Cũng đã lâu lâu rồi. Bây giờ thì tôi cũng không còn nhớ là vào năm tháng nào nữa. Lần ấy, tôi có đến thăm một thày giáo dạy văn. Tôi thấy nhà thày có treo một bài thơ chữ nhẫn, viết trên một tờ giấy tờ rô ki khổ lớn. Bài thơ được viết nắn nót bằng mực tầu. Nguyên văn gồm bốn câu thơ lục bát :
Có khi Nhẫn để yêu thương
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau
Tử An Trần Lê Nhân
Và thày còn giải thích đây là bài thơ do ông Trần Lê Nhân viết nhân một dịp mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đứng coi lầm nhẩm đọc và thấy khá tâm đắc. Bởi mỗi câu thơ lại giải thích một mặt ý nghĩa của chữ “nhẫn”. Câu thứ nhất “nhẫn để yêu thương” thì “nhẫn” có nghĩa là “nhường nhịn bao dung”. Ở khía cạnh này “nhẫn” là biểu hiện của lòng yêu thương. Câu thứ hai “nhẫn để liệu đường lo toan” thì “nhẫn” lại là “sự kín đáo sâu sắc của mưu cơ”. Nói cụ thể hơn là phải biết dấu mình để tạo thời cơ và đợi thời cơ. Câu thư ba “nhẫn để vẹn toàn” thì tôi hiểu cả ở hai khía cạnh “bảo toàn lực lượng của quân ta” và “bảo toàn sự tồn tại của cá nhân mình”. Và câu thứ tư “nhẫn để chớ tàn hại nhau”, tôi hiểu là giữ gìn đoàn kết nội bộ, không để xẩy ra bạo lực trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Nhưng bao trùm lên nhất, cốt lõi nhất của chữ “nhẫn” vẫn là “nhường nhịn, bao dung và khôn khéo”. Lúc ấy tôi nghĩ là cụ Trần Lê Nhân đã căn cứ vào cuộc đời của Đại Tướng để đúc rút ra mấy câu thơ rất súc tích này.
Mấy ngày nay, nhân sự kiện Đại Tướng qua đời, có rất nhiều luồng thông tin bình luận về cuộc đời Đại Tướng. Đối với một nhân vật lỗi lạc như Đại Tướng thì lịch sử còn phải bàn luận dài dài. Dù sao thì tình cảm của nhân dân vẫn là phần thưởng cao quý nhất và cũng là sự đánh giá công bằng nhất.
9/10/2013
Đỗ Đình Tuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét