NGUYỄN THI THANH DƯƠNG * LẤY CHỒNG MỸ



LẤY CHỒNG MỸ.


Nguyễn Thị Thanh Dương.

Chị Linh ghé vào nhà chị Bông để trao tận tay tấm thiệp mời đám cưới cô con gái, ở cùng thành phố, chị Linh đi chợ Việt Nam chỉ lái xe thêm 10 phút nữa là đến nhà chị Bông.
Nhìn nét mặt không vui vẻ lắm của chị Linh chị Bông ngạc nhiên:


- Gần đến ngày đám cưới con gái, được con rể là bác sĩ tài giỏi có ai bằng sao chị Linh lại có vẻ buồn buồn thế kia?::
Được bạn hỏi đúng tâm tư chị Linh liền tuôn ra:
- Bởi thế hôm nay tôi mới đến nhà chị trước là trao anh chị thiệp mời đám cưới sau là tâm sự đôi điều.
Chị Linh ngồi xuống ghế sofa đối diện bạn và tiếp:


- Chị Bông à, tôi theo đạo công giáo, chỉ nhóm bạn cộng đồng nhà thờ Việt Nam thôi là bao nhiêu chuyện nhức đầu rồi, từ việc nhỏ nhặt như cách ăn mặc họ cũng phô trương hay dòm ngó nhau chứ đừng nói đến những chuyện quan trọng khác, thí dụ như chuyện tôi gả chồng cho con gái họ cũng dèm pha lắm điều…


Chị Bông ngạc nhiên ngắt ngang:
- Chị gả con gái đàng hoàng, trai chưa vợ gái chưa chồng thì còn gì để thiên hạ dèm pha?
- Chị Bông ơi, chỉ vì con rể tôi là người Mỹ…
Chị Bông lại cắt ngang:
- Người Mỹ thì đã sao?
- Thế đấy chị, các bà ấy lôi ra hàng đống lý do để chê bai chuyện tôi gả con cho người Mỹ. Họ nói nào là lấy chồng Mỹ hạnh phúc không bền lâu, con rể Mỹ không ưa mẹ vợ có ngày chúng tống tôi vào nursing home khi tôi gìa cả. Thà gả con cho người mình cuộc sống có những điểm tương đồng về phong tục văn hoá, dễ ăn dễ nói…


- Người nước nào chẳng có kẻ tốt người xấu chứ.
Chị Linh cao giọng thở than:.
- Nhưng điều cay đắng nhất là có bà mỉa mai con gái tôi sắp thành me Mỹ..
Lần này chị Bông phải kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi, thời buổi này còn có người suy nghĩ thế sao?
- Vâng chị ạ, một buổi sáng chủ nhật thằng con rể tương lai đến nhà thăm chúng tôi và cùng chúng tôi đi lễ nhà thờ Việt Nam , trong đám đông có bà đã xì xào như thế.


- Theo tôi đoán là do lòng ghen tị mà ra thôi.vì con rể chị là bác sĩ chuyên khoa mổ tim giỏi của bệnh viện thành phố. Thử anh chàng này mà muốn cưới con gái họ có ai từ chối vì những lý do như chị vừa nói không?
Chị Bông chua chát thêm:


- Có khi bản thân các bà ấy nếu có cơ hội đẩy đưa cũng lấy Mỹ chứ đừng nói là gả con cho Mỹ. Có một bà Việt Nam sồn sồn đi làm ở hãng được ông cai Mỹ tán tỉnh sao đó đã ly dị chồng để đi theo tiếng gọi tình yêu mặc cho chồng con can ngăn để giữ gìn hạnh phúc và danh dự gia đình
- Tôi cũng nghe và biết vài chuyện tương tự như thế. Khổ cái là cộng đồng nhà thờ này nhỏ bé cứ nghe những lời xì xào sau lưng mình tôi thật khó chịu.
Chị Bông khuyên bạn:
- Đừng thèm để ý đến những lời cay độc của thiên hạ nữa, là những ghen tị hoặc những thành kiến trong suy nghĩ hẹp hòi của họ
- Riêng tôi thì…hơi lo là liệu mẹ vợ và con rể có nói chuyện thân tình với nhau được không? thằng rể Mỹ này không biết nói tiếng Việt còn tiếng Anh của tôi thì lạng quạng.
 
Chị Bông trấn an bạn:


- Không sao, nó lấy vợ Việt Nam thì sẽ dần dần hiểu tiếng Việt Nam , mỗi bên có một ít vốn liếng ngôn ngữ của người đối diện thì mẹ vợ Việt Nam và con rể Mỹ vẫn nói chuyện được mà..


Chị Linh dí dỏm kể:


- Tôi có chị bạn mới từ Việt Nam đến Mỹ thăm con gái, chồng nó là người Mỹ, nghe con gái nói chồng nó biết chút ít tiếng Việt nên bà nói chuyện với con rể bằng tiếng Việt, con rể không hiểu bà nói gì nó chỉ trả lời đúng 3 chữ: “Anh không biết” làm bà vừa xấu hổ vừa tức giận vì con rể hỗn hào dám xưng “Anh” với mẹ vợ. Sau con gái giải thích là cô đã dạy chồng noí “anh không biết” từ câu tiếng Anh “I don’t know”


Chị Bông bật cười:
- Thôi chị cứ vui vẻ lo đám cưới cho con gái, mấy người nhiều chuyện kia cũng có con lấy vợ lấy chồng cả đấy, biết ai sẽ hạnh phúc hơn ai.…
Chị Linh mỉm cười:
- Nghe chị nói tôi thấy có lý và tự tin hơn. Cám ơn chị Bông nhé.


Vợ chồng chị Linh có một con gái duy nhất, chồng chị qua đời cách đây vài năm, con gái học ngành y tá 4 năm và làm trong bệnh viện nơi mà cô làm chung với anh chàng bác sĩ chuyên khoa giải phẫu tim người Mỹ, anh này vừa giỏi vừa đẹp trai hèn gì các bà hàng xóm nhà chị Linh ghen tị.
Ngày nay nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ con cháu lấy người Mỹ, hay bất cứ người nước ngoài nào chẳng là điều ngạc nhiên hay hiếm hoi gì.


Tại Việt Nam , người miền bắc từng bao năm thù ghét và chống Mỹ trong thời chiến tranh nay con cháu họ cũng lấy Mỹ đầy ra.
Ngày xưa khoảng thời gian quân đội Mỹ sang miền nam Việt Nam chiến đấu bảo vệ cho nền tự do d chủ miền Nam, nếu ai lấy chồng Mỹ thì bị xã hội kỳ thị và lên án gọi bằng hai từ “me Mỹ” một cách miệt thị.


Có lẽ họ ấn tượng từ những hình ảnh cô giá bán ba ăn mặc diêm duá hở hang, váy mini ngắn cũn cỡn ngả ngớn với lính Mỹ trên hè phố hay tại các quán ba.. Đó là những cô gái quê, gái nhà nghèo vì thời thế, vì cuộc sống phải đi kiếm tiền trong môi trường ấy,.xã hội đã không nhìn họ bao dung và thương cảm, trái lại còn vơ đũa cả nắm cho tất cả những phụ nữ nào kết hôn với người Mỹ.


Ngày đó chị Bông là cô gái mới lớn.
Nhà mẹ cô Bông bán tạp hoá nho nhỏ trong xóm, đối diện nhà cô Bông là nhà ông Giàu, mà ông rất …nghèo, lại có hai vợ, con đông. Tất cả ở chung một nhà, cuộc sống hoà thuận vì hai bà vợ đều biết sợ ông chồng và bà vợ hai biết thân phận kẻ đến sau luôn vâng lời bà vợ cả.


Căn nhà của ông Giàu vừa nhỏ vừa dơ bẩn, ban ngày các con ông phải uà ra sân cho nhà bớt chật chội
Ông Giàu làm nghề bán thịt chó đã lâu năm, tên ông luôn đi liền với nghề nghiệp là “Giàu thịt chó”, nghe noí ông bị ho lao vì uống rượu nhiều và ăn uống kham khổ thế mà hàng thịt chó của ông vẫn đông, làm ra con nào bán hết con đó trong ngày, chẳng ai sợ lây bệnh, chẳng ai chê nhà ông dơ bẩn gì cả..


Mảnh sân trước cửa là nơi ông Giàu thường đứng khạc nhổ và cũng là nơi mấy đưá con nheo nhóc cuả ông đứng đó chơi đùa và …tiểu tiện mỗi khi chúng lười không chạy vào nhà.
Mảnh sân là nơi ông làm thịt chó, ông chất rơm ra sân để thui chó cho sạch lông trước khi chế biến
Mảnh sân cũng là nơi ông Giàu nấu nướng các món thịt chó. Ông bắc cái bếp ra sân để luộc thịt chó, nấu món rựa mận, hấp dẫn nhất là khi ông quạt than nướng chả và nướng dồi lòng. Món thịt chó nướng thơm lừng, món lòng chó sau khi nhồi với đậu xanh, thịt nạc thịt mỡ, phổi phèo và gia vị đem phết mỡ nướng trên than hồng cho đến khi khúc dồi chín vàng thơm béo.


Mặt tiền nhà ông Giàu mở ra một khung cửa sổ, ở đó là cửa hàng của ông, có treo một tấm bảng bằng miếng carton viết nguệch ngoạc mấy chữ “Giàu thịt chó nơi đây”
Một tảng thịt chó luộc treo lên móc và cạnh đó là treo bộ dồi lòng chó đã cuộn lại mà vẫn còn lủng lẳng, trên bàn có cái thớt và con dao phay cùng với các gia vị mắm tôm, rau thơm ớt, giềng., .v..v..,

Cửa hàng ông Giàu chỉ đơn sơ thế mà ông đi qua bà đi lại đều nhìn và thèm thuồng, có người phải dừng chân ghé vào nếm thử miếng thịt chó hay một khúc nhỏ lòng chó trước khi mua mang về nhà
Một con chó làm xong buổi sáng bán đến chiều là hết, các con ông chỉ được ăn cơm với nước sáo chó.hay gặm xương.


Hai bà vợ thi nhau gánh nước thuê trong xóm để thêm thu nhập. Họ nghèo khổ và túng thiếu quanh năm nhưng hai bà cũng …thi nhau đẻ năm một chứng tỏ ta đây được chồng yêu.. Tổng cộng hai bà cho ông Giàu đàn con 12 đưá, mấy đứa lớn chỉ học xong tiểu học là ở nhà vì chẳng có tiền đâu mà quần áo, sách vở đi học tiếp, đứa lớn theo hai bà mẹ đi gánh nước mướn, những đứa nhỡ nhỡ thì trông đưá nhỏ hơn..


Ông Giàu rảnh rang uống rượu và đi vòng vòng trong xóm tìm mua chó, ông đi đến đâu chó sủa đến đó, con này sủa con khác huà theo, hèn gì trong dân gian có câu “Chó huà”
Chắc lũ chó đánh hơi thấy ông Giàu là người đã giết đồng loại chúng hoặc mùi thịt chó còn ám trên người ông nên lũ chó gặp ông mới sủa tưng bừng như thế?


Ông tên Giàu nên đặt tên còn toàn là cao sang và tử tế cho xứng nào là Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Vàng, Tiền, Nghiã, Nhân….
Đưá con gái lớn con của bà cả tên Ngọc vừa 17 tuổi là đi bán quán snack bar cho lính Mỹ để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em..cả nhà ông Giàu đều dấu diếm chuyện cô Ngọc đi bán quán snack bar nhưng ở đời chẳng có sự thật nào dấu được mãi.
Đứa con gái lớn tên Ngà 16 tuổi của bà hai thì đi ở đợ cho một nhà giàu ở Saì Gòn.
Hai cô đi một thời gian khi về xóm đã trở nên xinh đẹp và khôn ngoan hẳn ra.


Cô Ngọc sang tiệm tạp hoá nhà mẹ cô Bông mua đồ và khoe với cô Bông tiếng Mỹ dễ học lắm, em biết nói tiếng Mỹ rồi . Cô Bông và cô Ngọc sàn sàn tuổi nhau nhưng cô Ngọc ra vẻ lịch sự gọi cô Bông bằng chị xưng em .


Cô Bông liền thử tài cô Ngọc:
- Ngọc thử nói một câu tiếng Mỹ đi
- Em nói nè “xe đạp” đố chị là gì?
Thấy cô Bông ngẩn ngơ, cô Ngọc liền giải đáp:
- Chị đi học mà không hiểu tiếng Mỹ bằng em “Xe Đạp” có nghiã là “Im miệng lại” đó.
Suy nghĩ mãi cô Bông mới hiểu chữ “xe đạp” là từ chữ “Shut up”
Cô Ngọc mua đồ trả tiền xong và đòi xem sổ nợ của mẹ cô đã mua thiếu, tờ giấy ghi nợ của mẹ cô dài như sớ táo quân, bao nhiêu là cô móc bóp ra trả bấy nhiêu


Cô Ngà không nhiều tiền bằng chị, nhưng cô ở với chủ sang trọng giàu có, cô mặc quần áo thừa cuả con gái ông bà chủ trông cũng ra vẻ tiểu thư, ai biết là cô đi ở đợ.
Một hôm bà cả sang nhà cô Bông mua thiếu mấy bó củi và tâm sự với mẹ cô Bông là con Ngọc sẽ lấy chồng Mỹ, bà đau khổ lắm vì nó sẽ là me Mỹ mang nỗi nhục về cho gia đình, nó lấy Mỹ thì đừng hòng mang thằng Mỹ về nhà tôi. Bà đe dọa thế


Cô Ngọc lấy chồng Mỹ thật, anh Mỹ gặp cô ở quán bar và yêu cô đòi lấy cô, anh không phải là anh lính Mỹ quèn, chức vụ cố vấn gì đó, anh thuê một căn biệt thự to lớn ở đường Nguyễn Huệ Phú Nhuận để hai vợ chồng ở.


Cô Ngọc bị cha mẹ chửi mắng và cấm cửa không dẫn chồng về thăm nhà đã đành, chính cô cũng không dám về thăm, nhưng cô vẫn nhờ người quen mang tiền về giúp đỡ cha mẹ.
Dần dần không biết vì nỗi đau nguôi ngoai hay vì họ nghèo khổ túng thiếu cần giúp đỡ, ông Giàu, bà cả đã lén lút đến nhà thăm con gái, thấy nhà cửa cô Ngọc to lớn sang trọng vợ chồng ông Giàu hoa mắt không tin là đứa con ít học nhếch nhác đầu bù tóc rối ngày nào của họ lại làm vợ một ông cố vấn Mỹ trí thức đẹp trai và ở nhà đẹp như dinh thự thế này . Mỗi lần thăm con gái bà cả lại mang về bao nhiêu là đồ ăn và bánh trái , đồ hộp cuả Mỹ mà con gái bà ăn không hết. Bà cả đã dặn dò cô Ngọc:


- Hai vợ chồng sao mà mua nhiều thứ thế ăn làm sao hết, Con cứ để dành những thứ còn thưà lần sau mẹ lên lấy về, đừng cho ai hay đổ đi.


Bà cả bắt đầu hí ra và khoe với mẹ cô Bông rồi khoe khắp hàng xóm về con rể Mỹ, về cuộc sống đầy đủ sung sướng của cô Ngọc. Nghe ai đó nói con bà là “me Mỹ” thì bà cả liền bênh con đối đáp:
- Tại tôi cấm cản không cho nó cưới hỏi, con gái tôi lấy Mỹ nhà cao cửa rộng kia kià, bộ tưởng ai lấy Mỹ cũng được sao !


Cô Bông có lần đi qua đường Nguyễn Huệ ở Phú Nhuận đã tin những gì bà Cả khoe là đúng. Căn biệt thự to kín cổng cao tường, ai muốn vào nhà thăm cô Ngọc đâu phải dễ, đứng xớ rớ ngoài cổng có khi còn bị chó trong nhà nhảy ra đòi cắn thì toi mạng.…
Từ ngày có con gái lấy Mỹ ông Giàu vẫn làm thịt chó còn hai bà vợ đỡ phải gánh nước mướn. Ông Giàu hãnh diện tuyên bố với hàng xóm:


- Con Ngọc nó giúp đỡ tôi không cần làm thịt chó cũng đủ ăn, nhưng…cái nghiệp của tôi rồi, không làm thịt chó thì nhớ lắm.Cô Ngọc là người đầu tiên lấy chồng Mỹ trong cái xóm này, người thứ hai là cô Thi con gái út của ông giáo Thịnh về hưu, cô Thi là người có ăn học, cô làm thơ ký hãng Mỹ và quen một anh kỹ sư Mỹ. Họ muốn kết hôn


Gia đình ông Thịnh ra sức ngăn cản y như gia đình ông Giàu trước kia.
Cô Thi mang chuyện cô Ngọc lấy chồng Mỹ ra, khen chồng cô Ngọc là người Mỹ tử tế liền bị mẹ đay nghiến::
- Cô có ăn học mà so sánh với con nhà ấy à? Nó vô học đi bán ba , thứ ấy không lấy Mỹ thì lấy ai ?
- Mẹ làm như người Mỹ là rơm rác không bằng, mình ở nước nghèo thua kém nước Mỹ về mọi mặt mà mẹ lại khinh tường và kỳ thị họ là sao?
Bà Thịnh ngang tàng:
- Chẳng sao cả, cô mà lấy Mỹ, làm me Mỹ thì nhà này từ cô.


Và nhà ông giáo Thịnh từ cô con gái út thật, từ ngày cô Thi lấy Mỹ không ai thấy cô về xóm, không ai nghe ngóng tin gì từ ông bà giáo, chuyện con gái lấy Mỹ của nhà này không kết thúc đẹp như nhà ông Giàu thịt chó..
Một năm sau nhà ông giáo Thịnh dọn đi vì xấu hổ với hàng xóm láng giềng, con gái cãi lời cha mẹ, tự kết hôn với Mỹ chẳng khác nào từ bỏ gia đình…đi theo trai


Người Việt Nam mình xem ra kỳ thị đủ thứ, chẳng riêng gì chuyện lấy Mỹ, mà người Việt Nam với nhau vẫn còn kỳ thị nào là khác tôn giáo, khác miền, kẻ miền Nam chê miền Bắc miền Trung khắt khe, hà tiện, hoặc ngược lại người miền Nam bị người hai miền kia chê là “ăn xài hoàng tàn, sống hời hợt không biết lo cho tương lại”, rồi người giàu chê người nghèo, người có học khinh thường người ít học mà bao mối tình duyên cuả con cái phải trắc trở lỡ làng


Biến cố 1975 cô Ngọc theo chồng về Mỹ cùng với hai con nhỏ, gia đình ông Giàu phải đi kinh tế mới, chẳng biết nơi vùng đất mới ấy ông Giàu có bỏ nghề làm thịt chó cùng hai bà vợ cày cấy ruộng vườn được không?
Khoảng chừng 10 năm sau thì thằng em cô Ngọc tên Nghĩa về thăm xóm cũ, gặp chị Bông hỏi thăm gia đình thì Nghiã kể:


- Vợ chồng chị Ngọc vẫn sống với nhau. Cha em đã bỏ kinh tế mới dọn ra phố ở, cha trở về nghề làm thịt chó, hai bà mẹ nhờ có vốn của chị Ngọc gởi về và các con đã lớn đỡ đần nên ra chợ bán buôn đỡ vất vả hơn làm ruông làm vườn kinh tế mới.


Chị Bông khó mà hình dung ra cô Ngọc lúc này, cô Ngọc đang ở nước Mỹ văn minh giàu có còn chị Bông thì nhếch nhác nơi quê nhà xã hội chủ nghiã...
Năm 1991 gia đình chị Bông sang Mỹ định cư, từ một người quen cùng xóm cũ chị Bông nghe được tin tức nhà ông giáo Thịnh, kết cục huy hoàng hơn nhà ông Giàu thịt chó,. cả nhà ông giáo Thịnh, dâu, rể cháu đều theo vợ chồng cô Thi sang Mỹ từ tháng Tư năm 1975, dĩ nhiên là nhờ công chàng rể.Mỹ.
Đám con cháu ông giáo Thịnh theo truyền thống của gia đình và đất lành chim đậu đều ăn học giỏi giang thành tài., ông bà Thịnh rất qúy chàng rể Mỹ, nhờ nó mà cả nhà ông đã đổi đời.


************************


Chị Bông cầm tấm thiệp cưới con chị Linh lên ngắm nghìa, Bên nhà trai tên họ người Mỹ, bên nhà gái tên họ Việt Nam ., chị sẽ đi dự đám cưới và cầu mong cho hai ttrẻ trăm năm hạnh phúc, hai họ mãi qua lại thân tình


Chị cũng mong rằng không còn những thành kiến “Me Mỹ” như ngày xưa về người phụ nữ Việt Nam lấy Mỹ nưã, có những cảnh đời người phụ nữ phải dấn thân kiếm sống, có những mối tình Mỹ Việt tệ hại chẳng ra gì, nhưng bên cạnh đó cũng có những mối tình đẹp, những lương duyên tử tế của phụ nữ Việt lấy chồng Mỹ , đời thường và bình thường như bất cứ mối lương duyên nào du cùng chung hay khác biệt màu da và chủng tộc.


Nguyễn Thị Thanh Dương.
( July, 29- 2015)
 
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét