VỤ CHARLIE HEBDO VÀ HỆ LỤY: KHI “BÓNG MA” CỰC HỮU ÁM ẢNH NƯỚC PHÁP

[Minh Trị]

Vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo đã trôi qua được hai tuần, các thủ phạm chính đã bị tiêu diệt, làn sóng phẫn nộ trong công chúng Pháp và nhân dân thế giới phản đối hành vi tội ác man rợ này cũng đã được biểu hiện rõ nét với đỉnh cao là cuộc diễu hành lớn ngày 11/1 tại Thủ đô Paris với hơn 1 triệu người tham gia, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia. Bây giờ là lúc chúng ta nhìn nhận lại hậu quả mà cuộc thảm sát này để lại đối với bầu không khí chính trị Pháp.

Dễ nhận thấy, vụ việc kinh hoàng đã diễn ra với thủ phạm là các đối tượng khủng bố cực đoan theo đạo Hồi sẽ khiến cho cuộc sống của người Hồi giáo tại Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Mặc cảm kỳ thị và sự ám ảnh bị trả thù sẽ khiến cho sự hòa nhập của họ vào xã hội Pháp gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Hành động phi nhân tính của các phần tử cực đoan đã làm cho đại đa số người Hồi giáo lương thiện ở Pháp gặp nhiều khó khăn.

Xét trên góc độ chính trị, sự “kỳ thị” khó tránh khỏi trong lòng xã hội Pháp đối với người theo Đạo Hồi tạo ra cái cớ để đảng cực hữu ở Pháp - Mặt trận quốc gia (FN) do bà Marine Le Pen cầm đầu trỗi dậy và gia tăng phạm vi ảnh hưởng. Trong cuộc diễu hành lịch sử ngày 11/1 vừa qua có mặt hơn 1 triệu người tại Paris, nhưng đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia đã không được mời. Cựu chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (Front National) Jean-Marie Le Pen tuyên bố: “Tôi không phải là Charlie” để phản đối. Các vụ tấn công khủng bố không khỏi gây lo ngại cho một sự kỳ thị tôn giáo có thể nổi lên trong lòng người dân Pháp, đây đó đã có vài vụ quăng đá vào cửa tiệm người đạo Hồi. Người ta cũng lo ngại các đảng cực hữu sẽ lợi dụng sự kiện này để gây ảnh hưởng.


Các vị nguyên thủ quốc gia trong buổi diễu hành tưởng niệm các nạn nhân vụ Charlie Hebdo (11/1/2015)

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu trong phiên họp toàn thể, sau phút mặc niệm dành cho các nạn nhân, bà Le Pen quy trách nhiệm cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cuồng tín gây ra các vụ tấn công ở Pháp. Bà cũng cho rằng, biên giới mở giữa 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cùng các chính sách kinh tế của khối này đã tạo điều kiện cho các vụ khủng bố diễn ra. Bà Le Pen nói: “Liệu châu Âu có đủ năng lực bảo vệ chúng tôi, những công dân châu Âu trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cuồng tín? Liệu việc mở cửa biên giới Liên minh châu Âu có giúp kiểm soát các phần tử vượt biên giới? Liệu chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng không phải là nguyên nhân đứng đằng sau sự thất bại trong khả năng ứng phó của chúng ta bởi nó đặt lực lượng cảnh sát, cơ quan tình báo, và lực lượng vũ trang ở tình trạng không được vũ trang?”.

Bà Le Pen từng suýt bị truy tố khi hồi năm 2011 bà phát biểu so sánh cảnh tượng các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện trên đường phố với việc nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Đảng Mặt trận quốc gia từ thời ông Jean Marie Le Pen đến thời bà Marine Le Pen nổi tiếng với quan điểm phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo và dung dưỡng chủ nghĩa phát xít mới. Năm 2014, Đảng Mặt trận quốc gia Pháp giành được nhiều phiếu nhất tại Nghị viện châu Âu, đánh bại Đảng xã hội cầm quyền và Đảng UMP của cựu tổng thống Sarkozy. 25 ghế giành được tại Nghị viện châu Âu lần này vượt xa so với 3 ghế năm 2009.

Lợi dụng tâm lý dân chúng Pháp có ác cảm với người Hồi giáo, đảng Mặt trận quốc gia sẽ nhân cơ hội này gây thanh thế, tạo dư luận xã hội, phát triển lực lượng để giành thêm phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống Pháp trong tương lai. Sự lớn mạnh của đảng dung dưỡng mầm mống chủ nghĩa phát xít không chỉ là nguy cơ đối với những người Hồi giáo, người nhập cư tại Pháp mà còn là mối đe dọa đến thể chế chính trị Pháp nói chung. Vì vậy, để tránh dẫn tới những hệ lụy xấu hơn cho đất nước mình, người dân Pháp cần sáng suốt nhìn nhận vấn đề, đánh giá đúng đối tượng tạo ra vụ việc đau thương là các tổ chức hồi giáo cực đoan (chỉ là thiểu số trong cộng đồng Hồi giáo), kẻ thù của họ là chủ nghĩa khủng bố, là những kẻ lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để thực hiện những hành vi điên cuồng, chứ không phải kẻ thù của họ là đạo Hồi hay người Hồi giáo nói chung. Có nhận thức được như vậy, người dân Pháp mới giúp đất nước mình đoàn kết vượt qua thử thách trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, đảm bảo khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” từ cuộc Cách mạng 1789. Không để xảy ra bất cứ hình thức phân biệt đối xử, những hành vi trả thù nào nhằm vào cộng đồng Hồi giáo; không để những kẻ cực hữu, phát xít mới, bài ngoại cực đoan lợi dụng để kích động sự thù hằn sắc tộc, tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc sô vanh và thực hiện các âm mưu chính trị đen tối của chúng.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét