TÙNG VÀ NGUYỄN TRÃI

                        
Sáng nay, vừa tỉnh giấc, tôi mở tung cửa bước ra sân hít thở khí trời. Chợt nhìn thấy cây tường vi mới hôm nào  hoa hồng rực rỡ một góc sân lá xanh thắm như tăng thêm vẻ đẹp sung mãn, tràn trề  sức sống. Thế mà hôm nay hoa đã hết và lớp lá xanh kia đã chuyển màu vàng đỏ, rụng đầy sân bay bay trong gió sớm. Bỗng dâng lên trong lòng một cảm giác nao nao khó tả rồi tự dưng lại nhẩm đọc câu thơ: “Thu đến cây nao chẳng lạ lùng” trong bài “Tùng” của Nguyễn Trãi. Và cứ thế đọc hết cả bài thơ để rồi càng yêu thêm vẻ đẹp của Tùng, vẻ đẹp của bản lĩnh anh hùng cứng cỏi cũng như tâm hồn thi nhân tinh tế nhạy cảm và tấm lòng dứt mực vì dân của “danh nhân văn hóa thế giới”, Nguyễn Trãi.
Vâng thu đến muôn cây đều đổi thay theo quy luật của tạo hóa “ Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”. Chỉ có mình cây tùng là bất tuân quy luật ấy. Nó vẫn ngạo nghễ xanh thẫm coi thường cái rét cắt da cắt thịt của ba tháng mùa đông:
                     Một mình lạt thuở ba đông
 “ Lạt” là một từ cổ có nghĩa là coi thường nhưng âm hưởng trầm bình chắc khỏe của nó tạo ấn tượng mạnh hơn. Vì thế tự nhiên ý thơ được nhấn mạnh nổi bật hơn và hình tượng cây tùng cũng trở nên cứng cỏi, mạnh mẽ, hiên ngang hơn.
Nhưng: ai (dám) bảo rằng tùng chỉ làm khách chốn sơn lâm? (Lâm tuyền ai rặng già làm khách?) Vẻ đẹp của tùng đâu phải chỉ đơn thuần là vẻ đẹp vì chính bản thân nó hay là góp phần trang hoàng cho núi rừng thêm kì vĩ tráng lệ? Không, tùng thiết thực hơn, hữu ích hơn bởi “ tài lương đống” của nó.
                     Tài đống lương cao ắt cả dùng
                      Đống lương tài có mấy bằng mày
                      Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
                      Cội rễ bền dời chẳng động
                      Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày

                      Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
                       Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
                       Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
                       Dành còn để trợ dân này
Cách dùng điệp ngữ, điệp cú pháp trong các câu thơ trên tạo giá trị thẩm mỹ cao cho đoạn thơ. Nó có tác dụng nhấn mạnh, khẳng định giá trị đích thực to lớn của cây tùng là dùng vào việc lớn, việc trọng đại có ích cho đời, là dành tất cả những gì tinh túy nhất, quý giá nhất để trợ giúp cho dân !
Bài thơ thất ngôn chen lục ngôn rất tự nhiên nhuần nhị và dường như sức nặng của ý thơ lại dồn vào những câu lục thì phải. Này nhé:
               Một mình lạt thuở ba đông
                Cội dễ bền dời chẳng động
                 Dành còn để trợ dân này.
Nếu hai câu lục trên nhằm lột tả tư thế vững chãi, sức sống bất diệt trước mọi thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt của cây tùng thì câu lục kết bài lại khẳng định lợi ích của tùng một cách rất chắc chắn, rất dứt khoát: “ Dành còn để trợ dân này” .
Nên nhớ rằng, trong quan niệm của người xưa, tùng, trúc là vẻ đẹp ngay thẳng cứng cỏi, khỏe khoắn tượng trưng cho  bản lĩnh, khí phách của người quân tử. Song đọc  bài thơ này, ta không chỉ nghĩ tới hình ảnh một người quân tử, một đấng trượng phu chung chung nào đó mà liên tưởng ngay đến cuộc đời Nguyễn Trãi, tinh thần,khí phách và tư tưởng “ nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi. Với tôi, hình ảnh cây tùng “ lạt thuở ba đông” và trải mấy tuyết sương  vẫn sâu rễ bền cội “ dời chẳng động” cũng chính là hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi luôn vững vàng, bản lĩnh trước bao nhiêu giông gió cuộc đời;Từng “ nếm mật nằm gai “ với nghĩa quân Lam Sơn để đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, làm nên chiến thắng vang dội hào hùng của dân tộc Việt thế kỷ XV khiến muôn đời sau nhìn lại còn thấy tưng bừng sảng khoái và biết mấy tự hào
Gươm mài đá đá núi cũng mòn
Voi uống nước nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”
     ( Cáo bình Ngô)
Dốc lòng trong thời loạn, đến thời bình, Nguyễn Trãi vẫn một mực thẳng ngay, bất khuất kiên trung chống lại cường quyền bạo ngược bảo vệ chân lý: “ Vườn quỳnh dầu chim kêu hót / cõi trần có trúc đứng ngăn” (Tự thán- bài 40).
Song điều đáng quý nhất ở Nguyễn Trãi chính là tư tưởng nhân nghĩa hết sức tân tiến . Ngay sau chiến thắng giặc Minh, thác lời Lê Lợi, viết “Cáo Bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đến thời bình ông vẫn tâu với nhà vua rằng: “Dám mong bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân để cho khắp thôn cùng ngõ vắng không đâu còn tiếng hờn giận oán sầu”. Cái nỗi niềm đau đáu trong suốt cuộc đời Nguyễn Trãi chính là mơ ước xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị để người dân được  sống vui vẻ yên bình no đủ như thời Nghiêu Thuấn: “ Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn / Chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền”
Thương thay, con người toàn tài hiếm có và tâm đức sáng ngời đó lại bị bọn xu nịnh, bất tài, mượn cớ vụ án " Lệ chi viên"  vu oan giá họa đến mức phải chịu án chu di ba họ. Mãi đến 1464  Nguyễn trãi mới được vua Lê Thánh Tông minh oan và đánh giá cao tài năng đức độ của ông “ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê). Cũng chính vua Lê Thánh Tông đã cho sưu tầm lại thơ văn của Nguyễn Trãi và tìm con cháu còn sống sót của ông để bổ làm quan. Năm 1980 Nguyễn Trãi đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Còn với nhân dân Việt Nam, Nguyễn Trãi mãi mãi là anh hùng dân tộc, là nhà văn hóa lớn. Nhất là tư tưởng “ nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi sẽ được muôn đời  tôn vinh, ngưỡng mộ, truyền tụng.
                              20-10-2013
                                              Song Thu

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét