Nhà Mạc với Thăng Long (bài nhóm Nguyễn Doãn Tuân, trên Nhân Dân)

Các tác giả thuộc Ban Quản lí Di tích và Danh thắng của Hà Nội. Một người vốn là Trưởng Ban. Đi du lãng các làng, các phố, các di tích Hà Nội vẫn thi thoảng thấy ông, khi trực tiếp và khi thì gián tiếp (qua văn bản kèm dấu đỏ của các cơ quan công quyền thuộc Hà Nội).

Có một vài chỗ các tác giả nhầm lẫn.

Từ đây trở xuống là chép nguyên về từ báo Nhân Dân.

---

Thứ hai, 06/07/2015 - 09:47 PM (GMT+7)



Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Mạc.   Ảnh: LÊ BÍCH

Chiều 6-7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài 22 đường, phố trên địa bàn thành phố. Trong số 19 tuyến đường, phố mới, có hai tuyến đường mang tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông. Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân xin trích đăng bài viết của TS Nguyễn Doãn Tuân và Nguyễn Tuyết Anh, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội để bạn đọc có thêm thông tin khoa học cần thiết về những đóng góp của Vương triều Mạc đối với lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

…Nhà Mạc là một triều đại được nhân dân đương thời công nhận và ủng hộ. Vương triều Mạc đã tạo ra một xã hội ổn định, no ấm, có kỷ cương và pháp luật. Sách Ô châu cận lục có ghi khá cụ thể những cảnh sinh hoạt phồn thịnh của thời kỳ này. Tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận: “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”.

Vương triều Mạc rất chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo được nhiều nhân tài kiệt xuất. Vua Mạc khuyến khích xây trường học, trực tiếp sai một đại thần trông nom việc sửa chữa trong Quốc Tử Giám và đích thân đi thăm nhà Thái học. Trong 67 năm, nhà Mạc tổ chức đều đặn 20 kỳ thi Hội, đào tạo được 20 trạng nguyên và khoảng 456 tiến sĩ. Có nhiều nhân vật kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Bùi Vinh, Giáp Hải, Giáp Trưng, Nguyễn Năng Nhuận, Đặng Vô Cạnh, Trần Văn Nghi, Hoàng Sĩ Khải, Phạm Quỳnh, Phạm Dao, Hà Nhậm Đại, Bùi Văn Khuê, Mạc Kính Điển, Dương Văn An, Nguyễn Quang Bật... là những trí thức lớn đóng vai trò quan trọng ở các thập kỷ sau này. Đặc biệt có Nguyễn Thị Duệ người Chí Linh (Hải Dương) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cải trang nam giới đi thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc.

Triều Mạc là một vương triều trọng chữ Nôm, khuyến khích sáng tác văn thơ Nôm và tạo ra một thời kỳ văn học Nôm rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc. Thơ văn Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Hoàng Sĩ Khải, Lê Bá Ly... đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử văn học dân tộc. Tô công phụng sứ và Lâm tuyền kỳ ngộ là những truyện thơ Nôm viết theo thể Đường luật có giá trị.

Dưới Vương triều Mạc, nhiều ngành nghệ thuật phát triển rực rỡ và độc đáo. Hầu hết các chùa đổ nát đều được trùng tu. Tượng bà chúa Mạc ở chùa Phổ Minh và các pho tượng La Hán chùa Tây Phương là những công trình nghệ thuật đậm đà màu sắc dân tộc. Đặc biệt là gốm thời Mạc ghi khắc cả niên hiệu, nơi sản xuất và tên nghệ nhân. Cách kinh thành Thăng Long không xa có hai làng nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, đó là làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, trấn Hải Dương) và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sản phẩm của hai làng này, ngoài phần tiêu thụ tại địa phương và phục vụ xuất khẩu, thì phần lớn được chuyển về bán tại Thăng Long và các trấn lân cận.

Dưới thời nhà Mạc, nghệ thuật kiến trúc lâu đài và thành lũy cũng có nhiều vẻ độc đáo. Ở Hà Nội có sáu ngôi đình xây dựng dưới thời Mạc và tám ngôi đình khác được ghi chép trong văn bia, trong đó có hai ngôi đình kiến trúc còn khá nguyên vẹn, là đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) và đình Tây Đằng (Hà Nội). Ngoài ra, có một số di tích hiện còn mang dấu ấn đậm nét từ thời Mạc như: chùa Ngo (Hoài Đức), đền Phù Đổng (Gia Lâm), chùa Đa Tốn (Gia Lâm), chùa Bối Khê (Thanh Oai), đình Thụy Phiêu (Ba Vì), chùa Mui (Thường Tín)...

Trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã có những cống hiến đáng kể cho lịch sử Thăng Long và dân tộc trên nhiều lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... hợp với lòng dân. Cuối năm 1585, Mạc Mậu Hợp trở lại Thăng Long cho tu sửa lại Hoàng thành để chống lại cuộc tấn công của họ Trịnh. Lần tu sửa này Hoàng thành đã thu hẹp lại về hai phía đông và tây, một số cung điện bị bỏ ra ngoài Hoàng thành trở nên hoang phế. Tuy vậy, Hoàng thành thời gian này vẫn rộng hơn Hoàng thành thời Lý - Trần và rộng hơn tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn.

Về cấu trúc thành lũy, thành Đông Kinh thời Lê sơ, hay Thăng Long thời Mạc vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long - Đông Đô thời Lý, Trần. Vòng thành ngoài cùng vẫn mang tên thành Đại La. Vòng thành thứ hai được chính thức gọi là Hoàng thành. Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê - Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là Ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng), suốt đến Thanh Trì, giáp sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc phía ngoài thành”.

Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo đường phía tây Hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ - La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt qua Ô Cầu Dền, theo đường Trần Khát Chân, tới Ô Đống Mác, ra tới chân đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu Hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.

Mặc dù có nhiều biến động về chính trị, xã hội song đây cũng chính là thời kỳ kinh tế và văn hóa đặc biệt phát triển, hình thành nên những vùng buôn bán khá hưng thịnh. Chợ phát triển nhiều, buôn bán sầm uất ở kinh kỳ. Tầng lớp thị dân ngày một gia tăng, có một số trở thành chủ xưởng, chủ hiệu giàu có, nhưng đông đảo vẫn là người sản xuất và buôn bán nhỏ. Với một chính sách khá cởi mở đối với thương nghiệp, nhà Mạc không “ức thương” như nhà Lê trước đó, nên đời sống Thăng Long ổn định, người dân kinh thành sống dễ chịu hơn.

Thăng Long thời Mạc, về văn hóa - giáo dục cũng có bước phát triển đáng ghi nhận, đây cũng là thời gian thành Thăng Long chứng kiến sự thăng hoa của mặt bằng trí thức so với thời cuối Lê sơ. Giống như thời Lê Thánh Tông, Thăng Long dưới thời Mạc vẫn là nơi hội tụ các sĩ tử của cả nước, cứ ba năm một lần, tập hợp tại đây so tài cao thấp mong “vượt vũ môn” để giúp đời. Triều Mạc, mặc dù dựa vào Nho giáo để trị quốc nhưng vẫn cho phép các tín ngưỡng, tôn giáo khác phát triển, nhất là Phật giáo. Dưới thời Mạc, Phật giáo lại có điều kiện để hưng khởi. Nhiều chùa ở kinh đô Thăng Long được tu sửa, tôn tạo, bên cạnh các chùa Phật Tích, Bút Tháp, Vĩnh Nghiêm, Luy Lâu thuộc Kinh Bắc cũng được trùng tu...

TS Nguyễn Doãn Tuân, Nguyễn Tuyết Anh

http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_hanoi/_mobile_tinmoinhan/item/26814702.html
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét