ĂN VẠ

[Minh Trị]

 


    Đợt SEA Games ở Singapore vừa rồi, trong các hạng cân đối kháng Pencak Silat xảy ra tình trạng nhiều võ sĩ yếu quá, đánh không nổi đối phương nên giở trò ... nằm sàn ăn vạ. Ở hạng cân dưới 55 kg nam, võ sĩ Muhammad Faizul Nasir (Malaysia) ôm mặt đau vật vã trong trận bán kết với Võ Duy Phương của Việt Nam. Nhưng vẫn hồi phục thần kỳ để tham dự trận Chung kết, đến trận đấu này, Nasir lại tiếp tục nằm sàn không thể thi đấu tiếp sau một cú đòn của võ sĩ Nanthachai Khansakhon (Thái Lan), báo hại anh này mang tiếng là dùng đòn của môn Muay Thái trong thi đấu Silat.
 
    Tiếp đó, ở hạng cân dưới 60 kg nam, chuyện tương tự đã xảy ra, nhưng lần này hành vi ăn vạ được đẩy lên đến kịch tính cao hơn. Võ sĩ Adilan Chemaeng sau khi vượt qua được 1 võ sỹ của nước quốc tổ Silat Indonesia có tên Muhamad Yachser Arafa ở Tứ kết bằng chiêu “nằm sàn”, bước vào Chung kết gặp Nguyễn Nguyên Thái Linh (Việt Nam), khi biết không thể giành chiến thắng khi bị võ sĩ ta quật ngã nhiều lần trong hai hiệp đầu, đến hiệp thứ ba, trong một pha giáp chiến, Chemaeng chủ động cúi thấp đầu và hứng trọn cú đấm của Thái Linh rồi nằm lăn ra bất tỉnh. Cán bộ y tế vào lay mãi không tỉnh, Chemaeng phải ra khỏi thảm thi đấu với chiều... song song với mặt thảm. Ấy thế mà, khi lên nhận huy chương vàng anh ta tươi tỉnh lắm, chả thấy tí dư chấn nào của đòn đánh “bất tỉnh” ít phút trước đó.
 
    Có mỗi 10 hạng cân đối kháng thì ít nhất hai hạng cân người giành huy chương vàng sử dụng tuyệt chiêu... ăn vạ kiểu Chí Phèo. Điều này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của SEA Games nói chung và làm hoen ố tinh thần trung thực, thượng võ của môn Pencak Silat mà Indonesia đang cố xây dựng, quảng bá nói riêng (người Indo đang vận động đưa môn võ của họ vào chương trình thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á - Asiad 19 năm 2018).

    Một số anh nhà báo Việt Nam học “tuyệt chiêu” này khá nhanh. SEA Games bế mạc ngày 16/6 thì đến tối 18/6 “mấy anh” đã kịp bắt chước rồi (!). 21h tối hôm đó, tổ tuần tra trấn áp tội phạm của công an phường Văn Quán do Thiếu tá Trương Ngọc Chinh làm tổ trưởng cùng 4 chiến sĩ và các trật tự viên đang tiến hành xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Bỗng dưng,  một anh tự xưng nhà báo cởi trần, mặc độc cái quần đùi, chả thèm xuất trình giấy tờ, người lại còn có mùi rượu nhảy từ trên một chiếc ô tô 4 chỗ tiến tới và chụp ảnh, ghi hình lia lịa, theo sau là hai người nữa. Tất nhiên thấy nhóm người có biểu hiện bất thường và hung hãn như vậy, tổ công tác yêu cầu những người này ra ngoài. Nhưng nhóm người này tiếp tục có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm các chiến sĩ công an. Người hùng hăng nhất là phóng viên Tống Văn Đạt. Người này đã có những hành vi và lời nói lăng mạ, chửi bới cán bộ công an khiến những người dân sống quanh đó hết sức bất bình. Anh ta tự xưng là nhà báo lao vào xỉ vả các cán bộ công an, đồng thời rút điện thoại gọi “đồng đội” đến giải cứu. Và chỉ vài phút sau, đã có hàng chục người xưng là “phóng viên” đến hiện trường với những lời lẽ cực kỳ khó nghe. Nhóm này đã trực tiếp thóa mạ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, bất chấp sự can ngăn của lực lượng công an phường và người dân. Thực chất, đây là hành vi tống tiền của số ít phóng viên hung hãn mà thôi.

    Sau khi được mời về phường, các đối tượng này tiếp tục khiêu khích cán bộ công an, và dựng lên kịch bản, yêu cầu Tống Văn Đạt quay lại hiện trường để nằm ăn vạ. Số còn lại dùng điện thoại và máy quay ghi hình để đưa lên mạng. Đáng chú ý, trong số này, có phóng viên Lã Vinh đã tấn công cán bộ công an trực ban phường cùng với những lời lẽ của lũ giang hồ đầu đường xó chợ.

    Vào hùa với nhóm “phóng viên” này, nhiều trang báo mạng đưa tin mang tính bôi nhọ cán bộ công an, bênh vực những hành vi hung hăn, táo tợn của nhóm “phóng viên” kia. Sự kiện lại diễn ra sát dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nên một số phóng viên quá khích lại càng được đà gây sức ép đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi ăn vạ của chúng không thể qua mắt lực lượng công an và sự phát giác của quần chúng. Có một số nghi vấn mà chúng không sao biện minh nổi:

    - Trước khi đến hiện trường, rõ ràng một số “phóng viên” đã tổ chức giao lưu bóng đá tại sân bóng Trung Văn, rồi lại đi liên hoan, nhậu nhẹt ở quán Cá Giò Viễn Đông (đường Lê Văn Lương, gần bệnh viện Y học cổ truyền công an nhân dân). Rõ ràng, sau khi nhậu nhẹt say xỉn, các vị mới đi “xin đểu”.

    - Chúng nói rằng “tác nghiệp” dựa trên “nhiệm vụ chuyên môn đã được sự chỉ đạo của Ban biên tập”, nhưng khi công an yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ cá nhân thì không có một thứ gì. Hơn nữa, có cái Ban biên tập nào cho phép phóng viên tác nghiệp trong tình trạng lè nhè rượu bia, có Ban biên tập nào ra cái lệnh kỳ quái phát giác chốt kiểm tra giao thông sai quy định lúc ... 21h30 tối, sử dụng vài cái máy điện thoại, và để phóng viên của mình cởi trần, mặc quần đùi tác nghiệp không?

    - Giờ thời buổi bùng nổ thông tin, các báo cạnh tranh quyết liệt về việc cơ quan nào đưa được tin tức nhanh hơn, nóng hổi hơn. Vậy tại sao đi cùng Tống Văn Đạt (báo Tuổi trẻ Thủ đô) lại có Nguyễn Hoàng Long (báo Tri thức trẻ) và Trần Anh Đức (báo Thương hiệu và Công luận)? Định “chia sẻ bản quyền” à?!

    - Phường Văn Quán tình hình trật tự có phức tạp do diện tích rộng, gần trung tâm, có hồ lớn. Hoạt động kiểm soát trật tự công cộng, xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm, vi phạm luật giao thông là thi hành chức trách, công vụ. Vậy các anh lấy vai trò gì ra để xâm phạm quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ của người ta; trong khi các anh giơ máy lên quay phim, chụp ảnh thì lại được cho thi hành công vụ và phải được ... bảo vệ (!). Giống như một độc giả quá bức xúc đã đăng trên một diễn đàn: “Tôi chưa thấy nghề nào phải vận động xin xỏ cơ chế bảo vệ khi tác nghiệp, thế mà các bạn báo lại đang xin, lại còn đòi tác nghiệp báo chí phải được công nhận là thi hành công vụ cơ. Thích làm loạn à? Thích làm bố đời à? Sao các bạn không tự hỏi tại sao đi đến đâu người ta cũng tránh như tránh tà? Dân đánh, doanh nghiệp đuổi, công an thì phải giải về phường, chắc trùng hợp thôi, nhờ”.    

    - Quần chúng ở đó đều chứng thực là khi giơ máy quay, điện thoại chụp hình gí sát mặt các chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, Tống Văn Đạt cởi trần mặc quần đùi (sau khi đá bóng và nhậu về). Vậy mà khi nằm vạ trên vỉa hè, anh ta quần áo đầy đủ lắm; lại còn quấn trên mình bông băng trắng. Ấy thế nhưng sau đó, khi đưa đến bệnh viện Xanh Pôn thăm khám, chỉ có một vết thương gần mí mắt phải, chứ vùng đầu, trán anh ta không có chút dấu vết thương tích nào. Diễn đạt quá đấy!

    - Hai người ngồi trong xe ô tô mà phóng viên Đạt bước xuống cũng xác nhận là không thấy các chiến sĩ công an phường Văn Quán đánh mà chỉ nghe phóng viên Đạt kêu bị đánh và dùng dùi cui điện gí vào đầu. Trong biên bản xác nhận vụ việc, hai người ngồi trong xe ô tô đi cùng phóng viên Đạt có xác nhận điều này. Vậy thì vết thương mà Đạt bị nhiều khả năng không phải do ai đó trong cán bộ công an chủ động thực hiện, hoặc do quá trình giằng co vô tình dẫn tới, hoặc có khi “các bố” phóng viên say xỉn đã va vào đâu trước đó rồi cũng nên!

    - Việc nôn ói, đau đầu của anh ta có thực sự là do “công an đánh”, hay do hậu quả của trận nhậu nhẹt tưng bừng kỷ niệm ngày 21/6 còn “dư chấn”?

    Nói chung là các “nhà báo” bắt chước vận động viên Pencak Silat ở SEA Games không ăn thua đâu. Vì người ta ngã lăn ra, bất tỉnh cũng vì thành tích, huy chương cho nước nhà. Chứ còn cái loại các anh, làm Chí Phèo cũng chỉ khiến cho trật tự trị an thêm lộn xộn và làm trò cười cho người dân thôi.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét