BIỂN ĐÔNG VÀ THẾ GIỚI




Bàn cờ quân sự Đông Á và cuộc chạy đua

  • 27 tháng 7 2015

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tập bắn đạn thật ở Hong Kong

Tại Đông Á sự căng thẳng về chính trị và quân sự ngày càng gia tăng.
Những hoạt động kiến trúc đảo nhân tạo ở Trường Sa, cách cư xử hung hăng của Trung Quốc, cùng với những căng thẳng trong năm 2014 trên Biển Hoa Đông qua việc thiết lập vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc đã đưa đến sự quan ngại của một số quốc gia trong vùng và cả Hoa Kỳ.
Sự phát triển ồ ạt của quân đội Trung Quốc từ đầu thập niên 2010, đặc biệt là của lực lượng hải quân, khiến các quốc gia ở Đông Á đang ráo riết tăng cường lực lượng vũ trang của mình.
Các quốc gia ở Đông Á có những quan tâm gì đối với những phát triển trên Biển Đông?
Họ có những biện pháp gì để chuẩn bị cho những diễn biến tương lai? Và Việt Nam có thể lợi dụng tình thế này bằng cách nào để hữu ích cho việc bảo vệ giang sơn?
Đầu tiên là những tiến triển quân sự ở Đông Bắc Á:

Đài Loan

Trong lúc các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại là nước này sẽ dùng sức mạnh quân sự để giải quyết những tranh chấp lãnh hải theo ý muốn của mình, sự phát triển của quân đội giải phóng nhân dân cho thấy là Trung Quốc vẫn ưu tiên theo đuổi một mục đích chiến lược khác. Đó là sự thống nhất với Đài Loan.





Quân lực Đài Loan diễu binh đánh dấu 70 năm Thế Chiến 2
Theo bản báo cáo năm 2014 của bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc tập trung khoảng phân nửa các đơn vị chiến đấu cấp sư đoàn của lục quân tại ba quân khu nằm ở eo biển Đài Loan. Khoảng phân nửa số máy bay ném bom của không quân Trung Quốc đóng ở các căn cứ gần Đài Loan.
Và 60 trong số 81 chiến hạm lớn, kèm theo hơn phân nửa lực lượng tàu ngầm, là thuộc về hai hạm đội Đông Hải và Nam Hải. Hai hạm đội này sẽ là gọng kìm để bóp nghẹt Đài Loan trong trường hợp xung đột vũ trang. Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực chế tạo một loại hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm với đầu đạn nguyên tử.
Loại hỏa tiễn Dong Feng 21D (DF-21D) có khả năng tấn công các đội chiến hạm như những đội tác chiến hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ trong một cự ly hơn 1500 km, và như thế Trung Quốc sẽ nắm trong tay một vũ khí lợi hại để ngăn chặn sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ.
Theo nhận xét của Bộ Quốc phòng Đài Loan, sức lực càng tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Hoa Kỳ để yểm trợ cho Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh tung ra một cuộc tấn công đảo này. Theo tiên đoán của Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ năm 2020 Trung Quốc có thể sẽ đầy đủ sức lực để tấn chiếm Đài Loan.
Vì thế quốc gia này hiện đang dồn nỗ lực vào việc cải tổ quân đội, tân trang hải quân và không quân. Chương trình quan trọng nhất là việc tân tiến hóa 145 chiếc F-16 A/B mua của Hoa Kỳ trong thập niên 1990.
Trên Biển Đông Đài Loan cũng giữ vài hòn đảo ở Trường Sa và cũng đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này.
Đầu tháng 7/2015 nhân ngày kỷ niệm Quân đội Quốc Dân Đảng thắng quân đội Nhật Hoàng, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã nhấn mạnh chủ quyền của nước này trên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), một trong những đảo lớn nhất tại Trường Sa, cùng một số đảo khác do Đài Loan chiếm giữ.
Trên đảo Ba Bình Đài Loan đã xây một phi đạo cùng với một bệnh viện và một số cơ sở khác. Nhưng ngoài tuyên bố đó, vai trò của Đài Loan trong những tranh chấp trong thời gian qua tương đối là bị động.

Nhật Bản

Áp lực chính trị cũng như những hoạt động gây hấn của lực lượng cảnh sát hàng hải Trung Quốc trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), đồng với sự quan ngại về thái độ hung hăng bất chấp của chư hầu Trung Quốc Bắc Hàn đã đưa đến một sự kiên quyết hơn của Nhật Bản trên lãnh vực quốc phòng.





Hoa Kỳ đang hiện diện mạnh trong vùng: Tập trận Mỹ - Hàn năm 2014
Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa phát triển lại như trước cuộc khủng hoảng nhưng Nhật đã tuyên bố là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên cho trang bị của binh chủng không quân và hải quân.
Chính phủ của ông Shinzo Abe đang thực hiện chương trình nhằm nâng cao khả năng chiến đấu di động của quân đội, đồng thời chuyển trọng lực của lục quân về miền Tây Nam Nhật và phát triển lực lượng đổ bộ.
Mặc dù được tái lập dưới nhiều giới hạn sau Thế chiến thứ hai nhưng quân đội Nhật hiện nay được xếp vào hạng tám trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á, Nhật luôn luôn được ưu đãi trong việc mua vũ khí. Hiện nay quân đội Nhật có thể được xem là quân lực hiện đại nhất ở Đông Á.
Tổng cộng hải quân Nhật hiện nay bao gồm 32 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 18 tàu ngầm. Trong số đó hai khu trục hạm hạng Atago có trang bị hỏa tiễn Standard Missile SM3 có khả năng tiêu diệt hỏa tiễn đạn đạo.





Sỹ quan Hải quân Nhật và tàu Izumo có khả năng chuyên chở máy bay dù không phải là 'hàng không mẫu hạm'
Ngoài hải quân Mỹ hiện tại chỉ có hải quân Nhật được trang bị với loại hỏa tiễn này. Qua bài học kinh nghiệm từ Thế chiến 2, Nhật không được dùng hàng không mẫu hạm, nhưng hải quân Nhật đã đóng ba chiến hạm lớn có sân bay cỡ những hàng không mẫu hạm hạng Invincible của Anh Quốc, mang đủ tính năng của hàng không mẫu hạm. Sang 2016 có lẽ họ sẽ thêm chiếc thứ tư.
Nhật Bản cũng có một lực lượng không quân lớn với 552 chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ tư như F-15 và chiếc F-2, một khu trục cơ phản lực tự chế theo mẫu của chiếc F-16 của Hoa Kỳ, cùng với một số đáng kể về máy bay và trực thăng săn tàu ngầm.
Nhật cũng sẽ được cung cấp 17 chiếc máy bay vận tải lên thẳng V-22 Osprey với giá trị là 3 tỉ USD để trang bị cho những tàu sân bay và trong tương lai sẽ nhận 42 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.
Việc duy trì giao thông tự do trên Biển Đông là một vấn đề sống còn đối với Nhật Bản. Tất cả nguyên liệu cung cấp cho Nhật từ Trung Đông cũng như toàn bộ hàng hóa trao đổi giữa Nhật và Âu châu đều đi qua vùng biển này. Mưu đồ bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này qua chuổi căn cứ quân sự đang được thiết lập ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo nên một rủi ro lớn cho nền kinh tế của Nhật và Đại Hàn.
Trong một phản ứng của Nhật, theo thông tin của công ty IHS Jane’s đầu tháng Hai 2015, bộ trưởng quốc phòng Nhật, tướng Nakatani, đã cho biết ông có thể hình dung là hải quân Nhật sẽ thực hiện những chuyến đi tuần trên Biển Đông.
Ý định để hải quân đi tuần trên Biển Đông sẽ là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc. Cùng lúc, theo một phát biểu vào cuối tháng Giêng 2015 của đô đốc hải quân Mỹ Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội Bảy đóng tại Yokosuka, việc đó lại sẽ được sự tán thành của Hoa Kỳ.
Chính phủ Obama hiện đang lo âu là Trung Quốc uy hiếp các nước láng giềng trong vùng này. Theo ông Thomas, Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng để giữ ổn định trên Biển Đông.





Trung Quốc tăng cường xây cất ở Trường Sa
Nhưng đó chỉ là những hành động có tính cách tượng trưng. Xác suất để hải quân Nhật hoạt động thường xuyên trên Biển Đông không cao lắm vì những cản trở do hiến pháp, mặc dù chính phủ Nhật đã đưa một luật mới vào quốc hội nhằm tạo khả năng cho quân đội Nhật tham gia vào những hoạt động chiến đấu ở nước ngoài.
Sự hiện diện của hải quân Nhật trên Biển Đông cũng sẽ không có ích lợi gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên những quần đảo, nếu Việt Nam vẫn khư khư giữ cái lập trường "ba không“ vô lý.
Nhật không thể ngăn cản những hành động bành trướng của Trung Quốc trên những đảo. Thậm chí nếu có sự đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam, hải quân Nhật cũng không can thiệp được vì không có một căn bản pháp lý nào cả.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là đồng minh quan trọng thứ nhì của Hoa Kỳ ở Á Đông. Nước Mỹ đã trả một giá khá cao bằng máu để giữ nền độc lập cho Nam Hàn và vẫn còn bảo đảm cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với một lực lượng thường trực lớn ở Nam Hàn.
Mối quan tâm của Đại Hàn về Biển Đông cũng tương tự như Nhật Bản vì quốc gia này cũng lệ thuộc rất nhiều vào những tuyến giao thông trên Biển Đông. Nhưng khác với Nhật, Hàn Quốc cho đến nay không lên tiếng về vấn đề này.
Đó cũng vì quốc gia này liên tục bị xứ anh em phía Bắc đe dọa cho nên lúc nào cũng phải đề phòng trước những hành động bất chấp thủ đoạn của lãnh đạo Bắc Hàn.
Thêm nữa, thế lực duy nhất còn có một chút ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng là Bắc Kinh, cho nên Nam Hàn cần một quan hệ ít căng thẳng với Trung Quốc để kềm chế Bắc Hàn.
Ngoài việc bảo vệ những tuyến giao thông trên biển, Hàn Quốc còn có một số vấn đề liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ, như với Nhật Bản về quần đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) và với Trung Quốc về bãi đá ngầm Socotra Rock dưới biển Hoa Đông.





Hàn Quốc có quân đội đứng thứ 10 thế giới
Vì những lý do đó Hàn Quốc có một quân đội hùng mạnh hiện được xếp vào hạng mười trên thế giới. Nền kỹ nghệ cao cũng cho phép quốc gia này trang bị cho quân đội với những hệ thống vũ khí tinh vi như chiến hạm hoặc máy bay chiến đấu tự sản xuất.
Theo thống kê của viện nghiên cứu Anh IISS, hải quân Hàn Quốc hiện nay bao gồm 9 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 23 tàu ngầm.
Trong đó 3 chiếc khu trục hạm hạng Sejong thuộc vào những chiến hạm mạnh nhất thời nay. Hàn Quốc hiện đang đóng bốn chiếc tàu chở quân đổ bộ có sân bay lớn cỡ chiếc Izumo của Nhật.
Trong tương lai hải quân Hàn Quốc sẽ được thêm năm tàu ngầm hạng U-214 của Đức và sẽ đóng thêm cho tới 24 chiếc hộ tống hạm mới.
Lực lượng không quân Nam Hàn cũng khá mạnh với 568 chiến đấu cơ phản lực, trong đó có 224 chiếc tối tân thuộc thế hệ thứ tư như chiếc F-15 K và F-16 C/D.
Quốc gia này tiếp tục duy trì mức độ kỹ thuật và khả năng chiến đấu cao của lực lượng không quân và đã đặt 40 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.
Phần sau bài của kỹ sư Nguyễn Xuân Vĩnh từ CHLB Đức sẽ giới thiệu tiềm lực quốc phòng các nước Đông Nam Á (Singapore, Việt Nam, Malaysia...) và sự hình thành các liên minh mới.

 Mỹ ‘thức tỉnh’ trước hiểm họa Trung 

Quốc tại Biển Đông

 Mỹ ‘thức tỉnh’ trước hiểm họa Trung Quốc tại Biển Đông
Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia)

Trong thời gian gần đây, ta thấy chính quyền Mỹ thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên trên vấn đề Biển Đông, cả về lời lẽ, lẫn trong một số hành động cụ thể. Phải chăng chính sách Biển Đông của Mỹ đã thay đổi, đâu là những nguyên nhân ? Trên đây là một số vấn đề mà RFI đã nhờ Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason, Virginia Hoa Kỳ, phân tích.

Nhận định chung của Giáo sư Hùng là chính quyền Mỹ, cả Quốc hội lẫn Hành pháp, đều đã « bị thức tỉnh » trước các hành vi hung hăng bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông. Dấu hiệu rõ nhất phản ánh sự chuyển đổi thái độ của Hoa Kỳ là phát biểu hôm 21/07/2015 của ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tức là người trực tiếp chịu trách nhiệm hồ sơ châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước đông đảo học giả và chuyên gia nhân Hội nghị thường niên lần thứ 5 về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Russel đã nhấn mạnh trở lại lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, đặc biệt làm rõ khái niệm « trung lập » thường được nêu lên.
Mỹ không trung lập, thậm chí còn tích cực can dự
Điểm được mọi giới quan sát ghi nhận là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ là Washington « không trung lập khi nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế » tại Biển Đông, thậm chí sẽ « hành động mạnh mẽ để buộc các bên tuân thủ luật lệ ». Trong bài phát biểu của mình, ông Russel có lúc đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là nguyên do khiến tình hình Biển Đông căng thẳng :
« Gần đây, mức độ quan ngại trong khu vực đã leo thang khi quy mô và tốc độ của công việc cải tạo đảo đá của Trung Quốc được phơi bày công khai. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng Tư đã thẳng thắn khác thường, khi đề cập đến ‘mối quan ngại nghiêm trọng’ về công cuộc ‘cải tạo đất đang được tiến hành ở Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định…’ »
Trơ lý Ngoại trưởng Mỹ đã ghi nhận nghịch lý : « Tuyên bố của Trung Quốc ngày 16 tháng Sáu theo đó họ ‘sắp’ ngừng công việc cải tạo, đã được cho là nhằm mục tiêu trấn an, thế nhưng trong thực tế lại đáng báo động vì tiếp tục cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở quân sự trên những tiền đồn đã được cải tạo đó ».
Sau khi nhắc lại rằng Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình trong đó có việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, và nói chung là một trật tự quốc tế dựa trên sự tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình mà không dùng đến sự đe dọa hay vũ lực, ông Daniel Russel đã nói đến một số việc cụ thể mà Hoa Kỳ sẽ làm để các nguyên tắc nêu trên được tôn trọng.
Quyền tự do lưu thông cho chỉ cho riêng Mỹ
Ví dụ đầu tiên được ông đề cập đến là tích cực giúp các nước ven Biển Đông nâng cao năng lực giám sát vùng biển của mình. Điểm thứ hai, và đây cũng là thông điệp gởi đến Trung Quốc : Yêu cầu quân đội Mỹ thực hiện các « chiến dịch tự do hàng hải » để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế về biển. Đối với ông Russel, mục tiêu của Washington không đơn thuần là bảo vệ quyền tự do lưu thông của riêng Mỹ, mà là của tất cả các nước :
« Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sao cho không chỉ có Hải quân hoặc Không quân Mỹ có các quyền tự do lưu thông, mà sao cho tàu thuyền và máy bay của những nước nhỏ nhất cũng có thể bình yên thừa thưởng những quyền này mà không bị nguy hiểm ».
Theo ông Russel, theo luật quốc tế, tất cả các nước - không chỉ Hoa Kỳ - được hưởng các quyền lợi và các quyền tự do hàng hải, quyền sử dụng biển một cách hợp pháp, vốn được nền ngoại giao cũng như các chiến dịch tự do hàng hải của quân đội Mỹ góp phần bảo vệ.
Obama-Nguyễn Phú Trọng và Tầm nhìn chung Mỹ-Việt về Biển Đông
Trong thời gian qua, hầu như tất cả các quan chức ngoại giao cũng như quốc phòng Mỹ đều đã lên tiếng nhấn mạnh đến quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như tình hình ổn định trong vùng Biển Đông đang bị các tham vọng của lãnh thổ của Trung Quốc khuấy động. Ngay cả người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống Barack Obama cũng tiếp tục lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại của ông trước các diễn biến xấu tại vùng Biển Đông.
Nghênh tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngay tại Nhà Trắng, hôm 07/07/2015 chẳng hạn, Tổng thống Mỹ đã không quên xác định công khai trước giới báo chí rằng cả Mỹ lẫn Việt Nam đều mong muốn là tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết trên tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng tự do hàng hải.
Tất cả những quan ngại của Hoa Kỳ và của Việt Nam về các hành vi của Trung Quốc đã được tóm tắt trong đoạn nói về Biển Đông trong bản Tầm nhìn chung Mỹ-Việt được hai bên thông qua và được Nhà Trắng công bố hôm 07/07/2015.
« Cả hai nước đều lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, gây mất lòng tin, và có nguy cơ hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định. Hai bên nhận ra sự cấp thiết của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải ; Không được có hành động gây căng thẳng ; đảm bảo sao cho mọi hành động và hoạt động được thực hiện theo luật pháp quốc tế ; chống các hành vi ép buộc, đe dọa, và dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Cả hai quốc gia ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và công nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như những nỗ lực để đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. »
Hải quân Mỹ thực hiện quyền tự do lưu thông ở Biển Đông
Trong lúc các giới chính khách ngày càng có thông điệp mạnh mẽ hơn hướng về Trung Quốc, thì trên hiện trường Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng có nhiều hành động quyết đoán hơn. Tiếp theo một chuyến bay tuần thám tại khu vực Trung Quốc đang cải tạo đảo đá ở Trường Sa, chở theo một ê kíp truyền hình, ngày 18/07/2015, đích thân Tư lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương tham gia chuyến bay tuần tra kéo dài 7 tiếng đồng hồ trên Biển Đông trên một trong những máy bay do thám mới nhất của Mỹ, loại P8 A Poseidon. Mục tiêu khẳng định quyền tự do lưu thông trong vùng bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc của các phi vụ nói trên quả rất rõ ràng.
Có thể nói không sai là chính sách Biển Đông của Mỹ đã có thay đổi do các hành động quá đáng của Trung Quốc. Như nói ở trên, trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu bật sự kiện là cả Quốc hội lẫn Hành pháp Mỹ như đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của các hành vi bồi đắp đảo đá, xây dựng tiền đồn quân sự mà Bắc Kinh đang làm tại Biển Đông.
Ngay trong công luận Mỹ, các tiếng nói nhân nhượng Trung Quốc cũng đã yếu hẳn đi. Sau đây là phần phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dành cho RFI. 
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ:27/07/2015 nghe
RFI: Giáo sư vừa đi dự Hội nghị Khoa học về Biển Đông do Trung tâm CSIS tại Washington tổ chức ngày 21/07/2015. Nhìn chung, giới nghiên cứu đánh giá sao về tình hình hiện nay ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Họ rất quan ngại về hành động xây cất quy mô của Trung Quốc, trong vòng một năm xây thêm 2000 mẫu đất, biến đá ngầm thành đảo nổi. Họ quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc sẽ xây các cơ sở quân sự trên đảo mới. Họ cũng quan ngại về hành động đơn phương tạo sự đã rồi, thay đổi cán cân lực lượng tại Biển Đông.
Giáo sư là một trong những học giả ngoại quốc gần đây đã tham dự một hội nghị khoa học cũng có đề cập đến Biển Đông, nhưng tổ chức tại Bắc Kinh. Những vấn đề được nêu lên tại Bắc Kinh có gì đáng chú ý ?
Hội nghị ở Bắc Kinh có khác là bởi vì gồm rất nhiều vấn đề mà người ta thảo luận với nhau trong cái gọi là « cộng đồng học thuật của Trung Quốc », mà vấn đề Biển Đông chỉ là một panel thôi. Qua panel đó, và qua nói chuyện ngoài lề với các học giả Trung Quốc, thì tôi cảm thấy họ rất quan tâm đến sự can dự của Mỹ ở Biển Đông. Họ cho rằng Mỹ không công bằng, không vô tư giữa tranh chấp của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á khác. Họ cho rằng Mỹ đang vây chặn họ. Họ cũng quan ngại về sự tham dự tích cực của Nhật tại Biển Đông, quan ngại về chuyến đi Mỹ của ông Trọng (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam). Họ cũng thấy những hậu quả bất lợi của hành động của họ cho nên họ tìm cách đấu dịu, nhưng họ không từ bỏ chính sách xâm thực của họ.
Về chuyến đi Mỹ của ông Trọng, cụ thể họ nói gì ?
Họ không muốn nói. Họ chỉ hỏi tại sao ông Trọng đi Mỹ, Mỹ và Việt Nam sẽ có những hành động như thế nào… Qua đó mình biết là họ coi trọng vấn đề. Họ còn cho tôi biết những tuyên bố của ông Trọng, bởi vì trong thời gian tôi ở Trung Quốc, vào internet rất khó, thành ra có những tin tức gì, họ đều cho tôi biết.
Chuyến thăm Mỹ mới đây của ông Nguyễn Phú Trọng đã mang lại gì cho Việt Nam trên vấn đề Biển Đông ?
Đó là những tuyên bố của ông Trọng, nhất là nhận định rằng Hoa Kỳ là « địa bàn cực kỳ quan trọng » của hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Điều đó cho thấy là ít nhất các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng ý với nhau về hiểm họa Trung Quốc và nhu cầu tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Về phía Hoa Kỳ, họ sẵn sàng giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự vệ. Việt Nam thường trách là khi Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong tranh chấp Biển Đông, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ làm ngơ cho kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Bài diễn văn của Daniel Russel một phần nào gián tiếp đáp ứng quan tâm ấy.
Phải chăng trong thời gian gần đây, chính quyền Mỹ đã phần nào thay đổi chính sách Biển Đông, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên ?
Điều đó cũng đúng. Sự thay đổi diễn ra từ từ thôi. Bây giờ, chính quyền Mỹ, cả Quốc Hội lẫn Hành Pháp, đã bị thức tỉnh vì hành động biến đá ngầm thành đảo nổi nhằm thay đổi cán cân lực lượng ở Biển Đông. Trong giới học giả, chuyên viên của các think tanks, tiếng nói của phe chủ hòa, nhân nhượng Trung Quốc đã yếu hẳn.
Trong cuộc diễn thử thảo luận của Hội đồng An ninh Quốc gia về một khủng hoảng giả tưởng ở Biển Đông (crisis simulation), vào cuối cuộc hội thảo ở CSIS, người ta thấy giới chuyên viên cao cấp của Mỹ không cho rằng những hành động vừa qua là do sáng kiến của một bộ phận quân đội, mà là được phối hợp từ chính quyền trung ương của Trung Quốc.
Họ khuyến cáo Mỹ cần hành động cẩn trọng khi đối phó với khủng hoảng, nhưng phải quyết tâm duy trì tự do hàng hải và uy tín của họ đối với các nước nhỏ ở Á Châu qua hành động, và thi hành cam kết bảo vệ các đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với họ.
Đương nhiên về lời lẽ, Hoa Kỳ đã cứng rắn hẳn lên, nhưng trong hành động cụ thể, phải chăng cũng có những tín hiệu cứng rắn hướng về phía Trung Quốc ?
Từ trước đây, Mỹ cũng đã nói là họ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cũng nói là sẽ giúp đỡ khả năng phòng thủ của các đồng minh và đối tác của họ. Thì chuyện đó đã được thực hiện rồi. Điểm đặc biệt mà tôi nhận thấy là trong bài diễn văn của ông Daniel Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương tại CSIS, lần đầu tiên nhấn mạnh : Mỹ tuy giữ trung lập trong tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Mỹ KHÔNG TRUNG LẬP – tôi nhấn mạnh « không trung lập » - trong việc tuân thủ luật quốc tế, Mỹ chống hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng.
Lời tuyên bố này ông Russel đưa ra khi nói – tôi có ghi lại – nhưng khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố toàn văn bài nói chuyện, thì lời tuyên bố quyết liệt này đã bị cắt đi. Ông Russel còn nói Mỹ cam kết bảo vệ tự do hàng hải không những chỉ cho mình, mà còn cho cả các nước khác. Bài diễn văn đó có rất nhiều đoạn chỉ trích Trung Quốc tuy không nêu rõ tên.
Trong hành động cụ thể của Mỹ ở Biển Đông, Giáo sư thấy điểm nào đáng chú ý nhất hiện nay ?
Thứ nhất là có những tuyên bố như trên. Thứ hai là có cuộc đi thám thính trên một máy bay rất tối tân của Mỹ, ở trên vùng Biển Đông, mà Trung Quốc không được biết. Trung Quốc rất quan ngại, mà Mỹ muốn chứng tỏ là họ bay như vậy để cho thấy là họ có quyền bay, có quyền tiếp tục bảo vệ tự do lưu thông trên không, tự do hàng hải…
Thì đó là hai động thái đặc biệt, vừa lời nói, vừa việc làm. Đồng thời hiện nay Mỹ đang có những hành động thắt chặt liên minh, với Nhật, với Phi Luật Tân (Philippines), và Phi Luật Tân đã mở Subic Bay ra rồi, cho quân đội của họ, nhưng cũng cho phép Mỹ sử dụng phương tiện đó, và họ sẽ dùng để tập trận chung, thao diễn Hải quân chung...
Trong lãnh vực thao diễn hải quân, Trung Quốc, trong những ngày gần đây, đã cho tập trận tại Biển Đông. Phải chăng đó là cách phô trương uy thế, không chỉ nhắm vào các nước Đông Nam Á mà còn nhắm vào cả Hoa Kỳ ?
Trung Quốc không chỉ tập trận ở Biển Đông. Họ còn tập trận ở Đông Á chung với Nga. Điều đó giản dị thôi. Trong chính trị thế giới, sự quân bình quyền lực là chuyện thường xẩy ra... Đây là một hành động bình thường của Trung Quốc thôi, không có gì phải làm lạ.
Cái đáng ngại mà người ta vẫn nói, là hoạt động quân sự càng nhiều bao nhiêu thì hiểm họa va chạm càng nhiều, mà va chạm càng nhiều –có khi cố tình, có khi vô ý, có khi lầm lẫn – thì có thể từ va chạm nhỏ dẫn đến những chuyện lớn hơn.
Đâu là những yếu tố chính thúc đẩy Mỹ tỏ thái độ cứng rắn như vậy ?
Về các yếu tố thì đã bắt nguồn từ lâu, nhưng đặc biệt gần đây, điều đã thức tỉnh giới chính trị Mỹ và giới học giả là dự án biến đá ngầm thành đảo nổi và nguy cơ biến đảo thành căn cứ quân sự có thể chế ngự cả một vùng biển trọng yếu. Ngoài ra cũng có khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không (Air defense identification zone) cản trở lưu thông trên biển và trên không trung.
Cho nên những điểm đó - trước hết là « chuyện đã rồi » đã xẩy ra, làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng, và thứ hai là chuyện có thể xẩy ra, như xây dựng căn cứ quân sự và vùng nhận diện phòng không đó - khiến cho Mỹ phải có thái độ rõ rệt, để những chuyện đó đừng xẩy ra nữa.

Trung Quốc quay lại với thanh trừng chính trị ác liệt


media 
Biểu tình ở Hồng Kông đòi trả tự do cho các luật sư bị bắt bớ tại Hoa lục, 23/07/2015.REUTERS/Bobby Yip
Đã có một chiến dịch càn quét các luật sư bảo vệ nhân quyền Trung Quốc với: 233 người bị trấn áp và 14 luật sư đã bị tống giam. Le Courrier International trích đăng bài viết của Phạm Trung Tín (Fan Zhongxin), một luật gia can đảm đã lên tiếng bênh vực cho họ trên mạng xã hội.
Trong những ngày gần đây, công an Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch đại quy mô trên toàn quốc đánh vào các luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi của công dân, và các luật sư bị gọi là « ngoan cố ». Dân tình cả nước rúng động, và thế giới thì quan ngại.
Phạm Trung Tín viết : Với tư cách một thành viên trong giới luật gia, tôi không thể mắt lấp tai ngơ trước những sự kiện này. Tôi phải đặt ra những câu hỏi về điều 35 Hiến pháp đảm bảo tự do ngôn luận, điều 41 khẳng định quyền phê bình các cơ quan và viên chức nhà nước, đưa ra những đề nghị, khiếu nại hoặc tố cáo.
Chiến dịch đánh vào các luật sư biểu thị qua việc bắt giữ hàng loạt, hoặc triệu tập lên công an (ít nhất 233 luật sư bị quấy nhiễu, 14 người bị tống giam và 6 người mất tích). Hoạt động này được tiến hành đồng thời và có phối hợp giữa các lực lượng an ninh trên toàn quốc.
Một lô một lốc báo chí nhà nước đăng bài kết tội họ. Nhiều nghi can bị buộc phải thú tội trên kênh truyền hình quốc gia, ngay cả trước khi ra tòa, để làm gương và để trấn áp. Các trang web của Bộ Công an và Tòa án Tối cao đăng những bài viết lên án các luật sư này là thành viên của « các băng nhóm tội phạm ».
Người ta còn chứng kiến một chiến dịch bôi nhọ hình ảnh của một số người và mưu toan hạ nhục công khai. Chỉ trong vài ngày, những lời bình « được đặt hàng » dưới những bài viết trên internet được đăng trên nhiều trang web và báo chí, đưa ra những thông tin « tiết lộ », « tố cáo » những « vi phạm đạo đức » (như cuộc sống tình cảm buông thả, quan hệ với gái mại dâm hay lừa tiền).
Cuối cùng, nhiều tài khoản trên mạng bị khóa, các tin nhắn bị xóa đi hay cấm đương sự phát biểu. Tất cả những ý kiến về chiến dịch đàn áp giới luật sư đều bị kiểm duyệt, trong khi các « dư luận viên » tung ra vô số lời thóa mạ, bêu riếu tác giả những bài viết đặt dấu hỏi về chiến dịch, nhất là đối với các luật sư và nhà nghiên cứu.
Từ những sự kiện trên, ông Phạm Trung Tín rút ra kết luận chiến dịch trên không phải là việc thực thi luật pháp, mà là hành động thanh trừng nhắm vào giới luật gia.
Nhà giáo kiêm luật gia nhắc lại sáu nguyên tắc căn bản mà công an phải tôn trọng. Thứ nhất, người bị bắt phải được quyền báo tin cho người thân và được gặp luật sư. Thứ hai, không được buộc một nghi can nhận tội trước ống kính truyền hình, hoặc ít nhất phải có luật sư chứng kiến.
Thứ ba, không được tổ chức các chiến dịch vu cáo trên mạng (đặc biệt với những lời lẽ tố cáo sặc mùi Cách mạng văn hóa như « luật sư thoái hóa », « luật gia bất lương », « phản quốc », « bán mình »…). Thứ tư, những người bị báo chí chính thức lên án phải được quyền trả lời. Thứ năm, không được dùng bất cứ hình thức tra tấn nào để bức cung. Cuối cùng, cần phải công khai các văn bản chứng minh cho chiến dịch toàn quốc này, cũng như các chỉ đạo.
Luật gia Phạm Trung Tín kết luận : Khi nào người ta có thể đảm bảo với tôi là những nguyên tắc trên được tôn trọng, chỉ và chỉ khi đó, tôi mới nhìn nhận rằng mình đã sai lầm khi đánh giá đây là một chiến dịch thanh trừng chính trị không thua gì « chiến dịch chống hữu khuynh » trước đây. Tôi sẽ tự nộp mình cho tư pháp để xin chuộc tội, và chân thành xin lỗi tất cả những độc giả đã đọc bài này !
Vàng mất đi thời hoàng kim
Trên lãnh vực kinh tế, phụ trang báo Le Figaro trong bài viết « Vì sao giá vàng sụt giảm ? » tìm cách lý giải nguyên nhân giá vàng thế giới lại xuống thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Theo Le Figaro, việc giá vàng bỗng dưng lao dốc trong khi từ đầu tháng Giêng vẫn ổn định, là do nhiều nguyên nhân cộng lại. Thứ Sáu tuần trước, người ta phát hiện rằng Trung Quốc mua vào ít vàng hơn so với dự kiến của các nhà đầu tư. Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc thông báo đã mua 600 tấn vàng kể từ năm 2009, trong khi thị trường trông đợi 400 đến 500 tấn mỗi năm. Dự báo ở mức cao này khiến giá vàng tăng trong những năm gần đây, nay thì các nhà đầu tư thất vọng.
Một yếu tố khác là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) mới đây khẳng định lãi suất chỉ đạo của Mỹ lại bắt đầu tăng trước cuối năm, khiến đồng đô la tăng giá. Trong lúc đó giá vàng được tính theo đô la sẽ giảm xuống khi đô la tăng giá, và ngược lại. Vàng không còn sinh lợi, nên các nhà đầu tư thích mua cổ phiếu, tuy rủi ro, nhưng có thể tăng giá, như từ khi Hy Lạp và các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận. Cũng như năm 2013, các nhà đầu tư bắt đầu bán hàng loạt vàng dự trữ ra thị trường.
Ngày càng nhiều các nhà phân tích tin rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Chuyên gia Robin Bhar của ngân hàng Société Général nhận định : « Theo truyền thống, vàng là một bảo đảm trước lạm phát. Nhưng mức lạm phát hiện nay rất thấp, và mối lo sợ khủng hoảng tài chính liên quan đến Hy Lạp nay không còn mấy. Thời kỳ này khá yên ổn. Hơn nữa, vàng cũng cùng chung sô phận với các nguyên liệu khác hiện cung đang cao hơn cầu rất nhiều ». Ông dự đoán đến cuối năm nay, một once vàng sẽ ở mức dưới 1.000 đô la, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Nông nghiệp Pháp đứng trước hai ngã rẽ
Cũng về kinh tế, bài xã luận của Le Monde khi nhận định về phong trào phản kháng của giới nông dân Pháp hiện nay, cho rằng nước Pháp phải chấm dứt thái độ do dự trong chính sách nông nghiệp. Hoặc một nền nông nghiệp được công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm giá rẻ, hoặc chú trọng đến giá trị của các đặc sản nước Pháp.
Chăn nuôi, trồng trọt theo công nghiệp với giá thành thấp, đó là con đường mà Đan Mạch, Hà Lan, Đức đã chọn lựa. Nhưng Pháp không được vũ trang đầy đủ để chạy đua, vì giá nhân công cao hơn các nước láng giềng. Công chúng Pháp và các nhà đấu tranh sinh thái cũng dị ứng với phương thức này, họ không cần biết chăn nuôi kiểu gia đình với 50 con bò vẫn có thể gây ô nhiễm tương đương với một trang trại chăn nuôi đại quy mô, trang bị hiện đại để xử lý chất thải.
Hậu quả là Pháp vốn là nước xuất khẩu nông sản phẩm thứ nhì thế giới trong thập niên 90, nay bị đẩy xuống hàng thứ năm, đứng sau Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức và Brazil, mà thứ hạng này còn giữ được là nhờ rượu vang…
Tờ báo đề nghị con đường thứ hai : tập trung cho chất lượng tuyệt hảo và các đặc sản nổi tiếng của Pháp. Chất lượng và cạnh tranh, nước Pháp phải chọn lựa và ra khỏi tình trạng bất nhất như hiện nay.
Ít vũ khí nguyên tử hơn, nhưng đe dọa tăng lên
« Nguyên tử : Ít vũ khí hơn, nhưng đe dọa cao hơn », đó là tựa đề bài viết trên trang địa chính trị của Le Monde. Theo tờ báo, thỏa ước ký kết với Iran không giúp tránh được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mối đe dọa nguyên tử ngày nay là trung tâm của các chiến lược gây bất ổn.
Đối với chín cường quốc nguyên tử hiện nay, quả bom hạt nhân là vũ khí răn đe. Nhưng sự hiện diện của vũ khí nguyên tử trong những khu vực đang căng thẳng gây ra rất nhiều quan ngại, cho dù thế giới vấn đang cố gắng chống lại nạn chạy đua phổ biến vũ khí hạt nhân.
Mandela, vị anh hùng nhân ái
Trong mục điểm sách, khi giới thiệu cuốn « Mandela, người hùng châu Phi » trong bộ sưu tập « Họ đã thay đổi thế giới » của Le Monde chuyên đề lịch sử, tác giả nhận định ông Nelson Mandela là một nhân vật vĩ đại nhưng tính cách rất bình dị, nhân bản.
Nelson Mandela luôn quan tâm đến những con người bình thường chung quanh, từ anh đầu bếp, chị tạp vụ cho đến anh tài xế, những nhân viên « quèn » mà các vĩ nhân thường ít để ý đến. Ông nhớ tên từng người, biết những chi tiết về gia đình họ và quan tâm thực sự. Vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi còn thuyết phục các nhân viên đã phục vụ cho người tiền nhiệm tiếp tục ở lại vị trí, và đối đãi rất tử tế với họ.
Trang nhất báo Pháp
Thời sự trong nước chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay. Libération đề cập đến loại vi khuẩn đã giết hại hàng ngàn cây ô-liu ở miền nam nước Ý đã được nhận diện gần Ajaccio, báo động sẽ lây lan trên đảo Corse của Pháp. Le Figaro quan tâm đến trường hợp « Vincent Lambert, quyết định bất khả ». Các bác sĩ chịu trách nhiệm quyết định số phận người thanh niên sống gần như thực vật một tai nạn, hôm qua đã từ chối khẳng định tiếp tục hay ngưng các biện pháp y tế nhằm duy trì mạng sống của anh.
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde chạy tựa « Các dân biểu áp thuế carbon tăng gấp bốn lần », khi thông qua đạo luật chuyển đổi năng lượng, trong đó thuế đánh vào việc thải khí carbon tăng cao vào năm 2030. Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý hiện tượng « Đến lượt châu Âu lao vào cơn sốt start-up », với gần 4 tỉ đô la đầu tư vào các công ty kỹ thuật cao có tiềm năng chỉ trong quý I năm nay. Tờ báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất « Đức Giáo hoàng khơi ra cuộc tranh luận về kinh tế ».
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150724-trung-quoc-quay-lai-voi-thanh-trung-chinh-tri-ac-liet/



 Thứ ba, 28/07/2015

Trung Quốc đả kích chuyến đi Phi châu của TT Obama

Tổng thống Barack Obama phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tại Cung điện quốc gia ở Addis Ababa ngày 27/7/2015.
Tổng thống Barack Obama phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tại Cung điện quốc gia ở Addis Ababa ngày 27/7/2015.
Carol Guensburg
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chế nhạo động cơ những chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Barack Obama là lo ngại về ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở châu lục này.
Ký giả Liu Zhun viết trong một bài xã luận đăng trên báo Anh ngữ Global Times ngày thứ hai rằng: Hoa Kỳ “rõ ràng thiếu một chính sách nhất quán về châu Phi” và coi Trung Quốc như một đối thủ tranh giành ảnh hưởng và các cơ hội kinh tế “thay vì một thế lực xây dựng khác đem lại phúc lợi cho vùng đất này.”
Ông Liu viết, “Hoa Kỳ từng là một thế lực bao trùm ở châu Phi. Nói rằng khối lượng giao thương giữa hai nước đã sụt giảm, ông kết luận rằng, “một sự thay đổi lập trường đã làm Hoa Kỳ lo ngại.”
Tân Hoa Xã cũng đả kích việc Hoa Kỳ tiếp xúc và khoe khoang các dự án của Mỹ, theo Associated Press. Tựa đề một bài trên mạng của thông tấn xã nhà nước Trung Quốc viết rằng, “Bất chấp kèn trống, các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ dành cho châu Phi không tạo được một sự khác biệt lớn nào,” khi đề cập đến chương trình 1 tỷ đôla mà ông Obama công bố sẽ viện trợ cho các doanh gia toàn cầu ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara.
Dự án Trang bị Điện khí cho châu Phi với kinh phí 7 tỷ đôla để cung cấp điện cho 50 triệu người Phi châu đã không đạt được mấy tiến bộ kể từ khi khai trương hồi tháng 6 năm 2013. Tân Hoa Xã tường thuật như vậy hôm thứ hai, viện dẫn một bài báo trước đó trên tờ Les Echos của Pháp.
Ảnh hưởng bành trướng
Đối tác thương mại lớn nhất châu Phi là Trung Quốc đã có các quan hệ với châu lục này từ nhiều thế kỷ và đã ráo riết cố gắng củng cố các quan hệ đó trong mấy năm vừa qua.
Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi họp lần đầu ở Bắc Kinh vào năm 2000, nay có 50 trong số 54 quốc gia làm thành viên. Kỳ họp thứ 6 dự kiến vào tháng 12 ở Nam Phi.
Cường quốc châu Á này đã tăng gấp đôi các cam kết tài chính của mình cho châu Phi tại ba cuộc họp hồi gần đây của diễn đàn và dự kiến sẽ thúc đẩy những cam kết này với "thêm một hạn mức tín dụng ấn tượng nữa," theo một báo cáo từ Chương trình Tăng trưởng châu Phi, một dự án của Viện Brookings ở Washington. Những cam kết của Trung Quốc tăng từ 5 tỉ đôla vào năm 2006 lên 10 tỉ đôla vào năm 2009 và 20 tỉ đôla vào năm 2012. Trung Quốc đã nới rộng hạn mức tín dụng của mình cho châu Phi thêm 10 tỉ đôla vào năm ngoái.
Mới tháng trước, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và những thực thể như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc tổ chức một diễn đàn kéo dài hai ngày ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia về việc đẩy mạnh đầu tư "có trách nhiệm" và những mối quan hệ đối tác ở châu lục này. Ngành công nghiệp nhẹ được nêu ra là một trọng tâm đặc biệt," vì sự sẵn có của những nguồn lực địa phương và chi phí lao động tương đối thấp," trang web của Ngân hàng Thế giới cho biết.
Trang web của diễn đàn nhấn mạnh những trao đổi ngoại giao và học thuật, cũng như những dự án như cảng Lamu mà Trung Quốc tài trợ xây dựng ở Kenya. Trang web này cho biết thêm, dự án 24 tỉ đôla, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, "sẽ là hành lang giao thông thứ hai của Kenya, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập khu vực trong khu vực Đông Phi và xa hơn nữa".
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Phi
Chính quyền Obama cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi tại Washington vào tháng 8 năm ngoái để tăng cường những quan hệ quốc tế. Hội nghị quy tụ khoảng 50 nguyên thủ châu Phi trong ba ngày diễn đàn về an ninh, y tế, môi trường và tham nhũng. Ông Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry đều có bài phát biểu trước cử tọa.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, Mỹ đã công bố những giao dịch kinh doanh trị giá gần 1 tỉ đôla, thêm ngân quỹ cho hoạt động gìn giữ hòa bình, và hàng tỉ đôla cho những chương trình lương thực và điện năng.
Hội nghị này đã bị một số cơ quan truyền thông chỉ trích là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của các diễn đàn Trung-Mỹ. (Châu Âu và Nhật Bản cũng tham gia vào những nỗ lực tương tự với các nhà lãnh đạo châu Phi trong chính phủ và doanh nghiệp.)
'Không chú ý đủ'
Bù đắp ảnh hưởng là một yếu tố, nhưng không quan trọng bằng việc công nhận bằng việc Mỹ thừa nhận là "đã không chú ý đủ đến châu Phi ở cấp cao nhất của chính phủ trong những năm gần đây," theo ông David Shinn, đồng tác giả cuốn sách  "China and Africa: A Century of Engagement" (Trung Quốc và châu Phi: Một trăm năm giao tiếp) "
Ông Shinn, cựu đại sứ Mỹ ở Burkina Faso và Ethiopia và hiện là giáo sư trợ giảng tại Đại học George Washington, cho rằng Mỹ gia tăng sự chú ý là vì ba diễn biến nay: nền kinh tế trong nước của Mỹ đang dần ổn định, nền kinh tế đang phát triển của châu Phi và những cơ hội cho quan hệ đối tác của Mỹ và đầu tư tư nhân, và những mối đe dọa an ninh ngày càng lớn mà những kẻ cực đoan đề ra ở châu Phi và ở nhà.
Ông Shinn đưa ra những nhận định này trong tạp chí đăng bình luận về quan hệ Mỹ-Trung China-U.S. Focus Digest mùa thu năm ngoái.
 http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-da-kich-chuyen-di-phi-chau-cua-tt-obama/2880575.html

 

  Biển Đông : Mỹ tố cáo Trung Quốc "làm giả" chủ quyền


mediaĐá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi đắp, chụp từ máy bay trinh sát của Mỹ ngày 21/05/2015.Reuters
Trung Quốc là một trong những nước nổi tiếng trong lãnh vực làm hàng giả đủ loại. Đối với Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, Bắc Kinh vừa có thêm một mặt hàng giả mới : Đó là chủ quyền trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, vùng Biển Đông.
Phát biểu nhân Diễn đàn An ninh Aspen, tổ chức ở tiểu bang Colorado (Hoa Kỳ) hôm 24/07/2015, Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã xác định rằng Trung Quốc « chủ yếu đang làm ra chủ quyền giả tạo » tại vùng Biển Đông, bằng cách bồi đắp đảo nhân tạo trên những rạn san hô, và bãi cạn. 
Đối với ông Harry Harris, các nước tranh chấp chủ quyền khác tại Biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng đã tiến hành cải tạo đất trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, tổng diện tích cải tạo của các nước này chỉ khoảng 100 mẫu Anh (acre) trong vòng 45 năm, chẳng thấm vào đâu so với kích thước, phạm vi và quy mô của các công trình rầm rộ của Trung Quốc, mà theo Đô đốc Harris đã lên đến gần 3.000 mẫu Anh trong vỏn vẹn 18 tháng. 
Theo Đô đốc Harris đa số các nước trong vùng Biển Đông muốn duy trì nguyên trạng, riêng Bắc Kinh lại muốn thay đổi hiện trạng « để phục vụ quyền lợi bản thân hẹp hòi » của họ. 
Hành động xây dựng tại vùng quần đảo Trường Sa của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến cho Bộ Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương càng lúc càng lo ngại, thúc đẩy lực lượng Mỹ tăng cường các chiến dịch tuần tra và giám sát các khu vực xung quanh quần đảo đang tranh chấp. 
Ngoài mối quan ngại về mặt quân sự, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ còn đặc biệt quan tâm đến các tác hại môi trường mà các công trình Trung Quốc đã gây ra, một vấn đề mà ông Harris tiếc là ít được chú ý tới. 
Đô đốc Harry Harris đã trích dẫn quan điểm phê phán của ông John McManus, chuyên gia về sinh học biển thuộc trường Đại học Miami, đã khẳng định hồi đầu tháng Bẩy này trên nhật báo The Washington Post rằng công việc nạo vét lòng biển một cách vội vàng để đắp đảo đã mang tính chất « tàn phá », và đó là « điều tệ hại nhất đã xảy ra với các rạn san hô trong suốt cuộc đời của chúng ta ».
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150726-bien-dong-my-to-cao-trung-quoc-lam-gia-chu-quyen/

 Thứ Tư, 29/07/2015

Cựu Thủ Tướng Úc bác bỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực

Cựu Thủ Tướng Úc Kevin Rudd.
Cựu Thủ Tướng Úc Kevin Rudd.
Hải quân Trung Quốc mới kêu gọi tránh “suy diễn quá mức” cuộc thao diễn quân sự hiện thời của nước này trên biển Đông, sau khi bị Việt Nam chỉ trích.ường dẫn
Cựu Thủ Tướng Úc Kevin Rudd bác bỏ những quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực vì các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu trên đài truyền hình CNN hôm qua, Chủ nhật 26/7, ông Rudd cực lực bác bỏ ý kiến của chuyên gia về Trung Quốc David Shambaugh cho rằng chế độ cai trị của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc đã đến giai đoạn kết thúc.
Hãng tin AAP tường thuật rằng ông Shambaugh, một chuyên gia về Trung Quốc được nhiều người biết tiếng, đã trình bày lập luận vừa kể của ông trên báo Wall Street Journal vào tháng Ba năm nay.
Trong chương trình GPS của ký giả Fareed Zakaria của đài CNN, ông Kevin Rudd cũng bác bỏ những lo sợ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phô trương lực lượng ở Biển Đông, và sẽ khơi ra một cuộc tranh chấp quân sự khu vực.
Ông nói: “Tôi tin rằng sẽ không có bên nào được lợi ích gì nếu để cho một sự cố đáng kể xảy ra, và bùng nổ thành một cuộc tranh chấp khu vực.”
Ông Kevin Rudd nói rằng từ quan điểm của phía Trung Quốc, thì chiến tranh sẽ phương hại tới ưu tiên số 1 trong nghị trình của Trung Quốc, là tiếp tục biến đổi nền kinh tế, và lý do thứ hai, theo ông, là nếu tranh chấp với Hoa Kỳ bùng nổ bây giờ, thì những nhân vật có đầu óc thực tiễn trong Quân Đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc thừa biết rằng họ có phần chắc sẽ thua trận.
Hãng tin AAP tường thuật rằng ông Kevin Rudd nói từ phía Mỹ, Hoa Kỳ không có lợi ích gì khi tiến hành chiến tranh tại Châu Á, dù là chiến tranh xảy ra một cách vô tình hay cố ý, cho nên có thể kết luận rằng sẽ có những sự cố xảy ra giữa hai bên, nhưng mọi việc rồi sẽ qua.
Ông Kevin Rudd, cựu Thủ Tướng Úc giờ là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Chính sách Asia Society đặt trụ sở ở New York, là Thủ Tướng Úc đầu tiên thông thạo tiếng Hoa, và đã từng theo học tại Trung Quốc.
Theo AAP, CNN
http://www.voatiengviet.com/content/cuu-thu-tuong-uc-bac-bo-quan-ngai-ve-nguy-co-xay-ra-chien-tranh-khu-vuc/2879965.html

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét