[Nắng Mới]
Đây là một câu hỏi lớn đã và đang được đặt ra đối với không chỉ các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà quản lý; các Bộ, Ban, Ngành có liên quan đến lĩnh vực khoa học & công nghệ mà còn đối với tất cả các thế hệ trẻ ở Việt Nam. Sở dĩ câu hỏi lại được đưa ra và bàn luận bởi lẽ khoa học & công nghệ là một lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của mỗi đất nước chứ không riêng gì đất nước Việt Nam ta, đó là một lĩnh vực mà có mối liên hệ mật thiết và bổ trợ cho sự phát triển của các lĩnh vực khác. Đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế thì khoa học & công nghệ ngày càng quan trọng.
Vậy nhưng sự phát triển khoa học & công nghệ của Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự phát triển chung của khoa học & công nghệ trên thế giới? Nếu không sớm giải đáp được câu hỏi này thì Việt Nam sẽ còn tiếp tục “loay hoay” trong việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp bộ mặt của thế giới thay đổi lớn, đời sống của nhân dân được nâng cao, cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại. Tuy nhiên trong sự phát triển chung của nhân loại vẫn còn rất nhiều nước quá lạc hậu trong đó có Việt Nam chúng ta. Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển trên thế giới được coi là “bãi rác” công nghiệp của những nước phát triển. Các sản phẩm máy móc, công nghệ, chuyền sản xuất đều là thế hệ thứ 3 – 4 của các nước tư bản “thải” lại, đã quá cũ kỹ, lạc hậu và hiệu quả sản xuất thấp.
Phải chăng do chúng ta chưa có sự đầu tư về nguồn lực cho vấn đề phát triển khoa học & công nghệ? Chắc chắn điều này là không đúng bởi trong khoảng hơn chục năm trở lại đây nhà nước ta rất quan tâm chú trọng cho đầu tư phát triển khoa học & công nghệ. Thời gian qua, cả nước đã xây dựng được một mạng lưới các tổ chức KH&CN với trên 1.100 tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có hơn 500 tổ chức ngoài nhà nước; trên 230 trường đại học và cao đẳng, trong đó gần 50 trường ngoài công lập. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các viện, trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các trung tâm thông tin KH&CN, thư viện, cũng được tăng cường và nâng cấp. Đã xuất hiện một số loại hình gắn kết tốt giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất - kinh doanh. Mặc dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước, từ năm 2000 tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN đã đạt 2%, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách đầu tư phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước.
Hay đất nước chúng ta thiếu những nhân tài để phát triển lĩnh vực khoa học & công nghệ? Đây chắc chắn cũng không là nguyên nhân của vấn đề này, bởi Việt Nam không thiếu những nguồn lực đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản chuyên nghiệp để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã đào tạo được hơn 2 triệu cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng trở lên, khoảng 50 nghìn người có trình độ trên đại học (hàng chục nghìn tiến sĩ, thạc sĩ cùng nhiều giáo sư được vinh danh) và khoảng hơn 3 triệu công nhân kỹ thuật; trong đó, có khoảng 34 nghìn người đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực KH&CN thuộc khu vực nhà nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho hoạt động KH&CN của đất nước.
Cán bộ khoa học Việt Nam đang nghiên cứu công nghệ
Bên cạnh đó, học sinh sinh viên Việt Nam cũng rất giàu tiềm năng sáng tạo và là nguồn lực chủ yếu cho sự phát triển khoa học & công nghệ của đất nước. Trong nhiều năm qua, tại các kỳ thi quốc tế về lĩnh vực khoa học (như toán, lý, hóa, công nghệ thông tin), các học sinh sinh viên Việt Nam đều đạt được các giải thưởng cao và giúp đoàn Việt Nam vươn lên giành những thứ hạng cao trong các đoàn dự thi olympic quốc tế. Ngoài ra các thế hệ trẻ Việt Nam cũng đã được vinh danh trong các thi sáng tạo trẻ quốc tế và khu vực mang lại niềm từ hào cho đất nước ta. Tiêu biểu là trong cuộc thi sáng tạo trẻ Robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương diễn ra hàng năm (bắt đầu từ năm 2002 đến nay) thì đoàn sinh viên Việt Nam luôn chiếm giữ những thứ hạng cao của cuộc thi. Sau 13 lần tổ chức thì đội Việt Nam đã 4 lần vô địch chỉ xếp sau Trung Quốc (5 lần), đứng trên cả các đội Nhật Bản (2 lần), Thái Lan (2 lần), Ấn Độ…
Cả nhân lực và vật lực để phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam chúng ta đều rất dồi dào và đầy tiềm năng. Vậy tại sao chúng ta vẫn phải sử dụng lại những sản phẩm công nghệ đã cũ kỹ, lạc hậu gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Các sản phẩm khoa học công nghệ của Việt Nam đang ở đâu? Bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi “vùng trũng” về khoa học & công nghệ của thế giới? Câu trả lời xin để dành cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và những tổ chức, cá nhân có tình cảm, trách nhiệm trong sự phát triển của đất nước ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét