Tình yêu đất nước đang bị lợi dụng

[Ánh Dương]

Trong những ngày qua, hình ảnh các cầu thủ bóng đá U19 Việt Nam đang là chủ đề “hot” được dư luận hết sức quan tâm. Đã lâu lắm rồi, người dân Việt Nam mới được xem lối bóng đá đẹp đến như vậy, cống hiến đến như vậy. Tưởng chừng như khán giả đã nguội lạnh, quay lưng lại với bóng đã Việt Nam sau những cú sốc “bán độ” của các cầu thủ “con cưng”, những vụ bê bối của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay như những trò hề của các “diễn viên” trên sân khấu V-League. Các cầu thủ U19 đã làm sống dậy niềm tin của người dân vào tương lai bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, ở bài viết này tôi xin đề cập đến một khía cạnh bên lề xung quanh câu chuyện này, đó là câu chuyện “phe vé” bóng đá.

“Phe vé” bóng đá luôn là câu chuyện muôn thuở ở các giải thi đấu thể thao lớn, đặc biệt là ở môn thể thao túc cầu được hâm mộ bậc nhất hành tinh này. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra và lên án. Nhưng nó như căn bệnh mãn tính cứ đeo bám lấy người hâm mộ. 

U19 Việt Nam tham gia giải bóng đá U19 Đông Nam Á năm 2014 - cúp Nutifood với các đội Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Indonexia và Myanmar từ ngày 05 đến ngày 13 tháng 9 năm 2014. Với màn trình diễn thuyết phục trước đó, các cầu thủ U19 Việt Nam đã giành được nhiều sự yêu mến của người hâm mộ Việt Nam. Các cổ động viên đã tìm mọi cách để có được tấm vé vào xem các trận thi đấu của đội U19 Việt Nam. Các cổ động viên đã xếp hàng dài trước cổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF để có thể sở hữu tấm vé “trong mơ”. Tuy nhiên, lượng vé cung cấp cũng có hạn trước nhu cầu của hàng triệu cổ động viên Việt Nam. Và cũng từ đây, hiện tượng “cò”  “phe vé” cũng dần bắt đầu xuất hiện. Các tay cò đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau để có được một số lượng vé các trận có U19 Việt Nam tham gia thi đấu để bán với giá chênh lệch. Họ có cả một hệ thống chân rết xếp hàng để thu mua vé từ ban tổ chức hoặc thậm chí móc nối với các  “tay trong” để có lượng vé lớn.


(Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã xếp hàng trước cổng VFF để mua vé)

Các trận vòng bảng, giá chênh lệch này chỉ là gấp đôi, gấp ba. Nhưng hiện tượng này đã trở lên sôi động và nhộn nhịp hơn rất nhiều khi U19 Việt Nam vào bán kết rồi chung kết. Lúc này các cặp vé vào xem trận bán kết và chung kết đã được tay “cò” đội lên đến hàng chục lần, thậm chí là hai, ba chục lần. Một chiếc vé vào xem trận chung kết giữa Việt Nam và Nhật Bản có giá giao động từ 70.000 đến 100.000 đồng nhưng qua các tay “cò” này nó đã có giá từ 1.5 triệu đến 3 triệu đồng. Trên các trang mạng xuất hiện nhan nhản các dòng tiêu đề quảng cáo bán các cặp vé xem các trận đấu này. Một số người có được tấm vé này nhưng đi xem cũng có “nhã ý để lại cặp vé này với giá ưu đãi cho ai mong muốn”. Mặc dù biết là phải mua đắt nhưng người hâm mộ Việt Nam vẫn chấp nhận cái giá trên trời đó để được vào xem đội tuyển “con cưng” tham gia thi đấu. Chính sự hâm mộ cuồng nhiệt đó đã gián tiếp tiếp tay cho các tay “cò” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn vào tấm ảnh trên, thực sự có bao nhiêu người hâm mộ bóng đá Việt Nam thực sự mong ngóng tấm vé hay chỉ là muốn có tấm vé để trục lợi cá nhân. Phải chăng lòng yêu Tổ quốc của hàng ngàn người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang bị lơi dụng? Hi vọng các cổ động viên trung thành, nhiệt tình của đội U19 Việt Nam hãy tỉnh táo hơn đừng để tình yêu bóng đá, tình yêu đất nước của mình bị kẻ khác lợi dụng.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét