NHẬT BẢN VÀ BIỂN ĐÔNG



Tin tức / Việt Nam

Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông

Máy bay trinh sát P3C của Nhật Bản cất cánh từ một căn cứ không quân.
Máy bay trinh sát P3C của Nhật Bản cất cánh từ một căn cứ không quân.

Tin liên hệ

Một cuộc diễn tập hải quân quy mô nhỏ tại Philippines trong tuần này có thể báo hiệu một sự kiện quan trọng, đó là sự tham gia của Nhật Bản vào cuộc tranh chấp giành quyền kiểm soát Biển Đông.
Hãng tin AP hôm 23/6 tường thuật rằng tham gia cuộc diễn tập với Philippines, có một máy bay trinh sát P-3C và khoảng 20 binh sĩ Nhật.
Cuộc diễn tập diễn ra ở ngoài khơi đảo Palawan, một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, không xa các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Philippines và Trung Quốc.
Trong khi máy bay P-3C được dùng cho cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn, máy bay này cũng là một công cụ hùng hậu của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản, được sử dụng trong các phi vụ theo dõi. Theo AP, máy bay trinh sát của Nhật có thể giúp Hoa Kỳ theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.
Hãng tin AP trích lời ông Narushige Michishita, một chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nói rằng trong tương lai, “chúng ta sẽ chứng kiến Nhật Bản tham gia các phi vụ trinh sát trện Biển Đông, cùng hợp tác với Hoa Kỳ, Australia, Philippines và các nước khác”.
Một nhà phân tích an ninh thuộc đại học Freie ở Berlin, Corey Wallace, nhận định rằng chính phủ đương nhiệm ở Nhật Bản đang thiết lập sẵn những cơ chế về pháp lý và quân sự cần thiết để chuẩn bị cho tình huống Nhật Bản có thể can dự trực tiếp vào tình hình Biển Đông.
Nhà phân tích này cho rằng với hành động mới nhất, Nhật Bản dường như muốn ra hiệu cho thấy sự nghiêm túc của chính phủ nước này trong việc cân nhắc một quyết định chung cuộc về vai trò của họ trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông trong những tháng ngày sắp tới.
Nếu xảy ra, động thái này sẽ tăng căng thẳng với Trung Quốc, vốn đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền của các hòn đảo trong biển Hoa Đông, xa hơn về hướng Bắc.
Bản tin cho rằng trong nội bộ Nhật Bản, động thái đó cũng sẽ bị chống đối bởi những người tin rằng quân đội Nhật Bản nên tránh can dự vào các cuộc tranh chấp ở nước ngoài.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng đã bày tỏ quan ngại về cuộc diễn tập Mỹ-Phi. Ông nói Trung Quốc hy vọng “các bên không cố tình gây thêm căng thẳng, mà nên đóng góp cho hoà bình ổn định khu vực, thay vì làm ngược lại’.
Phát biểu tại Tokyo trong một chuyến đi thăm Nhật Bản mới đây, tân Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, hoan nghênh việc Nhật Bản sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn để bảo vệ an ninh khu vực, trong bối cảnh Washington trông đợi sự tiếp tay của Nhật Bản, Australia và các đồng minh khác để đối đầu với thách thức của Bắc Kinh, muốn giành thế thượng phong của hải quân Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.
Trong khi đó chưa có dấu hiệu gì là những căng thẳng trong cuộc tranh chấp Biển Đông đang được xoa dịu, giữa lúc Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây các phi đạo trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết xây cất trong vùng biển tranh chấp. Trang mạng Focustaiwan của Đài Loan dẫn nguồn tin từ một nhật báo ở Hong Kong nói Bắc Kinh có thể triển khai các chiến đấu cơ J-11 tới các đảo tân tạo ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Một phúc trình ngày 21 tháng 6 đăng trên tờ South China Morning Post tường thuật rằng động thái này nếu được tiến hành, sẽ nới rộng đáng kể phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc tới những khu vực cách xa căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Phúc trình này nói thêm rằng các phi cơ J-11, do Trung Quốc chế tạo dựa trên thiết kế của chiếc Su-27 của Nga, không phải là đối thủ của máy bay hiện đại của không quân Hoa Kỳ.
Ông David Tsui, một chuyên gia quân sự tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, nói rằng không như máy bay J-15 hiện đại hơn, máy bay J-11 chỉ có thể được sử dụng để bảo vệ 7 hòn đảo mới trong Biển Đông, nhưng không đủ khả năng để chống chọi với các chiến đấu cơ F-22 và F-35 mà Hoa Kỳ đang sử dụng. Ông Tsui nói Bắc Kinh biết rằng nếu họ dùng vũ lực để tìm cách giải quyết các cuộc tranh chấp trong Biển Đông, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ra tay can thiệp.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy là cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã được quốc tế hoá, tờ The Diplomat hôm nay đăng một bài báo mang tựa đề ‘Biển Đông cần tới Nam Triều Tiên’, bài báo phân tích vì sao Seoul không thể khoanh tay đứng yên trước tình hình Biển Đông được nữa.
Tác giả bài viết nói rằng các giới chức Mỹ mới đây kêu gọi Nam Triều Tiên hãy đóng một vai trò trong Biển Đông, dựa trên lập luận là Nam Triều Tiên có quyền lợi gắn liền với khu vực này, và đây là một cơ hội, cũng như một nghĩa vụ của Seoul, phải đóng góp để duy trì ổn định trong khu vực, chống đối những hành động dùng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Theo AP, Japan Times, Focus Taiwan.

http://www.voatiengviet.com/content/nhat-ban-co-the-dong-vai-tro-lon-hon-trong-tranh-chap-bien-dong/2835274.html

 Nhật trở lại Biển Đông, VN nên làm gì?

  • 16 tháng 5 2015

Các tàu của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đang rời căn cứ hải quân Sasebo thuộc khu vực Nagasaki.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự trỗi dậy của Nhật Bản ở Đông Á đã gây ra những xáo trộn mạnh về chủ quyền trên Biển Đông.
Thực trạng lúc đó là Trung Quốc chỉ kiểm soát 2 trong số 4 cụm đảo: Đông Sa (Pratas) và Trung Sa. Nhà Nguyễn Việt Nam thực thi chủ quyền ở Trường Sa (Spartly) và Hoàng Sa (Paracel) suốt một thời gian dài nhưng bị gián đoạn bởi sự xâm lược quân sự của Pháp.
Nhà Thanh thất bại nặng trong chiến tranh với Nhật Bản vào năm 1894, buộc phải ký Hòa ước Mã Quan (còn gọi là Hòa ước Shimonoseki). Hòa ước giao chủ quyền của đảo Đài Loan và Bành Hồ cho phía Nhật Bản, chưa kể nhiều nhượng bộ khác. Lãnh hải bị thu hẹp nghiêm trọng, người Trung Hoa bắt đầu lo sợ trước sự bành trướng của hải quân Nhật Bản.
Đầu thế kỷ XX, hoạt động của người Nhật ở vùng biển phía nam Trung Hoa ngày càng nhiều, cả dân sự lẫn quân sự, có lúc dẫn đến tranh chấp ở Đông Sa của Trung Hoa. Các tàu cá của Nhật đánh bắt ở Trường Sa và Hoàng Sa ngày càng nhiều.

Các chuỗi sự kiện này đã đánh động chính quyền Trung Hoa tìm cách ngăn chặn những xâm lấn tiếp theo của Nhật Bản, dẫn tới việc tuyên bố chủ quyền một cách vội vã và thiếu cơ sở pháp lý trên quần đảo Hoàng Sa của Đại Nam vào năm 1909.

Tranh chấp tay ba

Các hoạt động kinh tế của Nhật trên một số đảo ở Trường Sa- Hoàng Sa sau đó đã khiến cho vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trở thành cuộc tranh chấp tay ba giữa Pháp (đại diện cho quyền lợi của Đại Nam) – Trung Hoa Dân Quốc – Nhật Bản.
Từ năm 1938 cho đến năm 1945, Nhật Bản từng bước tiến hành chiếm đóng và kiểm soát toàn bộ các cụm đảo nổi trên Biển Đông: Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa, Trường Sa được sát nhập vào Đài Loan thuộc Nhật. Việc kiểm soát các cụm đảo này chấm dứt sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vào năm 1945.
Việc giải quyết các vấn đề hậu chiến của Nhật Bản lại châm ngòi cho những tranh chấp trên Biển Đông giai đoạn tiếp theo. Tại hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật Bản chính thức tuyên bố “khước từ mọi chủ quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” nhưng lại không chỉ đích danh ai là người kế thừa chủ quyền - một sự cố tình lảng tránh nếu so sánh với sự cẩn thận của Nhật Bản khi giải quyết vấn đề chủ quyền đối với Formosa (Đài Loan), quần đảo Kurils và Sakhalin.

null
Tàu USS Blue Ridge (LCC-19) của Hải quân Hoa Kỳ vừa hiện diện ở Nhật Bản vào cuối tháng 3/2015.
Sự nghi ngờ này là có cơ sở khi chỉ 7 tháng sau hội nghị San Francisco, Nhật Bản và Đài Loan ký với nhau một hiệp ước hòa bình riêng rẽ, trong đó khoản 2 mặc nhiên công nhận hai quần đảo trên thuộc chủ quyền của Đài Loan, đồng nghĩa với việc chối bỏ chủ quyền được đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố công khai tại hội nghị San Francisco.
Vì lý do này nên về sau, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc cùng nhiều nước khác đã lợi dụng sự vắng mặt của mình trong hội nghị San Francisco và sự thiếu minh bạch trong tuyên bố của Nhật Bản để diễn giải theo hướng có lợi cho các hoạt động xâm lấn và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Từ đó tới nay Nhật Bản không có tuyên bố nào giải thích lại quan điểm về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Tất nhiên Nhật Bản không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những xung đột quân sự và ngoại giao diễn ra về sau ở khu vực này. Nói một cách công bằng, đó là sản phẩm lịch sử của các mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau cũng như giữa các nước lớn với các đồng minh.

Nhật - Mỹ cùng trở lại


Tranh chấp về chủ quyền các đảo nhỏ ở Biển Đông hiện nay giữa 6 nước, mà nổi bật là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang dẫn tới một tình huống rủi ro chưa từng có tiền lệ cho an ninh thương mại toàn cầu. Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay là việc thách thức một cách khéo léo luật pháp quốc tế thông qua việc xâm lấn có định hướng, chậm rãi nhưng kiên quyết, lãnh thổ của các nước láng giềng, tương tự như cách Nga đang can thiệp vào Ukraine hiện nay. Các cuộc xâm lấn “mini” không tuyên chiến này đang là lựa chọn hiệu quả để đối phó với áp lực từ quốc tế. Rõ ràng, các nước lớn có trách nhiệm không thể liều lĩnh đặt quyền lợi quốc gia của mình vào chỗ nguy hiểm chỉ vì một bãi đá ngầm của một nước khác hay vì việc đơn phương cải tạo đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington không thể chỉ bất động nhìn Bắc Kinh xói mòn dần trật tự thế giới hiện nay.
Rút lui dần sự can dự tại Trung Đông và châu Âu để dồn sức mạnh sang Đông Á, trọng tâm của chính sách xoay trục rõ ràng nhắm vào việc củng cố vị trí số một của Mỹ tại Thái Bình Dương, vốn đang bị lung lay với sự trỗi dậy mọi mặt của Trung Quốc. Bắc Kinh có xu hướng đánh giá sự tăng cường hoạt động của Mỹ tại Đông Á là hành động nhằm kìm hãm họ và rõ ràng là Trung Quốc có thể tiến hành trã đũa. Vì vậy, có thể nhận thấy Mỹ đang rất mạo hiểm để can thiệp vào tình hình ở biến Đông hiện nay nếu thiếu những phương án hiệu quả.
Nhìn tổng thể, Mỹ đang thực hiện những tham vọng lớn lao. Hai hiệp định tự do thương mại xuyên lục địa như TTIP (Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại tây dương) và TTP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) được dự đoán gây suy giảm tương đối ưu thế kinh tế của Trung Quốc. Mỹ đang quay trở lại với các đồng minh cũ và tìm kiếm thêm các đồng minh mới trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với trọng tâm là quan hệ Mỹ - Nhật.
Sau khi thông qua nghị quyết lịch sử giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp hồi đầu tháng 7-2014, Nhật Bản cũng đang tăng tốc quá trình thay đổi luật định để mở rộng hơn nữa khung pháp lý cho hoạt động Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF). Mục đích chính của quá trình cởi bỏ khỏi những ràng buộc pháp lý từ thời kỳ chiếm đóng của Mỹ sau thế chiến thứ hai không nằm ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh một cách hiệu quả hơn với Mỹ trong môi trường chính trị mới ở Đông Á.

null
Tàu Izumo có bãi đáp cho phi cơ với chiều dài 250 mét lần đầu tiên được ra mắt ở Yokohama, mạn nam Tokyo vào đầu tháng 8/2013.

Cơ sở mới về mặt pháp lý cho phép Nhật Bản hỗ trợ Mỹ trong bất cứ xung đột quân sự nào theo nghĩa vụ phòng vệ tập thể, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nhật Bản triển khai quân đội ở nước ngoài nếu nhận thức thấy quyền lợi quốc gia bị đe dọa. Theo đó, việc quân đội Nhật thường xuyên xuất hiện trong khu vực Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Bộ trưởng quốc phòng Nhật cũng đã có những phát biểu tuyên bố về lợi ích và an ninh quốc gia của Nhật tại Biển Đông, đồng thời hưởng ứng đề xuất của Mỹ về các cuộc tuần tra hỗn hợp trên không và trên biển tại khu vực này. Nhật Bản sẽ góp phần dàn xếp những di sản lịch sử do chính mình để lại.
Vị thế mới sắp tới của Nhật Bản sẽ tác động lớn đến chính sách ngoại giao của nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương, báo hiệu sự chấm dứt của thời kỳ “người khổng lồ về kinh tế nhưng là anh lùn về chính trị” của Nhật Bản.

VN trước sóng lớn

Sở hữu vị trí địa- chiến lược quan trọng, năng lực quốc phòng được đánh giá cao và tiềm năng kinh tế lớn, Việt Nam tạm thời có nhiều lựa chọn khi quan hệ với các cường quốc.
Việt Nam đang duy trì phương châm nhất quán trong chính sách quốc phòng là không tham gia vào các liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Điều đó không đồng nghĩa rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn trung lập. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Việt Nam chỉ đang cố gắng giữ cân bằng tam giác quyền lực Mỹ- Trung- Nga để bảo vệ chủ quyền, gìn giữ hòa bình và tìm một lối ra cho cách phát triển riêng của mình.

Sự xuất hiện trở lại của lực lượng quân sự Nhật Bản ở khu vực Đông Á sẽ khiến cho tam giác trên bị mất cân đối bởi xét về sức mạnh tổng hợp, Nhật Bản không hề thua kém Trung Quốc. Liên kết với Mỹ dự đoán sẽ sớm quay lại là chủ lưu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ít nhất là trong 1,2 thập niên tới đây. Đáp lại, Trung Quốc khả năng cao sẽ kiên trì phương án đưa chiến tranh ra càng xa đại lục càng tốt bằng cách đổ nhân lực, thiết bị và khí tài xuống Biển Đông. Về kinh tế, những chồng lấn giữa dự định “Một vành đai- một con đường” của Trung Quốc và chính sách xoay trục của Mỹ cũng sẽ tạo ra nhiều bất ổn chưa thể dự đoán hết ở tầm khu vực.
Ngay khi Trung Quốc bắt đầu cảm nhận rõ những tổn thương về chính trị và kinh tế gây ra bởi chính sách xoay trục của Mỹ, nước này có khả năng sẽ tìm cách trói buộc chặt hơn Việt Nam trong sự kiềm tỏa của mình, hoặc sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam có một mối quan hệ bình đẳng hơn với Trung Quốc. Tình hình Biển Đông sẽ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng Mỹ không phải không có phương án khác ngoài việc tăng cường quan hệ với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc một khi đã có Nhật yểm trợ ở Đông Nam Á. Việt Nam chỉ là một lựa chọn khả dĩ trong mục tiêu toàn cầu của Mỹ. Vì vậy vấn đề thời cơ rất quan trọng. Bài học vào năm 1978 vẫn còn rất nhiều giá trị tham khảo cho quan hệ giữa hai bên hiện nay.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành sử quốc tế tại Bỉ.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét