Tin của VnEx và những bổ sung tiếp theo.
---
3.
Ồ ạt săn quỹ đất quanh sân bay Long Thành
Thứ sáu, 26/6/2015 | 15:58 GMT+7
Không chờ đến lúc chủ trương xây dựng siêu dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, hàng trăm hecta đất gần khu vực dự kiến xây sân bay đã được nhiều chủ đầu tư chuẩn bị sẵn từ khá sớm để đợi đón "sóng" lớn.
Khảo sát của VnExpress, cách sân bay quốc tế Long Thành từ vài km đến 30 km có hàng chục doanh nghiệp chạy đua săn cơ hội ở vùng đất hứa này. Quy mô các dự án khá đa dạng, từ nhỏ, trung bình đến lớn và cực lớn đều đã xuất hiện khá dày đặc.
Cụ thể, cách sân bay tương lai 2-3km, tại huyện Long Thành đã lộ diện quỹ đất của hàng loạt dự án: Ruby Town (1,6 ha), Blue Topaz (4,5 ha), Aquamarine Town (20 ha), Victoria City (50 ha). Xa hơn 5-7 km có Long Thành Center (7 ha), Thung Lũng Xanh (45 ha). Ở phường Tam Phước, Biên Hòa, Tập đoàn Tín Nghĩa và Công ty Phú Tín đã chuẩn bị quỹ đất quy mô trên 50 hecta, dự kiến triển khai thành hai giai đoạn.
Cách sân bay Long Thành khoảng 9 km, huyện Nhơn Trạch còn xuất hiện dự án Sunflower City có quy mô lên đến 150 hecta. Chủ đầu tư dự án này đã xây dựng thí điểm nhà ở cho chuyên gia thuê, từ quý II/2015 bắt đầu xây nhà nhắm đến đối tượng khách hàng là công nhân. Cùng trên địa bàn huyện này còn có dự án khá lớn là Detaco Nhơn Trạch, quy mô 47 ha cũng đã sẵn sàng quỹ đất cho cuộc đua sắp tới.
Trong khi đó, khu vực có bán kính cách sân bay quốc tế 10-30km lại bùng nổ dự án quy mô lớn do các đại gia cầm trịch. Địa ốc Khang Điền chuẩn bị chuỗi dự án Mega lên đến 70 hecta dọc theo trục đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra còn có hàng loạt dự án: Six Sense 55 ha, Khu dân cư Tam An 36 ha, Khu dân cư Thống Nhất 34 ha, Khu dân cư Long Tân và Điền Phước 100 hecta. Đình đám nhất phải kể đến Đại Phước có quy mô lên tới hơn 400 ha.
Bảng quảng cáo bất động sản ăn theo dự án sân bay Long Thành được treo khắp nơi ở Đồng Nai. Ảnh: NB |
Phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long Real, Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, không chỉ có cuộc đua của các doanh nghiệp và đại gia địa ốc tranh nhau quỹ đất để nắm trước cơ hội, mà ngay cả nhà đầu tư cá nhân cũng không đứng ngoài cuộc. "Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều trường hợp nhà đầu tư tích cực săn lùng quỹ đất riêng lẻ trong các khu dân cư huyện Long Thành trong 3 tháng nay", ông Tuấn Anh tiết lộ.
Theo chuyên gia này, sân bay quốc tế Long Thành như một thỏi nam châm lớn có sức hút lan rộng trong bán kính từ vài km đến 30km. Hiện nay chỉ là giai đoạn khởi động ban đầu nhưng làn sóng săn lùng quỹ đất đã nóng sốt nhiều lần và gần như ngã ngũ. Các vị trí đẹp, chiến lược đều đã có chủ. Tuy nhiên, khoảng cách sẽ không là trở ngại đối với cuộc đua này một khi hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện.
"Cơ hội chia đều cho tất cả, các dự án tại huyện Long Thành nằm ngay nách sân bay quốc tế tất nhiên có lợi thế rất lớn nhưng hàng loạt những dự án tại Nhơn Trạch, Biên Hòa và cả TP HCM cũng có những ưu điểm riêng", ông Tuấn Anh đánh giá.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Thăng Long Real khuyến cáo, có quỹ đất tất nhiên nắm được 60-70% cơ hội nhưng 30-40% còn lại chính là thách thức. Bởi lẽ, đây là cuộc đua đường trường, thách thức về nguồn vốn dài hạn, năng lực triển khai cũng như thời gian dự án từ trong kế hoạch bước ra hiện thực là rất lớn. "Có quỹ đất kết nối tốt với sân bay Long Thành xem như đã cầm vàng trong tay, nhưng có bỏ được vào túi hay không nằm ở việc doanh nghiệp vượt qua các thách thức như thế nào", vị này nhận định.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc hoạt động tại địa bàn tỉnh Đồng Nai nhận xét, phần lớn những nhà đầu tư bất động sản (chủ thể là công ty kinh doanh bất động sản) đã cẩn trọng hơn khi sàng lọc thông tin quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành.
Điều kiện cần và đủ để nhập cuộc đua tranh quỹ đất này là các doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa, xác định ngay từ đầu đây là sân chơi chỉ dành cho đơn vị có nguồn lực tài chính dài hạn. "Những cơn sốt, làn sóng ngầm săn lùng đất dự án gần sân bay Long Thành chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thành hay bại trong cuộc đua này không phải giai đoạn xếp bàn cờ đánh từ đầu mà là điều phối cờ tàn ra sao", ông nói.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPTS, trong bán kính dưới 40km đã có 15 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết có dự án trong khu vực gần với sân bay Long Thành - Nguồn: FPTS |
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Xây sân bay quốc tế Long Thành sẽ mang lại nhiều thời cơ lớn chưa từng có cho thị trường bất động sản xung quanh địa bàn này. Nhưng bức tranh không chỉ có màu hồng bởi thách thức cũng vô cùng to lớn".
Ông Nghĩa đặc biệt quan tâm đến những chướng ngại vật mà các doanh nghiệp bất động sản sẽ đối mặt trong tương lai. Thứ nhất, doanh nghiệp phải đủ trường vốn để theo đuổi và thực hiện các dự án này trong vài thập niên.
Quy mô của những dự án đòi hỏi phải đủ lớn, được quy hoạch bài bản, hiện đại đủ sức phục vụ cho những siêu đô thị tương lai. Những dự án nhỏ có thể không tìm được nhiều cơ hội thành công do quy mô không xứng tầm với vị thế sân bay quốc tế Long Thành. Những chủ đầu tư chỉ có quỹ đất dăm ba hecta sẽ bị lép vế và mất nhiều lợi thế so với những dự án quy mô hàng chục thậm chí hàng trăm hecta. Bởi lẽ quy mô nhỏ không thuận lợi trong việc tiết kiệm chi phí.
Thứ hai, chiến lược hội nhập của Chính phủ cần phải phù hợp với bối cảnh của sân bay Long Thành. Điều này tương ứng chính sách đầu tư phải vừa hấp dẫn vừa lôi kéo những chủ đầu tư mới và các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào đây.
Thứ ba, Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ tư vấn và dự báo xu hướng bất động sản trong khu vực và thế giới, nhìn rộng ra bên ngoài, ước tính được các khả năng dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam, đồng thời đánh giá được khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đối với siêu dự án này.
Một thách thức quan trọng nữa, theo ông Nghĩa, là ai sẽ trở thành nhà quản trị, khai thác, vận hành sân bay Long Thành trong tương lai. Việc vận hành tốt một siêu dự án như sân bay quốc tế này sẽ là yếu tố quyết định sự thành công cũng như tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư vào đây. Thêm nữa, những dự án siêu đô thị xung quanh sân bay quốc tế Long Thành có phát triển đồng bộ và cộng hưởng với sự phát triển chung của khu vực Đông Nam Bộ hay không? Thách thức về năng lực của ngành dịch vụ nhằm phục vụ cho sân bay quy mô lớn chưa từng có tại Việt Nam cũng sẽ không hề nhỏ.
Tiến hành khảo sát một cách khá bài bản về sức ảnh hưởng của dự án sân bay quốc tế Long Thành, Công ty Chứng khoán FPTS nhận định, sự xuất hiện của dự án đang giúp thị trường bất động sản Đồng Nai chuyển biến tích cực hơn do Đồng Nai có vị thế tiếp giáp quận 9, Thủ Đức, Bình Dương và là cửa ngõ tiến ra biển nên được hỗ trợ nhiều về cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển về phía Đông của TP HCM.
Theo khảo sát, nhiều dự án được quảng bá rầm rộ, mở bán, giới thiệu căn hộ mẫu, giá nhà đất tại đây đang có sự biến động mạnh… Nếu như trước đây, các sản phẩm bất động sản trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu tập trung vào công nghiệp, đất nền thì giờ đây các khu đô thị, khu dân cư, resort, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, sân golf…bắt đầu nảy nở.
Cú hích từ sân bay Long Thành đã kích thích dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường bất động sản Đồng Nai. Ngay cả những dự án “đắp chiếu” thời gian dài trước đây khi thị trường bất động sản chung đóng băng cũng đang có cơ hội hồi sinh. Nhiều chủ đầu tư tái cấu trúc tài chính, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài để tái triển khai dự án. Những doanh nghiệp nào đang có quỹ đất gần với sân bay Long Thành sẽ là lợi thế lớn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo chuyên viên tư vấn đầu tư FPTS Ngô Quang Thắng, không phải doanh nghiệp nào cứ nắm giữ quỹ đất gần sân bay Long Thành là sẽ thành công vì sự thành công của mỗi dự án bất động sản phụ thuộc rất lớn vào năng lực triển khai của từng chủ đầu tư như: chính sách bán hàng, sức mạnh tài chính, quy hoạch dự án, đầu tư xây dựng…
Hơn nữa, sân bay Long Thành hiện mới chỉ được thông qua về mặt chủ trương, quy hoạch, cũng phải mất một thời gian ít nhất vài năm nữa thì dự án cũng như cơ sở hạ tầng xung quanh sân bay mới hình thành. Trong lúc đó nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng có thể biến động khó lường ảnh hưởng lớn đến các dự án.
Vũ Lê
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/o-at-san-quy-dat-quanh-san-bay-long-thanh-3239561.html2.
Có sân bay Long Thành, nên xóa sổ sân bay Tân Sơn Nhất luôn
26/06/2015 08:25
Tôi cho rằng thông qua dự án Long Thành là chỉ mới giải quyết được một vế, vế còn lại lại phải từng bước khai tử luôn sân bay Tân Sơn Nhất.
Như vậy là cuối cùng thì Quốc hội đã sáng suốt bấm nút thông qua siêu dự án sân bay Long Thành, dù có rất nhiều ý kiến phản biện chân tình có, thọc gậy bánh xe có. Nhưng dù sao thì cuối cùng Quốc hội cũng đã “quyết”. Cái còn lại theo tôi là số phận sân bay Tân Sơn Nhất.
Tôi cho rằng thông qua dự án Long Thành là chỉ mới giải quyết được một vế, vế còn lại lại phải từng bước khai tử luôn sân bay Tân Sơn Nhất. Vì sao như vậy?
Tôi dẫn lại lời phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khi quyết định ủng hộ dự án Long Thành. Ông chỉ một lần đến khảo sát nhà dân chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất mà đã thốt lên rằng không nên mở rộng sân bay này mà nên xây mới sân bay khác ở xa khu dân cư (sân bay Long Thành), vì lý do sân bay Tân Sơn Nhất quá bất tiện. Ông nói ông nhìn thấy từng cái răng cưa của bánh xe khi máy bay bay ngang qua nhà dân. Giữa một đô thị trọng điểm mà như thế thì khó có thể chấp nhận.
|
Nhưng có lẽ tiến sĩ Trần Du Lịch chưa có thời gian tìm hiểu nhiều hơn nên chỉ mới phát biểu ủng hộ sân bay Long Thành mà thôi, chứ chưa nêu ý kiến khai tử luôn sân bay Tân Sơn Nhất. Giá như ông cư trú ở vùng phía bắc và đông bắc sân bay Tân Sơn Nhất, miệt Gò Vấp hay quận 12, Hóc Môn, ông sẽ cảm nhận được sự bất tiện lớn lao của sân bay Tân Sơn Nhất đối với sự phát triển tổng thể TP.HCM.
Sân bay Tân Sơn Nhất như là một cái lô cốt khổng lồ án ngữ ngay giữa rốn TP.HCM, chặn đường lưu thông của toàn bộ khu vực bắc và đông bắc Sài Gòn về khu trung tâm quận 1, quận 3, khiến một vùng rộng lớn bị “lạc hậu hóa” do cản ngại giao thông. Nó cũng tương tự như khu vực quận 2 khi chưa có hầm Thủ Thiêm vậy, không phát triển được dù tiềm năng rất lớn.
Khu bắc và đông bắc Sài Gòn, từ khoảng cách trên 10 km tính từ sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay phần lớn là vùng trồng lúa hoặc cây nông nghiệp ngắn ngày, dân cư xen kẽ thưa thớt, nên việc phát triển đô thị mới rất dễ dàng. Ngoài ra nó có lợi thế về địa lý mà không có vùng nào có được, là con sông Sài Gòn chạy bọc vòng quanh tạo nên một vùng cảnh quan vô cùng xinh đẹp. Nếu phá cái “lô cốt” chặn ngay chỗ “yết hầu” là sân bay Tân Sơn Nhất thì vùng bắc và đông bắc sẽ trở thành một vùng đô thị vô cùng năng động.
Còn nếu không xóa cái lô cốt này?
Ngoài việc ngăn cản sự phát triển đô thị như nói trên, thì việc tồn tại song song 2 sân bay quốc tế với khoảng cách quá gần nhau sẽ gây cản trở cho nhau. Phức tạp về đường bay, hành khách bị san sẻ gây ảnh hưởng cho việc kinh doanh của cả 2 sân bay, làm cho sân bay Long Thành khó thu hồi vốn, lãng phí nhân lực vật lực, lãng phí một khu đất vàng rộng hàng ngàn hécta giữa lòng TP.HCM… Bất tiện rất nhiều thứ không thể liệt kê hết.
Hiện nay, được biết trong dự án xây dựng sân bay Long Thành không có lộ trình hủy bỏ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo tôi đây là một thiếu sót lớn, cần bổ khuyết ngay. Không thể để tồn tại một cái lô cốt khổng lồ ngay giữa lòng TP.HCM như thế khi chúng ta đã có sân bay Long Thành thay thế.
Trần Đình Thu*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một đạo diễn, luật gia sống tại TP.HCM.
>> Dự án sân bay Long Thành chỉ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP
>> Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành
>> Quốc hội thảo luận về dự án sân bay Long Thành: Nhất trí, nhưng còn lo... lãng phí
>> Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình xây dựng sân bay Long Thành
>> Tranh luận nảy lửa về sân bay Long Thành
>> Dự án sân bay Long Thành: Nếu chống được thất thoát thì dân sẽ ủng hộ
>> Bộ GTVT đề nghị xử lý việc đưa thông tin sai về sân bay Long Thành
http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/co-san-bay-long-thanh-nen-xoa-so-san-bay-tan-son-nhat-luon-577980.html>> Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành
>> Quốc hội thảo luận về dự án sân bay Long Thành: Nhất trí, nhưng còn lo... lãng phí
>> Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình xây dựng sân bay Long Thành
>> Tranh luận nảy lửa về sân bay Long Thành
>> Dự án sân bay Long Thành: Nếu chống được thất thoát thì dân sẽ ủng hộ
>> Bộ GTVT đề nghị xử lý việc đưa thông tin sai về sân bay Long Thành
1. Tin của VnEx
Thứ năm, 25/6/2015 | 09:02 GMT+7
Quốc hội thông qua chủ trương xây sân bay Long Thành
Chủ trương xây dựng siêu dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua trong phiên sáng nay.
Trong số 461 đại biểu tham gia bỏ phiếu (chiếm 93% tổng số đại biểu nhiệm kỳ này), có 428 ý kiến tán thành, 17 không đồng ý, 16 bỏ phiếu trống.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến phát biểu tại hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Một số ý kiến còn đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào khai thác.
Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: ACV |
Tuy vậy, đại biểu yêu cầu tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư. Ngăn chặn lợi ích nhóm chi phối quá trình triển khai, bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ cũng là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Để bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo dự thảo nghị quyết về dự án trình Quốc hội sáng nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050.
Toàn cảnh siêu dự án Sân bay Long Thành |
Chi tiết |
Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.
Cuộc thăm dò ý kiến độc giả trên VnExpress từ 17/6 đến nay cho thấy, tỷ lệ đồng thuận với chủ trương xây sân bay Long Thành đang chiếm tỷ lệ nhỉnh hơn so với phản đối.
Tại buổi phỏng vấn trực tuyến VnExpress mới tổ chức, nhiều ý kiến độc giả đề nghị chủ đầu tư, cơ quan quản lý làm rõ tính bức thiết của dự án sân bay Long Thành, các giải pháp về vốn, thi công, giám sát và khai thác công trình sau khi hoàn thành.
Trả lời tại tọa đàm, Thứ trưởng Giao thông vận tải - Nguyễn Ngọc Đông và Cục trưởng Cục Hàng không - Lại Xuân Thanh đã giải đáp nhiều thắc mắc, khẳng định công trình này là cần thiết, hiệu quả. Hai vị cũng cam kết gắn trách nhiệm cá nhân với việc thực hiện dự án.
Chí Hiếu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/quoc-hoi-thong-qua-chu-truong-xay-san-bay-long-thanh-3238873.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét