Ba Tôi, Người Đánh Máy Mướn
- Ðoàn Xuân Thu
Năm 1961, thằng em thứ sáu, vừa lên 5 của tôi, bị viêm màng não rồi chết. Thân phụ tôi đang làm Trưởng Ty Bưu Điện Rạch Giá buồn bã quá, xin đổi về Sài Gòn làm ở Bưu Điện Trung Tâm gần Vương Cung Thánh Đường dắt cả gia đình chạy trốn một kỷ niệm buồn đau!
Nhà thì chính phủ cho một căn, ở lầu hai cư xá Bưu Điện trên đường Hai Bà Trưng, nằm trong con hẻm lớn, đối diện nhà thờ Tân Định.
Rồi năm 63, cuộc đảo chánh 1/11 của các tướng lãnh. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết. Cái chết của Tổng Thống Diệm đã chấm dứt luôn cuộc sống tương đối dễ thở của các công chức bậc trung.
Nhà đông con, vật giá càng lúc càng tăng, con cái ngày một lớn, tiền ăn, tiền quần áo, tiền trường đè nặng lên vai Ba. Nên Ba phải làm thêm ‘job’ nữa. Đánh máy mướn!
Vốn xuất thân từ thư ký, sau vừa làm, vừa học, thi đậu cải ngạch thành Cán Sự Bưu Điện, nên Ba đánh máy rất nhanh, chỉ nhìn vào văn bản mà không cần nhìn vào bàn phím chữ. Đánh bằng mười ngón, tốc độ nhanh, nghe như tiếng rào rào đổ trên mái tôn. Mưa!
Cuối đường Phan Đình Phùng, đi về phía Chợ Lớn, rồi quẹo tay phải sang đường Lý Thái Tổ có rất nhiều tiệm Ronéo. Trong tiệm, ngoài giàn máy Ronéo, còn có vài cái máy đánh chữ, bàn ghế ngồi do chủ tiệm cung cấp. Làm ăn chia, tứ lục, 6/4.
Muốn in Ronéo, phải đánh trên giấy stencil. Đó là loại giấy có tráng sáp để khi đánh, chữ sẽ khắc dấu trên sáp; rồi khi đưa vào máy, mực sẽ tràn ra phủ đầy trên những dấu lõm. Dán stencil vào máy, rồi quay bằng tay hay bằng điện. Bài viết sẽ lần lượt được in ra.
Khách hàng đến là các giáo sư, mướn đánh máy bài giảng ở trường đại học, bán ‘cours’ cho sinh viên.
Khách hàng cũng có thể là các nhà văn chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton” như Dương Hà, An Khê, Ngọc Linh, Sơn Nam… Họ mang những bản thảo viết tay, thường là khó đọc, đến mướn đánh máy cho rõ ràng để thợ sắp chữ nhà in dễ đọc, dễ sắp chữ trên bản kẽm rồi in ra thành tiểu thuyết.
Giá cả có khác nhau tùy theo khách hàng thường xuyên như các giáo sư hay các nhà văn. Ngoài ra cũng có nhận đánh đơn từ các loại.
Mỗi ngày, Ba cỡi chiếc xe đạp đòn dông, đi làm theo giờ hành chánh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tan sở lại phải chạy xuống tiệm Toàn Thắng ở cuối đường Phan Đình Phùng để làm cái ‘job’ thứ hai.
Khoảng 9, 10 giờ đêm, mệt mỏi, rã rời sau 16 tiếng đồng hồ làm việc, Ba mới theo đường Phan Thanh Giản, chỉ cho chạy một chiều, để quay trở về Hai Bà Trưng, Tân Định.
Má vẫn thường chờ Ba cơm tối; nhưng 8 anh em tôi thì đã đi ngủ mất rồi. Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Đại Đồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.
Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn, rồi bảo: “Ăn đi con!”. Ăn thì khoái thiệt nhưng ‘bù ngủ’ híp con mắt luôn! Em gái tôi cắn miếng bánh mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.
Người ta thường bảo người mẹ như cánh cò. Cánh cò lặn lội bờ sông… Ba tôi không phải là cánh cò, Ba tôi là đại bàng nhưng con đông quá, bám vào đôi cánh của Ba nặng trĩu. Ba không bay cao, bay xa được mà chỉ bay là đà; nhưng vẫn phải rán mà bay để tìm mồi về cho vợ và con trong thời khốn khó!
Ba chưa từng bao giờ từ bỏ ước vọng là con mình sẽ được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn để cuộc đời không phải vất vả như ba!
Bước ra đời, nếu mình có thành công, có giỏi hơn người khác thường là bị dèm pha, xúc xiểm, ganh tị… nhưng mỗi thành công dù rất nhỏ trên trường đời của con thì Ba lại tự hào, hãnh diện coi thành công đó là rất lớn và là chính của Ba luôn?
Năm 63, tôi thi đậu vào Petrus Ký. Đỡ cho Ba không phải lo tiền trường. Vì nếu rớt, phải đi học tư, tốn lắm! Việt Nam lúc đó đậu vào một trường công lập nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký cho con trai hay Gia Long cho con gái là rất khó. Trường rất có kỷ luật nên học trò trường công không dám ‘cúp cua’ đi chơi nên thường học giỏi hơn học trò trường tư dù giáo sư trường tư lại nổi tiếng dạy hay hơn! Vì dạy hay hơn nên mới được chủ trường tư mời dạy!
Ngày coi kết quả thi vào Petrus Ký, trời đổ trận mưa to. Thầy Trường, dạy luyện thi đệ thất, có danh sách học trò thi đậu, báo tin vui cho Ba. Ba nhường áo mưa cho con, còn mình đội mưa đến. Thầy và Ba bắt tay nhau, hỉ hả cười rạng rỡ, dù nước mưa còn chảy ròng ròng trên má. Tôi thấy thương Ba quá trời! Sao mà khổ dữ vậy? Tôi thấy đậu vô đệ thất, cho dù là của một trường trung học nổi tiếng nhứt miền Nam đi chăng nữa, thì có gì là lớn đâu? Mấy thằng bạn học chung với tôi cũng thi đậu đó thôi!
Rồi khi thi đậu Tú Tài một rồi hai, Ba cũng mừng như chính Ba thi đậu vậy!
Khi vào đại học, Ba muốn con học Luật Khoa để trở thành Luật Sư chẳng hạn… Có lẽ đường hoạn lộ công danh của Ba đã từng bị áp bức, bị đối xử bất công quá hay chăng mà Ba không muốn con mình phải gánh chịu. Phải biết Luật để cho tụi nó sợ mà không dám áp bức lại mình?
Tôi thì thấy chồng ‘Cours’ là đã ‘ớn’. Lại phải tốn rất nhiều tiền để mua nên không muốn đi học Luật; dù trường đó, con đường Duy Tân đó, thơ mộng và có biết bao nhiêu là con gái, tiểu thơ con nhà giàu chưng diện, ẹo tới, ẹo lui?
Ba nói một, hai lần thì tôi vẫn giả bộ tảng lờ. Nhưng lần thứ ba thì con Ba, cái thằng bất hiếu, cứng đầu cãi lại: “Con là con ếch, con nhái mà Ba muốn con to bằng con bò! Không được đâu!”.
Tôi đã nhẫn tâm làm tan nát niềm ước vọng của Ba tôi rồi; mà tôi cứ ‘thản nhiên’ như không? Trời ạ!
Sau nầy vào Đại Học Sư Phạm ra trường, đi dạy, một hôm Ba nói: “Thôi không làm luật sư; làm giáo sư cũng được!”. Dù tôi chỉ là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp ‘quèn’ mà thôi?!
****
Rồi 75 đến, nước mất nhưng nhà tôi nhứt định không tan. Cũng sống lầm than mà cũng không nghe Ba một tiếng thở than? Đi tù cải tạo sáu tháng vì là viên chức ngụy quyền, cấp trưởng ty.
Trong tù, Ba tôi vẫn ăn mặc một cách đàng hoàng, tề chỉnh. Đêm trong trại, Ba xếp quần áo lại, lót dưới gối trên đầu nằm cho thẳng thớm. Sáng ra, mặc áo bỏ vô quần, mang giày như thuở còn đi làm; dù mấy thằng cán bộ nhiều lần mỉa mai, phê bình Ba là còn giữ tác phong ‘tiểu tư sản’?
Ba chỉ nói: “Mình mất nước chớ không mất tư cách!”.
Ra tù, Ba lại trở về Sài Gòn, ra Lý Thái Tổ ngồi đánh máy mướn để nuôi đàn con: đứa thì đi tù vì là sĩ quan Ngụy, đứa thì bị đuổi!
Ba vẫn ăn mặc rất đàng hoàng, vẫn áo trắng bỏ vô quần, vẫn mang giày, dù cũ, ra đánh máy mướn, làm đơn cho bà con cô bác Sài Gòn đi thăm nuôi chồng, con đang ở tù cải tạo.
Cuộc sống cực kỳ khốn khó mà Ba vẫn không than van; vẫn không phiền trách ai đã làm cho mình mất nước!
Bà con ở Hố Nai, có thời đi lính Liên Hiệp Pháp, xuống nhờ Ba đánh đơn gởi Tổng Thống François Mitterrand để xin đi định cư. Là người học chương trình Pháp, Ba viết thơ cảm động làm sao đến nỗi ông Chánh Văn Phòng của Tổng Thống hồi đáp ngay, rồi Ba dịch ra tiếng Việt cho bà con nghe là: “Tổng Thống Cộng Hòa Pháp đã nhận được thơ ông và chỉ thị cho bổn chức chuyển hồ sơ qua Bộ Ngoại Giao để làm các bước tiếp theo!”. Sau đó cũng có vài gia đình được đi Pháp định cư.
Có lần ông chủ một cây xăng ở Rạch Giá bị đánh tư sản, bị đuổi đi vùng kinh tế mới, khổ quá, ông trốn về Sài Gòn và gặp lại Ba. Ông vẫn còn gọi Ba là ông Trưởng Ty như ngày cũ?!
Ông nói vì không có hộ khẩu nên không làm được thông hành và chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ; dù con ông đã gởi đơn về bảo lãnh. Ba lại giúp ông làm đơn gởi cho bọn Công An, bộ phận xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn và Tòa Đại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand. Đơn thành công và ông được ra đi!
Trước ngày đi, bùi ngùi từ giã, ông nói: “Tôi đi rồi không biết chừng nào mới có dịp gặp lại ông Trưởng Ty” Rồi rưng rưng nước mắt, bắt tay chào vĩnh biệt!
Ðọc sử thế giới, tôi nhớ rằng Raoul Wallenberg (1912 –1947), nhà ngoại giao Thụy Điển, đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái ở Hungary thoát khỏi Holocaust, lò hơi ngạt của Phát Xít Hitler trong Thế chiến thứ hai. Ông đã cấp những thông hành bảo vệ (Schutz-Pass) và cho những người Do Thái ẩn náu trong những tòa nhà thuộc tòa đại sứ Thụy Điển ở hải ngoại.
Ngày 17.1.1945, Hồng quân Cộng Sản Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary bắt ông giam cầm và ông chết ngày 17.7.1947 trong nhà tù Lubyanka ở Moskva.
Trái tim vĩ đại của một con người nhân hậu đã mãi mãi thôi không đập nữa!
Chủ Nghĩa Phát Xít và Chủ Nghĩa Cộng Sản đều tàn ác như nhau.
Chính bọn chúng đã giết đi những người nhân hậu!
Dĩ nhiên thân phụ tôi không thể cứu được nhiều nạn nhân như ông Raoul Wallenberg đã từng làm; nhưng chí ít Ba tôi cũng đã giúp được một số người, dù con số đó rất nhỏ nhoi, vượt thoát khỏi gông cùm Cộng Sản.
Chỉ có một trái tim nhân đạo mới dám, mới làm được như thế!
Ba từng nói: “Giúp được ai, dù là chuyện nhỏ, để làm cho họ bớt thống khổ hơn là điều phải làm con ơi!”
****
Năm 81, thằng em thứ 5 của tôi liều chết vượt biên đến được Pulau Bidong, Mã Lai. Về Adelaide, Nam Úc định cư, nó lần lượt lãnh Ba và các anh em qua. Rồi cả gia đình đoàn tụ!
Đêm nay, ngồi trước bàn phím computer, viết bài nầy do anh Hoàng Định Nam, báo Trẻ Garland Texas đặt bài, nhân Father’s Day bên Mỹ, tôi lại nhớ đến cái bàn máy đánh chữ của Ba. Nhớ mười ngón tay xương xẩu, cong vòng của Ba, gõ trên bàn đánh máy mà ngày xưa người ta thường cảnh báo về già sẽ bị đau tim mà chết. Nhưng Ba không sợ! Mười ngón tay đó của Ba đã nuôi anh em con ăn học, đủ để sống sót và làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Tụi con xin cảm ơn Ba!
Ba bỏ tụi con đi, năm nay nữa là 15 năm chẵn. Tiếng gõ trên bàn máy chữ vẫn rào rào như tiếng mưa rơi… vẫn còn vang động đâu đây!
Nhớ và thương vô cùng cái dáng của Ba còng lưng trên xe đạp trong những ngày ngược gió.
Nhớ bánh mì Tám Cẩu Ba mua; mà đút vào miệng chưa kịp nhai tụi con đã gục đầu xuống bàn… mà ngủ tiếp.
Nhớ cái bắt tay của Ba với thầy Trường ngày con đậu vào đệ thất.
Người ta cần tới Father’s Day, Chúa Nhựt, tuần lễ thứ ba của tháng sáu như ở Hoa Kỳ hay Chúa Nhựt, tuần lễ thứ nhứt của tháng chín ở Úc để kỷ niệm ngày từ phụ, để nhớ tới phụ thân!
Còn con, con nhớ Ba mỗi ngày, khi còn sống, cho đến lúc nào đó con sẽ được gặp lại Ba!
Đoàn Xuân Thu
Melbourne
0 nhận xét:
Đăng nhận xét