Bảo vệ Đảng trước các luận điệu xuyên tạc chia rẽ nội bộ

Gần tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, trên mạng internet, những kẻ tự nhận là "đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam" và những tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt hòng làm chia rẽ nội bộ, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Đi sâu hơn vào vấn đề này, Tiếng nói của dân xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Bảo vệ Đảng trước các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ nội bộ" của TS Nguyễn Trung Kiên - Học viện An ninh nhân dân đăng trên báo Nhân dân


Một buổi tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng ở xã Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên.

"NDĐT- Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, các blogs, trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài xuất hiện nhiều thông tin vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, hạ uy tín của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa tin kích động gây chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Những nội dung này tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ, làm sai lệch thông tin, gây hiểu nhầm trong dư luận. Đây không phải là chiêu thức mới trong hoạt động chống Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch mà nó đã hình thành trong chiến lược "diễn biến hòa bình" từ trước đến nay.

Trong điều kiện hiện nay với nhiều tiện ích từ các mạng xã hội, internet, các thông tin mở thì sự tác động của các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc đó diễn ra hết sức phức tạp. Mục đích của hoạt động này là nhằm hạ uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ. 

Những luận điệu của các thế lực thù địch tập trung vào tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành quả cách mạng, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dưới hình thức hồi ký, tùy bút, tác phẩm văn học nghệ thuật. Chúng thông tin về gia đình, tài sản, quan hệ xã hội của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mâu thuẫn nội bộ trong Đảng, xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết, tác phẩm văn học nghệ thuật đặc tả giống với các đồng chí lãnh đạo tạo dư luận tiêu cực trong quần chúng nhân dân. 

Thủ đoạn của chúng là đưa những thông tin như thật, có số liệu, hình ảnh nhưng người đọc không thể kiểm chứng, đối chiếu, trích dẫn tài liệu rất khoa học nhưng những nguồn tin, những tài liệu trích dẫn lại không có thật hoặc có nhưng không bảo đảm độ tin cậy. Chúng xây dựng các câu chuyện có hồn cốt, có nội dung cốt truyện mô phỏng theo những sự kiện lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước để dẫn dắt người đọc từ vấn đề chính trị xã hội này sang vấn đề chính trị xã hội khác và đi đến kết luận rằng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay là không phù hợp với xu thế chung của thời đại. 

Những luận điệu vu cáo, xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ diễn ra với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau từ bí mật, lặng lẽ xuất hiện trên internet, trên các trang mạng xã hội đến công khai trắng trợn trên các quầy sách báo dưới sự trợ giúp của các hoạt động in ấn trái pháp luật.

Phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hoạt động này chính là góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan, ban, ngành đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin truyền thông, internet, mạng xã hội,… chính vì vậy để làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo đảm ổn định xã hội, ổn định tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, vạch trần âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chúng ta cần làm tốt một số nội dung công tác sau đây:

Cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ để ngăn chặn kịp thời. Chủ động kiểm soát thông tin, nắm tình hình trên các mạng xã hội, trên các trang web, blog có nội dung chống đối để chủ động cung cấp thông tin chính thống vạch trần âm mưu và hoạt động của chúng. Chủ động tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với những người có hoạt động chống đối để giải quyết những vướng mắc về tư tưởng, tình cảm, chế độ chính sách đối với họ, đề nghị họ từ bỏ các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia. Nếu góp ý cho Đảng thì cần mang tính xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước, có thể góp ý trực tiếp thông qua các cơ quan chức năng để tránh bị lợi dụng chống Đảng, Nhà nước. 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân đồng thời xây dựng và phát triển mạnh mẽ các mạng xã hội trong nước, tạo diễn đàn bày tỏ chính kiến, bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh cho người dân Việt Nam. Chủ động đàm phán, hợp tác chia sẻ quyền quản trị đối với các tài khoản mạng xã hội nước ngoài, kết nối các mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội nước ngoài nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý, ngăn chặn những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ.

Khắc phục những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để đăng tải, tán phát những luận điệu sai trái. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các phóng viên, biên tập viên, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Phóng viên, biên tập viên cần có nhãn quan chính trị tốt, khả năng phát hiện và loại bỏ được những bài viết, những tác phẩm có nội dung xấu. Ngăn chặn và xử lý triệt để các hoạt động in ấn, xuất bản trái pháp luật.

Bên cạnh đó Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm vạch trần âm mưu, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ. Xây dựng các diễn đàn mà ở đó những người có ý kiến trái chiều, những người "bất đồng chính kiến" có thể đưa ra các lập luận, lý lẽ của riêng họ thỏa mãn ý tưởng chính trị. 

Xây dựng các nhân tố, các cộng tác viên nòng cốt làm trụ cột của diễn đàn này có thể phản biện, dẫn dắt các thành viên đi đến đồng thuận với các quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước. Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Khi chủ trương của Đảng, Nhà nước được thực hiện đúng đắn, phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc, phù hợp với lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân thì các đối tượng chống đối sẽ không còn lý do để xuyên tạc, chống phá. Bên cạnh đó khi đã tạo được niềm tin vào Đảng, vào chế độ và con đường phát triển đất nước thì các hoạt động chống đối sẽ tự triệt tiêu. Và đó chính là cách thức bảo vệ Đảng hiệu quả nhất trước những luận điệu tuyên truyền, vu cáo, xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ".

Nguồn: nhandan.com.vn
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét