ĐẶNG TIẾN * LÊ ĐẠT 2

Lê Đạt và Bóng Chữ 2

Đặng Tiến


J'habite une blessure sacrée
Aimé Césaire

II. Vườn thức một mùi hoa

ledat001

Thơ Lê Đạt tân kỳ, vẫn giàu màu sắc dân tộc. Mới đây, trong tham luận tại Đại Hội Nhà Văn (3-1995), anh đã nói : “ Truyền thống và hiện đại không phải là hai khái niệm riêng lẻ (...) Một nền văn hoá đích thực, sống động bao giờ cũng bao gồm cả hai mặt truyền thống và hiện đại ” (Báo Văn Nghệ, 1-4-1995).
Ngày nay nông thôn Việt Nam không còn cảnh “ múc ánh trăng vàng đổ đi ” nữa, mà sống nhờ kỹ thuật thuỷ lợi. Nhưng hồn thơ Lê Đạt vẫn phất phơ truyền thống:
Một đàn ngày trắng phau phau
Bì bạch bờ xoan nước mát
Mộng hoa dâu lum lúm má sông đào
(Thuỷ Lợi, tr. 21)
Một đàn ngày trắng ” là một hình ảnh táo bạo nhắc đến đàn “ cò trắng bay tung ” trong dân ca. Hai chữ phau phau nhắc lại bài Dệt Cửi của Hồ Xuân Hương : “ Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau ”, từ đó mới nảy chữ bì bạch tả những bàn chân lội nước, nhưng lại gợi ý “ da trắng vỗ bì bạch ” trong giai thoại về văn chương nữ giới. Câu cuối, nhất là chữ “ dâu ” bất ngờ và bất thường nhắc đến thơ Hàn Mạc Tử : “Mát tê đi như da thịt nàng dâu ”, và cả một đoạn thơ dài “ vô tình để gió hôn lên má ”, có lẽ Hàn Mạc Tử đã dựa vào câu thơ của Tản Đà, mà nhiều người xem như là ca dao :
Đêm khuya gió lọt song đào
Chồng ta đi vắng gió vào làm chi
Ngày xưa, làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, Quách Tấn đã bị Vũ Ngọc Phan trách là dùng điển cố cầu kỳ. Ngày nay, Lê Đạt có khi còn khó hiểu hơn, vì hệ thống điển cố của ông phức tạp hơn. Thỉnh thoảng mới thoáng một âm hao quen thuộc, nhưng lại tan biến ngay giữa những hình ảnh mới lạ :
Rừng buồn bứt lá chim chim
Hỏi sim sim tím
                 hỏi bìm bìm leo
Chiều gió cả
                 tiếng ngàn xưa khản lá
Thảm vàng khô
                 ai hoá những thư già
(Cỏ Lú, tr. 125)
Thơ Lê Đạt phức tạp vì chính con người anh sống thường xuyên trong sự giằng co giữa cũ và mới, nửa tỉnh nửa quê, một tâm hồn luôn luôn phập phồng một vị riềng quê (Ông Cụ Nguồn, tr.67) hay thoáng cà cuống chưa đóng lọ (Quá Trình Công Tác, tr. 5), hay mùi hương mộc mạc, lời tình tứ, tha thiết :
Em vắng nhà
              bồ kết chửa đi xa
(Nguyễn Du, tr.112)
Gió bồ kết
nắng lung liêng mày cúc
(...) Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc
Tù và ai ọ nghé đồng tranh
Chiều xểnh đàn
em chẳng gọi tên anh
(Tù Và, tr. 133)
Thơ Lê Đạt dạt dào hình ảnh quê hương trong tiếng tù và, tu hú giữa những bờ xoan, gốc khế, mép lúa, nương dâu. Nhiều bài thơ đẹp :
Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non
               ngo ngó sông đầy
Cây gạo già
               lơi tình
                        lên hiệu đỏ
La lả cành
               cởi thắm
                        để hoa bay
Em về nói làm sao với mẹ
(Quan Họ, 1970, tr. 91)
Tình tứ và lẳng lơ nhất là hai chữ “ cởi thắm ”, nghĩa cụ thể là : hoa gạo đỏ thắm lìa cành, bay theo gió. Nhưng người đọc còn hiểu theo nghĩa khác : cởi thắm là cởi yếm thắm, vì ngoài hình ảnh dải yếm, hai chữ “cởi ” và “ thắm ” khó kết hợp với chữ khác. Vì vậy câu thơ “ lơi(tình) lả(cành) ” lẳng lơ hơn câu hát qua cầu gió bay, chỉ mới cởi áo chứ chưa cởi đến yếm. Và chữ cây gạocòn nhắc đến một chữ gạo khác :
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Thơ Lê Đạt tinh nghịch, tinh quái, có khi còn quỷ quái. Nét u mặc (humour) là đặc sắc trong từ vựng Lê Đạt, phản ánh nếp suy nghĩ và phong cách sống của tác giả. Nhiều người thích thơ Lê Đạt vì nét phúng thế, nhưng cũng vì đặc điểm này mà nhiều người không thích, thậm chí căm ghét, nhất là về phía trường phái chậm hiểu.
Tình yêu là chủ đề quan trọng trong thơ Lê Đạt, không lấy gì làm mới. Nhưng thơ tình Lê Đạt cảm động nhờ tươi mát, ngây thơ : điều lý thú ở một nhà thơ đã ngoài tuổi sáu mươi, và đã sống tầm tã qua bao nhiêu điêu linh, chìm nổi và tội vạ. Thơ tình Lê Đạt róc rách những suối nguồn vô cùng trong sáng :
Anh dắt em đến cửa tình yêu
Mùa nhỏ xưa
Mẹ dắt đến trường
Bài học vỡ lòng tuổi chớm
Trang vắng mưa đêm về sớm
Heo may rải đồng giấy non
Anh vực tay em
Be bé nét đòng
Ai có biết lòng mẫu tử ?
Khuôn trắng
               chờ xem mặt chữ
Gió se se hoa trinh nữ thẹn thùng
Thuở đầu dòng
               đầu nhớ
               đầu trông
(Thuở Đầu Dòng, tr.42)
Bài thơ đơn giản mà hàm súc, trí tuệ mà cảm động. Điệu thơ còn đê mê run rẩy trên đầu ngọn gió chớm tình, đã sang mùa tư lự trước cơn giấy trắng mưa khuya. Tình yêu, mà ta cho là giản đơn, thật sự không bao giờ đơn giản mà vang âm không biết bao nhiêu khát vọng một đời người. Với người nghệ sĩ, làm thơ hay viết văn, tình yêu, nghệ thuật, tâm hồn, thân xác với cuộc đời là một, là một định mệnh không bao giờ trọn vẹn. Tình yêu có những giây phút tràn đầy nhưng toàn thân tình yêu không bao giờ viên mãn :
Chữ em thôi
              một đời
                      chưa đi trọn hành trình
(Anh Ở Lại, tr. 41)
Bao nhiêu truyền thuyết : kết cỏ ngậm vành, ba sinh hương lửa, chưa dứt hương thề, nợ tình chưa trả, là những huyền thoại phản ánh khát vọng tình yêu tận đáy sâu thăm thẳm trong tiềm thức loài người :
Chín kiếp truyện đời
                         ú ớ
                             một tên em
(Cỏ Lú, tr. 125)
Tình gần, tình xa, yêu có nhau và yêu trống vắng. Tôi đã có lần ca ngợi câu thơ Hoàng Cầm :
Anh đi xa em mới biết nói thầm
Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú
Lê Đạt cũng có ý thơ tương tự :
Chia xa rồi mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
                mây mấy độ thu
Vườn thức một mùa hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
                bóng chữ động chân cầu
(Bóng Chữ, 1970, tr. 27)
Đẹp nhất là hình ảnh Vườn thức một mùi hoa đi vắng.
Thế hệ Lê Đạt, tình yêu đôi lứa gắn liền với lịch sử. Binh lửa chiến tranh luôn luôn chập chờn trong thơ anh, dù rằng không Sáng Soi trực tiếp :
Anh mang tình em đi
Qua những đèo lẻ nắng
Những sông trưa không đò
Những đường mưa ngẩn trắng
Anh mang tình em đi
Qua những đồi sim chín
Những sắc cây mơ già
Mua rừng hoa mua tím
Anh mang tình em đi
Qua những mùa đất lạ
Những sớm chim dị hình
Những chiều sương bạc má
Dông gió mù trời
                 em bóng sáng soi
(Sáng Soi, 1967, tr.85)
Có những hạt giống chia ly hẹn mầm tái hợp. Nhưng lắm mảnh đời vĩnh viễn gió bay :
Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm
Mẹ anh thành nấm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát
(Gốc Khế, tr. 17) 
Gốc Khế là một bài thơ bình dị và cảm động. Niềm đau kín đáo, thi vị. Đến bài Thư Không Người Nhận, sự mất mát trở thành bi đát :
Đôi chim cu anh nuôi
Con trống mèo đen ăn thịt
Con mái vào ra một mình
Ấp lạnh bóng trăng rồi chết
Vàng hồ bay
              thư không người nhận
                                           gió trả về
(Thư Không Người Nhận, tr. 90)
Chúng ta ghi nhận ở đây tác dụng quan trọng của kỹ thuật, của thi pháp tạo ra cảm xúc, làm nên giá trị bài thơ. Lê Đạt sáng tác qua ba giai đoạn : quan sát – học tập – sáng tạo.
– Quan sát : bóng trăng tròn như quả trứng ; vàng hồ bay như những bức thư. Dĩ nhiên là nhà thơ đã nhìn trần gian bằng con mắt sáng tạo. Sáng tạo khi nhìn.
– Học tập : trong Kiều đã có chữ ấp “ quạt nồng ấp lạnh”. Thơ Đinh Hùng :
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
Thương những con đường mưa cuốn đi
Hình tượng “trăng lạnh ” đã có trong thơ Tản Đà, Xuân Diệu. Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay đã có trong truyện Kiều.
– Sáng tạo : động từ ấp ở Lê Đạt cụ thể hơn : con cu mái ấp một quả trứng, không có trống không bao giờ nở, ấp một cách vô ích và vô vọng, và tính từ lạnhđau thương vì đồng nghĩa với cõi chết, cái chết tuyệt vọng, tuyệt tự và tuyệt giống. Ta có câu ca dao thật buồn :
Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh
Buồn, nhưng vẫn hạnh phúc. Xa cách, con người vẫn sống, vẫn yêu, bằng ánh sáng nhớ nhung. Thơ Lê Đạt bi đát hơn : chữ “ ấp” nồng nàn và thê thảm. Hình tượng mới : Thư Không Người Nhận đã đi vào hư vô, đã đau thương lắm, còn bị gió trả về lại làm chết thêm một lần khác, chết nhiều lần nữa. Nghiệm cho cùng, người xưa khi ao ước ba trăm năm nữa ai người khóc... là còn hạnh phúc và may mắn.
Cái chết bôi xoá. Trận cuồng phong quét sạch ảo vọng và hư danh, vẫn còn để trơ cỗi những gốc nợ đời :
Nợ cũ khối xương rồng hoa trả đỏ
Hương thắp gọi ba lần
                             không đáp lửa
Hồn có nhà
            hay bát mộ đi xanh
(Thanh Minh, 1972, tr. 134)
Thơ Lê Đạt sau phần tinh quái , còn có phần ma quái và yêu quái. Tuy nhiên, dù có là đọi máu thay lời thơvẫn còn phảng phất hương hoa mộng mị :
Mai ngày anh không còn
Hành quân vui gió nắng
Đầu anh em nhớ trồng
Một gốc hoa mận trắng
Để lòng riu ríu cành
Nghìn bướm cười ánh nắng
(Hoa Nghĩa Trang, tr. 99)
Chúng ta nhớ đến câu thơ cổ mà Nguyễn Tuân đã nhắc trong truyện ngắn Thả thơ trong Vang bóng một thời :
Mộ thượng mai khai xuân hựu lão
Trên mồ mai nở – lại xuân già
Thơ Lê Đạt đã gửi những cánh hoa mai trễ tràng, vẫn y hẹn đến với một mùa xuân ngang trái.

Đặng Tiến

III. Đàn Dê Bỏm Bẻm Trăng


Tập thơ Bóng Chữ mở ra bằng một trang tác giả tự giới thiệu, vừa từ tốn vừa kiêu hãnh :
Xưng Danh
Phó thường dân
phố nhỏ vô danh
vô giai thoại
Thành tích
mấy trang giấy sờn
mấy câu thơ bụi
núi Vô Sơn.
(Bóng Chữ, tr. 5)

Quá Trình Công Tác
Tôi ghé như thiểu số phụ gia
Vẩy chữ thăng hoa
Thoáng cà cuống chưa đóng lọ
Đừng tìm tôi
chỗ những ghế ngồi
Hộp thư
đuôi chớp ngộ đầu ô.
(Bóng Chữ, tr. 5)
Tác giả nhún nhường và muốn báo trước kỹ thuật thơ mình.
Nhưng người đời, muốn trách Lê Đạt tự kiêu, cũng dễ thôi : dù là giấy sờn, thơ bụi, vẫn là ...núi, dù rằng núi tên là Vô Sơn (tác giả viết hoa). Câu “ vẩy chữ thăng hoa ” đã có người chê trách. Thật ra tác giả muốn dùng một khái niệm vật lý : thăng hoa là biến đổi thể chất, từ chất đặc, thành hơi mà không qua chất lỏng (sublimation), đúng theo quan niệm của anh về thơ : tạo cho những chữ thông thường một giá trị nghệ thuật, một “ hương sắc ” riêng. Lê Đạt nghĩ đúng và diễn đạt hay, nhưng người đọc có thể hiểu lầm (hay cố tình xuyên tạc) là anh tự cho mình có phù phép vạn năng, và gieo chữ nghĩa để gặt hái vinh hoa ! Lê Đạt đáng thương vì câu thơ anh không kiêu kỳ hơn Trần Huyền Trân thời... Pháp thuộc :
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương
(Lưu Biệt, 1939)
Nhớ nhau ném chén tan tành
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ
(Độc Hành Ca, 1941)
Nhất là Lê Đạt đã tế nhị kín đáo xin lỗi bằng câu thơ sau : Thoáng cà cuống chưa đóng lọ .
Bài thơ Xưng Danh ngoài tính cách tự giới thiệu, còn dẫn nhập người đọc vào kỹ thuật thơ Lê Đạt.
Về ngữ âm, nguyên âm ô, trầm và hẹp trong ba câu đầu, đối lập với nguyên âm ơ nhẹ và rộng hơn, ở hai câu tiếp, rồi lại tổng hợp trong hai chữ Vô Sơncuối bài. Về ngữ nghĩa, bụiđối lập với núi, núi đối lập với Vô Sơn : ngôn ngữ tự huỷ và thơ trở thành một mùi hoa đi vắng.
Ở nhiều tác giả, âm thanh trong câu văn, câu thơ có khi do tình cờ. Lê Đạt thì cố ý khi viết :
Tim ù ù
gió ú
một nguyên âm
(Dấu Chân, Bóng Chữ tr. 131)
Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
(Vải Thanh Hà,Bóng Chữ tr. 78)
Về hình ảnh, câu thơ nhắc đến Hoàng Cầm và Nguyễn Bính
...Tu hú vừa kêu, vải đã vàng,
Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của mùa xoan
(Cuối Tháng Ba, trong Hương Cố Nhân1941)
Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều ví dụ :
Đèn mơ ngơ,
xuân ớ
ngã tư ờ
(Tình Điện Toán, Bóng Chữ tr. 129)
Ơi em rất ô
Ơi em rất hồ
Trắng vỗ ồ hô trúc bạch
(Vào Hè, Bóng Chữ tr. 28)
Đôi khi câu thơ dựa trên một phụ âm :
Má má môi
mà mỗi mãi xa
Hay trên thanh điệu (dấu) :
Lối bia thần tích xưa
Lối bìa da mộng phủ
(Phạm Thái, Bóng Chữ tr. 111)
Trăng lòng lành
em mắt mẹ long lanh
(Tật Nguyền, Bóng Chữ tr. 119)
Xe Thất tinh nghiêng
sao bạc thất tình
(Mưa Chia Cơn, Bóng Chữ tr. 130)
Lê Đạt khai triển giá trị những âm tố (phonème) và tự tố (graphème) trong bài Hà Nội B52 tả cảnh thành phố bị ném bom :
Địa ngục trắng Hít-Nixơn xổng xích...
F ẹp
F dẹp
B.52 bẹp
Mẫu tự x, kết hợp với tên Hít, trong nét vẽ, nhắc đến phù hiệu + của quốc xã Đức. Những mẫu tự F và B là tên máy bay, nét đồ hoạ, đối với người dân Việt Nam còn là cơn ác mộng. Và khi phát âm những mẫu tự vẫn có nghĩa : ép ẹp, ép dẹp, bê bẹp...
Ở đây, chúng tôi không nhắc lại lối sử dụng hình vị, từ tố (morphème) trong các ví dụ dâm bụt, bì bạch,...đã được trích dẫn.
Một vấn đề cụ thể, đã được đem ra bàn cãi, là Lê Đạt đưa nhiều tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Pháp, vào thơ Việt. Đó đây, đã có người trách lập dị, ngoại lai hoặc ba rọi. Đúng là thơ Lê Đạt có nhiều từ gốc phương Tây.
Thơ xưa có : “ bốn mảnh quần hồng”, thơ Lê Đạt “ jin xổ dài... mini hồng ” (tr. 30-31). Thơ xưa có lá thắm chim xanh... thơ nay : Đầu ăng ten / trời quê ngoại kênh chờ (tr.34), Đời ngắn / đêm dài / mộng khẩn / gió ăng ten (tr.46). Kiều bõ chi cá chậu chim lồng, Lê Đạt Nai phố mình Honda nữ / Mắt hoang vu (tr. 115). Thơ mới có hoa ti gôn, dáng như tim vỡ, thơ “ đổi mới ” có những át cơ rơi(tr.45) (diễn âm : as de cœur trong cỗ bài... tu lơ khơ !). Cổ thi có thu thuỷ cộng trường thiên, thơ hiện đại Lê Đạt có trời xanh cô bạn rất Đường (tr.28).
Thêm những câu khó tìm tương đương :
Tiếng xắc xô cong đoạn tình mưa lụt
Để xô lô buồn khúc ruột xe lô (tr.76)
nhưng đây là lối nghịch chữ cho vui, không nên gán vào đó một dụng ý nào thâm viễn ; như khi trên đường đời, nhà thơ nghiền ngẫm nhìn những cột cây số, thấy kmthành kilô mơ. Và xa xôi hơn :
Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
(trọn bài 2 câu, tr.75)
Câu thơ này bị chê trách và có người yêu thích, nhắc tới một câu thơ của Raymond Queneau (1903-1976) đã được chọn làm đề thi luận văn tú tài ở Pháp (vùng Lille năm 1973), đã được phổ nhạc và Juliette Greco thường hát :
Fillette, fillette
Si tu t'imagines
Xa va xa va xa
Va durer toujours
La saison des a
Saison des amours...
(Cô bé, cô bé ơi
Cô đừng tưởng trên đời
Yêu còn yêu mãi mãi
Mùa yêu còn dài dài... )
Tiếng Pháp (que) ça va là một cụm từ thông dụng, có nghĩa là bình thường, hoặc sẽ, trong tương lai gần. Nhà thơ tinh nghịch viết lệch thành xa va, tình cờ người Việt hiểu thành... đi xa: anh đi đường ấy xa va...
Câu chuyện có vẻ ngoài lề, ngoại lệ, chứng tỏ tính cách ngẫu nhiên của ngôn ngữ. Làm thơ có lúc ngẫu nhiên, có lúc cố tình khai thác tính ngẫu nhiên của lời nói. Đời sống hiện đại trên thứ giới tạo giao thoa giữa tiếng nói các dân tộc. Thơ, trong chừng mực nào đó, có quyền phản ánh những giao thoa đó. Thành công hay không là chuyện khác. Những vấn đề này, thuộc thi pháp và phong cách học, đã được giải quyết từ lâu ở nước ngoài. Ở Pháp, học trò lớp 10 (Seconde) ban trung học đã phải học và nắm vững.
Những kỹ thuật nói trên, từ ngữ vựng đến ngữ âm, đạt được những thành công nhất định nhưng cũng làm nhiều người đọc lạc hướng, vì quen xem ngôn ngữ như một công cụ trong khi nhà thơ biến thành đối tượng. Thơ Lê Đạt thiên về trí tuệ, đòi hỏi người đọc phải lao động trí thức và nhất là phải chấp nhận một số quy luật. Khi chơi thì phải nhận luật chơi. Nhưng chỉ khổ cho nhà in và thợ sắp chữ. Thử so sánh hai bản in : 36 Bài Tình,1989 (A) với Bóng Chữ (B) :
A Lúa con gái lam rùng mình nỗi gió (tr. 26)
B Lúa con gái lam rùng rình nỗi gió (tr. 134)
A Những đường trưa ngầu nắng (tr. 10)
B Những đường trưa ngẩn trắng (tr. 85)
A Mưa rừng hoa mua tím (nt)
B Mua rừng hoa múa tím (nt)
Tôi không có bản đính chính, nên thuận lý cho rằng bản sau đúng hơn. Nhưng... chắc gì ?
Kỹ thuật thứ hai của Lê Đạt thuộc phạm vi cú pháp, là dùng đảo ngữ. Thủ pháp không mới, thơ Tây thơ Ta xưa nay đều có. Dịch Trường Hận Ca, Tản Đà đã từng viết :
Vàng nhẹ gót lung lay tóc mái
Nhưng Lê Đạt đã sử dụng thuật đảo ngữ một cách thường xuyên và triệt để, như trong bài Hái Hoa :
Anh rừng anh hái hoa
Hoa lúm hoa bông thắm
Hoa bông môi thật hồng
Em đùa em lấy chồng
Hoa cho bông chết đắng
Anh lòng anh hái hoa
Hoa hái hoa bông thắm
Hoa bông hoa rỏ hồng
Hoa hồng bông hồng bông
(Hái Hoa, Bóng Chữ tr. 18)
Độc giả có thể tái lập trật tự thông thường, với điều kiện coi chừng những điệp ngữ và ẩn ngữ. Bài thơ gồm 45 chữ, hai từ bông hoa lặp lại 18 lần, tỷ lệ 45 % ; khổ cuối, tỷ lệ lên 50 %, chưa kể những âm lặp lại, trên 20 từ chỉ có một chữ thắm là không có âm vang vọng lại. Toàn bài thơ làm chúng ta choáng ngợp trong rừng hoa, giữa trăm vạn màu sắc chao đảo trong một vũ trụ ngửa nghiêng và một tấm lòng ngây ngất. Nhưng đồng thời cũng dịu dàng như một nụ hôn, nhẹ nhàng như cánh môi hồng lướt qua trên má thắm.
Tuy nhiên người đọc có thể vấp váp ở những câu :
Nhé yêu anh bây giờ (Anh Muốn, Bóng Chữtr. 19)
Anh đời bến nước tên em mát (Vào Hè, Bóng Chữtr. 28)
Riêng về câu :
Hè thon cong thân nắng cựa mình
(Nụ Xuân, Bóng Chữ tr. 33)
nếu theo cú pháp đơn giản sẽ có :
Hè cong thân nắng, cựa mình thon
Câu thơ thuận tai và thuận... tay hơn, nhưng sẽ mất thi lực và thị lực của hình tượng thon, nghĩa là một phong cách Lê Đạt. Đọc thơ cần mê say, hiểu thơ cần thư thả, đánh giá thơ cần dè dặt. Thà nhầm người hơn nhầm thơ.

*


Một thủ thuật khác trong cú pháp Lê Đạt là ẩn ngữ. Ví dụ trời mênh chim (Quá Em, Bóng Chữ tr.23) thay vì mênh mông, chiếc bài thơ em đội đầu (Cấm Vận, Bóng Chữtr. 39) thay vì chiếc nón bài thơ. Thỉnh thoảng câu thơ hay :
Mùa mưa xưa
lòng chưa tạnh
phố nhau đầu
(Chiều Bích Câu, Bóng Chữ tr. 20)
thay vì chụm đầu vào nhau. Lối lược từ cô đúc câu thơ và cô đọng tình cảm, từ đó lời thơ truyền cảm hơn. Một hình ảnh đẹp :
Đàn dê bỏm bẻm trăng
(Ông Cụ Chăn Dê, Bóng Chữtr. 58)
Lẽ ra phải nói : dưới trăng, trong trăng, nhìn trăng... Bị lược bỏ giới từ, liên từ, hình ảnh sắc bén hơn. Chữ bỏm bẻm, chủ yếu tả động tác nhai trầu, ở đây nhân cách hoá, đàn dê nhai cỏ, và biến vầng trăng thành cái bánh tráng nướng (!) ; Lê Đạt đẩy xa một kỹ thuật đặc biệt của ngôn ngữ thơ. Từ bình minh của thơ nôm, thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã có những ý thơ tân kỳ, nhờ lối lược từ :
Khép cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét sân ngày lệ nóng hoa tan
Phải hiểu là (không) khép cửa (ban) đêm (vì mải) chờ hương (hoa) quế lọt vào. (Không) quét sân (ban) ngày (vì) sợ (làm cho) bóng hoa tan (đi). Nhưng khi chú giải rõ ràng, thì hương thơ và bóng chữ đã tan đi nhiều lắm.
Ca dao :
Đò đông thì sợ chợ trưa
Quán chật thì sợ khi mưa ướt đầu
Phải hiểu là : Nếu chê đò đông thì...Nếu chê quán chật thì... Câu thơ mạnh hơn nhờ lối tỉnh văn, hay lược từ (ellipse) đưa đến chỗ đoạn ngữ (anacoluthe) người xưa vẫn dùng. Trong thơ Lê Đạt lối lược từ thường tạo ra cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng, mất mát, ví dụ khi anh kết luận đời mình :
Đời tốc hành
một ga xanh sót lại
Một góc tuổi mải tàu
thơ dại mãi
Tìm nhà quên mất số lớn khôn
(Khuyết Điểm, Bóng Chữ tr. 6)
Câu thơ chông chênh, vừa thiếu vừa thừa, khập khễnh, dùng dằng, như kiếp sống. Có chút gì đó vướng víu vấp váp trong tâm trạng vừa nuối tiếc vừa bất cần. Thơ Lê Đạt và đời Lê Đạt là dòng sông u hoài, thương hoài ngàn năm những bến thượng nguồn không kịp theo trăng về biển cả.
 

*


Chuộc tuổi
Thuở ấy tôi rất già
Mở miệng
khuôn tổ tiên rập nói
Tôi bán khoán cửa
chùa Quán Ngữ
Lời chuộc tuổi mình
Nói thật khai sinh
(Bóng Chữtr. 122)
Bài thơ ngắn cô đúc trọn vẹn nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật của Lê Đạt. Chữ trung tâm đạt nhất và đắc nhất là Quán Ngữ , “ cõng ” cả bài thơ, nói theo kiểu Nguyễn Tuân khi bàn về thơ Tú Xương. Hà Nội có ngôi chùa lừng danh là chùa Quán Sứ, gần với chữ “ quán ngữ ”. Quán ngữ là những cụm từ ta quen dùng, theo tập quán, mà không cần hiểu nghĩa một cách tách bạch, ví dụ như : chợ búa, chuyện trò, áo xống, nước nôi, ăn ốc nói mò, già kén kẹn hom... Hoặc buôn thần bán thánh, bán trời không văn tự. Do đó Lê Đạt mới đòi bán khoán cửa chùa. Và chùa đây là “ quán ngữ ”, cửa hàng mua bán ngôn ngữ thông dụng hằng ngày, đã sáo mòn, không còn chức năng nghệ thuật. Nó như con dao đã cùn, mà nhà thơ muốn mài đi liếc lại cho sắc, cho bén. Trong tuyên ngôn Nhân Con Ngựa Gỗ, anh đã viết : nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “ tiêu dùng ” nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ bài thơ (Bóng Chữ tr. 50). Trong bài viết này, tôi đã cố chứng minh cụ thể bằng thơ Lê Đạt, những lý thuyết mà anh đã trình bày. Và câu thơ bán khoán cửa chùa Quán Ngữ là một ví dụ tiêu biểu.
Toàn thể bài thơ, đồng quy về ý trung tâm ấy. Thuở ấy tôi rất già : từ lúc học nói, ta đã phải học một ngôn ngữ già, trong khuôn tổ tiên rập nói. Làm thơ là chuộc tuổichuộc lại một ngôn ngữ khai sinh. Những âm vang u ơ, ú ớ, í ới mai mối cho mối tình đầu, là những lời Tỏ Tình đầu tiên với trần gian :
Lòng mới ngỏ yêu
tim ngọng nói
Lời tỏ tình chưa sáng sõi bình minh
(Tỏ Tình, Bóng Chữ tr. 35)
Thời kỳ Thơ Mới (1930-1945) người ta đã dùng hình tượng “ bình cũ rượu mới ”, ngày nay không ý nghĩa bao nhiêu. Người làm thơ ngày nay không còn hài lòng với hình ảnh thơ rượu, rượu thơ, làm để người đọc tiêu thụ nhâm nha. Họ đòi hỏi con chữ phải có sự sống riêng, tách rời khỏi những từ điển và mẹo luật văn phạm, như nàng Giáng Kiều trong truyện Bích Câu, đã bước ra khỏi bức tranh để thành hiện thực. Thơ là người đẹp vỏ chữ bước ra (Chiều Bích Câu,Bóng Chữ tr. 13) bỏ lại sau lưng ngôn ngữ thường ngày, câu chữ thực dụng như những vỏ từ phơi bãi nhớ (Seferis, Bóng Chữ, tr.107). Người đọc còn lạ lẫm với lối thơ Lê Đạt vì chính thơ anh còn là những chữ lạ hơi nhà (Seferis, Bóng Chữ tr. 107) trong một văn phạm ngày còn ngái mộng (René Char, Bóng Chữ tr. 108). Đọc thơ hay cũng khó như là làm thơ hay, có khi còn khó hơn, như trò chơi câu đối : ra câu đối dễ hơn là đối lại. Câu thơ phải tạo được âm vang giữa lòng người đọc, mới thành thơ ý chưa nói đến thơ hay. Thơ khác văn xuôi ở chỗ : trong văn xuôi, tác giả là chủ, độc giả là khách ; trong thơ cả tác giả và độc giả đều là chủ, bình đẳng trước tác phẩm. Thậm chí người đọc có khi trở thành chủ, tác giả trở thành khách, trong tinh thần bác đến chơi đây ta với ta. Ai là khách ai là chủ, đều phải biết tương liên tương kính, may ra sẽ tương đắc. Ngoài tinh thần đó sẽ không có thơ. Câu thơ thành hình trong tâm trí tác giả, khai sinh trên trang giấy, nhưng lớn lên và trưởng thành trong lòng người đọc. Và người đọc hẳn phải siêng năng, có lòng thành, và nhất là biết chờ : mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ (Chiều Bích Câu, Bóng Chữ, tr.13)
Trong lối chơi chữ, Lê Đạt thường dùng chữ tầm xuân, tầm xanh. Và nhất là tầm duyên, đối lập với viễn dương. Chữ Viễn dương chỉ những con tàu thuỷ lớn vốn thông dụng trong ngành hàng hải. Còn tầm duyên là tàu đi ven biển, dọc theo bờ duyên hải. Không thấy chữ này trong Từ Điển Tiếng Việt (1988), có lẽ do tác giả sáng chế : Làm thuỷ thủ tầm duyên vùng biển (Thuỷ Thủ, Bóng Chữtr. 40). Nhưng “ duyên ” đây là duyên hải, mà còn là căn duyên, nhân duyên, theo nghĩa tình cảm hay sách nhà Phật, chỉ những liên hệ tiền định, bên ngoài các hoàn cảnh hay quy luật duy lý. Thơ là một cơ duyên, làm thơ là truy tầm cơ duyên đó. Đọc thơ, gặp thơ, yêu thơ cũng là duyên ý có khi còn là nợ, là nghiệp chướng. Người đời ví thi nhân với kiếp tằm, Lê Đạt tự xem mình như một lá dâu, còn lại trơ gân, xác xơ thân xác.

*


Thơ Việt Nam, hai mươi năm qua đã hành trình qua sa mạc. Trên báo chí, trong sách xuất bản, đã có rất nhiều văn vần, và thỉnh thoảng cũng có câu hay, bài hay. Nhưng phần nhiều, đó là những câu nói khéo, những lời nói đẹp, những ý hay được diễn ca thành vần thành điệu và những hình ảnh hoa mỹ. Thỉnh thoảng có những câu thơ bài thơ hay nhưng chưa làm nên được nền thơ. Có nhiều tác giả mà không mấy tác gia.
Lý do thì nhiều lắm : từ chủ nghĩa giáo điều, hiện thực đại chúng ngự trị lâu nay, đến chủ nghĩa thực dụng, duy dụng đang khuynh loát tư tưởng Việt Nam. Từ xã hội Khổng giáo, văn hoá Việt Nam chuyển mình sang mác xít, từ lý tưởng “ ăn không cầu no ”, Việt Nam đã quá độ lên lý tưởng “ ăn chỉ cầu no ”.
Cái đói nó gói cái khôn. Nghệ thuật gói ghém của ta vốn tinh vi đã ngàn năm. Từ nỗi nghèo thân xác, ta chuyển mình lên cái nghèo của tinh thần, của tâm linh. Cái nghèo vốn có khả năng tự nuôi lấy mình, tự cung tự cấp rồi dần dần tự ái tự mãn. Ít có thơ hay, vì thiếu phê bình nghiêm chỉnh về thơ, thiếu sách giáo khoa đứng đắn về thơ. Ta băn khoăn : Được bao nhiêu thanh niên, sinh viên 15 hay 20 tuổi ngày nay, còn khả năng thưởng thức một câu thơ hay ? Lỗi có phải tại họ hay không ?
Lê Đạt có nói : “ Chúng ta đã mấp mé thế kỷ XXI mà tư duy nhiều khi còn nấn ná ở thế kỷ XIX hay nửa đầu thế kỷ XX ” (Báo Văn Nghệ, 1-4-1995). Tư duy đã vậy, còn mỹ cảm ? Nguyễn Khuyến, Tản Đà sống lại ngày nay, liệu có còn làm được những câu thơ trong sáng, đằm thắm như xưa ? Còn những Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm ?
Giữa sa mạc mênh mông kia, may ra còn dăm mười ốc đảo, từ tác phẩm một số nhà thơ trong đó có nhiều người cao tuổi, như Lê Đạt : Sung sướng thay những nhà văn nhà thơ không già vì suốt đời dám lựa chọn những con đường nhỏ, ít người đi (bài đã dẫn).
Lê Đạt không có tham vọng, và có lẽ cũng không có khả năng làm mới thi ca. Tập thơ Bóng Chữ là một cách nói, có phần lạ tai để buộc người đọc suy nghĩ lại về bản chất, về chức năng của ngôn ngữ thi ca. Thơ Lê Đạt chỉ lạ mà không mới – ít nhất là không mới đối với tôi. Vì dù muốn dù không, con người chỉ có thể làm thơ được với tâm hồn mình. Mà tâm hồn thì già với tuổi tác, với kiến thức và kinh nghiệm sống. Lê Đạt đòi chuộc tuổi, chỉ là cách nói dối già : con người chuộc tội mà không ai chuộc tuổi. Ta thường nghe : Rimbaud, Xuân Diệu, Thanh Tâm Tuyền làm mới thi ca vì họ sáng tác thành công và thành danh ở tuổi mười lăm hai mươi. Văn ba mươi tuổi đang xoan, thơ ba mươi tuổi đã toan về già.
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích, Hàn Mặc Tử nói thế. Chỗ mạnh trong thơ Lê Đạt ở trong kiến thức, trong “ điển cố ” anh sử dụng – mà tôi đã lý giải. Có người trách anh làm thơ “ đố chữ ”, “ chơi chữ ” ; kỳ thật nhờ trò chơi này mà anh gần với độc giả, ít nữa là một số độc giả nào đó. Những điển cố nói trên – từ Đào Tiềm qua Nerval đến Trịnh Công Sơn – là cái phần gia tài, phần hương lửa chung mà người đọc chia sẻ với nhà thơ.
Đọc thơ Lê Đạt lý thú. Nhưng niềm lý thú của người này là giới hạn của người kia. Người vui thích vì hiểu ý Lê Đạt, vui vì tự thấy mình thông minh thông thái, vui như cậu học trò tìm giải đáp một bài toán khó, chứ chưa phải là niềm hạnh phúc hồn nhiên và bất ngờ trong mối tơ duyên kỳ ngộ. Lê Đạt làm thơ tầm duyên: đã duyên sao lại phải tầm?
Chúng tôi hoan nghênh việc làm của Lê Đạt vì anh đã vận dụng cả vốn sống, vốn kiến thức để đặt lại vấn đề ngôn ngữ thi ca trên hai mặt lý thuyết trừu tượng và trước tác cụ thể. Anh gây suy nghĩ cho những người trẻ. Họ có thể, họ sẽ làm thơ khác anh, mới hơn anh, hay hơn anh. Tôi nghĩ đó là kỳ vọng của Lê Đạt khi làm thơ cho mình và mở đường cho người.
Tôi tin điều đó nên mới viết bài này để giới thiệu Lê Đạt, một tâm hồn cao đẹp, qua những bóng chữ trang nhã.

Đặng Tiến

3-5-1995
Các thao tác trên Tài liệu
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét