[Minh Trị]
Trong thời gian cuối tháng 12 năm 1974 đầu tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khóa III đã tiến hành Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng nhằm quyết định chủ trương chiến lược và kế hoạch cụ thể giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ. Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng kiến 3 lần Trung ương Đảng đang tiến hành các cuộc hội nghị thì tin tức bất ngờ từ tình hình trong nước hoặc thế giới tác động có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Một là, Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra từ 13 đến 15/8/1945. Trước tình hình cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đang bước vào giai đoạn chót, phe Đồng minh giành được thắng lợi trên tất cả các mặt trận, phát xít Nhật đơn độc chống lại mặt trận Đồng minh rộng lớn, hùng mạnh (phát xít Đức đã đầu hàng từ ngày 9/5, Liên Xô đã tham chiến chống Nhật từ 9/8, tạo thêm thế bao vây tấn công Nhật trên bộ từ hướng Bắc), Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13/8/1945 với hai quyết định quan trọng là: Phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào; thành lập Ủy ban khởi nghĩa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và ra bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Hội nghị đang họp thì nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (14/8/1945), tạo thời cơ thuận lợi “ngàn năm có một” cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc được tiến hành thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu (phát xít Nhật đầu hàng dẫn tới việc quân Nhật ở Đông Dương và chính phủ bù nhìn thân Nhật mất chỗ dựa, trong khi đó quân Đồng minh chưa vào).
Hai là, Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (5-7/1954) mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong các bên tham gia. Khi Hội nghị được triệu tập, quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp đang chuẩn bị bước vào trận quyết chiến chiến lược tại lòng chảo Điện Biên - nơi mà các tướng lãnh, chính trị gia không chỉ ở Pháp mà còn ở Mỹ coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “Véc-đoong châu Á” nơi thu hút chủ lực Việt Minh đến để tiêu diệt. Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giữa lúc Hội nghị đang họp khá giằng co, các nước đế quốc và bọn phản động quốc tế ra sức phá hoại Hội nghị, ngăn cản nguyện vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Việt Nam trở thành hiện thực thì tin Quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vang tới Hội nghị, tạo thế mạnh cho phái đoàn Việt Nam và các nước ủng hộ Việt Nam trong việc đấu tranh trên bàn đàm phán. Từ đó dẫn tới việc ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết với những nội dung quan trọng như: Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước; các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương; cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự,vũ khí nước ngoài vào Đông Dương, nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương. Kết quả đạt được tại Hội nghị Geneve đánh dấu cuộc đấu tranh ngoại giao của cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.
Ba là, hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bàn chủ trương chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam (18/12/1974 - 8/1/1975). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế và lực của quân dân ta ở miền Nam lớn mạnh vượt bậc, đã phá tan các âm mưu lấn đất, giành dân, nhằm xóa bỏ hình thế “da báo” trên chiến trường miền Nam của địch sau Hiệp định Paris. Tình hình chính trị, quân sự của chính quyền Sài Gòn rối ren, còn nước Mỹ vẫn đang vướng phải những rắc rối sau vụ Watergate (khiến Tổng thống Nixon từ chức 8/1974). Trước khi họp Hội nghị này, Bộ Chính trị đã họp lần đầu về kế hoạch giải phóng miền Nam (30/9 - 7/10/2014), nhưng lần này, thành phần dự Hội nghị được mở rộng - ngoài các ủy viên Bộ Chính trị, có các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, các Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến. Hội nghị đang họp thì tin chiến thắng trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long báo về. Đây là thắng lợi có ý nghĩa của một đòn “trinh sát chiến lược” của quân ta, vì nó chứng tỏ thế mạnh của quân giải phóng, sự yếu kém mọi mặt của ngụy quân, khả năng phản ứng yếu kém khi đối phó với đòn tấn công quy mô vừa. Điều quan trọng hơn, thắng lợi Phước Long cho phép ta đánh giá phản ứng của Mỹ, khả năng quay trở lại tham chiến của quân đội Hoa Kỳ. Việc tỉnh đầu tiên của miền Nam được Chính phủ cách mạng lâm thời CHMN Việt Nam làm chủ hoàn toàn, chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 100 km nhưng phía Mỹ chỉ phản ứng yếu ớt bằng việc báo động Hạm đội 7 ngoài Thái Bình Dương cho thấy họ chưa thể đưa quân trở lại Việt Nam do ngại sự phản ứng của phe chủ hòa trong quốc hội và dân chúng Mỹ. Xuất phát từ kết quả thắng lợi chiến lược trên chiến trường, Bộ Chính trị đã vạch ra Kế hoạch giải phóng miền Nam phù hợp, sáng tạo, xác định có thể phải chiến đấu trong 2 năm 1975-1976, nhưng cả năm 1975 là thời cơ, và nhấn mạnh phương án thời cơ: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì giải phóng miền Nam trong năm 1975. Hội nghị cũng nhất trí chiến dịch mở đầu cho cuộc Tổng tiến công lịch sử sẽ tiến hành ở Nam Tây Nguyên với mục tiêu chính là đánh chiếm Buôn Ma Thuột.
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/1/1975)
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, những tin vui náo nức đến giữa lúc đang tiến hành các cuộc hội nghị bàn phương án chiến lược, hay khi đấu trí căng thẳng ở những hội nghị ngoại giao quốc tế đã đem đến vị thế mới, niềm tin mới cho ta giành những thắng lợi quyết định, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét