trở thành lạch nhỏ; con đường sắt xuyên Việt chạy ngang qua làng…

Dòng họ Trần Đình sau năm 1954 có thêm một nhánh ly tán ra Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị), tuy có học hành đỗ đạt nhưng vẫn không có ai 'phát' về đường quan chức.

Hoàng Sa - Trường Sa sưu tầm

Nguồn: giadinhonline.vn
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét